Công cuộc “đả hổ diệt ruồi” ở Việt Nam: Bao nhiêu đảng viên đã ‘vào lò’?

Công cuộc ‘đả hổ diệt ruồi’, chiến dịch ‘đốt lò’ chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam ngày càng được đẩy mạnh dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sputnik
Tại Hội nghị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết, có 25.104 đảng viên suy thoái, có biểu hiện ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ đã bị kỷ luật trong 5 năm qua.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, không biến các cuộc họp phê bình, tự phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng nhau. Cần tránh tình trạng “ngậm miệng ăn tiền”, đấu đá nội bộ, hạ bệ nhau với động cơ không trong sáng.

Việt Nam: Hơn 25 ngàn đảng viên bị kỷ luật

Sáng nay, 19/12, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ngoài người đứng đầu Đảng, còn có hầu hết các lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú…
Trình bày báo cáo tại Hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết, từ năm 2016 - 2020, có 25.104 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (0,5% tổng số đảng viên) bị xử lý kỷ luật.
Trong số này, có 15.101 đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống (chiếm 60%); 8.281 đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị (chiếm 33%), 1.722 đảng viên biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (chiếm 6,9%).
Chiến dịch đốt lò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Ai vào tầm ngắm tiếp theo?
Cũng theo báo cáo của Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, trong 8.281 đảng viên bị xử lý kỷ luật do suy thoái về tư tưởng chính trị, có 6.838 đảng viên (chiếm số lượng lớn nhất) là không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng, sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác, né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả.
Thống kê của cơ quan chức năng cũng cho thấy, 477 đảng viên nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nói không đi đôi với làm, hứa nhiều, làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đường chức với lúc về nghỉ hưu.
Báo cáo cũng chỉ rõ, trong 15.101 đảng viên bị kỷ luật về suy thoái đạo đức, lối sống, nhiều nhất với 7.692 đảng viên có các hành vi đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín, dị đoan, ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp; sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội.
Có 2.216 đảng viên gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả, mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc. Sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động.
Đặc biệt, số đảng viên tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn của kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực lên tới 1.623 người.
Trong số 1.722 đảng viên có hành vi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” - chiếm nhiều nhất với 1.626 người “nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của hhà nước, hạ thấp, phủ nhận thành quả cách mạng, thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Trình bày báo cáo, bà Trương Thị Mai khẳng định, Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam cho thấy, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong nhiệm kỳ XII được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt, trên các mặt xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, phòng chống tham nhũng và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trình bày báo cáo tại hội nghị
Việc xử lý, kỷ luật, ngăn chặn các Đảng viên vi phạm, làm trong sạch đội ngũ, nâng cao công tác chỉnh đốn Đảng một lần nữa thể hiện vai trò lãnh đạo, đường lối đúng đắn, nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đồng thời, góp phần khắc phục nhiều mặt hạn chế, yếu kém nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định, bước đầu ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, khiến niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố và tăng cường.
“Bài học về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là bài học kinh nghiệm xuyên suốt của Đảng từ khi thành lập đến nay, nhất là trong công cuộc đổi mới của Đảng”, đồng chí Trương Thị Mai nêu rõ.

Tổng Bí thư: Tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tập trung làm rõ ba vấn đề đặc biệt quan trọng.
“Thứ nhất lâu nay, chúng ta đã từng bàn nhiều, làm nhiều về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vì sao lần này Trung ương lại tiếp tục bàn và ra Nghị quyết về vấn đề này? Thứ 2 là những tinh thần mới, nội dung mới của lần này là gì? và chúng ta phải làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 lần này, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động”, Tổng Bí thư băn khoăn.
Thông tin về việc vì sao Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII tiếp tục bàn về việc đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam và công tác xây dựng Đảng luôn luôn là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Tổ quốc.
“Hãy cho tôi một tổ chức những người cách mạng, tôi sẽ làm đảo lộn cả nước Nga và trong học thuyết về Đảng kiểu mới, Lênin đã nêu ra, chỉ rõ tư tưởng, xây dựng Đảng phải luôn luôn đi đôi với chấn chỉnh, củng cố Đảng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại lời của V.I. Lenin.
Vì vậy, để làm tròn vai trò lãnh tụ chính trị, bộ tham mưu chiến đấu và đội tiên phong của cách mạng, Đảng phải luôn luôn trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Theo người đứng đầu Bộ Chính trị, hơn 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác lập, củng cố và ngày càng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức mạnh và uy tín của Đảng bằng chính bản lĩnh, nghị lực, trí tuệ, lý luận tiên phong.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị
Điều này được thực hiện bằng đường lối đúng đắn mang lại lợi ích thiết thân cho nhân dân, cho đất nước; bằng sự nêu gương, hy sinh quên mình, phấn đấu không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, đảng viên; bằng một tổ chức đoàn kết, thống nhất chặt chẽ, vững chắc; bằng mối liên hệ máu thịt với nhân dân, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ và bảo vệ.
“Thực tế từ ngày có Đảng, nhân dân ta đã có người lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt và nhờ thế chúng ta đã giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX”, Tổng Bí thư nêu rõ.
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
“Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng và lịch sử vẻ vang của Đảng ta - Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sáng lập và rèn luyện, đại biểu của dân tộc Việt Nam anh hùng”, đồng chí Nguyễn Phú Trọng khẳng định.

Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Theo lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ tính riêng 10 năm gần đây, ngay từ đầu mỗi nhiệm kỳ, các Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương đều bàn và ban hành những nghị quyết, kết luận, quy định hết sức quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng - lần sau sâu sắc, toàn diện và cụ thể, rõ ràng hơn so với lần trước.
Nếu như Hội nghị Trung ương 4 khoá XI mới chỉ tập trung bàn và ra Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng" thì đến Hội nghị Trung ương 4 khoá XII đã có sự bổ sung, đổi mới rất căn bản về phạm vi và nội dung, bao gồm toàn bộ các vấn đề "Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, theo đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Những điểm mới trong Quy định 'kỷ luật Đảng' vừa được Tổng bí thư ký duyệt
Tổng Bí thư cũng cho rằng, cùng với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và khoá XII, Chỉ thị số 05, Quy định số 08, Quy định số 47 về 19 điều đảng viên không được làm, và đặc biệt là việc thành lập, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và đi vào hoạt động rất có hiệu quả của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực đã tạo sự chuyển biến tích cực, rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, được nhân dân tin yêu, đồng tình, ủng hộ.
“Việc này góp phần rất quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị nói chung, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế nói riêng của Việt Nam”, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định.
Ngoài những kết quả, thành tích đã đạt được, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII của Đảng cũng còn những hạn chế, khuyết điểm.
Do đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Đảng phải tiếp tục nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ, thực sự "là đạo đức là văn minh"; nỗ lực hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức để lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn.
Trong đó, theo Tổng Bí thư, cần tập trung vào việc phát huy những tác động tích cực, khắc phục những tác động tiêu cực, mặt trái của kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế.
Toàn cảnh hội nghị
Theo đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khẳng định, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Nguyên tắc tập trung dân chủ bị buông lỏng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm.
Cùng với đó, việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, luật pháp thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều điểm chưa kịp thời, nhiều văn bản quy định thiếu chế tài cụ thể, thực hiện không nghiêm. Quản lý cán bộ, đảng viên còn lỏng lẻo.
Tại Việt Nam, việc đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ nhiều trường hợp còn nể nang, cục bộ. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên chưa được coi trọng đúng mức, chậm đổi mới, kém hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi chưa thường xuyên, chưa nghiêm túc. Ngoài ra, cũng chưa phát huy đầy đủ, hiệu quả vai trò của nhân dân trong việc giám sát, phản biện, góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các hình thức khác.
“Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải gương mẫu, tự giác làm trước (ngay sau Hội nghị này, không phải chờ đợi gì cả)”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ.
Tinh thần "đốt lò" của Tổng bí thư - không ngoại lệ, vùng cấm
Đồng thời, căn cứ vào Nghị quyết, Kết luận và Quy định lần này, nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình.
“Mọi đảng viên đều phải làm như vậy, chứ không phải chỉ đứng ngoài mà "phán", hoặc "chờ xem", coi như mình vô can”, ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Không ngậm miệng ăn tiền, hạ bệ, đấu đá nội bộ

Theo Tổng Bí thư, việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần được chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ; tiến hành nghiêm túc, thận trọng; làm đến đâu chắc đến đó, đạt kết quả cụ thể, thực chất. Hết sức tránh làm lướt, làm qua loa, hình thức, chiếu lệ.
“Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; đồng thời cũng ngăn chặn, tránh tình trạng lợi dụng dịp này để "đấu đá", "hạ bệ" nhau với những động cơ không trong sáng. Nghiêm khắc xử lý những trường hợp trù dập phê bình và vu cáo người khác”, người đứng đầu Đảng quả quyết.
Ban bí thư chỉ thị xây dựng Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân
Theo Tổng Bí thư, kinh nghiệm cho thấy, muốn tự phê bình và phê bình có kết quả tốt, điều quan trọng là phải giữ vững nguyên tắc của Đảng, thật sự phát huy dân chủ trong Đảng; người đứng đầu phải gương mẫu làm trước và phải có các hình thức dân chủ để quần chúng đóng góp, phê bình cán bộ, đảng viên và phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến phê bình đúng đắn.
“Những trường hợp sai phạm nghiêm trọng mà không thành khẩn, không tự giác, tập thể giúp đỡ mà không tiếp thu thì phải xử lý thích đáng. Mọi thái độ nể nang, né tránh, hữu khuynh, "ngậm miệng ăn tiền" hoặc cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ, đều là không đúng”, Tổng Bí thư nói.
Do đó, tự phê bình và phê bình đòi hỏi mỗi người phải có tinh thần tự giác, trách nhiệm rất cao, có tình thương yêu đồng chí thật sự, và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân tình.
“Đây cũng là dịp để hiểu thêm cán bộ, có cơ sở để đánh giá cán bộ, xem xét kết hợp chuẩn bị quy hoạch cán bộ cho thời gian tới”, Tổng Bí thư lưu ý.
Đại biểu dự hội nghị
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng, với truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng ta, với quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, lại được nhân dân đặt nhiều kỳ vọng, hưởng ứng, đồng tình ủng hộ, nhất định Việt Nam sẽ vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi Kết luận, Quy định của Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII và các Nghị quyết, Quyết định khác, tạo bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
“Làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện, thật sự là đạo đức, là văn minh, xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận.
Thảo luận