Vì sao Việt Nam cần năng lượng hạt nhân nguyên tử?

Theo PGS.TS Nguyễn Nhị Điền, dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân với thiết bị chính là lò phản ứng nghiên cứu mới công suất 10 MWt được thực hiện trên cơ sở Hiệp định Liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Sputnik
Các chuyên gia Nga, Mỹ, Nhật Bản lý giải vấn đề liệu năng lượng nguyên tử hạt nhân có phải là lựa chọn đúng với Việt Nam và Hà Nội có cần điện hạt nhân hay không.

Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân

Ngày 9/12, Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 14 (Vietnam Conference on Nuclear Science and Technology – VINANST 14) do Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại Đà Lạt, Lâm Đồng.
Kể từ năm 1996, sau khi được Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã tiến hành 13 hội nghị thành công về khoa học và công nghệ hạt nhân, định kỳ 2 năm một lần.
Năm nay, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 14 diễn ra theo hình thức trực tuyến nhưng với quy mô lớn và tầm khu vực, thu hút sự tham gia của hơn 40 tổ chức trong và ngoài nước với hơn 250 đại biểu là các chuyên gia, cán bộ nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng năng lượng nguyên tử thuộc các tổ chức khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, các cán bộ quản lý thuộc các bộ, ngành, cơ quan, địa phương của Việt Nam cũng như đại diện đến từ những nước sở hữu nền công nghệ hạt nhân tiên tiến hàng đầu thế giới.
«Rosatom» và Việt Nam ký bản ghi nhớ về Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân
Phát biểu tại Hội nghị, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ – TS. Trần Chí Thành cho biết, Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 14 này là sự kiện quan trọng không chỉ với cộng đồng năng lượng nguyên tử Việt Nam mà còn có ý nghĩa lớn đối với công tác thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử của đất nước trong bối cảnh Việt Nam hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng công nghệ, năng lượng nguyên tử “vì mục đích hòa bình”.
Hội nghị lần này tập trung vào nhiều nội dung chuyên môn như ứng dụng phương pháp định hướng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) trong kỹ thuật lò phản ứng hạt nhân; ứng dụng chùm nơtron của lò phản ứng nghiên cứu và một số kết quả tại lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.
Đáng chú ý, công trình nghiên cứu về bằng chứng thực nghiệm về hiện thực vật lý của photon đơn năng trong giao thoa hai khe bất đối xứng, một bằng chứng thực nghiệm đồng thời quan sát được lưỡng tính đối ngẫu cả sóng và hạt sẽ dẫn đến nhu cầu phải xem xét lại cách giải thích cơ học lượng tử chính thống đương đại, cho thấy thí nghiệm hai khe bất đối xứng với một chùm laser có thể là một minh họa đơn giản nhất của lời giải ‘khe nào’ để xác định có hay không khái niệm thực thể vật lý của hạt vi mô… thu hút được sự quan tâm của các đại biểu.

Việt Nam sẽ có Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân

Thông tin tại Hội nghị, Viện trưởng Trần Chí Thành cho hay, kể từ sau hội nghị lần thứ13 (năm 2019), Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã tiến hành triển khai Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân (Dự án Trung tâm CNST) với thiết bị chính là lò phản ứng nghiên cứu mới công suất 10MWt.
Trong hai năm qua, nhóm các nhà khoa học đã xem xét cấu hình và nghiên cứu thiết kế lò phản ứng, đồng thời coi đây là nhiệm vụ quan trọng.
Việt Nam xây trung tâm hạt nhân 600 triệu USD cùng sự hỗ trợ của Liên Bang Nga
TS. Trần Chí Thành cho biết thêm, hiện Việt Nam đang nghiên cứu hệ thống mô phỏng phát tán vật liệu hạt nhân AIR trong không khí và dòng chảy đại dương.
“Đây là dự án nghiên cứu nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho những nguy cơ khuếch tán ra môi trường”, ông Thành nói.
Lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử cũng đề cập, công tác nghiên cứu về vật lý hạt nhân, sử dụng trí tuệ nhân tạo AI trong kỹ thuật lò phản ứng, an toàn điện hạt nhân, nghiên cứu đồng vị mới hay ứng dụng dược chất phóng xạ sử dụng trong y học hạt nhân đều đang được các nhà khoa học Việt Nam thực hiện tích cực.
Về lĩnh vực y tế, PGS.TS Lê Ngọc Hà, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 có báo cáo về “Dược chất phóng xạ sử dụng trong y học hạt nhân tại Việt Nam: Hiện tại và Triển vọng” .
Theo PGS.TS Lê Ngọc Hà, kế hoạch phát triển các ứng dụng năng lượng nguyên tử trong y tế của Chính phủ, nhiều trung tâm cyclotron và PET/CT, SPECT/CT đang phát triển trên phạm vi cả nước.
Báo cáo từ Bệnh viện Quân y 108 cũng nhấn mạnh đến các đồng vị phóng xạ sử dụng trong y học hạt nhân được sản xuất từ các nguồn khác nhau như lò phản ứng hạt nhân, cyclotron và máy phát phóng xạ cũng như tình hình về dược chất phóng xạ (DCPX) ở trong nước.
“Hiện nay ở Việt Nam, ngoài các dược chất phóng xạ kinh điển như 131I, 99mTc, 18F-FDG thì có rất ít dược chất phóng xạ mới được sử dụng cũng như cấp phép lưu hành so với các nước trong khu vực và trên thế giới”, PGS.TS Lê Ngọc Hà nhấn mạnh.
Các nhà khoa học nhận định về khả năng điều trị COVID-19 bằng phóng xạ
Theo chuyên gia, điều này một phần do những đặc thù riêng của các dược chất phóng xạ khác biệt hoàn toàn so với các thuốc thông thường khác. Dựa trên các quy định hiện hành của Bộ Y tế, báo cáo của Viện 108 cũng đồng thời đưa ra đề xuất có thể áp dụng các dược chất phóng xạ mới vào thực hành lâm sàng y học hạt nhân.
“Dược chất phóng xạ không chỉ hiệu quả trong chẩn đoán điều trị ung thư, còn giúp ứng dụng chẩn đoán điều trị tim mạch tâm thần kinh, bệnh Alzheimer”, PGS.TS Lê Ngọc Hà thông tin.
Ông Hà cũng dẫn chứng nghiên cứu từ năm 2018 cho biết, dự báo đến năm 2026 thị trường dược chất phóng xạ sẽ nhân lên gấp đôi. Điều này cho thấy nhu cầu ngày càng tăng trên thế giới hiện nay cũng như tại Việt Nam về lĩnh vực này.

Hướng đến xây dựng lò phản ứng mới của Việt Nam

Đối với lĩnh vực nghiên cứu vật lý lò phản ứng, TS. Phạm Ngọc Sơn, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cho biết, nhiều ứng dụng chùm nơtron của lò phản ứng, trong đó gồm cả công nghệ sinh học, nghiên cứu vật liệu, thẩm định vật mẫu không phá hủy, tạo sản phẩm công nghệ mới.
Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt
TS. Phạm Ngọc Sơn cũng nhấn mạnh, việc nghiên cứu ứng dụng chùm nơtron này cũng nhằm giúp chuẩn bị kiến thức và tiếp cận công nghệ để xây dựng lò phản ứng mới của Việt Nam trong tương lai.
Trình bày báo cáo về tình hình thực hiện dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân và đề xuất các hướng nghiên cứu và ứng dụng chính của Lò phản ứng nghiên cứu mới Đà Lạt, PGS.TS Nguyễn Nhị Điền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cho biết nhiều thông tin đáng chú ý.

“Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân với thiết bị chính là lò phản ứng nghiên cứu mới công suất 10 MWt được thực hiện trên cơ sở Hiệp định Liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên bang Nga”, ông Điền nhắc lại.

Hiện tại, dự án này đã qua giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi (Pre-FS) và đang bắt đầu nghiên cứu khả thi (FS) gồm: Khảo sát kỹ thuật và đánh giá địa điểm đã được phê duyệt trong chủ trương đầu tư; Lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (Báo cáo FS); Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, trên cơ sở đó lập Hồ sơ đề nghị phê duyệt địa điểm xây dựng Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân để thực hiện trong giai đoạn 2022-2024.
Việt Nam sẽ có trung tâm công nghệ hạt nhân?
Theo PGS.TS Nguyễn Nhị Điền, để tiến hành thực hiện nhóm nghiên cứu tiền khả thi, sàng lọc, đánh giá sơ bộ các địa điểm, đề xuất địa điểm phù hợp để thiết kế lò phản ứng nghiên cứu mới.
“Đối với giai đoạn nghiên cứu khả thi, tiến hành khảo sát kỹ thuật và đánh giá địa điểm, thiết kế cơ sở và đánh giá các tác động môi trường, qua đó là bước đệm tiến tới thực hiện xây dựng dự án”, theo PGS.TS Nguyễn Nhị Điền.
Trình bày cụ thể, chuyên gia cho biết, nhóm nghiên cứu sử dụng lò phản ứng cấu hình lõi với 8 kênh chiếu xạ bên ngoài và một kênh chiếu xạ lớn 130mm ở trung tâm.
“Trong thiết kế máy RR sử dụng hai loại nhiên liệu của Liên bang Nga gồm IRT-4M (8 ống FA tiêu chuẩn và 6 ống cột kiểm soát) và VVR-KN (8 ống FA tiêu chuẩn và 5 ống cho cột kiểm soát)”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt nói.
PGS.TS Điền nhấn mạnh, các thiết kế hướng tới an toàn trong vận hành, sử dụng và có tính tiết kiệm cao, đồng thời có đủ khả năng để mở thêm cơ sở thí nghiệm trong thời gian dài trong vòng đời 60 năm của lò phản ứng.
Chuyên gia này cũng cho biết, nghiên cứu lò phản ứng có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, từ vật lý lò phản ứng, nhiệt phản lực, an toàn bức xạ hạt nhân, hóa phóng xạ, hóa học về nước, hoặc phân tích cơ cấu vật liệu, đặc tính vật liệu, chụp ảnh nơtron, ứng dụng dược chất phóng xạ sử dụng trong y học hạt nhân tại Việt Nam và trên thế giới.

Năng lượng hạt nhận có phải sự lựa chọn tốt cho Việt Nam?

Tại Hội nghị hôm nay, các đại biểu lắng nghe báo cáo của nhiều chuyên gia quốc tế đến từ Nga, Mỹ, Nhật Bản.
TS. Grigory V. Trubnikov, Chủ tịch Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna (JINR) trình bày chương trình hợp tác về nghiên cứu hạt nhân giữa Việt Nam và JINR, Nga.
Đáng chú ý, GS. Masaki Saito, Viện Công nghệ Tokyo (TIT) bàn về vấn đề liệu năng lượng hạt nhân có phải là sự lựa chọn tốt cho Việt Nam hay không.
Theo chuyên gia, công nghệ hạt nhân, năng lượng nguyên tử, điện hạt nhân là hướng đi đúng đắn của Việt Nam.
“Lựa chọn năng lượng (điện) hạt nhân là một trong lựa chọn đúng đắn nhằm phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai”, chuyên gia đầu ngành của Viện Công nghệ Tokyo khẳng định.
Việt Nam cam kết chỉ sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình
GS. Masaki Saito dẫn chứng, địa hình Việt Nam phù hợp với thủy điện và có nhiều ưuđãi tự nhiên. Mặc dù hướng phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió cũng có nhiều tiềm năng, song chịu ảnh hưởng bởi thời tiết và khí hậu nên yếu tố ổn định và bền vững cần được tính đến.
Trong khi đó, công nghệ hạt nhân có ưu điểm là nguồn cung cấp điện sạch (không carbon) và cung cấp hydro. Nhà khoa học Nhật Bản khẳng định đây là nguồn năng lượng tiềm năng để hướng đến một xã hội bền vững ở Việt Nam.
GS. Saito cho rằng, các nhà máy điện hạt nhân lớn được cải tiến, ứng dụng công nghệ cao, song song với lò phản ứng modul nhỏ (SMR) và lò phản ứng vi mô giúp phát triển bền vững quy mô toàn cầu, ổn định và tin cậy.
GS Hiroyoshi Sakurai, Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu Hóa Lý RIKEN, Nhật Bản thông tin về nghiên cứu với chùm tia đồng vị phóng xạ, các kết quả nghiên cứu, tính toán tương quan nơtron cho lò phản ứng. Chuyên gia Nhật cho biết, các nghiên cứu được ứng dụng trong lĩnh vực vật lý và kỹ thuật hạt nhân, phát hiện vi khuẩn hữu ích trong lĩnh vực y tế, chế tạo bán dẫn, vệ tinh, khoa học vũ trụ.
GS. Đinh Trúc Nam, ĐH Bắc Carolina (NCSU), Hoa Kỳ đem đến Hội thảo nghiên cứu ứng dụng phương pháp định hướng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo AI, học máy trong kỹ thuật lò phản ứng hạt nhân.
Cũng giữ quan điểm tương đồng với GS. Saito, chuyên gia Mỹ, Anthony Wier đánh giá, sau thủy điện, năng lượng hạt nhân sẽ là lựa chọn hợp lý cho Việt Nam bởi đây là nguồn năng lượng không phát thải.
Cùng với đó, các lò phản ứng đem lại lợi ích đáng kể như chi phí vận hành thấp so với máy điện truyền thống, tính ứng dụng kết hợp năng lượng sạch, có thể kết nối điện quốc gia, ứng dụng nhiều khía cạnh như khử mặn cho nước, thay thế than, phát triển năng lượng thân thiện môi trường, tạo nguồn điện sạch, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Việt Nam muốn khởi động lại dự án điện hạt nhân
TS. Trần Chí Thành cũng cho rằng, năng lượng nguyên tử có nhiều tiềm năng so với các định dạng năng lượng tái tạo khác, năng lượng gió khi có mức phát thải bằng 0. Chỉ trong thập kỷ tới, sẽ có hơn 10 quốc gia tham gia vào lĩnh vực này, theo Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cũng ủng hộ vai trò của ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực.
Hiện nay, cả Việt Nam và thế giới đều đang đối diện với nhiều thách thức lớn liên quan đến năng lượng, môi trường, dịch bệnh.
Do đó, theo đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình vẫn sẽ giúp Việt Nam phát triển kinh tế xã hội và khắc phục các thách thức hiện tại.
Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 14 diễn ra đến hết ngày 10/12/2021.
Như Sputnik đã đề cập trước đó, ông Rafael Mariano Grossi , Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cam kết IAEA sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật cho Việt Nam trong các lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình, qua đó góp phần nâng cao vị thế, uy tín và vai trò của Hà Nội trên trường quốc tế.
Thảo luận