Thế giới lo khủng hoảng năng lượng, vì sao giá xăng Việt Nam bất ngờ giảm mạnh?

Tại Việt Nam, giá xăng dầu đồng loạt giảm mạnh từ chiều nay. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 1.100 đồng/lít, xuống còn 22.800 đồng/lít, E5 RON 92 giảm 830 đồng, còn 22.080 đồng/lít. Các mặt hàng dầu giảm từ 870-1.050 đồng/lít.
Sputnik
Chuyên gia lý giải nguyên nhân vì sao giá xăng dầu ở Việt Nam đột ngột giảm mạnh nhất trong vòng 21 tháng qua bất chấp bối cảnh giá xăng dầu thế giới vẫn biến động dữ dội, thiếu yếu tố ổn định do lo ngại khủng hoảng năng lượng.

Giá xăng dầu đột ngột giảm mạnh

Giá xăng trong nước vừa có được điều chỉnh giảm mạnh nhất trong vòng 21 tháng qua.
Theo đó, chiều nay 10/12, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã ban hành quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần.
Cụ thể, giá xăng RON 95 giảm 1.100 đồng/lít, xăng E5 RON 92 giảm 830 đồng/lít. Mức giá bán lẻ tối đa sau điều chỉnh với xăng E5 RON 92 là 22.080 đồng/lít và xăng RON 95 là 22.800 đồng/lít.
Như vậy, đây là mức giảm giá xăng mạnh nhất tính từ ngày 29/3/2020 (giá xăng E5 RON 92 khi đó giảm 4.100 đồng/lít còn 11.956 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 4.252 đồng/lít còn 12.560 đồng/lít)
Mua bán xăng tại cửa hàng bán lẻ xăng, dầu Petrolimex
Đến nay, giá xăng trong nước đã có 2 lần giảm mạnh liên tiếp. Trước đó, giá xăng đã tăng liền 3 tháng và đạt mức cao nhất trong vòng 7 năm, chỉ thấp hơn kỷ lục lịch sử ngày 7/7/2014.
Trong vòng một năm vừa qua, giá các mặt hàng xăng trong nước đã tăng tới 18 lần, giảm 5 lần và giữ nguyên 3 lần, trong đó xăng E5 RON 92 tăng tổng cộng 8.195 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 8.099 đồng/lít.
Bên cạnh giá xăng, trong lần điều chỉnh này, các mặt hàng dầu cũng giảm mạnh. Dầu diesel hiện ở mức 17.330 đồng/lít; dầu hỏa là 16.320 đồng/lít và dầu mazut là 15.740 đồng/kg.
Lần điều chỉnh này, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã thực hiện trích quỹ bình ổn với xăng E5 RON 92 ở mức 250 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 700 đồng/lít, dầu mazut 700 đồng/kg, dầu hỏa 500 đồng/lít, dầu diesel 250 đồng/lít. Liên Bộ không chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng dầu.
Trong báo cáo về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu mới đây, Bộ Tài chính cho biết đến hết quý III năm 2021, quỹ chỉ còn dư hơn 824 tỷ đồng, giảm gần 300 tỷ so với quý II và thấp hơn 8.400 tỷ đồng so với số dư hồi đầu năm.
Chỉ trong quý III, các doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu trong nước đã trích quỹ bình ổn giá tổng cộng 502 tỷ. Ngược lại, số tiền quỹ chi ra để bình ổn giá từ tháng 7 đến tháng 9 là 803 tỷ đồng.
Như vậy, từ mức 1.123 tỷ vào cuối quý II, số dư quỹ đã giảm còn 824 tỷ đồng đến hết tháng 9. Đây là quý thứ 4 liên tiếp ghi nhận giảm số dư quỹ bình ổn, từ quý IV/2020 đến nay.
Việt Nam thay đổi cách tính giá cơ sở, quy định mới về kinh doanh xăng dầu

Vì sao giá xăng đột ngột giảm mạnh?

Vì sao dù thế giới đang lo khủng hoảng năng lượng toàn cầu, đặc biệt là nhu cầu phục hồi kinh tế, gia tăng sản xuất, nhưng giá xăng dầu tại Việt Nam lại đột ngột giảm?
Theo các chuyên gia, giá xăng tại Việt Nam giảm mạnh có thể là do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu xuất phát từ tác động của xu hướng thế giới.
PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận định, giá xăng dầu Việt Nam chịu ảnh hưởng từ giá dầu thế giới, do phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu.
“Do đó, khi giá thế giới có xu hướng giảm rõ rệt thì giá trong nước chắc chắn cũng sẽ giảm theo”, PGS.TS Ngô Trí Long nói.
Giới chuyên gia cũng nêu quan điểm, giá xăng thế giới giảm mạnh, nguyên nhân chính bắt nguồn từ việc OPEC tăng sản lượng khai thác dầu mỏ và nền kinh tế các nước không phục hồi mạnh như dự đoán ban đầu khiến nguồn cung tăng dù nhu cầu không hẳn tăng tương ứng.
Cơ quan năng lượng Quốc tế (IEA) đánh giá, nguồn cung dầu thô toàn cầu thời gian này đang trên đà tăng, làm kìm hãm mức cao kỷ lục của giá xăng.
Yếu tố sợ hãi: Omicron khiến dầu xuống giá như thế nào
Cùng với đó, giá dầu giảm sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và IEA cảnh báo tình trạng dư cung trong bối cảnh các trường hợp nhiễm coronavirus và số ca mắc mới tại châu Âu gia tăng liên tục làm giảm khả năng hồi phục các nền kinh tế hàng đầu châu lục.
Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới thời gian vừa qua chịu tác động từ thực trạng dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số nước châu Âu, châu Mỹ, châu Phi hay thậm chí là tại Trung Quốc.
Cùng với đó, nguồn cung dầu được dự báo tăng do nhiều nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…bắt đầu tính đến việc sử dụng kho dự trữ dầu chiến lược để giảm giá xăng dầu.
Ngoài ra, phía Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đã quyết định thu hẹp chương trình kích thích kinh tế để kiềm chế lạm phát và được kỳ vọng sẽ sớm tăng lãi suất USD. Những yếu tố tổng hòa này đã tác động đến giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới thời gian qua.
“Tình trạng phục hồi kinh tế không như mong đợi, khiến nguồn cầu về dầu chững lại, trong khi sản lượng lại tăng khiến giá dầu giảm”, PGS.TS Ngô Trí Long bày tỏ.
Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, dự báo, giá xăng dầu thế giới không thể tăng quá cao.
Theo PGS.TS Thịnh, giá xăng dầu tăng cao khó thúc đẩy kinh tế hồi phục. Thời gian qua, chính quyền Mỹ đã kêu gọi OPEC tăng sản lượng khai thác để giảm giá dầu trên thị trường thế giới. Chưa kể nhiều nước cũng thực thi chính sách “xả kho”, “mở cửa” dự trữ xăng dầu của mình để hạ giá thị trường năng lượng đang rất nóng.
Vận hành hệ thống cung cấp xăng dầu tại kho trung chuyển
Cũng theo chuyên gia, nền kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm hơn so với dự tính do biến chủng mới Omicron bùng phát, nhiều quốc gia phải thực hiện giãn cách, nên tăng trưởng chậm lại, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng bị hạn chế hơn.
“Chính điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn cầu về xăng dầu trên thế giới thời gian tới”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Có lợi cho nền kinh tế

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) - TS. Lê Đăng Doanh nhìn nhận, việc giá xăng giảm sẽ tác động “tích cực” đến nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang hồi phục mạnh mẽ sau thời gian dài chịu tác động của dịch bệnh Covid-19.
Trước đó, Sputnik dẫn quan điểm của nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê TS. Nguyễn Bích Lâm khẳng định, giá xăng tăng sẽ tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Khi giá xăng dầu tăng lên 10% làm GDP giảm đi khoảng 0,5%. Mức giảm khá lớn này phản ánh tác động mạnh của biến động xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.
Giới chuyên gia cũng phân tích, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm của doanh nghiệp.
Trong trường hợp giá xăng dầu giảm tác động rất mạnh tới các ngành như khai thác, đánh bắt thủy sản, vận tải. Do đó, ngoài những tác động trực tiếp làm giảm giá thành sản phẩm, giá xăng dầu giảm còn làm giảm giá hàng hóa trong khâu lưu thông. Điều này góp phần giảm áp lực lên lạm phát, tăng sức cạnh tranh của dịch vụ, hàng hóa sản xuất trong nước, kích cầu tiêu dùng.
Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm xem xét can thiệp, bình ổn giá xăng dầu
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đối với thị trường Việt Nam, giá xăng dầu cũng sẽ không thể tăng quá cao.
Nguyên nhân nằm ở việc, để phục hồi sản xuất, các cơ quan điều hành cũng phải hỗ trợ giá xăng để không tăng quá cao bằng cách xả quỹ bình ổn.
“Thời gian qua, việc hỗ trợ giá xăng dầu từ Quỹ Bình ổn đã làm cho tốc độ tăng giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn 8% so với tốc độ tăng của giá xăng dầu thế giới”, chuyên gia nhận định.

Giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp

Như Sputnik đã cập nhật, từ 2/1/2022, việc điều chỉnh giá xăng dầu sẽ được thực hiện mỗi 10 ngày, tức mỗi tháng điều chỉnh 3 lần.
Giá sẽ được điều chỉnh vào các ngày 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Bằng cách này, giá xăng dầu trong nước sẽ theo sát diễn biến của giá thế giới, tránh tình trạng tăng sốc và giảm chậm.
Nếu giá xăng dầu biến động bất thường, tác động lớn tới kinh tế xã hội, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định thời gian điều chỉnh. Trường hợp giá cơ sở tăng trên 10%, Thủ tướng sẽ quyết định hướng điều chỉnh căn cứ báo cáo của Bộ Công Thương.
Công thức tính giá cơ sở mới dựa trên giá và tỷ trọng từ nguồn sản xuất trong nước (từ các nhà máy lọc hóa dầu) và nguồn nhập khẩu, chứ không chỉ phụ thuộc vào giá thế giới. Việc này sẽ giúp cắt bớt một phần thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT, từ đó giảm áp lực lên giá bán lẻ.
Xăng tăng, điện không giảm, Bộ Công Thương sẽ cố bình ổn giá
Trước đó, PGS.TS Ngô Trí Long cũng lưu ý, với giá xăng thế giới, Việt Nam sẽ khó có thể làm gì để tác động lên yếu tố này. Do đó, chỉ còn hai “van” là quỹ bình ổn giá và vấn đề thuế phí.
Ông Long phân tích, Quỹ bình ổn giá xăng dầu hoạt động theo nguyên tắc, khi giá xăng thấp doanh nghiệp sẽ phải trích vào quỹ bình ổn để khi giá xăng cao sẽ rút ra nhằm giữ giá xăng ở mức ổn định. Vì vậy, sau nhiều lần trích quỹ, hiện quỹ bình ổn còn đang âm trên 1.500 tỷ đồng nên rất khó cho các doanh nghiệp.
“Mặc dù vậy, để giá xăng dầu hạ nhiệt nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vẫn phải tiếp tục trích vào quỹ bình ổn song mức trích sẽ là không nhiều. Cuối cùng, chỉ còn yếu tố thuế là có thể điều chỉnh trong giai đoạn khó khăn này”, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh, để có thể hạ nhiệt giá xăng, cả hệ thống chính trị cần vào cuộc, trong đó vai trò của Bộ Công Thương là chống thất thu, chống buôn lậu, nhập lậu xăng dầu bởi mỗi lít xăng dầu có tới 42% là thuế, phí nên các tiểu thương sẽ bất chấp mọi thủ đoạn để buôn lậu xăng dầu.
“Chỉ khi thu đầy đủ thuế từ các nhà nhập khẩu mới góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách sau khi giảm thuế”, chuyên gia chỉ rõ.
Với Bộ Tài chính, PGS. TS Ngô Trí Long khuyến nghị cần tập trung vào nhiều loại thuế khác đang thất thu như thuế thương mại điện tử thì cần đẩy mạnh truy thu, tạo nguồn thu cho ngân sách. Đối với các nhà máy sản xuất xăng dầu thì cần tăng cường sản xuất, nâng cao công suất tăng nguồn cung và nộp thuế cho ngân sách để bù đắp lại phần thiếu hụt do giảm thuế.
“Chỉ khi ngân sách đảm bảo nguồn thu thì mới có dư địa để giảm thuế cho mặt hàng xăng dầu, khi đó người dân mới được hưởng lợi và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Thảo luận