Theo Bộ Công nghiệp và Thông tin Trung Quốc, nước này dự kiến tạo ra một cơ chế thị trường để lưu thông dữ liệu như một yếu tố sản xuất.
Nhiều chuyên gia chuyên ngành nhấn mạnh rằng, dữ liệu là dầu mỏ của thế kỷ 21
Trong thời đại số với sự phát triển của các công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu đang trở thành nguồn tài nguyên then chốt. Trung Quốc đã chiếm vị trí hàng đầu thế giới trong lĩnh vực học máy (công nghệ chính trong quá trình phát triển trí tuệ nhân tạo) chính là nhờ vào lượng dữ liệu khổng lồ tại quốc gia 1,4 tỷ dân. Ngoài dữ liệu, những yếu tố khác bảo đảm tiến bộ trong lĩnh vực kỹ thuật số là mức độ phát triển cao của các công nghệ cơ bản, cũng như đội ngũ công nhân lành nghề, các nhà khoa học và doanh nhân tài năng có sẵn ở Trung Quốc.
Về các công nghệ kỹ thuật số cơ bản, Trung Quốc vẫn đang tụt hậu so với nhà lãnh đạo thế giới không thể tranh cãi - Hoa Kỳ. Mỹ vẫn là trung tâm quan trọng nhất về sự phát triển của chip công nghệ cao. Các nhà sản xuất chip ở Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đang sử dụng các công nghệ của Mỹ. Ngoài ra, Hoa Kỳ vẫn được coi là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhiều nhà khoa học tài năng từ khắp nơi trên thế giới đã tốt nghiệp các trường đại học và cao đẳng của Hoa Kỳ. Ngoài ra, họ thích ở lại Mỹ và xây dựng sự nghiệp khoa học ở đó. Theo thống kê của tổ chức tư vấn Mỹ "Marco Polo", cứ 10 người gốc Hoa học đại học và nhận bằng cấp cao tại Hoa Kỳ thì có 9 người ở lại đó làm việc trong thời gian hơn 5 năm.
Trong bối cảnh đối đầu về công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Washington bắt đầu hạn chế khả năng của Trung Quốc tiếp cận các công nghệ chủ chốt. Ví dụ, Hoa Kỳ cấm không chỉ các công ty ở nước này mà còn các nhà sản xuất khác từ khắp nơi trên thế giới chuyển giao công nghệ sản xuất con chip cho một số công ty Trung Quốc, bao gồm Huawei. Hoa Kỳ hạn chế trao đổi khoa học giữa các nhà khoa học hai nước. Đôi khi, FBI mở cuộc điều tra liên quan đến những chuyên gia Mỹ nghi làm gián điệp cho Trung Quốc. Mục đích duy nhất của tất cả các biện pháp này là để ngăn chặn Trung Quốc sớm phát triển các công nghệ của chính họ, để Trung Quốc không có khả năng thay thế Hoa Kỳ trên đỉnh cao công nghệ thế giới.
Tuy nhiên, nếu không có dữ liệu thì không thể phát triển các công nghệ kỹ thuật số tiên tiến. Vì Trung Quốc vẫn sở hữu lợi thế này, nên Bắc Kinh tìm cách bảo vệ và sử dụng kho dữ liệu một cách hiệu quả nhất. Mùa hè này, Trung Quốc đã thông qua Luật Bảo vệ thông tin cá nhân cùng với Luật An toàn dữ liệu là hai quy định lớn trong lĩnh vực này. Luật An toàn dữ liệu xem dữ liệu quý giá ngang bằng với đất đai, lao động, vốn và công nghệ. Luật này chia dữ liệu thành các loại khác nhau tùy theo mức độ quan trọng của chúng. Việc lưu hành dữ liệu quan trọng, nhạy cảm có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia được quy định chặt chẽ. Luật Bảo vệ thông tin cá nhân sánh được với Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của EU về bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư cho tất cả các cá nhân trong Liên minh châu Âu, người dùng có nhiều cơ hội để đảm bảo quyền kiểm soát việc sử dụng dữ liệu của họ bởi các công ty tư nhân.
Như vậy, Quy hoạch phát triển ngành dữ liệu lớn kế hoạch 5 năm do Bộ Công nghiệp và Thông tin Trung Quốc xây dựng là một bước quan trọng hướng tới bình thường hóa thị trường này. Đến năm 2020, thị trường dữ liệu lớn của Trung Quốc đã đạt 1 nghìn tỷ nhân dân tệ và được dự báo sẽ tăng gấp ba lần sau 5 năm. Đương nhiên, một bộ phận lớn như vậy của nền kinh tế cần có những cơ chế và luật thích hợp để điều chỉnh và bình thường hóa việc luân chuyển nguồn tài nguyên quý giá này. Đây là bản chất của kế hoạch tạo ra một cơ chế luân chuyển dữ liệu theo nguyên tắc thị trường, - chuyên gia Liu Yushu, trưởng bộ môn nghiên cứu vĩ mô của Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương (Chongyang) thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói với Sputnik.
Năm nay, Trung Quốc đã trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về số lượng công trình khoa học được trích dẫn nhiều nhất
Các nhà khoa học Trung Quốc đã xuất bản và công bố 40.219 công trình, trong khi các nhà khoa học Mỹ chỉ công bố 37.124 công trình. Ví dụ, Bắc Kinh đã lên vị trí hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Xét về tổng số bài báo khoa học về AI, Trung Quốc từ lâu đã vượt qua Mỹ. Từ năm 2012 đến năm 2021, các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố 240 nghìn công trình khoa học trong lĩnh vực này, còn các nhà khoa học Mỹ chỉ có 150 nghìn công trình. Có chú ý đến quy mô và trọng lượng tổng thể ngày càng tăng của sở hữu trí tuệ Trung Quốc trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ toàn cầu, các hoạt động quản lý thị trường dữ liệu lớn của Trung Quốc chắc chắn sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành này trên toàn thế giới. Chuyên gia Liu Yushu nhấn mạnh, Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực này với các nước khác, cánh cửa luôn rộng mở.
Tuy nhiên, cần phải nói rằng, Trung Quốc chỉ mở rộng cửa đón các nước thân thiện. Xét theo mọi việc, hợp tác với Hoa Kỳ có thể giảm sút. Một số công ty sẽ bị ảnh hưởng, chẳng hạn như công ty Didi sẽ buộc phải rời khỏi thị trường chứng khoán Mỹ do những lo ngại rò rỉ dữ liệu nhạy cảm. Tuy nhiên, vẫn có những triển vọng nhất định để huy động vốn tại các thị trường châu Á. Trong trung và dài hạn, tỷ trọng của khu vực vĩ mô châu Á sẽ ngày càng tăng. Các chuyên gia ước tính rằng, đến năm 2030, số lượng thiết bị được kết nối với Internet of Things ở Trung Quốc sẽ vượt con số 8 tỷ và Trung Quốc sẽ tạo ra nhiều dữ liệu hơn. Dự kiến đến năm 2025, một phần ba dữ liệu thế giới sẽ được tạo ra ở Trung Quốc.