Như Sputnik đã đưa tin, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Ấn Độ từ ngày 15-19/12, theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla và Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ Venkaiah Naidu.
Trước khi gặp chính thức Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla đã chia sẻ về ý nghĩa của chuyến thăm cũng như quan hệ giữa hai nước.
Theo ông Om Birla, quan hệ Ấn Độ-Việt Nam được xây dựng trên nền tảng vững chắc các mối liên kết văn hóa và văn minh, có đặc trưng dựa trên sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau.
Đó là mối quan hệ trong suốt chiều dài 49-50 năm được bao trùm các lĩnh vực hợp tác phong phú như thương mại và đầu tư, quốc phòng, đối tác phát triển, hợp tác văn hóa và giao lưu nhân dân.
Năm nay cả 2 nước kỷ niệm 5 năm thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Ấn Độ-Việt Nam. Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ khẳng định:
"Việc nâng cấp quan hệ song phương như vậy trong chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi đến Việt Nam năm 2016 đã củng cố hơn nữa quan hệ đối tác bền chặt của chúng ta và mở đường cho sự hợp tác trong tương lai".
Giống như Việt Nam, Ấn Độ mong muốn hoà bình, ổn định tại khu vực Biển Đông
Trong những thời điểm khó khăn như đại dịch vừa qua, Ấn Độ và Việt Nam đã sát cánh cùng nhau, cung cấp thuốc men thiết yếu và vật tư tế để hỗ trợ nhau trong cuộc chiến chống đại dịch. Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ mong muốn được gặp đoàn đại biểu Việt Nam để "trao đổi các kinh nghiệm và hiểu biết trong việc xử lý đại dịch".
Nói về chuyến thăm của người đứng đầu Quốc hội Việt Nam, ông Om Birla nhấm mạnh về tầm quan trọng của các cơ quan lập pháp trong vai trò quan trọng, dẫn dắt và định hướng cho các nỗ lực này.
Đặc biệt, Chủ tịch Hạ viện khẳng định, Việt Nam là một trụ cột chính trong chính sách 'Hành động hướng Đông' của Ấn Độ, cũng như đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường sự hợp tác của Ấn với khu vực ASEAN.
Ông Om Birla cụ thể nhắc đến một số dự án tác động nhanh, xây dựng cơ sở hạ tầng cấp cộng đồng mang lại lợi ích cho người Việt trong Hợp tác Mekong-Sông Hằng.
Về vấn đề mối quan tâm lâu dài ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như Biển Đông, Ấn Độ và Việt Nam đều chung quan điểm về hoà bình, ổn định và phát triển cho khu vực.
Điều này cũng được thể hiện trong “Tầm nhìn chung vì hòa bình, thịnh vượng và con người” được hai nước thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến tháng 12/2020 với sự tham dự của các thủ tướng hai nước.
"Chúng tôi cũng chia sẻ các nguyên tắc cơ bản về tôn trọng luật pháp quốc tế và trật tự dựa trên luật lệ, góp phần đảm bảo sự ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương", ông Om Birla nhấn mạnh.
Do đó, cả hai nước cần phải tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác, trên phương diện song phương cũng như thông qua khuôn khổ ASEAN và các cơ chế đa phương khác.
Hợp tác về an ninh-quốc phòng là điểm sáng
Trước khi Chủ tịch Quốc hội lên đường thăm Hàn Quốc và Ấn Độ, Đại sứ Phạm Sanh Châu tại Ấn cũng đã có những chia sẻ về 5 lĩnh vực hợp tác ngày càng tiến triển giữa 2 nước.
Một trong số đó, 'hợp tác về an ninh-quốc phòng' được coi là điểm sáng khi Ấn Độ đã từng giúp Việt Nam đào tạo nhiều sĩ quan và cán bộ trong các lĩnh vực hợp tác của hai nước, theo Đại sứ.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu.
© Ảnh : TTXVN - Trần Huy Lê
Thứ nhất là về tiếp xúc cấp cao và độ tin cậy chính trị. Đây là điểm rất quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược và chúng ta ít có được mối quan hệ như thế với nhiều nước trên thế giới. Và chính vì điểm này mà quan hệ Việt Nam-Ấn Độ được xếp vào một trong ba quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mà Việt Nam đang có vào thời điểm hiện nay.
Điểm thứ hai là những tiến bộ đáng kể về kinh tế, đầu tư và thương mại. Nếu như gần 20 năm trước, quan hệ thương mại của hai nước chỉ mới ở mức 200 triệu USD thì hiện nay kim ngạch thương mại hai chiều đã lên tới 13 tỷ USD. Điều quan trọng là mối quan hệ này còn tiềm năng rất lớn để có thể khai thác và thúc đẩy.
Điểm thứ ba là hợp tác trên lĩnh vực khoa học - công nghệ. Đây là một điểm rất mới, trong đó hai nước đã chứng kiến những tiến bộ lớn, ví dụ như hợp tác trong lĩnh vực an ninh hạt nhân hoặc lĩnh vực nông nghiệp, giống trái cây cũng như giống các con vật.
Điểm thứ tư hết sức quan trọng đó là hợp tác ngoại giao nhân dân. Đây là mối quan hệ có truyền thống lâu đời, đặc biệt khi đạo Phật rất phổ biến và có ảnh hưởng tại Việt Nam.
Và điểm cuối cùng đó là hợp tác về an ninh-quốc phòng. Đây là một điểm sáng quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Ấn Độ đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều sĩ quan và cán bộ trong các lĩnh vực hợp tác của hai nước.
Việt Nam-Ấn Độ có cùng tiếng nói chung về vấn đề 'an ninh biển'
Cũng theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, Việt Nam và Ấn Độ chia sẻ khá nhiều điểm tương đồng về đánh giá đối với tình hình khu vực và tình hình thế giới. Và hiện nay hai nước đều là ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Chính vì sự tương đồng về chính sách đối ngoại và cách nhìn nhận cục diện thế giới cũng như việc đều là hai nước có quyền đóng góp tại Hội đồng Bảo an, Việt Nam và Ấn Độ đã hợp tác hết sức tích cực trong thời gian vừa qua.
Đáng chú ý, Ấn Độ từng chủ trì Hội nghị về an ninh biển, lĩnh vực quan tâm đối với cả Ấn Độ và Việt Nam. Hiện nay, hai nước đều đối mặt với những thách thức tương tự về an ninh, hòa bình ở các khu vực xung quanh của mình.
Vì vậy sự hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ, vốn là hai nước có tình đoàn kết truyền thống cũng như có quan điểm tương đồng về các vấn đề chính trị trên thế giới, là điều hết sức quan trọng.
"Tôi cho rằng hơn bao giờ hết, mối quan hệ này ngày càng phải được thắt chặt hơn trên lĩnh vực an ninh và quốc phòng, để chúng ta có thể có tiếng nói chung trong việc bảo đảm rằng thế giới này cần là một thế giới đa cực, tuân theo luật lệ quốc tế, giải quyết tất cả các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng và không đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế", ông Phạm Sanh Châu khẳng định.
Nêu quan điểm, Ấn Độ đang đóng vai trò ngày càng tăng và với tư cách là một cường quốc mới nổi, Đại sứ Châu cho biết trách nhiệm của nước này đối với hòa bình, an ninh ở khu vực ngày càng lớn.
Chính vì thế, Việt Nam, với tư cách là quốc gia có trách nhiệm và đã từng đóng góp vào hòa bình thế giới, sẽ phải hợp tác hơn nữa với Ấn Độ trên lĩnh vực này. Đại sứ Phạm Sanh Châu cho hay:
"Vì vậy, tôi rất lạc quan về hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực bảo vệ và thúc đẩy hòa bình an ninh trong khu vực".