Chỉ cần tải ứng dụng TNGO trên App Store hoặc Google Play và đăng ký tài khoản bằng số điện thoại, người dân có thể thỏa sức chọn phương thức nạp tiền qua MoMo, Zalo Pay, VTC Pay.
Xe đạp công cộng miễn phí 15 phút đầu
Ngày 16/12, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh (Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh) và Tập đoàn Trí Nam đã chính thức triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng tại khu vực trung tâm thành phố.
Theo Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cho biết, dịch vụ xe đạp công cộng được triển khai tại 43 trạm (vị trí) với 500 phương tiện trên địa bàn quận 1 trong thời gian 12 tháng. Các trạm xe được bố trí gần các trạm dừng, nhà chờ xe buýt, công viên để phục vụ đi lại với các chặng đường ngắn.
Doanh nghiệp đầu tư vào dự án này sẽ tự bỏ kinh phí đầu tư và quản lý vận hành. Theo đó, giá vé giai đoạn thí điểm được tính theo thời gian. Cụ thể, 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút. Trong đó, miễn phí 15 phút đầu trong thời gian thí điểm để thu hút người sử dụng.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP. HCM cho biết, trước mắt thành phố chưa tính phí để xe trên vỉa hè, sau một năm sẽ có đánh giá và đưa ra mức phí thích hợp.
“Nếu thành công, thành phố sẽ xem xét triển khai mở rộng ở phạm vi lớn hơn, có thể là các địa bàn quận 1, quận 3, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ngoài ra, trong tương lai, thành phố có thể triển khai thêm những phần đường dành riêng cho xe đạp trong thành phố, tạo sự an toàn cho người dân” - Ông Lâm cho biết.
Góp phần xây dựng đô thị xanh, thông minh
Theo cơ quan chức năng TP. HCM, việc phát triển phương tiện công cộng này được thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Mục đích nhằm tạo thêm sự lựa chọn phương thức giao thông cho người dân và du khách tham qua khu vực trung tâm thành phố.
Nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng các phương tiện công cộng như xe buýt, xe buýt điện trong tương lai, việc phát triển xe đạp công cộng để hỗ trợ kết nối các phương thức vận tải hành khách công cộng là một trong những nhiệm vụ thuộc đề án trên và phù hợp với định hướng xây dựng thành phố trở thành đô thị xanh, thông minh.
Trong kế hoạch thực hiện Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hướng tới chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng đảm nhận 25% nhu cầu giao thông đô thị vào năm 2030.
Dự kiến thành phố sẽ xây dựng 8 tuyến đường sắt đô thị (MRT) xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của thành phố (chủ yếu đi ngầm trong nội đô), 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (Tramway hoặc Monorail) và 6 tuyến xe buýt nhanh (BRT) theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.
Cùng với đó, thành phố cũng phát triển hệ thống giao thông công cộng khác như taxi, vận tải đường thủy, dịch vụ xe đạp (xe môtô điện) công cộng… tạo thành hệ thống mạng lưới vận tải hành khách công cộng hoàn chỉnh và liên thông đáp ứng nhu cầu giao thông đô thị.