Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Chỉ thị số 25/CT-UBND về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Lễ cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Chỉ thị nêu rõ, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt là với biến chủng mới Omicron, thủ trưởng, giám đốc các sở, ban, ngành thành phố, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã cần tập trung tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong các dịp cuối năm, Lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Cụ thể, các địa phương trên địa bàn cần thường xuyên đánh giá cấp độ dịch trên quy mô xã, phường, thị trấn và nhỏ nhất có thể để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp hành chính phù hợp. Đồng thời, thành phố đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương theo diễn biến dịch.
12h20, người dân vẫn còn tập thể dục trong Công viên Thống Nhất
© Ảnh : Hoàng Hiếu - TTXVN
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, căn cứ cấp độ dịch trên địa bàn, khẩn trương ban hành văn bản chỉ đạo hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, nhất là trong dịp cuối năm, Lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần, đám tang, đám cưới; hướng dẫn tổ chức Lễ Giáng sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh lây nhiễm dịch Covid-19. Cùng với đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nhất là giới trẻ thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, không tụ tập đông người, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không hoang mang, lo lắng thái quá.
Tại chỉ thị này, thành phố cũng yêu cầu nâng cao tỷ lệ bao phủ vắc-xin tối đa, phân công Tổ Covid-19 cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, lập danh sách người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ trong thời kỳ mang thai, người chống chỉ định chưa được tiêm vắc-xin và các trường hợp chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19 để quản lý, tiêm, hỗ trợ tiếp cận dịch vụ y tế sớm, điều trị kịp thời.
Cây thông lớn được trang trí cầu kỳ cùng những dãy đèn ngôi sao tỏa sáng làm nổi bật Nhà thờ giáo xứ Cửa Bắc khi Giáng sinh đang đến.
© Ảnh : Hoàng Hiếu – TTXVN
Ngoài ra, các địa phương trên địa bàn cần chủ động xây dựng, ban hành các kịch bản, phương án ở mức cao hơn để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch Covid-19 từ cấp quận, huyện, thị xã đến cấp xã, phường, thị trấn, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, hoàn thành trước ngày 31/12/2021.
Đặc biệt, cần đảm bảo triển khai tối đa việc quản lý, điều trị F0 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng tại nhà khi đủ điều kiện; sẵn sàng kích hoạt các cơ sở thu dung điều trị F0. Cùng với đó, cập nhật đầy đủ danh sách F0 điều trị tại nhà, đảm bảo việc cấp phát thuốc theo phác đồ điều trị và hướng dẫn đầy đủ quy trình cách ly, điều trị, xét nghiệm đối với người bệnh trong vòng 24 giờ đầu tiên khi phát hiện ca nhiễm.
Đối với việc trở lại trường của học sinh, các đơn vị phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế thống nhất phương án, lựa chọn các trường THCS đảm bảo điều kiện để tổ chức cho học sinh cấp 2 trở lại học trực tiếp khi đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Về công tác an sinh, thành phố tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, chăm lo, chia sẻ những khó khăn, đặc biệt là đối với những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, không để người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc, bị bỏ lại phía sau.
Khu vực ngõ Tạm Thương (phường Hàng Gai) với nhiều hàng ăn vặt nay đóng cửa hoặc chỉ bán mang về.
© Ảnh : Tuấn Đức – TTXVN
Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 mới tại Hà Nội luôn vượt trên 1.000 ca. Chỉ riêng trong ngày 18/12, thành phố ghi nhận 1.412 ca nhiễm, trong đó có 411 ca cộng đồng, 958 ca ở khu cách ly và 43 ca ở khu phong tỏa. Cộng dồn trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 29/4/2021), Hà Nội có 25.653 trường hợp mắc Covid-19.
Hà Nội dự định bắn pháo hoa tại một điểm đêm Giao thừa
Theo kế hoạch tổ chức Tết Nhâm Dần 2022 của thành phố Hà Nội, để phục vụ nhân dân đón Tết, đảm bảo an toàn, tiết kiệm và phòng chống dịch, Bộ Tư lệnh Thủ đô được giao chủ trì tham mưu phương án tổ chức bắn pháo hoa tại một điểm (Công viên Thống Nhất) và truyền hình trực tiếp, kinh phí từ nguồn xã hội hóa.
“Đây là năm thứ hai liên tiếp Hà Nội tổ chức bắn pháo hoa tại một điểm trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Dịp giao thừa những năm trước đó, thành phố đều tổ chức bắn pháo hoa tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã”, bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội chia sẻ.
Theo lãnh đạo thành phố, việc xây dựng kế hoạch phục vụ các hoạt động Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nhằm đảm bảo phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phục vụ nhân dân đón Xuân mới vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm với phương châm “mọi người, mọi nhà đều có Tết”. Hoạt động này cũng nhằm chủ động trong công tác chăm lo tới các gia đình chính sách, người có công, người nghèo, khu vực còn có khó khăn; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Trong chỉ thị về tổ chức Tết Nhâm Dần 2022 ban hành trước đó, Ban Bí thư yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình cụ thể, cân nhắc việc bắn pháo hoa chào mừng năm mới 2022 và Tết Nguyên đán. Việc tổ chức bắn pháo hoa phải bảo đảm tiết kiệm, an toàn, không sử dụng ngân sách Nhà nước.