Thấy gì về Việt Nam năm 2021?

Hãy cùng nhìn lại dấu ấn năm 2021 với những sự kiện thời sự chính trị, xã hội, kinh tế, xe hơi, công nghệ… nổi bật nhất diễn ra tại Việt Nam do Sputnik bình chọn.
Sputnik
Đại hội XIII của Đảng, Bầu cử Quốc hội, thế hệ lãnh đạo mới của Việt Nam lộ diện, Covid-19, lockdown, giãn cách, chiến dịch tiêm chủng vaccine quy mô chưa từng có trong lịch sử, VinFast và cuộc cách mạng xe điện lần đầu tiên đưa Việt Nam lên bản đồ xe hơi thế giới, metro Cát Linh – Hà Đông chính thức vận hành thương mại…

Đại hội Đảng XIII định hình thế hệ lãnh đạo mới của Việt Nam

Năm 2021 diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của Việt Nam. Đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021- 2030 và các kế hoạch 5 năm 2021 – 2025 trong bối cảnh khó khăn, thách thức, cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn.
Một trong những sự kiện thời sự đáng chú ý nhất trên chính trường Việt Nam năm 2021 chính là việc tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (Đại hội Đảng XIII).
Đại hội Đảng XIII diễn ra từ 25/01/2021 đến ngày 01/02/2021, trong đó họp phiên trù bị ngày 25/01/2021, khai mạc chính thức ngày 26/01/2021.
Đại hội Đảng XIII được dư luận quốc tế và nhân dân trong nước đặc biệt chú ý bởi đây là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước và dân tộc, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới mà Hà Nội thực hiện kể từ 1986.
Đại hội Đảng XIII
Đại hội lần này cũng khẳng định tính đúng đắn của việc Việt Nam kiên trì vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đường lối xã hội chủ nghĩa, đưa ra “hai mục tiêu 100 năm” của đất nước, đồng thời đề xuất những chiến lược mới cho công cuộc kiến thiết, phát triển đất nước, kế hoạch rõ ràng trong 5-10 năm tới cũng như tương lai dài hạn.
Mục tiêu nhiệm kỳ tới mà Việt Nam đặt ra đầy tham vọng nhằm đưa đất nước tiến nhanh trên sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo đó, Đại hội Đảng XIII xác định, đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển, có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao trên thế giới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta đã thành công rất tốt đẹp"
Đặc biệt, Đại hội XIII cũng đề ra chỉ tiêu về kinh tế và xã hội giai đoạn 2021-2025, trong đó bao gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 6,5% -7%, tỷ lệ hộ nghèo tuyệt đối bình quân hàng năm giảm 1% -1,5%, GDP bình quân đầu người đạt 4.700-5.000 USD vào năm 2025, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị được kiểm soát ở mức dưới 4%, tỷ lệ người dân được hưởng bảo hiểm y tế đạt 95%, mức cao so với thế giới.
Đại hội cũng đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm (tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh; Kiểm soát dịch Covid-19, tiêm chủng vaccine ngừa nCoV toàn dân, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; Giữ vững độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng Quân đội, Công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số binh chủng lên thẳng hiện đại; Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc; Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, cải cách tư pháp, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội; Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường) và 3 đột phá chiến lược (Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội).
Công tác nhân sự được đặc biệt chú trọng tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII. Theo lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chưa bao giờ như lần này, được chuẩn bị chu đáo, thận trọng, khách quan, công tâm, làm từng bước, từ dễ đến khó, rộng đến hẹp, có lớp lang, rất chu đáo, cẩn thận.
Các đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Sau 7 ngày làm việc, với kết quả bầu cử đạt được đồng thuận, thống nhất cao, thế hệ lãnh đạo mới của Việt Nam đã được định hình – Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa mới chính thức ra mắt.
Đại hội đã thông qua danh sách bầu Uỷ viên Trung ương chính thức gồm 203 đồng chí và biểu quyết bầu lấy 180 đồng chí (bằng số lượng Uỷ viên Trung ương chính thức khoá XII). Thông qua danh sách bầu Uỷ viên Trung ương dự khuyết 23 đồng chí và biểu quyết bầu lấy 20 đồng chí (bằng số lượng Uỷ viên Trung ương dự khuyết khoá XII). Đồng thời, Đại hội đã tiến hành bầu cử đúng Quy chế, bầu một lần đủ 180 đồng chí Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng và 20 đồng chí Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.
Đáng chú ý nhất là kết quả bầu cử Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, “Tứ trụ của Việt Nam”: Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp Hội nghị lần thứ nhất để bầu các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Bộ Chính trị khoá XIII có 18 người, trong đó có 8 đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII tái cử và 10 đồng chí lần đầu tham gia. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng (trường hợp đặc biệt) được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu tiếp tục làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII với uy tín và sự đồng thuận, nhất trí cao.
Ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Nguyễn Xuân Phúc là Chủ tịch nước. Ông Phạm Minh Chính đảm trách cương vị Thủ tướng Chính phủ. Ông Vương Đình Huệ là Chủ tịch Quốc hội khóa XV.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Đại hội Đảng XIII thành công tốt đẹp trên cả 3 phương diện. Đó là quá trình chuẩn bị mọi mặt để tổ chức Đại hội, đặc biệt là là công tác chuẩn bị các Văn kiện trình Đại hội, sự thành công về công tác nhân sự, kỹ lưỡng, nhiều mặt, chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công tâm để Đại hội bầu được Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có tâm, có tầm, gánh vác được trọng trách lãnh đạo đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới, khâu tổ chức Đại hội về hậu cần, an ninh được đảm bảo.
“Tôi được dự nhiều Đại hội, Đại hội này là Đại hội thành công một cách thực sự. Đại hội đã tổng kết, rút ra những vấn đề không chỉ trong 5 năm vừa qua, mà còn trong 35 năm đổi mới. Cùng với đó là định hướng cho không chỉ 5 năm tới, mà cho 10 năm, 20 năm, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước, phấn đấu đến năm 2045, Việt Nam phải trở thành nước phát triển ở trình độ cao”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tổng kết về những kết quả tốt đẹp của Đại hội XIII.
Lễ bế mạc Đại hội XIII Đảng cộng sản Việt Nam

Bầu cử Quốc hội XV ‘thành công nhất thế kỷ XXI’

Năm 2021 tại Việt Nam đã diễn ra cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 “dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thành công”.
Hội đồng Bầu cử Quốc gia đánh giá, ở Việt Nam, trong 5 cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội ở thế kỷ XXI thì cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV đạt kết quả tốt nhất về các cơ cấu chủ yếu.
Toàn thể cử tri Việt Nam đã đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 hôm 23/5/2021.
Сuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026
Cuộc bầu cử lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với gần 70 triệu cử tri đi bầu cử (đạt tỷ lệ 99,6% tổng số cử tri cả nước) tại 84.767 khu vực bỏ phiếu.
Cử tri Việt Nam đã lựa chọn trong số gần 45 vạn người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp để được 499 ĐBQH, cơ bản bầu đủ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, qua đó khẳng định công tác nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng, dân chủ, đúng quy định của pháp luật.
Đại biểu Quốc hội Khóa XV có trình độ học vấn cao “tuyệt đối”. Theo Hội đồng Bầu cử Quốc gia, trong 499 đại biểu chỉ duy nhất một đại biểu có trình độ dưới đại học. Đại học và trên đại học chiếm tới 99,8% tổng số đại biểu, trong đó Tiến sĩ và Thạc sĩ nhiều hơn đại học (392 đại biểu, chiếm 78,55% tổng số đại biểu; đại học chỉ có 106 đại biểu, chiếm 21,24%). Đây cũng là khóa có nhiều đại biểu có học hàm cao (12 Giáo sư và 20 Phó Giáo sư).
Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV: Dân chủ, công khai, đảm bảo an toàn chống dịch
Cùng với đó, khóa XV có số lượng đại biểu tự ứng cử cao gấp đôi so với Khóa XIV. Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh rằng, bất cứ công dân nào đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội đều có thể được cử tri tín nhiệm, bầu làm đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, cuộc bầu cử với quy mô lớn được tổ chức thành công trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp càng khẳng định niềm tin vững chắc của nhân dân với chế độ xã hội chủ nghĩa, với Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Làn sóng dịch Covid-19 và lần ‘lockdown’ chưa từng có tiền lệ của Việt Nam

Năm 2021, Covid-19, triệu chứng mắc Covid-19, cách điều trị bệnh Covid-19, vaccine Covid-19 trở thành những chủ đề được tìm kiếm nhiều nhất trên Google tại Việt Nam.
Nếu năm 2020, Việt Nam được coi là “ngôi sao sáng”, “hình mẫu”, “tấm gương điển hình” kiểm soát thành công dịch Covid-19 khiến cả thế giới ngỡ ngàng, thì bước sang đầu năm 2021, tình hình dịch diễn biến đặc biệt nghiêm trọng, nhất là sự xuất hiện của biến chủng Delta, khiến công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Đợt dịch thứ 4 – nghiêm trọng nhất trong các đợt dịch vừa qua, được tính từ ngày 27/4/2021 khi Việt Nam ghi nhận ca bệnh là nhân viên lễ tân của khách sạn Như Nguyệt 2 (Yên Bái) trong khu cách ly sau khi đón các đoàn chuyên gia Ấn Độ, Trung Quốc. Sau đó, dịch bắt đầu lây lan mạnh tại Đà Nẵng, Hà Nội, Vĩnh Phúc, đến 2 cơ sở y tế lớn là Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Viện K. Dịch lan đến các tỉnh có nhiều cụm khu công nghiệp lớn miền Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, sau đó lan rộng vào miền Nam, và tình hình trở nên nghiêm trọng, khủng hoảng chưa từng có trong tiền lệ được chứng kiến ở TP.HCM – điểm nóng của đợt dịch lần này.
TP Hồ Chí Minh siết chặt các biện pháp để chống dịch như chống giặc
1 / 8
Xe tải chở bộ đội tại TP Hồ Chí Minh
2 / 8
Tìm kiếm thực phẩm trên các kệ trống rỗng của một cửa hàng ở TP Hồ Chí Minh
3 / 8
Ngã tư xưa nhộn nhịp nay vắng vẻ ở TP Hồ Chí Minh
4 / 8
Giao đồ ăn trong thời gian phong toả ở TP Hồ Chí Minh
5 / 8
Nhà sư đeo khẩu trang ở TP Hồ Chí Minh
6 / 8
Xe trên con đường vắng tanh trong thời gian phong toả ở TP Hồ Chí Minh
7 / 8
Các quân nhân trên phố trong thời gian phong toả ở TP Hồ Chí Minh
8 / 8
Siết chặt các biện pháp chống coronavirus ở TP Hồ Chí Minh
Làn sóng dịch thứ 4 với số ca mắc mới cao gấp hơn 100 lần so với tổng 3 đợt dịch trước đó, đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa biến chủng, số ca nhiễm coronavirus tăng cao, số ca diễn biến nặng và tử vong cũng tăng lên từng ngày, cả nước liên tục chứng kiến những đợt cách ly ‘lockdown’ kéo dài, hàng loạt biện pháp hạn chế đi lại, di chuyển được áp dụng từ địa phương đến các khu vực trên toàn quốc nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh.
Lần đầu tiên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Dự kiến, tăng trưởng năm 2021 cũng khó đạt mức 6 – 6,5% mà Quốc hội đề ra.
Làn sóng Covid-19 thứ tư đe dọa mức tăng trưởng GDP thần kỳ của Việt Nam
Trong suốt đợt dịch lần này, Việt Nam đã phải huy động hàng trăm ngàn chiến sĩ Quân đội, Công an, lực lượng chuyên trách chủ trì lo lương thực, thực phẩm, hỗ trợ công tác khoanh vùng, xét nghiệm, cách ly, dập dịch, điều trị, tiêm vaccine để người dân tại các khu vực giãn cách xã hội “ai ở đâu thì yên ở đó” và nỗ lực để không ai bị bỏ lại phía sau, không ai thiếu ăn.
Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất và nhanh nhất trong lịch sử được phát động trên toàn quốc từ 8/3/2021. Từ tỷ lệ tiêm chủng thấp hàng đầu khu vực (do khó tiếp cận nguồn cung vaccine), Việt Nam hiện đã đạt độ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là trên 96% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều trên 80,3% dân số từ 18 tuổi trở lên. Theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt ở miền Bắc là 93,6% và 74,0%; miền Trung là 93,6% và 78,8%; Tây Nguyên là 90,5% và 65,2%; miền Nam là 99,6% và 87,3% (tính tại thời điểm trung tuần tháng 12/2021). Theo lời lãnh đạo Chính phủ, Việt Nam là nước tiêm chủng nhanh hàng đầu thế giới. Nhờ công tác ngoại giao vaccine thành công, hiện Việt Nam đã nhận trên 156,4 triệu liều từ các cơ chế như COVAX, viện trợ, vay mượn, nhượng lại từ các nước. Bộ Y tế cũng ký hợp đồng, mua, nhận viện trợ, tài trợ trên 211 triệu liều các loại như Sputnik V, AstraZeneca, Moderna (Spikevax), Pfizer, Vero Cell, Hayat-Vax, Abdala. Cùng với đó, ngành y tế, khoa học trong nước cũng đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm các loại vaccine “made in Vietnam” như Nanocovax, Covivac, đồng thời tăng cường sản xuất 2 vaccine được chuyển giao công nghệ từ nước ngoài (Vaccine VBC-COV19-154 và Recombinant SARS-CoV-2 Spike Protein) và 1 loại được gia công đóng ống tại Việt Nam (Vaccine Covid-19 Sputnik V).
Nhân viên y tế xếp hàng tiêm vắc xin tại Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính thừa nhận, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư ở nhiều địa phương với sự xuất hiện của biến thể Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, nguy hiểm hơn nhiều so với chủng gốc trước đây, lại xâm nhập sâu vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn... buộc Việt Nam phải áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch “chưa có tiền lệ, mạnh mẽ, quyết liệt hơn” để thực hiện mục tiêu ưu tiên trước hết, trên hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, sinh kế và đời sống nhân dân.
Do tình hình dịch diễn biến phức tạp nên những tháng qua, công tác phòng chống dịch Covid-19 là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Đất nước chuyển từ tư duy "Zero -Covid” sang thích ứng an toàn với phương châm linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tăng cường hồi phục kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Đặc biệt, từ đợt dịch thứ tư và các làn sóng lây nhiễm trước đó, Việt Nam cũng đã hình thành triết lý chống dịch dựa trên 3 trụ cột chính là: cách ly, xét nghiệm và điều trị. Cũng từ các trụ cột này, Việt Nam đã xây dựng công thức chống dịch mà bây giờ tất cả các bộ, ngành và địa phương đang làm có hiệu quả, giúp kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Đó là công thức 5K + vaccine, thuốc điều trị, các biện pháp điều trị, công nghệ.
Đại dịch COVID-19
Việt Nam thay đổi chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 dựa trên 6 nguyên tắc mới

Dự án Cát Linh – Hà Đông chính thức vận hành thương mại

Năm 2021, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông có tổng chiều dài là 13,05 km với 12 ga trên cao, với hướng tuyến từ ga Cát Linh ở quận Đống Đa và kết thúc ở ga Yên Nghĩa ở quận Hà Đông, Hà Nội “đã về đích” sau 13 năm kể từ ngày phê duyệt.
Qua mấy đời Bộ trưởng Giao thông vận tải, ngày 6/11 vừa qua, dự án đường sắt đô thị trên cao của Hà Nội, Cát Linh – Hà Đông chính thức vận hành thương mại, mở ra loại hình vận tải mới ở Việt Nam - metro.
Lộ trình tuyến gồm Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng - Đại học Quốc gia - Vành đai 3 - Thanh Xuân - Bến xe Hà Đông - trung tâm Hà Đông - La Khê - Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới và khu depo tại Ba La (Hà Đông).
Tuyến đường sắt này có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, mỗi toa chở được 240 hành khách, mỗi chuyến chở được 960 hành khách. Về tần suất, đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông có biểu đồ hoạt động giờ cao điểm 6 phút/chuyến, bình quân có 10 chuyến/giờ/hướng.
Dự án Cát Linh – Hà Đông được bắt đầu xây dựng từ 10/ 10/2011 (dưới thời ông Đinh La Thăng), trở thành tuyến đường sắt đô thị thứ 2 tại Việt Nam được khởi công sau tuyến đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Ban đầu, tuyến đường dự kiến được đưa vào khai thác vào tháng 6/2015. Lịch trình này được lùi lại đến tháng 6/2016, rồi tháng 12/2016, tháng 2/2017, tháng 10/2017, quý II/2018, cuối năm 2018, tháng 4/2019, cuối năm 2019, đầu năm 2020, cuối năm 2020, đầu năm 2021, giữa năm 2021, và phải đến tận ngày 6/11/2021 – “ngày lịch sử” thì dự án mới được chính thức vận hành.
Vốn sử dụng cho dự án là ODA của Trung Quốc (ký từ năm 2008), với tổng mức đầu tư ban đầu là 8.770 tỷ đồng (gần 553 triệu USD). Tuy nhiên, dự án sau đó đội vốn lên đến 18.002 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD), tăng hơn 9.231 tỷ đồng so với phê duyệt ban đầu. Trong đó, vốn vay là 13.867 tỷ đồng, vốn đối ứng từ phía Việt Nam là 4.134 tỷ (198,43 triệu USD).
Tàu điện được chờ đợi từ lâu ở Hà Nội: những ngày đầu tiên đi vào hoạt động
1 / 12

Tuyến tàu điện trên cao Cát Lâm - Hà Đông ngày đầu đi vào hoạt động tại Hà Nội

2 / 12

Người đi thang cuốn ở tuyến tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông trong ngày làm việc đầu tiên ở Hà Nội

3 / 12

Tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông ngày đầu khai thác tại Hà Nội

4 / 12

Nhân viên tại cổng ga tàu điện trên cao đường Láng, Hà Nội

5 / 12

Người đàn ông lớn tuổi mua vé tàu điện trên cao đầu tiên của Việt Nam ở Hà Nội, Việt Nam

6 / 12

Hành khách trên chuyến tàu điện trên cao đầu tiên của Việt Nam tại Hà Nội, Việt Nam

7 / 12

Quang cảnh tàu điện trên cao đầu tiên của Việt Nam tại Hà Nội

8 / 12

Gia đình đi tàu điện trên cao đầu tiên của Việt Nam ở Hà Nội

9 / 12

Những người trên chuyến tàu điện trên cao đầu tiên của thành phố trên tuyến Cát Linh-Hà Đông ở Hà Nội

10 / 12

Trẻ em khoe vé đi tàu điện trên cao trong thành phố, tuyến Cát Linh-Hà Đông, Hà Nội

11 / 12

Tàu điện trên cao đầu tiên trong thành phố tại Hà Nội

12 / 12

Người phụ nữ tạo dáng bên tàu điện trên caoở Hà Nội

Theo Metro Hà Nội, sau hơn 1 tháng khai thác thương mại, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông) đã vận hành ổn định theo đúng kế hoạch. Sau 15 ngày chạy miễn phí (từ 6/11-21/11), tàu điện Cát Linh – Hà Đông chạy 2.554 lượt chuyến an toàn, vận chuyển tổng cộng 380.510 lượt hành khách. Từ ngày 21/11, tuyến bắt đầu khai thác thương mại (bán vé, thu tiền khách đi tàu), lũy kế đến ngày 5/12 (15 ngày), tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã chạy 3.045 chuyến tàu an toàn, vận chuyển 239.954 lượt hành khách.
Cũng theo Công ty TNHH Đường sắt Hà Nội, tính chung từ ngày 6/11/2021 đến ngày 5/12/2021 Hanoi Metro đã vận hành 5.599 chuyến tàu chở 620.464 hành khách, bình quân đạt 20.682 hành khách/ngày, sản lượng hành khách vận chuyển được 620.464 người, bình quân đạt 20.682 hành khách/ngày. Trong đó 15 ngày đầu miễn giá vé đã vận chuyển 380.510 hành khách, 15 ngày tiếp theo thu tiền vé vận chuyển 239.954 hành khách.
Với việc đưa vào vận hành thương mại Cát Linh – Hà Đông, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đang hướng đến việc thay đổi thói quen đi lại của người dân, trong đó, tập trung vào việc tăng cường sử dụng giao thông công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, qua đó giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Thủ đô của Việt Nam đang làm những gì tốt nhất có thể như lên phương án xây dựng các bãi đỗ xe ô tô, xe máy, kết nối đường sắt với xe buýt, ban hành giá vé linh hoạt, điều kiện để người khuyết tật tiếp cận metro, tăng cường truyền thông thay đổi nhận thức, thu hút khách đi tàu điện.
Mối quan tâm đặc biệt: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông thay xe cá nhân?

VinFast, VinBus và bước đi lịch sử của nền công nghiệp xe điện của Việt Nam

Năm 2021 chứng kiến sự bùng nổ của xu hướng ưu tiên phát triển nền kinh tế xanh, sử dụng năng lượng sạch, trong đó phải nhắc đến những thành tựu đáng kinh ngạc của hãng xe điện quốc dân Việt Nam – VinFast, đơn vị thành viên của Vingroup.
Như Sputnik đã thông tin, Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng là một trong những Tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành hàng đầu khu vực với tổng giá trị vốn hóa của 3 công ty niêm yết đạt 35 tỷ USD (số liệu công bố ngày 4/11/2021). Vingroup hoạt động trong 3 lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, bao gồm công nghệ - công nghiệp - thương mại dịch vụ.
Được thành lập vào năm 2017, VinFast sở hữu tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô hiện đại, có quy mô hàng đầu khu vực đặt tại Hải Phòng, Việt Nam với mức độ tự động hóa lên đến 90%. Tại Việt Nam, VinFast không phải cái tên mới nhưng trên thế giới, hãng xe “made in Vietnam” này còn khá non trẻ. VinFast mang sứ mệnh thúc đẩy mạnh mẽ cuộc cách mạng xe điện toàn cầu.
Năm 2021, VinFast khởi động bằng việc công bố hai dòng xe máy điện, 5 dòng xe ô tô, trong đó có 3 xe ô tô điện và 2 xe ô tô xăng với tên hiệu VF31, VF33 và VF33. Trong đó, đáng chú ý nhất, hôm 22/1/2021, VinFast công bố 3 dòng xe SUV điện thông minh, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) với những tính năng thông minh vượt trội.
VinGroup phát động cuộc thi giải bài toán kinh doanh toàn cầu, lấy VinFast là trọng tâm
Cần khẳng định rằng, đây là cột mốc quan trọng, nêu bật tầm nhìn trở thành hãng xe điện thông minh toàn cầu của VinFast, đồng thời góp phần đưa Việt Nam lên vị thế mới trên bản đồ công nghiệp ô tô thế giới.
Như vậy, chỉ sau 3 năm hình thành và phát triển, các kỹ sư công nghệ của VinFast đã nghiên cứu và phát triển thành công ba dòng xe thông minh đầu tiên là VF31, VF32, VF33, trong đó VF31 là dòng SUV cỡ vừa (Phân khúc C) và chỉ có một phiên bản xe điện, VF32 là xe SUV cỡ trung (Phân khúc D), VF33 là xe SUV cỡ đại (Phân khúc E). VF32 và VF33 mỗi xe đều có 2 phiên bản điện và xăng.
Đáng chú ý, đến 24/3/2021, VinFast bắt đầu chính thức mở bán mẫu xe VF e34. Hãng xe của tỷ phú Vượng ngay lập tức lập kỷ lục chưa từng có trên thị trường ô tô Việt Nam – nhận gần 4.000 đơn hàng chỉ sau 12 giờ mở bán, tạo thành trao lưu mới trong cộng đồng xe hơi, auto trong nước, gây “sốt” trên các mạng xã hội.
Vinfast VF e34
VinFast VF e34 cũng trở thành chiếc xe điện có đơn đặt hàng online tốt nhất thị trường Việt Nam, lập tiếp kỷ lục chốt hơn 25.000 đơn chỉ sau ba tháng mở bán.
VF e34 là mẫu xe điện đầu tiên của VinFast, thuộc phân khúc gầm cao SUV/crossover cỡ C, cùng kích thước với nhiều mẫu xe trên thị trường như Honda CR-V, Hyundai Tucson, Subaru Forester. Theo giới thiệu của hãng, xe có chiều dài cơ sở 2.611mm, kích thướcdài x rộng x cao là 4.300 x 1.793 x 1.613 (mm), khoảng sáng gầm 180mm. VinFast VFe34 được trang bị một động cơ điện có công suất tối đa 147 mã lực, mô-men xoắn cực đại 242 Nm cùng hệ dẫn động cầu trước. Hệ thống treo dạng MacPherson ở trước và thanh xoắn phía sau. Xe sử dụng một bộ pin dung lượng 42kWh, có thể đi được quãng đường 300km sau mỗi lần sạc đầy.
Đầu năm nay, VinFast là công ty thứ 57 được cấp Autonomous Test Vehicle Permit - ATVP của California. Đến cuối tháng ba, VinFast khai trương thêm 64 showroom tại 30 tỉnh thành ở Việt Nam. Đến tháng 4/2021, hãng đã hợp tác với NVIDIA để dùng chip cho các dòng xe điện thông minh dự kiến ra mắt năm 2022.
Sáng 18/11, tại Triển lãm ô tô Los Angeles 2021 (LA Auto Show), hãng xe điện VinFast chính thức ra mắt thương hiệu xe điện toàn cầu, đồng thời giới thiệu hai mẫu SUV điện VF e35, VF e36 (thuộc dòng SUV, phân khúc D, E) với nhiều ứng dụng công nghệ mới nhất, được trang bị các tính năng hỗ trợ lái cao cấp (ADAS) và hệ thống thông tin giải trí thông minh do VinFast phát triển. VinFast cũng là thương hiệu xe điện Việt Nam duy nhất mang đến sân chơi toàn cầu hệ sinh thái công nghệ toàn diện, thân thiện với môi trường.
VF e35, VF e36: Bước đi mang tầm vĩ mô của VinFast
Cùng với việc chính thức ra mắt trụ sở tại Hoa Kỳ, sự xuất hiện của VinFast tại Triển lãm ô tô Los Angeles 2021 cùng những sản phẩm xe hơi “made in Vietnam” đã lần đầu tiên đưa Việt Nam và Đông Nam Á trở thành điểm sáng mới trên bản đồ ô tô thế giới.
Hai mẫu VF e35 và VF e36 chính là thành quả của chiến lược đầu tư trọng điểm vào hệ thống nghiên cứu phát triển nội bộ, kết hợp với những công ty công nghệ và các đơn vị đổi mới sáng tạo nổi tiếng toàn cầu, các đối tác danh tiếng của công nghiệp ô tô thế giới suốt thời gian qua của VinFast.
“Chúng tôi mong muốn truyền cảm hứng cho khách hàng cùng bứt phá giới hạn và chung tay vào cuộc cách mạng xe điện, để đẩy nhanh các giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. VinFast tin tưởng rằng ‘Tương lai của di chuyển’ sẽ là những chiếc xe điện thông minh có tính cá nhân hoá cao và được tích hợp những công nghệ vì cuộc sống, thân thiện với môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn, tạo ra trải nghiệm cầm lái vượt trội và thoải mái”, Tổng Giám đốc VinFast toàn cầu Michael Lohscheller khẳng định tại LA Auto Show 2021.
Dự kiến, đầu năm sau, VinFast sẽ tiếp tục tung ra các mẫu xe điện mới thuộc các phân khúc A, B, C, D tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng CES 2022 (từ 5-8/1/2022) với sự đóng góp của những nhà thiết kế ô tô hàng đầu thế giới Pininfarina và Torino Design.
Một điểm nhấn quan trọng nữa đến từ hệ thống giao thông xanh của Việt Nam năm 2021 chính là VinBus - sử dụng xe buýt điện do VinFast sản xuất để vận tải hành khách nội thành, ngoại thành, và liên tỉnh với cơ cấu hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận. VinBus dự định bắt đầu triển khai 10 tuyến đầu tiên tại Hà Nội từ tháng 9 năm 2020 và đến đầu tháng 12/2021 vừa qua, tuyến xe buýt điện VinBus đã chính thức tham gia mạng lưới vận tải công cộng thủ đô.
Hôm 2/12 vừa qua, Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Sinh thái VinBus (được thành lập từ tháng 4/2019) chính thức đưa vào hoạt động tuyến xe buýt điện đầu tiên tại Việt Nam kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng Hà Nội mang số hiệu E03. Dự kiến, trong tháng này, VinBus sẽ triển khai thêm tuyến E05 với tần suất hoạt động các chuyến từ 15-20 phút (từ 5h sáng đến 21h hàng ngày).
“Đây là cột mốc quan trọng, thể hiện sự quyết tâm của thành phố Hà Nội và nỗ lực của Tập đoàn Vingroup nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông, mang đến trải nghiệm xanh, tiện nghi cho người dân”, tập đoàn Vingroup khẳng định.
Bên cạnh đó, VinBus cũng chính thức khai trương và đưa vào hoạt động Depot Smart City đặt tại Khu Đô thị Vinhomes Smart City, Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Phía VinBus cho biết sẽ tiếp tục mở rộng khu Depot khi nhu cầu và quy mô của hệ thống xe buýt điện gia tăng trong tương lai.
Phó TGĐ VinBus: “Chúng tôi xây dựng chất lượng dịch vụ đẳng cấp”
Được biết, đây là khu Depot thứ ba thuộc hệ thống được VinBus đầu tư xây dựng và trực tiếp quản lý vận hành có tổng diện tích 14.500 m2, gồm Trung tâm điều hành xe buýt hiện đại, khu văn phòng làm việc, xưởng bảo dưỡng sửa chữa xe buýt điện lớn nhất miền Việt Nam với diện tích khoảng 1.500 m2, khu rửa xe tự động và bãi đỗ xe có sức chứa lên tới 100 - 120 xe cùng với hệ thống trạm sạc thông minh 120kWh.
“VinBus hoạt động phi lợi nhuận với mục tiêu góp phần tham gia xây dựng mạng lưới giao thông công cộng xanh, văn minh, hiện đại và thân thiện với môi trường. Trong năm 2022, chúng tôi sẽ tiếp tục mở thêm các tuyến xe buýt điện để kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng chung của thành phố, phục vụ đông đảo người dân hơn nữa”, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Lê Khắc Hiệp nói.
Thế và lực của Việt Nam nay đã khác trên trường quốc tế. Kinh tế dần hồi phục mạnh mẽ, nền chính trị ổn định, công cuộc phòng chống tham nhũng ngày càng được đẩy mạnh dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đất nước cơ bản kiểm soát dịch Covid-19, trở lại trạng thái “bình thường mới”, hãy cùng Sputnik kỳ vọng, năm 2022, cùng với khởi đầu mới, Việt Nam sẽ còn gặt hái thật nhiều thành công, tạo nên nhiều kỳ tích, thành tựu, kỷ lục mới trên mọi lĩnh vực.
Thảo luận