Đến 2025, Việt Nam đặt mục tiêu vào top 3 nước dẫn đầu ASEAN về an toàn thông tin mạng, tỷ lệ chủng loại sản phẩm, giải pháp an ninh mạng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đạt 100%.
Bộ Thông tin và Truyền thông muốn doanh thu của doanh nghiệp Việt Nam đạt quy mô trên 500 triệu USD vào năm 2025, thị phần trong nước lên đến trên 50%, tỷ lệ doanh thu sản xuất/nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng trên 70%.
Năm 2022, Việt Nam muốn vào top 80 quốc gia về Chính phủ điện tử
Ngày 22/12, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Thông tin tại Hội nghị cho thấy, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ngành thông tin và truyền thông đạt được nhiều kết quả khả quan năm 2021.
Về lĩnh vực bưu chính, năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã duyệt kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử nhằm tập trung hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp.
Các doanh nghiệp bưu chính đã thành lập nhiều trung tâm khai thác lớn ứng dụng công nghệ hiện đại để kết nối các dịch vụ, triển khai và thúc đẩy thương mại điện tử, logistic, tạo đà cho phát triển kinh tế số, xã hội số.
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, tính đến tháng 11/2021, đã có gần 4 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được đưa lên sàn thương mại điện tử, với 70.000 giao dịch. Đồng thời, doanh thu lĩnh vực bưu chính năm 2021 đạt 37.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo báo cáo về Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính năm 2021 do Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) công bố, Việt Nam xếp thứ 47/168 quốc gia (tăng 2 bậc so với năm 2020).
Đối với lĩnh vực viễn thông, có những tín hiệu rất sáng. Cụ thể, trong năm 2021, chỉ số phát triển viễn thông của Việt Nam (IDI) ước tính xếp hạng 74/176 nước, tăng ba hạng so với năm 2020. Đặc biệt, cả ba nhà mạng Viettel, VNPT, Mobifone đều đã được cấp phép cung cấp dịch vụ Mobile Money.
Theo Bộ TT&TT, trong năm 2021, số lượng thuê bao di động ước đạt 123,76 triệu thuê bao trong đó có 92,88 triệu thuê bao là smartphones (điện thoại thông minh), chiếm khoảng 75%. Doanh thu dịch vụ viễn thông năm 2021 ước đạt 130.768 tỷ đồng tăng 2% so với năm 2020. Đặc biệt, tỷ lệ phủ cáp quang đến hộ gia đình năm 2021 đạt 65%, tăng 10% so với năm 2020.
Việt Nam đã công bố nền tảng khám chữa bệnh từ xa Telehealth đến 100% cơ sở y tế tuyến huyện. Hoàn thành triển khai lắp đặt hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho 328 cơ sở y tế tuyến huyện tại 47 tỉnh, thành phố chỉ trong 2,5 ngày.
Phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỷ đồng kéo dài trong 3 tháng, tổ chức 6 đợt nhắn tin truyền thông vận động ủng hộ quỹ Phòng chống dịch Covid-19 (2,7 triệu tin nhắn ủng hộ Quỹ 120,9 tỷ đồng).
Bộ TT&TT cũng đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em” (ngay tại lễ phát động đã có 1 triệu chiếc máy tính (tương đương khoảng 2.500 tỷ đồng đã được quyên góp ủng hộ). Hoàn thành Hệ thống hội nghị truyền hình phục vụ công tác điều hành của Chính phủ, kết nối Văn phòng Chính phủ với 100% điểm xã, phường, thị trấn trên toàn quốc (10.596/10.596 điểm xã, phường, thị trấn).
Về lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ TT&TT cho hay, Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia đã ra mắt, triển khai phát triển ứng dụng PC-Covid phục vụ cho công tác phòng chống dịch trên phạm vi cả nước. Hiện đã có 32 triệu người sử dụng PC-Covid với hơn 132 triệu mũi tiêm vaccine đã được cập nhật cũng như lần đầu tiên tổ chức công bố Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2020 (DTI).
Theo đó, tỷ lệ Dịch vụ công trực tuyến mức 4 đạt 96% tăng vọt so với 2019 và 2020. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong năm 2021, chuyển đổi số quốc gia có những bước phát triển đột phá trên cả ba trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Báo cáo của Bộ TT&TT cho thấy, tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước đạt trên 95%. Tỷ lệ sẵn sàng họp trực tuyến đến cấp xã tăng từ 40% lên 100%. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện cung cấp mức độ 4 tăng từ 31% lên 96%. Ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP tăng từ 8,2% lên 9,6%.
Lĩnh vực kinh tế số cũng ghi nhận những chuyển biến hết sức tích cực. Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng dự thảo Bộ chỉ tiêu thống kê đo lường kinh tế số và xã hội số, 22 chỉ tiêu cơ bản về kinh tế số đã được bổ sung vào Luật Thống kê. Chỉ đạo xây dựng Nền tảng địa chỉ số Việt Nam, là nền tảng hạ tầng quan trọng cho phát triển kinh tế số.
Bộ cũng xây dựng, hoàn thiện Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp, Chỉ đạo hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa, với gần 88 ngàn lượt doanh nghiệp truy vấn hỗ trợ từ chương trình, gần 15 ngàn doanh nghiệp tiếp cận chương trình, hơn 2,5 ngàn doanh nghiệp đăng ký sử dụng nền tảng số, trong đó có gần 2 ngàn doanh nghiệp sử dụng nền tảng số để chuyển đổi số thành công.
Trong năm 2022, riêng lĩnh vực viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu tập trung sửa đổi Luật Viễn thông. Theo đó, đưa các điều khoản, bổ sung các quy định hoàn thiện khung pháp lý với trọng tâm là thúc đẩy hạ tầng số trong giai đoạn mới, bảo đảm chính sách quản lý theo kịp với sự phát triển của thị trường.
Việt Nam cũng hướng đến tháo gỡ các rào cản trong đầu tư, tạo điều kiện để thị trường phát triển; thực hiện đấu giá băng tần để triển khai mạng di động 4G, 5G, triển khai thương mại 5G với các thiết bị Make in Vietnam từ năm 2022. Chính phủ cũng muốn xây dựng các cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy, quản lý, giám sát hoạt động triển khai Mobile Money, triển khai đấu giá tên miền “.vn” đặc trưng của Việt Nam.
Bộ cũng muốn trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, hết năm 2022, Việt Nam sẽ vào nhóm 80 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ điện tử, chính phủ số trong xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên Hợp Quốc.
FDI đóng góp 117 tỷ USD doanh thu ngành thông tin truyền thông Việt Nam
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2021, doanh thu toàn ngành vẫn đạt mốc kỷ lục với mức 3,46 triệu tỷ đồng, cơ bản hoàn thành 100% kế hoạch đặt ra, tăng trưởng 9% so với năm 2020.
Bộ TT&TT khẳng định, mức tăng trưởng của ngành gấp từ 3,6 - 4,5 lần so với mức dự báo tăng trưởng 2% - 2,5% GDP của quốc gia.
Đáng chú ý, trong số này, công nghiệp ITC chiếm tỷ trọng đóng góp lớn nhất với doanh thu ước đạt 136 tỷ USD, tăng hơn 11,4 tỷ USD so với năm 2020, trong đóm riêng đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lên tới hơn 117 tỷ USD.
Doanh thu dịch vụ viễn thông đứng thứ hai với doanh số ước đạt 130.768 tỷ đồng tăng 2% so với năm 2020.
Năm qua, như Sputnik đã thông tin, Bộ TT&TT đã cấp phép thử nghiệm 5G tai 16 tỉnh, thành phố với hơn 300 trạm phát sóng, tốc độ trung bình đạt từ 500-600 Mbps (gấp 10 lần so với tốc độ 4G).
Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã làm chủ công nghệ, phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế số, hiện thực hóa một Việt Nam thịnh vượng.
Cả nước hiện có tổng cộng 64.000 doanh nghiệp công nghệ số (tăng 9,5%), tăng thêm 5.600 doanh nghiệp so với năm 2020 và có gần 1.000 sản phẩm, dịch vụ ICT mang thương hiệu Việt Nam.
Tổng số lao động toàn ngành là 1,4 triệu người, tăng 8% so với năm 2020. Dù còn chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng doanh thu của các doanh nghiệp Việt Nam đạt 18,779 tỷ USD, chiếm 13,8% doanh thu chung toàn ngành. Theo tính toán, tỷ lệ giá trị Việt Nam trong doanh thu ngành đạt 24,65%, tăng đáng kể so với những năm trước đó.
Tăng cường an ninh mạng
Về an toàn thông tinh mạng, năm 2021, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 25 trên tổng số 194 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ 7 trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và thứ 4 trong khu vực Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu do Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) xếp hạng.
Trong năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt hệ sinh thái Tín nhiệm mạng (tại địa chỉ https://tinnhiemmang.vn) và lần đầu tiên công bố xếp hạng mức độ bảo đảm an toàn thông tin mạng các bộ, ngành địa phương năm 2020.
Chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan chủ động rà quét không gian mạng, bảo đảm an toàn thông tin cho Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII và Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các trong năm 2021.
Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược an toàn không gian mạng quốc gia năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Ban hành “Cẩm nang Bảo đảm an toàn thông tin trong đại dịch Covid-19”. Bộ cũng tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 21 ngày 6/1/2021 phê duyệt Đề án về đào tạo và phát triển nguồn lực an toàn thông tin giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên, các báo cáo cũng cho thấy, năm 2021, vấn đề lộ, lọt thông tin cá nhân từ các ứng dụng phòng, chống Covid-19 đã nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã kịp thời chỉ đạo ngay các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành phối hợp khắc phục ngày các sự cố mất an toàn thông tin.
Bộ TT&TT đã chỉ đạo rà rà quét lỗ hổng bảo mật, nền tảng hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, ứng dụng tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin cho người sử dụng, Trung tâm R&D về an toàn thông tin mạng tạo môi trường cho doanh nghiệp vừa và nhỏ nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm mới.
Báo cáo của Bộ cũng cho thấy, ngành đã triển khai đánh giá, kiểm định an toàn thông tin, quản lý tên định danh quốc gia, quản lý danh sách không quảng cáo, tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, quản lý danh sách đen địa chỉ IP, đánh giá, kiểm định an toàn thông tin và công bố các sản phẩm đạt chuẩn.
Cùng với đó, năm qua, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin được cấp phép mới còn hạn chế do việc cung cấp dịch vụ, sản phẩm an toàn thông tin mạng cần đáp ứng yêu cầu theo quy định. Thời gian tới, Bộ sẽ có các chính sách, biện pháp tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy an toàn thông tin mạng cũng như phát triển các sản phẩm, doanh nghiệp tham gia thị trường này.
Bên cạnh đó, năm 2022, Bộ sẽ xây dựng vận hành hệ thống hỗ trợ giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng phục vụ Chính phủ; Hệ thống Thao trường mạng phục vụ huấn luyện, diễn tập, sát hạch an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử; Hệ thống tự động phân tích hành vi và hỗ trợ xử lý mã độc; Hệ thống Phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo về hoạt động kiểm định an toàn thông tin.
Dự kiến, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục thực thi Internet an toàn, cổng Không gian mạng quốc gia, hệ thống dán nhãn tín nhiệm Website, tổ chức chương trình và trao thưởng khai thác lỗ hổng trên các nền tảng số Make in Viet Nam, tổ chức hai cuộc diễn tập thực chiến quy mô quốc gia.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng xây dựng dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các hoạt động ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin mạng, bảo đảm an toàn thông tin không gian mạng Việt Nam, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin cho thiết bị camera giám sát thông minh.
Kế hoạch tham vọng của Việt Nam
Đến năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông phấn đấu hỗ trợ, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam đạt từ 35% - 45%/năm, xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91 năm 2020 về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 85 năm 2016 về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
Đồng thời, đến năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN về an toàn thông tin mạng, tỷ lệ chủng loại sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin mạng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đạt 100%.
Tỷ lệ doanh thu sản xuất/nhập khẩu các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng đạt trên 70%. Doanh thu của doanh nghiệp Việt Nam đạt quy mô trên 500 triệu USD vào năm 2025. Thị phần trong nước đạt trên 50%.
Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, sẽ phấn đấu đạt mục tiêu 100% thiết bị đầu cuối của cơ quan quản lý nhà nước được cài đặt giải pháp bảo vệ và 100% hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước cấp độ 3, 4, 5 được phân loại và thực hiện bảo vệ theo cấp độ vào năm 2025.
Đáng chú ý, sẽ chuyển từ tư duy “bảo đảm an toàn thông tin mạng” sang tư duy “bảo đảm an toàn không gian mạng Việt Nam”.
Việt Nam cũng sẽ xây dựng chiến lược an toàn không gian mạng quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Phát triển và duy trì bảo đảm an toàn thông tin mạng theo mô hình 4 lớp kết hợp phương thức quản trị rủi ro dựa trên cấp độ an toàn hệ thống thông tin tại các bộ, ngành, địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số là động lực phát triển kinh tế, khát vọng phát triển, khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc sẽ tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên thành nước phát triển có thu nhập cao.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Tư lệnh ngành tin rằng, năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện. Là năm đầu thực hiện các chiến lược mới: Hạ tầng số, Dữ liệu, Bưu chính, An toàn thông tin mạng, Công nghiệp công nghệ số, Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số, Chuyển đổi số báo chí.
“Đôi cánh để Việt Nam bay lên là công nghệ và khát vọng phát triển. Đôi cánh này đều có liên quan đến ngành Thông tin và Truyền thông với một sứ mệnh mới”, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ, đồng thời, cam kết rằng, ngành TT&TT sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm 2022, thậm chí còn cao hơn và tốt hơn năm 2021.