Trong những ngày 21-22 tháng 12 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm nhà nước tới Vương quốc Campuchia. Chuyến thăm với 16 hoạt động được đánh giá chung là quan trọng đối với cả hai nước. Sputnik có bài phân tích về sự kiện này và kết quả của nó với bình luận của một số chuyên gia quan hệ quốc tế.
Bối cảnh chuyến thăm Vương quốc Campuchia lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có gì đặc biệt?
Nhiều ý kiến cho rằng, chuyến thăm Campuchia lần đầu tiên của ông Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có liên quan đến vấn đề Campuchia sẽ làm Chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm 2022. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, khối ASEAN hoạt động theo cơ chế đồng thuận và bình đẳng.
“Một quốc gia nào đó trong cộng đồng ASEAN dù lớn hay nhỏ, khi làm chủ tịch luân phiên không thể có quyền “ra lệnh” cho các nước khác và cũng không có “quyền phủ quyết” để cản trở bất kỳ một hoạt động nào của cộng đồng một khi toàn khối đã đồng thuận”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Hoàng nói với Sputnik.
Hơn nữa, tuyên bố chung Việt Nam – Campuchia cho thấy, hai bên chủ yếu đề cập tới các vấn đề quan hệ song phương.
“Trong số 16 điểm của Tuyên bố chung Việt Nam – Campuchia, chỉ có hai điểm thứ 14 và 15 đề cập đến vai trò của Việt Nam và Campuchia trong cộng đồng ASEAN. Theo đó, Việt Nam cảm ơn Campuchia đã ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho thành công của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020; đồng thời Việt Nam cũng cam kết ủng hộ mạnh mẽ đối với Campuchia trong năm Chủ tịch ASEAN 2022 của nước này với chủ đề “ASEAN cùng nhau giải quyết các thách thức” do Campuchia đề xướng”, - Chuyên gia Nguyễn Hoàng nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn cho Sputnik.
Một điểm không thể bỏ qua là chuyến thăm Campuchia của ông Nguyễn Xuân Phúc diễn ra trong bối cảnh cuộc cạnh tranh chiến lược toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc không những không lắng xuống mà còn có những chuyển biến không có lợi cho hòa bình, ổn định tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có địa bàn ASEAN. Do đó, theo ý kiến chung của giới bình luận, mục đích chính của chuyến đi thăm này không có gì khác hơn là củng cố, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước mà là tài sản vô giá của hai dân tộc.
Chuyến đi thăm này còn là hoạt động mở đầu cho “Năm hữu nghị Việt Nam – Campuchia 2022” để kỷ niệm 55 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp cao nhất (24/6/1967 – 24/6/2022) với phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.
“Như đại sứ Campuchia ở Việt Nam, ông Chay Navuth đã phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn VOV chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam phản ánh rõ quan hệ gần gũi giữa hai nước, đồng thời đó cũng là sự thể hiện tình hữu nghị giữa hai nước cho các quốc gia trong khu vực và trên thế giới thấy. Trong tình hình quốc tế và khu vực phức tạp hiện nay điều này là thực sự quan trọng và cần thiết”, - TS Hoàng Minh phát biểu với Sputnik.
3 điểm nhấn lớn của kết quả đàm phán
Chúng ta có thể nhận thấy các chủ đề chính trong các cuộc hội kiến giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Quốc vương Norodom Sihamoni, với Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen, với Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Quốc hội Campuchia được thể hiện bằng các văn kiện quan trọng được ký kết bên cạnh Tuyên bố chung giữa hai nguyên thủ quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen
© AFP 2023 / An Khoun SamAun / National Television of Cambodia (TVK)
- Hợp tác song phương về vấn đề an ninh;
- Hợp tác song phương về vấn đề quốc phòng;
- Hợp tác song phương về kinh tế, đầu tư và thương mại;
- Hợp tác song phương về văn hóa và giáo dục;
- Hợp tác song phương về khoa học và kỹ thuật;
- Hợp tác song phương về lĩnh vực tư pháp;
- Thúc đẩy tăng cường biên mậu.
Ngoài ra, các doanh nghiệp hai bên còn ký kết nhiều hợp đồng và thỏa thuận hợp tác kinh doanh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Hoàng, kết quả đàm phán giữa hai bên đã thể hiện 3 điểm nhấn lớn sau đây:
Điểm nhấn lớn nhất trong quan hệ song phương được hai bên cam kết là “tiếp tục thực hiện đầy đủ các nguyên tắc được nêu trong Tuyên bố chung Việt Nam - Campuchia các năm 1999, 2005, 2009, 2011, 2014, 2016, 2017 và 2019; tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, không can thiệp vào các công việc nội bộ của nhau và giải quyết các vấn đề nảy sinh giữa hai nước bằng các biện pháp hòa bình” đồng thời “nhất trí tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh trên nguyên tắc không cho phép bất cứ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước mình làm phương hại đến an ninh của nước kia; triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác quốc phòng, an ninh hiện có; tăng cường phối hợp duy trì ổn định chính trị, an ninh, trật tự và an toàn xã hội ở mỗi nước” (trích điểm 4 và điểm 8 của Tuyên bố chung Việt Nam – Campuchia tháng 12/2021).
Điểm nhấn thứ hai là hai bên tái khẳng định cam kết tôn trọng và thực hiện đầy đủ các hiệp ước về hoạch định và phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền và các hiệp định, thỏa thuận liên quan đến biên giới giữa hai nước. Hai bên khen ngợi những nỗ lực của Ủy ban liên hợp Phân giới cắm mốc trên đất liền Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam đã hoàn thành khoảng 84% khối lượng công tác phân giới cắm mốc trên đất liền giữa hai nước; hoan nghênh Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 và Nghị định thư về phân giới cắm mốc trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương Quốc Campuchia bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22/12/2020.
“Người Việt Nam có câu “yêu nhau thì rào dậu cho chặt”. Vì vậy, điểm nhấn thứ ba trong các chủ đề đàm phán chính là việc Việt Nam và Campuchia đã cam kết “thúc đẩy Ủy ban liên hợp Biên giới Việt Nam – Campuchia, Campuchia - Việt Nam tìm giải pháp mà hai bên có thể chấp nhận được để giải quyết khoảng 16% đường biên giới trên đất liền chưa hoàn thành phân giới cắm mốc” nhằm “hoàn thành xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định và hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia”. Kèm theo đó là sự nhất trí trong việc sớm cho ra đời một “Hiệp định về cửa khẩu biên giới trên đất liền trong tương lai gần để thay thế các điều khoản trong Hiệp định về Quy chế biên giới năm 1983 liên quan đến quản lý các cửa khẩu nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động của hệ thống cửa khẩu biên giới thông qua việc mở và nâng cấp các cặp cửa khẩu mà hai bên đã thống nhất từ năm 2013” (trích điểm 9 của Tuyên bố chung Việt Nam – Campuchia tháng 12/2021)”, - Chuyên gia Nguyễn Hoàng nêu rõ trong trả lời phỏng vấn cho Sputnik.
Cũng theo phân tích của chuyên gia Nguyễn Hoàng, việc đạt được những thỏa thuận căn bản để sớm hoàn tất việc phân giới, cắm mốc biên giới giữa hai bên không chỉ có ý nghĩa mở đường, tạo điều kiện cho việc xây dựng đường biên giới Việt Nam – Campuchia, Campuchia – Việt Nam hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển mà còn bịt kín mọi kẽ hở, không để cho các thế lực bên ngoài, các thế lực thù địch, chống đối trong mỗi nước lợi dụng vấn đề biên giới giữa hai bên để gây mâu thuẫn, chia rẽ quan hệ hữu nghị giữa hai nước và phá hoại tình đoàn kết giữa hai dân tộc.
Điểm 4 và 8 – hai điểm đặc biệt quan trọng của Tuyên bố chung
Có những ý kiến cho rằng, chuyến thăm Campuchia lần này của ông Nguyễn Xuân Phúc có liên quan tới tình hình trong thời gian gần đây, khi mà Campuchia đang có những động thái gần hơn với Trung Quốc và tích cực phát triển hợp tác với Trung Quốc.
“Khi bình luận về vấn đề này, chắc chắn không thể bỏ qua việc Việt Nam và Campuchia đã cam kết tại điểm 4 của bản Tuyên bố chung 2021. Đó là quan hệ giữa Campuchia với bất cứ một nước thứ ba nào và ở cấp độ nào cũng đều là công việc nội bộ của Campuchia, thuộc phạm vi chủ quyền, độc lập của Campuchia nên Việt Nam không thể bàn đến và không được phép can thiệp”, - TS Hoàng Minh nhấn mạnh với Sputnik.
Tại điểm 8 của Tuyên bố chung Việt Nam - Campuchia 2021, hai bên đã khẳng định “nguyên tắc không cho phép bất cứ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước mình làm phương hại đến an ninh của nước kia; triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác quốc phòng, an ninh hiện có; tăng cường phối hợp duy trì ổn định chính trị, an ninh, trật tự và an toàn xã hội ở mỗi nước; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ biên giới”.
“Điểm 8 của Tuyên bố chung cho thấy, việc Campuchia có động thái xích lại gần Trung Quốc và tích cực phát triển hợp tác với Trung Quốc không ảnh hưởng đến quan hệ Việt Nam-Campuchia, miễn là các mối quan hệ đó phù hợp với các nguyên tắc trong Hiến chương ASEAN cũng như quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc nhằm thúc đẩy sự tin cậy chính trị, hợp tác hữu nghị và toàn diện, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau”, - Chuyên gia Nguyễn Hoàng bình luận với Sputnik.