Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, dù xuất khẩu nông sản đạt kỷ lục, nhưng ùn tắc ở biên giới là câu chuyện muôn thuở, năm nào cũng có, nên ngành nông nghiệp Việt Nam phải “làm bài bản”, dự báo thị trường, hướng đến xuất khẩu chính ngạch, đặc biệt phải cải thiện quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Ùn tắc cửa khẩu: Việt Nam – Trung Quốc họp bàn
Như Sputnik đưa tin, trên các tuyến biên giới phía Bắc giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện đang xảy ra tình trạng ùn tắc xuất khẩu nông sản, việc thông quan hàng hóa gặp vô vàn khó khăn.
Trung Quốc tăng cường kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu chính, phụ, đường mòn, lối mở với Việt Nam, nhằm đảm bảo mục tiêu “Zero Covid” của Bắc Kinh, hàng hóa Việt qua các cửa khẩu bị chặn, gây ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng, vạ vật hàng ngàn xe tải, container, xe hàng những ngày qua.
Trong khi xuất khẩu hàng Việt Nam, đặc biệt là nông sản, chủ yếu vẫn qua đường tiểu ngạch, thì Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Vy Công Tường mới nêu ra hai con số đáng chú ý. Thứ nhất, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam với Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về việc nhập khẩu 9 mặt hàng nông sản (chính ngạch) như vải, xoài, mít, dưa hấu, thanh long, chuối, chôm chôm, măng cụt, hàng xuất đi bị kiểm dịch 100% nên thời gian thông quan lâu hơn.
Bộ Nông nghiệp Việt Nam hiện vẫn tiếp tục đàm phán với phía Trung Quốc nhằm đưa thêm một số mặt hàng nông sản khác có thể xuất chính ngạch. Hải quan các tỉnh biên giới phía Bắc, không riêng gì Lạng Sơn, đều đang mong Việt Nam và Trung Quốc khi có Nghị định thư về chấp nhận kiểm dịch lẫn nhau thì việc thông quan sẽ thuận lợi, nhanh hơn, tránh hư hại hàng hóa nông sản, gây tổn thất cho cả người dân, thương lái và doanh nghiệp.
Cũng theo ông Vy Công Tường, vì truyền thống xuất khẩu tiểu ngạch, Trung Quốc áp dụng chính sách thương mại miễn thuế nhập khẩu với cư dân biên giới khi mua nông sản từ Viêt Nam (thường là mỗi ngày 8.000 tệ/ngày (tức khoảng 28,6 triệu đồng/ngày) nên doanh nghiệp 2 bên không chú trọng đến xuất khẩu chính ngạch, do đó, tỷ lệ xuất khẩu nông sản chính ngạch qua địa bàn Lạng Sơn hiện “rất thấp” – chỉ chiếm khoảng 3% nông sản xuất đi Trung Quốc.
Hải quan Lạng Sơn cho biết, hiện có hơn 6.300 xe tải chờ xuất hàng đi Trung Quốc và khoảng hơn 3.000 xe chờ thông quan nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó, chủ yếu là hàng nông sản, thủy sản (chiếm trên 80%). Do đó, tình hình rất khó khăn.
Trước tình hình “ách tắc hàng hóa gia tăng nghiêm trọng tại khu vực cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc, cùng nỗ lực tháo gỡ khó khăn của các bộ, ngành, địa phương hữu quan, ngày 27/12, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã tiến hành điện đàm với Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Ngô Giang Hạo nhằm trao đổi phương hướng, biện pháp thúc đẩy lưu thông hàng hóa thông qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc giữa hai nước.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ
© Ảnh : TTXVN phát
Theo thông cáo chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam, tại hội đàm, hai bên đã thống nhất quan điểm rằng, vấn đề ùn tắc hàng hóa đã và đang gây ra những thiệt hại to lớn cho người dân và doanh nghiệp mỗi nước, ảnh hưởng đến hợp tác thương mại song phương và chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất khu vực.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc “đã thẳng thắn” chia sẻ về những khó khăn trong việc thực hiện đồng thời mục tiêu phòng chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế - thương mại.
Hai bên cùng khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sớm khôi phục hoạt động thương mại biên giới đối với sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương hai bên, cũng như góp phần duy trì ổn định chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng khu vực, đặc biệt là bảo đảm lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp và người dân hai nước.
“Với tinh thần hợp tác, cùng khắc phục khó khăn, hai bên nhất trí duy trì trao đổi chặt chẽ, tích cực thúc đẩy các bộ ngành, địa phương hai nước phối hợp khẩn trương tìm kiếm giải pháp sớm tháo gỡ vấn đề ách tắc hàng hóa hiện nay”, Bộ Ngoại giao nêu rõ.
Hà Nội và Bắc Kinh cũng nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trong công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh tại khu vực cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc, hạn chế tối đa hiện tượng ách tắc thông quan như vừa qua.
Bộ Công Thương đã có văn bản kiêu cầu các tỉnh tăng cường khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, nông dân, thương lái, cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản, trái cây tươi trên địa bàn thường xuyên cập nhật tình hình thông quan tại khu vực phía Bắc.
Bộ này lưu ý, phía Việt Nam cần chú ý lịch nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán của Trung Quốc để chủ động có kế hoạch sản xuất, xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác. Đồng thời, cần tăng cường trao đổi với bạn hàng Trung Quốc để giao hàng qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh khác nhằm giảm ùn ứ tại Lạng Sơn, hoặc chuyển sang sử dụng phương thức vận tải khác (chẳng hạn như đường sắt).
Bài toán sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu quốc gia
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhắc rằng, chuyện ùn tắc xuất khẩu nông sản ở khu vực biên giới là “câu chuyện muôn thuở”, “năm nào cũng xảy ra” tại Hội nghị tổng kết năm 2021, triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2022 của ngành nông nghiệp sáng nay 29/12.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chuẩn bị kết thúc năm 2021 “đầy khó khăn, thử thách do đại dịch Covid-19”, nhìn lại thành công chung của cả nước, có sự đóng góp rất lớn của ngành nông nghiệp – bệ đỡ của nền kinh tế, “cứu cánh” góp phần ổn định đời sống người dân, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và một phần của thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính điểm lại, năm 2021, trong khó khăn nhưng GDP toàn ngành tăng khoảng 2,85%, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 48,6 tỷ USD là mức cao kỷ lục (vượt 6,6 tỷ USD so với chỉ tiêu được giao).
Có 10 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, trong đó 06 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu hơn 3 tỷ USD, đặc biệt là gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt gần 15 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt hơn 6,4 tỷ USD, góp phần quan trọng vào xuất siêu của Việt Nam.
Mặc dù vậy, theo lãnh đạo Chính phủ, ngành nông nghiệp chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, đặc biệt là kinh tế biển. Ngành còn thụ động, phụ thuộc vào thị trường, thời tiết nhiều, do đó, phải nâng cao dự báo thị trường các sản phẩm nông sản, thủy sản Việt Nam.
Ngành nông nghiệp phát triển chưa đi vào chiều sâu, chưa bền vững, chưa thích ứng linh hoạt với diễn biến mới. Thị trường xuất khẩu còn thiếu đa dạng, còn phụ thuộc vào một số thị trường lớn nên khi các thị trường này biến đổi, “chúng ta sẽ bị thụ động, lúng túng”.
Thủ tướng phân tích, còn có một số sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu mang tầm quốc gia, quốc tế.
“Ví dụ như nói đến hoa lan, người ta nghĩ đến Thái Lan, hoa tulip ở Hà Lan, cà phê ở Brazil”, ông Chính dẫn chứng và cho rằng, Việt Nam chưa tạo được sản phẩm thương hiệu mang tầm quốc gia như thế.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của ngành nông nghiệp Việt Nam đạt mức cao kỷ lục nhưng theo Thủ tướng, xuất khẩu còn mất cân đối. Chẳng hạn, gạo xuất khẩu 3 tỷ USD nhưng nhập khẩu đậu tương, ngô lên tới 7,8 tỷ USD.
“Cần suy nghĩ, giải bài toán này”, Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệm nghiêm túc nhìn thẳng vào vấn đề.
Mục tiêu năm sau, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu, phải cao hơn năm trước – tăng trưởng trên 3%, xuất khẩu phải vượt mốc 50 tỷ USD.
Cùng với đó, ông Chính đề nghị, ngành nông nghiệp phải có chiến lược, quy hoạch đúng đắn. Rà soát về mặt thể chế để làm sao phát triển nông nghiệp bền vững, có chiều sâu, dựa vào khoa học công nghệ, chuyển đổi số chứ không thể vào trời, đất, thời tiết mãi được.
Phải cải thiện quan hệ với thị trường Trung Quốc
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp phải đa dạng hóa thị trường hơn nữa, nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy xây dựng nhiều thương hiệu mang tầm quốc gia, quốc tế.
“Phụ thuộc mãi vào một vài thị trường, khi xảy ra khủng hoảng rất dễ đứt gãy”, Thủ tướng nói.
Nhận định việc ùn ứ, ách tắc nông sản ở cửa khẩu biên giới phía Bắc là câu chuyện muôn thở, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu phải “cải thiện quan hệ với thị trường Trung Quốc”.
Theo Thủ tướng, sau Hội nghị ASEAN, cá nhân ông đã có thư gửi Thủ tướng Trung Quốc (Lý Khắc Cường) đề nghị ủng hộ các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, cũng như nhiều lần chỉ đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải cải thiện quan hệ thương mại song phương giữa hai nước.
Cùng với đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phải có sản phẩm xuất khẩu chính ngạch.
“Cuối năm nào cũng có vấn đề, năm thì dưa hấu, năm thì thanh long, xoài, mit…Chúng ta phải chủ động và các tỉnh biên giới phải làm việc với nhau thông thoáng, đặc biệt là vấn đề phòng chống dịch Covid-19 giữa hai nước”, người đứng đầu Chính phủ nói.
Nhấn mạnh ngành nông nghiệp là trụ đỡ, do đó, không thể thụt lùi, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng đến làm “nông nghiệp thông minh”, phát triển kinh tế biển, gỡ thẻ vàng xuất khẩu thủy hải sản, tăng cường bảo vệ rừng, đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế để phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời chủ động đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia, bảo vệ hàng hóa nông sản Việt Nam.
Thủ tướng mong ngành nông nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển hiện đại, bền vững, khả năng cạnh tranh cao, người nông dân sẽ ngày càng giàu có, văn minh, có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương minh, nông thôn đất nước ngày càng hiện đại, phồn vinh, thân thiện, đáng sống hơn.