Trung Quốc đóng biên giới, nông sản Việt ùn ứ, nhiều doanh nghiệp phải “quay xe”
20:46 23.12.2021 (Đã cập nhật: 22:25 23.12.2021)
© Depositphotos.com / VinhdavXe container
© Depositphotos.com / Vinhdav
Đăng ký
Trung Quốc đóng cửa biên giới, chặn cửa khẩu, nhiều mặt hàng nông sản có dấu hiệu bắt đầu hỏng trong bối cảnh lượng xe hàng ún ứ có xu hướng tăng trở lại, do đó, nhiều doanh nghiệp đã phải “quay xe” đổ về tiêu thụ nội địa mong “vớt vát” lại.
Cơ quan chức năng cho biết, với năng lực thông quan hiện tại, phải mất 44 ngày để giải quyết cho hơn 4.400 xe đang ùn ứ, tắc đường thông quan sang Trung Quốc.
Nông sản bắt đầu hỏng, số xe ùn ứ có dấu hiệu tăng
Sáng 23/12, thông tin từ Sở Công Thương Lạng Sơn cho biết đang có 4.460 xe ùn ứ tại 3 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma. So với trưa ngày hôm qua 22/12, lượng xe tồn lại đã tăng thêm 50 xe.
Cụ thể, lượng xe ở cửa khẩu Hữu Nghị là 1.447 xe (tại bãi xe trung chuyển là 1.150 xe, còn lại 297 xe hàng chờ xuất khẩu). Các mặt hàng chủ yếu tồn lại ở cửa khẩu này là mít, thanh long, ván bóc.
Tại cửa khẩu Chi Ma, khu vực cửa khẩu tồn 609 xe. Mặt hàng tồn chủ yếu là tinh bột sắn, chè khô, hạt bo bo, cau khô.
Tại cửa khẩu phụ Tân Thanh, có đến 2.404 xe còn tồn lại. Mặt hàng tồn chủ yếu là nhiều loại nông sản khác nhau, bao gồm dưa hấu, thanh long, chuối xanh, mít, xoài...
Sở Công Thương Lạng Sơn khuyến cáo các doanh nghiệp cân nhắc bố trí thời gian hợp lý để vận chuyển hàng hóa xuất khẩu lên các cửa khẩu tại Lạng Sơn.
Trước đó, lượng xe container chờ ở cửa khẩu có xu hướng giảm trong hai ngày 21/12 và 22/12. Trong đó, ngày 22/12 giảm 51 xe, ngày 21/12 giảm 37 xe.
© Thái Thuần - TTXVNXe chờ xuất khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu phụ Tân Thanh
Xe chờ xuất khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu phụ Tân Thanh
© Thái Thuần - TTXVN
Sau thời gian chờ đợi lâu, các mặt hàng nông sản bắt đầu hư hỏng nên các doanh nghiệp, chủ hàng buộc phải cho quay đầu xe, chuyển sang tiêu thụ nội địa để thu hồi phần nào chi phí.
Về phần mình, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết, công nghệ bảo quản lạnh ở các container chở hàng xuất khẩu sang Trung Quốc thường chỉ duy trì trong vòng 1 tháng.
"Tầm này là nhiều container đã có bắt đầu hỏng, kém chất lượng rồi vì họ đã đợi quá lâu. Các chủ hàng nên tính toán phương án để giảm thiệt hại. Đừng cố chờ nữa!", ông Nguyên nhấn mạnh.
Sẽ cần đến 44 ngày để giải quyết hơn 4.400 xe
Trong khi đó, Cục Hải quan Lạng Sơn cho rằng, nếu phía Trung Quốc tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng dịch tại cửa khẩu, thì với năng lực thông quan chừng 100 xe/ngày như hiện nay, sẽ cần đến 44 ngày nữa để giải quyết hơn 4.400 xe đang ùn ứ tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn.
Được biết, hiện chỉ có cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị là đang cho thông quan hàng hóa, còn cửa khẩu Tân Thanh, Chi Ma đã tạm thời đóng cửa.
Trong đó, cửa khẩu Chi Ma đóng cửa từ 8/12, sau khi Trấn Ái Điểm nghi phát hiện 3 ca dương tính với Covid-19.
“Ngày 10/12, Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã gửi thư công tác số 28 để đề nghị khôi phục lại cửa khẩu này, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía bạn. Dừng hẳn thì sẽ không có xe nào đi qua được nên việc cải thiện rất chậm", đại diện Sở Công Thương Lạng Sơn thông tin.
Còn cửa khẩu Tân Thanh cũng lúc đóng, lúc mở để kiểm soát dịch, nhưng cơ bản phần lớn vẫn là dừng thông quan. Nếu mở thì mỗi ngày cửa khẩu Tân Thanh thông quan được 200 xe, còn đóng thì không xe nào qua được.
"Ngày ở cửa khẩu Hữu Nghị cũng vậy, cũng có đúng lúc mở, nhúc nhắc. Nếu không xuất khẩu được mà cứ có xe lên thì tăng, ùn ứ khó tránh khỏi. Dịch bệnh tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại nhiều", đại diện Sở Công Thương Lạng Sơn cho biết.
Tiến tới xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc
Chia sẻ với báo chí chiều 22/12, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết, tình trạng ùn ứ nông sản Việt Nam ở các cửa khẩu Trung Quốc đã xảy ra nhiều lần nhưng lần này có lẽ là khó khăn nhất.
Theo ông, vấn đề này cần có giải pháp tổng thể chứ không chỉ dừng lại ở từng sự vụ, sự việc. Nhiều xe nông sản của Thái Lan, Campuchia cũng tìm đường sang Trung Quốc qua các cửa khẩu Việt Nam.
Người đứng đầu Bộ NN&PTNT cho rằng, Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu nông sản Việt Nam chiếm tỉ trọng cao nhất. Điều này đồng nghĩa Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào thị trường tỷ dân này, đặc biệt là những thay đổi trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch, thông quan, phòng chống Covid-19.
Với việc Trung Quốc siết chặt kiểm định hàng hóa thông quan cửa khẩu để phòng dịch, hàng hóa từ Việt Nam dễ bị ùn tắc ứ động. Thêm nữa, Việt Nam còn yếu về hạ tầng, kho bãi.
Do vậy, Bộ NN&PTNT đang dự thảo đề an, theo đó xuất khẩu nông sản được đa dạng hóa thị trường dựa trên lợi thế từ các hiệp định thương mại với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EVFTA), Anh (UKVFTA)…
Riêng thị trường Trung Quốc sẽ có đề án riêng, trong đó tiếp tục đàm phán mở rộng xuất khẩu các loại nông sản chính ngạch, đầu tư hạ tầng logistics tại các cửa khẩu như kho lạnh, chế biến, đóng gói, bao bì nhãn hiệu.
Một công tác quan trọng khác là kịp thời phân tích thông tin thị trường như các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, thông quan hàng hóa, mùa vụ thu hoạch những loại nông sản mà Trung Quốc có thể sản xuất được.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết sẽ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, tiến tới chấm dứt xuất khẩu tiểu ngạch do có nhiều rủi ro.
Kiến nghị một số giải pháp với Thủ tướng Chính phủ
Ngày 23/12, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (gọi tắt là Ban Nghiên cứu) đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề xuất một số biện pháp cải thiện tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Theo đó, Ban Nghiên cứu kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét tiến hành trao đổi cấp cao hơn giữa hai bên để cùng nhận diện nút thắt và tìm kiếm giải pháp tháo gỡ phù hợp.
Việc đàm pháp sẽ nhằm khẩn trương giải phóng lượng hàng hóa và xe ùn ứ tại các cửa khẩu, bình thường hóa hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng dịch.
Ban Nghiên cứu cũng đề xuất Chính phủ xem xét trao đổi, đàm phán với phía Trung Quốc để bố trí cửa khẩu thông quan riêng cho hàng linh kiện điện tử, hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước so với hàng nông, thủy sản.
Cùng với đó, phối hợp lực lượng chuyên môn hai phía để bàn giao theo đợt, giải phóng các xe hàng, container, tài xế đang kẹt lại tại cửa khẩu hai nước.
Ban Nghiên cứu kiến nghị Chính phủ xem xét giao các địa phương có cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc khẩn trương rà soát, khảo sát, thiết lập vùng đệm đối với hàng hóa trao đổi với Trung Quốc để quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh Covid-19 tại vùng đệm này.
"Việc này nhằm phát hiện sớm và cách ly người/vật mắc Covid-19 ngay tại đầu vùng đệm, không để xảy ra tình huống phát hiện người/vật mắc covid-19 ở điểm giáp biên dẫn tới hành động "đóng biên tức thời" của phía Trung Quốc", nội dung kiến nghị có đoạn.
Ban Nghiên cứu cho rằng, với hàng nông sản sắp thu hoạch và chuẩn bị xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu đường bộ trong dịp cận Tết, Bộ NN&PTNT sớm thông tin, làm việc với các địa phương trên cả nước để tạm dừng các chuyến hàng đang có kế hoạch vận chuyển lên cửa khẩu.
Cùng với đó, hướng dẫn người nông dân trì hoãn thu hoạch nếu có thể hoặc tiếp tục bảo quản tại kho, chờ đến khi số hàng ùn ứ hiện tại được giải phóng bớt thì mới tiếp tục đưa hàng mới đến cửa khẩu.