Chiều tối 29/12, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thành phố Hà Nội đã họp khẩn về vấn đề này. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đưa ra định nghĩa mới về ca bệnh Covid-19 và người tiếp xúc gần.
Sàng lọc nghi ngờ chủng Omicron
Tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của thành phố Hà Nội, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết:
“Hà Nội đã lấy 28 mẫu xét nghiệm các trường hợp mắc COVID-19 và có yếu tố dịch tễ nghi ngờ liên quan đến biến chủng Omicron và chuyển đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để giải trình tự gen xác định chủng virus. Hiện việc giải trình tự gen vẫn đang trong quá trình thực hiện và đang chờ kết quả”.
Cũng theo ông Cương, tổng số ca mắc COVID-19 trên địa bàn là 43.128 trường hợp (tính đến ngày 28/12). Hiện nay, thành phố có 76 điểm phong tỏa với 3.100 người.
29 Tháng Mười Hai 2021, 07:31
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết thêm, cần phải tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống dịch COVID-19 do số lượng ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn thành phố tăng nhanh, có thể vượt ngưỡng 2.000 ca mắc/ngày trong tuần tiếp theo.
Tại phiên họp, cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đề nghị các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêm chủng mũi 1, mũi 2 và tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế;
Đồng thời tiếp tục triển khai đồng bộ việc thu dung điều trị F0 triệu chứng nhẹ, không triệu chứng tại các khu thu dung điều trị theo mô hình trạm y tế lưu động và tổ chức cách ly điều trị tại nhà v.v.
Hà Nội vừa đón Tết, vừa chống dịch
Trước tình hình biến thể Omicron, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao do Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022 sắp đến gần. Đặc biệt, số lượng kiều bào về nước ăn Tết là rất lớn. Do đó, nguy cơ lây lan COVID-19 là rất cao.
Về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Thủ đô, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý:
“Trừ các trường hợp theo chỉ định y tế không thể tiêm vaccine được, với các trường hợp khác, Bí thư, Chủ tịch phải đến tận nhà vận động, tuyên truyền, để tiêm vaccine bằng được. Tiêm thêm được 1 người là giảm đi 1 người phải chuyển tầng 3 điều trị, giảm đi một nguy cơ tử vong. Đây là chuyển biến về nhận thức phải xác định rõ là hạn chế chuyển tầng, tử vong, quản trị rủi ro”.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận định, số ca mắc COVID-19 có thể lên tới 5.000-7000 ca/ngày. Có thể biến chủng Omicron sẽ lan ra cộng động với tốc độ rất nhanh.
Trên cơ sở đó, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội yêu cầu Sở Y tế Hà Nội phải xây dựng kịch bản mới, dựa trên tỷ lệ chuyển tầng điều trị, tử vong, không để quá tải ở tầng điều trị 2,3. Các quận huyện thị xã cũng cần có kịch bản mới phù hợp với tình hình hiện tại.
"Thành phố vẫn kiểm soát được dịch bệnh nhưng nếu không kìm chế được sự gia tăng; người dân và cơ quan quản lý lơ là thì chắc chắn dịch bệnh sẽ tiếp tục tăng, tỷ lệ tử vong cũng sẽ tăng. Do đó, yêu cầu công tác tuyên truyền phải thực chất, hiệu quả hơn để mỗi người dân có ý thức bảo vệ mình và xã hội. Nếu mỗi người trách nhiệm hơn nữa, cùng chung tay thì mới có một dịp Tết bình an” - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Định nghĩa mới nhất về ca nhiễm COVID-19
Ngay sau khi phát hiện ca nhiễm biến chủng mới Omicron đầu tiên tại Việt Nam, Bộ Y tế quốc gia này đã đưa ra hướng dẫn mới nhất về việc điều chỉnh về ca bệnh nghi ngờ, người mắc Covid-19 (F0) và người tiếp xúc gần (F1).
Theo hướng dẫn mới nhất ngày 29/12 của Bộ Y tế, định nghĩa cụ thể về F0 và F1 như sau:
1. Ca bệnh xác định (F0) là một trong số các trường hợp:
Là người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp phát hiện vật liệu di truyền của virus (PCR).
Là người tiếp xúc gần (F1) và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với virus SARS-CoV-2.
Là người có biểu hiện lâm sàng nghĩ mắc Covid-19 (ca bệnh nghi ngờ và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với SARS-CoV-2 và có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1).
Là người có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính 2 lần liên tiếp (xét nghiệm lần 2 trong vòng 8 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm lần 1 với virus SARS-CoV-2 và có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1).
Người dân đến lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại trạm y tế lưu động xã Tam Hiệp.
© Ảnh : Minh Quyết – TTXVN
2. Ca bệnh giám sát (ca bệnh nghi ngờ) là một trong số các trường hợp:
Là người tiếp xúc gần (F1) và có ít nhất 2 trong số các biểu hiện lâm sàng như sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp.
Là người có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1) và có có ít nhất 2 trong số các biểu hiện lâm sàng như trên.
Là người có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với virus SARS-CoV-2.
Người có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1) là người có mặt trên cùng phương tiện giao thông hoặc cùng địa điểm, sự kiện, nơi làm việc, lớp học... với ca bệnh xác định (F0) đang trong thời kỳ lây truyền.
Người ở, đến từ khu vực ổ dịch đang hoạt động.
Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho người dân phường Phú Đô
© Ảnh : Hoàng Hiếu - TTXVN
3. Người tiếp xúc gần (F1) là một trong số các trường hợp sau:
Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp dưới da, cơ thể...) với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.
Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0.
Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.
Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0 mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE).
Thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định (F0) được tính từ 2 ngày trước khi khởi phát (đối với ca bệnh xác định không có triệu chứng thì thời kỳ lây truyền được tính từ 2 ngày trước ngày được lấy mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính) cho đến khi kết quả xét nghiệm âm tính hoặc giá trị CT>30.