Sống đến 145 tuổi, con người sẽ ra sao?

HÀ NỘI (Sputnik) - Theo dự báo của Saxo Bank, năm 2022 đánh dấu một bước đột phá quan trọng trong y sinh học mang lại triển vọng kéo dài tuổi thọ trung bình lên đến 25 năm.
Sputnik
Nếu chỉnh sửa gen hay tế bào gốc để biến khát vọng "trẻ mãi không già” của con người thành hiện thực, thì hệ quả kéo theo sẽ khiến chúng ta phải dừng lại suy nghĩ.

Đi ngược lại quy luật tự nhiên?

Theo dự báo của Saxo Bank, các nhà khoa học sẽ tạo ra một loại thuốc điều trị ở dạng "cocktail” (hỗn hợp) có khả năng điều chỉnh ở cấp độ tế bào, giúp kéo dài tuổi thọ của người thêm 25 năm hoặc hơn. Tác nhân mới vừa có thể làm chậm quá trình lão hóa vừa làm trẻ hóa các tế bào đã già cỗi.
Chia sẻ quan điểm của mình với Sputnik về việc sửa đổi gen ở cấp độ DNA nhằm gia tăng tuổi thọ, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cho con người là hành động mang lại lợi ích hay đi ngược lại quy luật tự nhiên, TS. Nguyễn Xuân Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Y học tái tạo Vinmec cho biết:
“Việc gia tăng tuổi thọ, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cho con người luôn là hành động mang lại lợi ích. Hầu như mọi phát minh trong lĩnh vực y học đều phục vụ việc này, từ kháng sinh, vắc xin, cho tới các liệu pháp trị bệnh khác. Sửa đổi gen ở cấp độ cũng nên coi là một trong các phát minh như vậy".
Ứng dụng chẩn đoán Covid và quá trình bệnh: Y học kỹ thuật số đang phát triển như thế nào ở Nga
Theo các nhà khoa học, việc chỉnh sửa DNA phải được thực hiện dựa trên quy luật sẵn có của tự nhiên. Ông Đinh Duy Thành, Nghiên cứu sinh Đại học Liege, Vương quốc Bỉ, phân tích:

"Công nghệ chỉnh sửa gene hay tế bào gốc, hay các công nghệ khác, trên thực tế đều được thực hiện dựa theo các quy luật sẵn có của tự nhiên, loài người chưa có năng lực để thay đổi quy luật tự nhiên. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta đã lường hết được hết các lợi ích và rủi ro (nếu có) của những thay đổi này đến chính con người hay chưa?”

Cũng theo ông Thành, cơ thể con người cũng như một cỗ máy tinh vi phức tạp, mọi điều chỉnh đều có thể dẫn đến hậu quả chưa lường trước được.
“Không phải cứ tùy tiện nâng cấp phụ tùng là sẽ cải thiện được chất lượng cả cỗ máy - tưởng tượng nếu ta lắp động cơ xe công thức 1 vào cho xe tải, hay đổ xăng máy bay vào chạy xe máy vậy. Trường sinh bất lão, vô bệnh vô tật luôn là mơ ước của loài người từ xưa đến nay, nhưng mơ ước là một chuyện, còn hiện thực lại là một chuyện khác.Cố nhiên, Sinh-Y-Dược học là nhóm ngành thực nghiệm, nên rất nhiều vấn đề cần thực tiễn để trả lời, chứ không phải chỉ có lý luận suông" - Ông Thành nhấn mạnh.
Nhà khoa học Trung Quốc chỉnh sửa gen người có thể bị tử hình

Chỉnh sửa gen có vi phạm đạo đức?

Nếu các nhà khoa học có thể tạo ra được viên thuốc tiên cho phép con người sống đến... 200 tuổi, bạn có sử dụng? Câu trả lời chắc chắn là có - tất nhiên với điều kiện cuộc sống tuổi già không đau yếu, bệnh tật. Vậy khía cạnh đạo đức được nhìn nhận như thế nào trong việc chỉnh sửa gen? TS. Nguyễn Xuân Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Y học tái tạo Vinmec cho biết:

“Bản thân kỹ thuật chỉnh sửa gene vì một mục đích nhất định hoàn toàn không vi phạm đạo đức. Sử dụng kỹ thuật này như thế nào sẽ quyết định hành động đó có vi phạm đạo đức hay không. Ví dụ trường hợp chỉnh sửa gen ở tế bào phôi để phòng chống bệnh HIV ở Trung Quốc là vi phạm đạo đức và bị cộng đồng khoa học lên án mạnh mẽ do can thiệp vào phôi thai trong tình trạng không phải khẩn cấp và kỹ thuật sử dụng chưa được chứng minh là không gây nguy hại gì. Tuy nhiên cũng là chỉnh sửa gene nhưng ở tế bào sinh dưỡng nhằm điều trị các bệnh như suy giảm miễn dịch, mù, teo cơ tuỷ hay thiếu máu tán huyết bẩm sinh (thalassemia) lại không vi phạm đạo đức và đã được Mỹ và/hoặc Châu Âu cho phép tiến hành”.

Về vấn đề này, Ông Đinh Duy Thành, Nghiên cứu sinh Đại học Liege, Vương quốc Bỉ cho rằng, "đạo đức" vốn cũng không có một hệ quy chuẩn vĩnh hằng bất biến mà thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh, thậm chí phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người.

"Trên thế giới hiện nay, thái độ của các quốc gia cũng không giống nhau với các liệu pháp gen và tế bào gốc. Ngoại trừ một vài trường hợp như Hạ Kiến Khuê (Trung Quốc) bị đại đa số nhà khoa học lên án mặc dù vẫn có một số ít ca ngợi họ là "người tiên phong", phải đến 90% các trường hợp khác sẽ rơi vào "vùng xám" về mặt đạo đức. Đối với tôi, một tiêu chí "vi phạm đạo đức" vô cùng quan trọng là nếu như có rủi ro xảy ra thì ai là người phải chịu hậu quả? Người bệnh thì rõ rồi, còn những cá nhân thực hiện liệu pháp trên bệnh nhân sẽ đối mặt với điều gì? Nếu như thành công thì "người tiên phong" nhận hết về mình, còn bao nhiêu rủi ro thì chỉ có bệnh nhân phải chịu thì sẽ còn rất nhiều Hạ Kiến Khuê khác xuất hiện" - Ông Thành nêu quan điểm.

Các nhà khoa học phát hiện trầm cảm có thể làm tế bào sớm lão hóa

Tuổi thọ tăng tác động đến xã hội ra sao?

Báo cáo mới đây của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFDA) nhận định, già hóa dân số là một thành tựu của quá trình phát triển. Nâng cao tuổi thọ là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của loài người. Tuy nhiên, nếu loài người muốn "trẻ mãi không già” thì xã hội sẽ phải đối mặt với rất nhiều hậu quả. Điều này đòi hỏi các quốc gia phải thay đổi chính sách để theo kịp tốc độ này.
“Trước hết cần khẳng định các biện pháp/chính sách nhằm gia tăng tuổi thọ luôn là đúng đắn. Tuy nhiên gia tăng tuổi thọ cần đi kèm với việc đảm bảo người già sống khỏe, thay vì kéo dài tuổi thọ trong tình trạng bệnh tật. Việc gia tăng tuổi thọ sẽ làm thay đổi cơ cấu tháp dân số theo hướng làm tăng tỉ lệ người cao tuổi trong cộng đồng, do vậy các chính sách an sinh xã hội cần chú trọng vào những thay đổi này, đảm bảo cân bằng giữa sức khoẻ và tuổi thọ cũng như duy trì lực lượng lao động” - TS. Nguyễn Xuân Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Y học tái tạo Vinmec nhận định.
"Chưa giàu đã già”: "Dấu chấm hết" cho "dân số vàng” Việt Nam?
Việc sản xuất ra "cocktail kéo dài tuổi thọ” như trong dự báo của Saxo Bank chỉ có một số rất ít người có mới thể tiếp cận được. Ông Đinh Duy Thành, Nghiên cứu sinh Đại học Liege, Vương quốc Bỉ cho rằng, về chính sách chung thì trong ngắn hạn có lẽ chưa có gì thay đổi nhiều, vì hầu hết các liệu pháp gene hay liệu pháp tế bào hiện nay đều có giá thành cao vượt xa mức thu nhập trung bình của tất cả các quốc gia.
“Nhìn từ những diễn biến đã xảy ra với liệu pháp tế bào gốc thì tôi có thể dự đoán: Một là các nước phương Tây thường đòi hỏi cẩn trọng hơn và do đó đi chậm hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là các quốc gia phía Đông cũng dễ dãi: Câu chuyện Hạ Kiến Khuê xé rào chỉnh sửa gene của hai đứa trẻ để rồi phải vào tù cho thấy bản thân hệ thống quan điểm đạo đức và pháp luật liên quan cũng đang được hình thành và sẽ còn được điều chỉnh nhiều. Hai là sự xuất hiện của các tour "du lịch chỉnh sửa gene" giống như "du lịch trị liệu tế bào gốc" trước đây: người giàu ở các quốc gia Âu-Mỹ sẽ đi sang các nước có chính sách lỏng lẻo hơn để được "trị liệu". Cố nhiên khi mà trình độ y học chỉnh sửa gene chưa được hoàn thiện, hệ thống luật pháp chưa hoàn chỉnh thì các "du khách" này sẽ phải hứng chịu mọi rủi ro” - Ông Thành dự đoán.
Cách mạng công nghiệp 4.0 liệu có "bóp chết dân số vàng” của Việt Nam?
Việt Nam hiện đang là nước có tỷ lệ già hoá dân số nhanh nhất thế giới, ước tính đến năm 2035 Việt Nam sẽ trở thành nước có nền dân số già và tới năm 2040 thì khoảng 21% người Việt Nam sẽ ở độ tuổi trên 60. Tuy nhiên theo khảo sát hiện chỉ khoảng 39% người cao tuổi ở Việt Nam có lương hưu và có tới 65% người cao tuổi có ít nhất một vấn đề với sức khoẻ.

“Trong thời gian tới đây các chính sách an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cần thay đổi mạnh, cần có thêm bệnh viện và các mô hình chăm sóc sức khỏe chuyên biệt cho người già, mở rộng nghiên cứu và phát triển các giải pháp tiên lượng, phòng ngừa và điều trị các bệnh lão khoa nhằm đảm bảo người cao tuổi tại Việt Nam có cuộc sống khỏe mạnh, giảm gánh nặng bệnh tật và sức ép lên hệ thống y tế cũng như an sinh xã hội nói chung” - TS. Nguyễn Xuân Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Y học tái tạo Vinmec đề xuất.

Thảo luận