Có chú ý đến tình hình trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á, năm chủ tịch ASEAN của Campuchia sẽ rất phức tạp, và điều quan trọng đối với các nhà chức trách nước này là giữ sự bình yên ở quê nhà, - nhà khoa học chính trị, Tiến sĩ Sử học Nadezhda Bektimirova lưu ý trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.
Campuchia và đại dịch COVID-19
Trong thời kỳ đại dịch, các cơ quan chức năng đã hoạt động rất hiệu quả. Campuchia đã lọt vào Top 10 quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cao nhất thế giới. Ở Campuchia, kết quả này được coi là thành công cá nhân của Thủ tướng Hun Sen, người đã chọn chiến lược đúng đắn để chống lại COVID-19, một lần nữa chứng tỏ mình là một nhà quản lý hiệu quả. Sau khi Campuchia bắt đầu mở cửa trở lại, mối quan hệ giữa Đảng Nhân dân cầm quyền và phe đối lập được đặt lên hàng đầu.
Công nhân viên nhà máy may mặc ở Phnom Penh chủng ngừa phòng bệnh covid bằng vắc xin Sinovac của Trung Quốc.
© REUTERS / Cindy Liu
Chính quyền và phe đối lập
Trong một thời gian dài, Campuchia đã xếp thứ 98/100 trong bảng xếp hạng các quốc gia về chỉ số dân chủ. Bây giờ nước này đã tụt xuống vị thứ 130. Và điều này phần lớn là do bản chất của mối quan hệ giữa chính quyền và phe đối lập.
Năm 2017, đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) - đảng đối lập lớn nhất ở Campuchia có gần một nửa số ghế trong Quốc hội, đã bị giải thể. Các vụ kiện đã được đưa ra nhằm vào một nhóm lớn những người trong ban lãnh đạo đảng. Nhiều thành viên lãnh đạo cấp cao của CNRP đã rời khỏi Campuchia vào năm 2017 để tránh bị truy tố và bắt giữ. Bây giờ các lực lượng đối lập bị chia rẽ. Giáo sư Bektimirova xác định hai nhóm đối lập chính:
“Nhóm đối lập đầu tiên là các cựu lãnh đạo của đảng CNRP bao gồm tám nhân vật đối lập có uy tín khá cao, trước hết là ông Sam Rainsy. Tất cả họ đều sống lưu vong ở nước ngoài và mang hai quốc tịch. Trong các hoạt động chính trị, họ chủ yếu dựa vào sự giúp đỡ từ phương Tây. Vào tháng 10 năm 2021, tại lễ kỷ niệm 30 năm Hiệp định Paris chấm dứt cuộc nội chiến ở Campuchia, họ đã tuyên bố rằng, các nước phương Tây ký Hiệp định nên can thiệp một lần nữa vào công việc nội bộ của Campuchia, bởi vì mục tiêu mà hiệp định đề ra - đa nguyên chính trị - đã không đạt được, và các nhà chức trách trong nước không thể tự mình giải quyết vấn đề này. Chính quyền Campuchia đang cố gắng cô lập nhóm đối lập này, mô tả các thành viên của nhóm này là những kẻ chủ mưu và phản bội đang cố gắng lật đổ chính quyền hợp pháp", - Giáo sư Bektimirova cho biết.
Đối với nhóm đối lập, chính quyền sử dụng hệ thống tư pháp. Vào tháng 3 năm 2021, tám nhà lãnh đạo đảng CNRP bị kết án từ 20 đến 25 năm tù vắng mặt. Nhóm này đưa ra những tuyên bố lớn về việc sắp trở về Campuchia, về tiềm năng huy động mạnh mẽ mà họ có thể sử dụng. Tuy nhiên, họ không có cơ hội thực sự để quay trở lại, - Giáo sư Bektimirova nói. - Hộ chiếu Campuchia của họ đã bị hủy bỏ, họ không được cấp thị thực tại lãnh sự quán nước họ đang lưu trú. Và những visa nhập cảnh được cấp trước đó đã bị hủy bỏ. Rõ ràng là, mặc dù có những tuyên bố rầm rộ, họ không có đủ khả năng để thách thức chính quyền. Họ tiếp tục dựa vào sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác, và hy vọng rằng, các nước phương Tây sẽ áp đặt những biện pháp trừng phạt mới đối với Campuchia. Nhưng, rõ ràng là trong năm Campuchia đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên ASEAN, Mỹ sẽ không sử dụng bất kỳ biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nào đối với quốc gia này.
Lãnh đạo Đảng Cứu quốc Quốc gia Campuchia Sam Rainsy
© AP Photo / Tatan Syuflana
Các tổ chức nhân quyền cho rằng, chính quyền Campuchia đã sử dụng đại dịch để tăng cường đàn áp phe đối lập, và dưới chiêu bài chống lại sự lây lan của dịch COVID-19, họ đã đưa ra các biện pháp hạn chế mới. Tuy nhiên, trong thời kỳ đại dịch, tất cả các quốc gia đều sử dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt. Gần đây, Quốc hội Campuchia thông qua luật sửa đổi để cấm những người nắm giữ chức vụ cao nhất đất nước, bao gồm Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Tòa án Tối cao, có hai quốc tịch. Và đây cũng là thông lệ trên toàn thế giới. Luật này khá hợp lý, nhưng, nó ngăn chặn con đường giành quyền lực cho tám nhà lãnh đạo đảng CNRP.
Phe đối lập mang tính xây dựng
“Nhóm đối lập thứ hai - các thành viên của đảng CNRP bị giải thể ở lại trong nước – họ đánh giá tình hình thực tế hơn, kêu gọi sự đoàn kết để trở lại hoạt động chính trị và chuẩn bị cho cuộc bầu cử xã/phường dự kiến vào mùa hè năm 2022. Bảy đảng mới được thành lập trong số các thành viên cũ của đảng CNRP. Nhìn chung, theo ông Hun Sen, ở Campuchia hiện có 47 chính đảng. Bảy đảng tự định vị mình như một phe đối lập mang tính xây dựng, họ sẵn sàng hợp tác với chính phủ. Ngay cả tên gọi của các đảng mới, trái ngược với tên của đảng Cứu nguy Dân tộc bị giải thể hàm ý phản đối chính quyền hiện tại, cũng rất êm đềm, ôn hòa: đảng Trái tim dân tộc, Đảng Ý chí Khmer, Đảng Cải cách và những thứ tương tự. Bằng chính cái tên của mình, họ nhấn mạnh rằng họ không muốn đối đầu", - Giáo sư Nadezhda Bektimirova lưu ý.
Số phận của ông Kem Sokha vẫn chưa rõ. Kể từ năm 2017, ông đã bị nhốt trong tù hoặc quản thúc tại gia, bây giờ ông không còn bị quản thúc tại gia, nhưng vẫn không được tham gia hoạt động chính trị hay ra nước ngoài. Ông Kem Sokha đi khắp đất nước, gặp gỡ với người dân. Nhiều người cho rằng, ông sẽ được ân xá hoàn toàn và trở thành thủ lĩnh của phe đối lập nội bộ nước. Theo quan điểm của tôi, Giáo sư Bektimirova lưu ý, một dấu hiệu tốt là vào tháng 5 năm 2021, Kem Sokha đã có cuộc gặp với Hun Sen.
Kem Sokha
© AFP 2023 / Tang Chhin Sothy
Cuộc bầu cử địa phương năm 2022 sẽ cho thấy gì?
Bài kiểm tra sức mạnh chính sẽ là trong cuộc bầu cử xã/phường vào mùa hè năm 2022. Tất nhiên, đây không phải là một sự kiện mang tính bước ngoặt đối với đảng cầm quyền. Không ai nghi ngờ rằng cuộc bầu cử sẽ không mang lại bất ngờ nào và chiến thắng của đảng cầm quyền sẽ được đảm bảo. Nhưng, ở đây có một số chi tiết quan trọng.
Lần đầu tiên, cuộc bầu cử sẽ được tổ chức trong bối cảnh kinh tế suy thoái. Trong khi đó, mục tiêu chính của đảng cầm quyền là bảo đảm điều kiện để đất nước đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, ổn định kinh tế, v.v. Hiện nay, các nhà chức trách thông báo rằng, tỷ lệ nghèo trong thời kỳ đại dịch đã tăng 8-9%, tức là khoảng 18% dân số sống dưới mức nghèo khổ. Trong hơn 5 năm qua, chính lĩnh vực xã hội đã là mối quan tâm hàng đầu của các cấp chính quyền như một kiểu “trả công” cho chế độ độc tài độc đảng. Bây giờ chính phủ thông báo cắt giảm một số chương trình xã hội, đóng băng một số dự án cơ sở hạ tầng lớn, bởi vì 2,5 tỷ đô la đã được chi cho cuộc chiến chống đại dịch. Theo ý kiến của Giáo sư Bektimirova, một chi tiết quan trọng khác là 2 triệu người - cử tri 18 tuổi - sẽ lần đầu tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sắp tới. Và những người trẻ luôn có xu hướng thay đổi nhiều hơn những người lớn tuổi.
"Tất nhiên, áp lực từ các nước phương Tây và các tổ chức nhân quyền sẽ gia tăng. Tuy nhiên, theo tôi, Campuchia đã quen với áp lực này và bắt đầu phản ứng cứng rắn hơn với những lời chỉ trích của phương Tây. Áp lực này ngày càng trở nên ít đáng kể hơn đối với Campuchia. Đặc biệt trong bối cảnh Campuchia nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ CHND Trung Hoa", - Giáo sư Bektimirova kết luận.