Giáo dục Việt Nam muốn đạt trình độ tiên tiến thế giới vào năm 2045

Giáo dục Việt Nam đặt mục tiêu đạt trình độ tiên tiến của khu vực vào năm 2030 và đạt tiên tiến thế giới vào năm 2045.
Sputnik
Chính phủ cũng vừa phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, nhằm tận dụng thời cơ giai đoạn dân số vàng, hình thành nguồn nhân lực có chất lượng, tay nghề cao vào top đầu ASEAN, tiếp cận trình độ các nước phát triển nhóm G20 và thế giới.

Giáo dục Việt Nam: Tiên tiến khu vực và thế giới

Cuối tháng 12/2021 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) đã tổ chức phiên họp toàn thể chuyên đề “Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với nhiều điểm đáng chú ý.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo, sẽ còn cần rất nhiều cuộc trao đổi, góp ý, nhằm mục tiêu chung vì sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam.
Bộ trưởng Sơn nêu rõ, Ban soạn thảo thời gian tới cũng sẽ tiến hành làm việc chuyên sâu với một số các chuyên gia, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các Bộ, ngành liên quan trong quá trình hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Liên bang Nga luôn thực chất, hiệu quả
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc trình bày dự thảo chiến lược cho thấy, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 của giáo dục Việt Nam là “phát triển toàn diện con người Việt Nam”.
Trong đó, phải tập trung phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, làm nền tảng cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc.
Đồng thời, Việt Nam cũng hướng đến việc xây dựng hệ thống giáo dục mở, phục vụ học tập suốt đời, công bằng và bình đẳng, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế trong thời gian tới.
Dự thảo do Thứ trưởng Phúc trình bày nêu rõ, tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng nền giáo dục Việt Nam hiện đại, kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn minh nhân loại, xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc.
“Giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045”, dự thảo nhấn mạnh.

10 giải pháp phát triển giáo dục Việt Nam

Báo cáo tại phiên họp của Bộ GD&ĐT cho thấy, ngoài đặt mục tiêu cho từng bậc học từ mầm non, tiểu học, trung học, giáo dục thường xuyên, đến đại học, dự thảo chiến lược cũng đưa ra những chỉ số phát triển cụ thể cho từng bậc học.
Từ mại dâm đến ma túy, Bộ Giáo dục Việt Nam ra văn bản ‘không ai tin nổi’?
Đại diện Bộ Giáo dục nêu rõ, chính những chỉ số này sẽ là thước đo để định lượng được kết quả phát triển qua từng giai đoạn, tránh được những đánh giá chung chung, mang tính định tính.
Đáng chú ý nhất chính là 10 giải pháp nhằm phát triển giáo dục Việt Nam được đề cập trong dự thảo chiến lược. Trong đó có các vấn đề vĩ mô như “hoàn thiện thể chế; đổi mới công tác quản lý giáo dục; thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục; phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của người dân” đến các hướng đi thiết thực, cấp bách cần làm ngay như đổi mới chương trình, nội dung phương pháp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện…
Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam cũng cho thấy tầm quan trọng của việc phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục; thúc đấy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển giao gắn liền với đào tạo; tăng cường hội nhập quốc tế.
Tại phiên họp, các đại biểu thảo luận, góp ý tập trung vào một số vấn đề đáng lưu tâm như cần có khảo sát, đánh giá để định vị được hiện trạng nền giáo dục hiện nay.
Ngành giáo dục cũng cần làm rõ vai trò của sự kế tục và phát triển, vai trò của văn hóa và các yếu tố khác; quan hệ giữa hệ thống giáo dục công và tư; yếu tố quy hoạch. Bên cạnh đó, vai trò của ngoại ngữ; xã hội hóa hóa, quốc tế hóa; hợp phần về giáo dục nghề nghiệp cũng cần được chú trọng.
Ngành giáo dục kỳ vọng gì vào tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn?
Đánh giá tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã cảm ơn những ý kiến góp ý tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cho dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, đề nghị bộ phận soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến, qua đó hoàn thiện dự thảo.
“Có ý kiến ở tầm vĩ mô, có ý kiến mang tính chất đặt vấn đề, gợi ý, có ý kiến góp ý trực tiếp vào từng nội dung, chỉ số của chiến lược tất cả đều hết sức có giá trị”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý.
Các quan điểm được nêu ra, theo ông Sơn, không chỉ có ý nghĩa hỗ trợ, gợi ý về hoàn thiện chiến lược, mà còn giúp ích rất nhiều cho công tác quản lý của Bộ GD&ĐT thời gian tới đây nhằm phát triển nền giáo dục Việt Nam mạnh mẽ, tiên tiến hơn nữa.

Nâng cao nguồn nhân lực, tận dụng lợi thế dân số vàng

Hôm 30/12 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã ban hành Quyết định số 2239 phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Việt Nam coi phát triển giáo dục nghề nghiệp là “nhiệm vụ quan trọng hàng đầu” trong phát triển nguồn nhân lực để tranh thủ thời cơ dân số vàng. Qua đó, hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Công bố chiến lược này, Việt Nam đặt mục tiêu, phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.
“Đến năm 2025, bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước; chất lượng đào tạo của một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4”, chiến lược nêu rõ.
Bộ Ngoại giao Nga: ASEAN có tiềm năng tốt để làm trung gian liên quan đến Myanmar
Trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%.
Ngoài ra, đến năm 2030, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại. Đồng thời, chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế.

“Một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%”, quyết định của Chính phủ nhấn mạnh.

Định hướng đến năm 2045, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của một nước phát triển; trở thành quốc gia phát triển hàng đầu về giáo dục nghề nghiệp trong khu vực ASEAN, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.
Chính phủ xác định, phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng “mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập, chú trọng cả quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo.
“Việt Nam quan tâm đầu tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ngành, nghề đào tạo đạt trình độ tương đương với khu vực và thế giới”, chiến lược khẳng định.
Cùng với đó, đảm bảo yếu tố cung – cầu là vô cùng cần thiết, chiến lược hướng đến việc phát triển giáo dục nghề nghiệp bám sát nhu cầu của thị trường lao động gắn kết với việc làm thỏa đáng, an sinh xã hội và phát triển bền vững, bao trùm. Đồng thời, phải phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của người học, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (nhằm định hình vị thế của một Việt Nam mới trên bản đồ khoa học – công nghệ thế giới).
Quan hệ Nga - Thái: Du lịch Nga, mở trung tâm văn hóa, hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ
Nhà nước sẽ có chính sách từng bước phổ cập nghề cho thanh niên; ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp trong ngân sách giáo dục - đào tạo và trong các chương trình, dự án của ngành, địa phương; tăng cường xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp ở những địa bàn, ngành, nghề phù hợp, đồng thời, coi đây là trách nhiệm của các cấp chính quyền, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người dân.

Những việc lớn trong năm 2022 của ngành giáo dục

Trao đổi với báo giới ngay trước thềm năm mới 2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đánh giá, năm 2022 dự kiến sẽ còn nhiều thách thức, khó khăn, nhưng Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục nỗ lực, đảm bảo thích ứng, đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học.
Theo Bộ trưởng Giáo dục Việt Nam, bước qua năm 2022, trải qua 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, ngành giáo dục và đào tạo của Việt Nam cũng trải qua quãng thời gian dạy và học trong tình hình dịch bệnh đặc biệt.
Bộ trưởng Sơn cho biết, năm 2022 sắp tới, dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường và cũng chưa biết bao giờ kết thúc.
“Do đó, tôi nghĩ rằng, những khó khăn, thách thức đối với ngành giáo dục chắc chắn sẽ còn nhiều và thậm chí là lớn hơn, đang chờ ở phía trước”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận.
Vị Tư lệnh ngành giáo dục phân tích, khó khăn lớn bởi những gì của 2 năm chống dịch vừa qua, mới bước đầu khắc phục, bù đắp và củng cố để đảm bảo chất lượng. Nhưng phía trước, câu chuyện tới lớp học trực tiếp, hoặc có thể học online, hay tiến hành kết hợp các hình thức vẫn là những phương án được đặt ra.
“Khi chúng ta còn đang củng cố cái cũ thì có thể những diễn biến phức tạp buộc chúng ta phải có những ứng phó tiếp theo. Cho nên, tôi nghĩ rằng, ngành giáo dục phải xác định năm tới sẽ là một năm đầy thách thức, lớn hơn nữa là đối với công tác của ngành hay công tác chỉ đạo của Bộ GD&ĐT cũng như đối với từng thầy cô và học sinh”, Bộ trưởng lưu ý.
Vụ thầy Phan Khắc Nghệ: Bộ GD&ĐT nói “không bình thường”
Theo người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022 sẽ là một năm cần phải rà soát, đánh giá những kinh nghiệm phòng chống dịch trong 2 năm qua, đánh giá những tác động tiêu cực và dự đoán trước những tác động sẽ còn lớn hơn nữa, từ đó điều chỉnh các biện pháp ứng phó trên cơ sở kinh nghiệm của hai năm qua để tiếp tục kiên trì cho mục tiêu chất lượng.
Về kế hoạch cho năm tới đây, Bộ trưởng Sơn cho rằng, Bộ Giáo dục hiện đang hoàn thiện và ban hành chiến lược phát triển GD&ĐT năm 2021-2030, tầm nhìn đến 2045. Ngoài ra, còn những việc được bắt đầu từ nhiều năm trước, và sẽ tiếp tục triển khai trong năm 2022, đó là đổi mới giáo dục phổ thông, triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Riêng đối với giáo dục đại học, 2022 vẫn là năm tiếp tục triển khai, hoàn thiện để làm chất lượng sâu hơn, đầy đủ hơn, thực chất hơn đối với tự chủ đại học, để từng bước hướng đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu công cuộc phát triển đất nước.
“Đó là việc to lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ.
Tư lệnh ngành giáo dục cũng cho rằng, việc vừa đổi mới giáo dục đào tạo, vừa ứng phó với tình hình dịch bệnh, kiên trì với mục tiêu chất lượng, cũng sẽ là việc lớn mà Bộ GD&ĐT cần chú ý trong thời gian sắp tới.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn, giải trình trước Quốc hội
Bên cạnh đó, những câu chuyện như đảm bảo vấn đề giáo viên đủ số lượng, chất lượng; những việc về quy hoạch hệ thống các trường đại học, cao đẳng và toàn bộ hệ thống giáo dục nói chung cũng là những việc lớn.

“Cùng với chủ trương chung của cả nước, công cuộc chuyển đổi số để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng là vấn đề quan trọng mà Bộ GD&ĐT phải quan tâm trong thời gian sắp tới”, Bộ trưởng nói.

Ông đánh giá, chuyển đổi số là vấn đề mà chính phủ đã chỉ đạo nhiều, toàn ngành giáo dục cũng đẩy mạnh nhiều năm qua. Nhưng cũng còn nhiều khó khăn về vật chất, cơ sở hạ tầng.
Năm 2022, Bộ GD&ĐT xác định đây sẽ là năm tập trung để triển khai đề án về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Trong đó, những xây dựng, hạ tầng về công việc, về nguồn dữ liệu, những vấn đề về việc sử dụng và khai thác để vừa phục vụ cho đổi mới hoạt động dạy và học, đồng thời cũng chính là việc rất thiết thực trong việc ứng phó với dịch bệnh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, trong tất cả các công việc, đối với hoàn cảnh của Việt Nam hiện tại, sẽ ưu tiên cho hạ tầng, công nghệ, trang thiết bị và quản trị phù hợp đặt trên nền tảng số để giải quyết được nhiều mục tiêu trong thời gian sắp tới đây.
Thảo luận