Theo ông Thể, thời gian tới, giao thông Việt Nam còn phải cải thiện rất nhiều hạng mục từ đường bộ, cao tốc, cảng biển, hàng không, đường sắt và Bộ GTVT dự kiến sẽ cấp số vốn kỷ lục, trách nhiệm là hết sức nặng nề.
Cực chẳng đã mới phải lấy tiền nhà nước làm cao tốc Bắc – Nam
Chiều 10/1, Quốc hội đã có phiên thảo luận trực tuyến về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Các đại biểu đã làm rõ một số nội dung chính về tổng mức đầu tư, phương thức đầu tư và phương án nhượng quyền thu phí.
Tại buổi thảo luận, phần lớn các đại biểu ủng hộ tính cấp thiết đầu tư của dự án, cho rằng công trình cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở cả 2 miền Nam - Bắc.
“Đầu tư cao tốc Bắc - Nam để kinh tế phục hồi và kinh tế, hạn chế ùn tắc, giảm chi phí vận tải và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển ở 2 đầu đất nước là rất cấp thiết”, đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) đánh giá.
Theo ông, Quốc hội cần có cơ chế đặc thù cho dự án, như chỉ định thầu từ các khâu thiết kế, giải phóng mặt bằng, kể cả thi công và phải làm sao đẩy nhanh tốc độ hoàn thành dự án. Cũng nên thuê tư vấn giám sát nước ngoài để đảm bảo chất lượng, tiến độ và quy hoạch lâu dài.
Trong khi đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) ví von cao tốc Bắc - Nam như con đường thống nhất hai miền trong thời kỳ mới, đồng thời hy vọng dự án sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo ông, Việt Nam trước nay không được đánh giá cao về khả năng cạnh tranh, mà một trong các nguyên nhân là sự yếu kém về hạ tầng kéo theo sự tăng giá chi phí logistics, thậm chí lên đến gần gấp đôi so với các nước đang phát triển.
Chính vì lý do đó, giao thông đường bộ là một đột phá quan trọng cần được ưu tiên hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh và dự án cao tốc Bắc – Nam được kỳ vọng sẽ góp phần thực hiện mục tiêu đó.
Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng việc đầu tư công với các dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam chỉ là việc “cực chẳng đã” và cho biết, nhiều đại biểu khác cũng thấy tiếc nuối về điều này.
Theo ông, dù hình thức đầu tư đối tác công tư không mới, luật về PPP cũng đã có nhưng vừa ban hành thì Quốc hội cũng phải 2 lần điều chỉnh phương thức đầu tư dự án từ PPP sang đầu tư công.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, luật không có lỗi mà chính là do cơ chế, chính sách thiết kế chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân.
Từ đó, cựu Chủ tịch VCCI đề xuất Chính phủ thành lập quỹ đầu tư hạ tầng nhằm cho tư nhân vay đầu tư giao thông, thay vì Nhà nước tự mình đầu tư.
Cho ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cũng ủng hộ đầu tư công với dự án bởi muốn đầu tư nhanh mà kêu gọi xã hội hóa là không khả thi.
Tuy vậy, ông vẫn hoài nghi về khả năng hoàn thành dự án trong năm 2025. Đại biểu cho rằng cần có cơ chế đặc thù trong triển khai dự án.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng sở dĩ dự án khó hấp dẫn nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng là do hiệu quả không cao và rủi ro lớn.
“Nếu tiếp tục kêu gọi sẽ kéo dài dự án và không thể hoàn thành mục tiêu đặt ra”, ông Hòa nhận định.
Ông cũng ủng hộ đề xuất của Chính phủ về việc nhượng quyền thu phí để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước dù đây là điều chưa có tiền lệ.
Cần tính toán lại vốn làm cao tốc Bắc – Nam?
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) ủng hộ đầu tư để xây dựng trục giao thông huyết mạch nhưng lưu ý một số điểm cần thận trọng.
Cụ thể, từ tổng mức đầu tư khoảng 146.000 tỷ đồng, đại biểu Cường ước tính suất đầu tư là 201 tỷ đồng/km bao gồm cả giải phóng mặt bằng, còn nếu không tính giải phóng mặt bằng là 175 tỷ/ km. Trong khi đó, các tuyến cao tốc đã hoàn thành trước đó đều có suất đầu tư thấp hơn.
Ông Cường dẫn chứng các tuyến cao tốc đã hoàn thành như Vĩnh Hảo - Phan Thiết thì suất đầu tư chỉ 107,5 tỷ đồng/km, tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo là 122,6 tỷ đồng/km, tuyến Phan Thiết - Dầu Giây là 125,7 tỷ đồng/ km.
“Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra rằng dự kiến nếu tính toán lại thì tổng mức đầu tư chỉ khoảng 130.000 tỷ. Như vậy, suất đầu tư và tổng mức đầu tư rất cần phải tính lại”, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị.
Bên cạnh đó, đối với việc sử dụng nguồn vốn, dự kiến sẽ sử dụng 72.000 tỷ đồng từ gói kích thích kinh tế - xã hội, nhưng theo tiến độ thì năm 2022-2023, tổng giải ngân của dự án này chỉ được 31.000 tỷ đồng, có nghĩa sẽ còn ít nhất 40.000 tỷ đồng không thể giải ngân. Thực tế này sẽ dẫn tới việc cơ cấu nguồn vốn đầu tư và giải ngân gói phục hồi kinh tế vào dự án này rất cần phải tính toán lại.
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường phát biểu
© Ảnh : Văn Điệp - TTXVN
“Với 12 dự án thành phần triển khai theo phương thức đầu tư công, có 4 dự án vẫn có khả năng đầu tư PPP, với tỷ lệ đầu tư nhà nước có thể ở mức cao lên đến 54-65%”, vị ĐBQH lưu ý.
Liên quan đến đề nghị tách riêng gói giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng giúp cho toàn bộ mức đầu tư sẽ giảm đi, nhà nước sẽ đầu tư mặt bằng, ông Cường cho rằng cơ chế này giúp phần đầu tư còn lại sẽ không còn nhiều, không còn tình trạng phần đầu tư nhà nước vượt hơn 50%. Bên cạnh đó, việc tách phần riêng giải phóng mặt bằng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề khác, như việc huy động được các nguồn lực khi đấu giá nguồn lực như đất đai.
‘Tiết kiệm nhất, thận trọng nhất’
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết suất đầu tư đã được Bộ tính toán rất kỹ và có căn cứ để đưa ra con số đó.
“Bộ (GTVT) đã tính toán suất đầu tư từng cây cầu, từng km hầm, cái cống, kể cả địa chất thủy văn, tính toán của tư vấn có căn cứ cơ sở”, Bộ trưởng Thể nêu rõ.
Tuy nhiên, còn phải thuê tư vấn lập dự án trước khi tiến tới đấu thầu hay chỉ định thầu nhằm xác định cụ thể công trình, thiết kế kỹ thuật dự toán. Tư lệnh ngành GTVT cũng cam kết sẽ “thận trọng và đảm bảo tiết kiệm nhất có thể”.
“Trong quá trình thực hiện chúng tôi sẽ hết sức thận trọng để làm sao đảm bảo đúng quy định và tiết kiệm nhất”, ông Nguyễn Văn Thể nói.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng sẽ mời Công an, Kiểm toán tham gia ngay từ khâu lập dự án, tổ chức đấu thầu để đảm bảo công khai, minh bạch. Từ những kinh nghiệm thu được qua việc triển khai dự án ở giai đoạn 1, Bộ sẽ làm thật kỹ lưỡng, thận trọng trong việc lập hồ sơ thiết kế.
“Vừa qua, giai đoạn 1, C01, C03 cũng tham gia rất tích cực ngay từ khâu lập dự án, tổ chức đấu thầu, nên rất công khai minh bạch. Sắp tới thêm kiểm toán thì rất tốt”, ông Nguyễn Văn Thể nêu rõ.
Đối với vấn đề giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng GTVT cho rằng, giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch mà Chính phủ đã phê duyệt. Theo đó thu hồi một lần, làm hàng rào bảo vệ toàn bộ phần đất này rồi để đảm bảo theo tiêu chuẩn cao tốc. “Như vậy không phải tổ chức giải phóng nhiều lần, không sợ người dân lấn chiếm phần đất đã thực hiện”, vị Tư lệnh nói.
Liên quan đến tái định cư, Bộ GTVT sẽ tính toán để làm sao phù hợp điều kiện thực tiễn, tránh tình trạng xây dựng tái định cư rộng, nhiều dẫn đến lãng phí và tăng suất đầu tư. Theo người đứng đầu ngành giao thông, việc giải phóng mặt bằng thực hiện trong 1,5 năm, đến cuối năm 2023 phải xong hết toàn bộ.
Ông Thể lý giải, hiện tại, các cơ chế đặc thù là rất cần thiết, nếu không có cơ chế đặc thù, nhất là chỉ định thầu tư vấn, chỉ định thầu xây lắp thì sẽ mất rất nhiều thời gian. Do đó, nếu Quốc hội ủng hộ, mỗi một bước đấu thầu là khoảng 2 tháng sẽ tiết kiệm ít nhất 6-9 tháng, như vậy tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ.
Về tiến độ giải ngân, Chính phủ hiện đang chỉ đạo và Bộ GTVT sẽ ban hành quy chế quy định trách nhiệm của từng địa phương, của cả Bộ Giao thông vận tải và các ban ngành, liên quan đến từng hạng mục công việc. Trong đó có giải phóng mặt bằng thời điểm nào xong dự án, thời điểm nào xong thiết kế, thời điểm nào có nhà thầu và khởi công xây dựng.
Đối với lo ngại chỉ định thầu, ông Nguyễn Văn Thể cho hay sẽ thực hiện đúng luật, có hồ sơ yêu cầu, có năng lực và đầy đủ các tiêu chí, công bố công khai rộng rãi, các nhà thầu tư vấn, nhà thầu xây lắp sẽ đăng ký thực hiện tham gia và việc tổ chức xét tuyển đàng hoàng, chứ không phải sơ sài chỉ định thầu.
“Chính phủ cũng dự kiến thành lập Hội đồng liên bộ để làm sao đảm bảo tính công khai, minh bạch”, Bộ trưởng nêu rõ.
Về thu phí, ông Nguyễn Văn Thể cũng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tính toán, cân nhắc đề xuất bán quyền thu phí trong 2 năm, 5 năm, 10 năm hay 15 năm để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ ngành để xem xét lại cơ chế, chính sách thực hiện dự án PPP cho các dự án khác trong quy hoạch.
Trách nhiệm của Bộ trưởng Thể với 420.000 tỷ đồng
Trao đổi với báo chí về kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của ngành trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết Bộ GTVT sẽ xây dựng đề án, trong đó đề xuất một số cơ chế để phát triển đột phá.
Theo vị lãnh đạo, ngành giao thông cũng sẽ đầu tư nối thông tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 và xây dựng một loạt dự án đường bộ cao tốc khác.
Trong lĩnh vực hàng hải của Việt Nam, Bộ GTVT sẽ tập trung đầu tư cảng Nam Đồ Sơn (Hải Phòng), biến đây thành cảng lớn nhất miền Bắc.
“Bộ cũng đã làm việc với Bộ Quốc phòng và được ủng hộ đầu tư vào cảng này để phát triển kinh tế. Trước đó, cảng nước sâu Nam Đồ Sơn từng được quy hoạch là cảng quân sự nhưng không xây dựng”, ông Thể khẳng định.
Bộ GTVT và Hải Phòng đang phối hợp để lên quy hoạch chi tiết. Chính phủ sẽ họp để hoàn thiện các thủ tục nhằm sớm triển khai xây dựng. Cùng với cảng Lạch Huyện, vấn đề xuất nhập khẩu khu vực phía Bắc sẽ được đảm bảo sau khi cảng Nam Đồ Sơn chính thức đi vào hoạt động.
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ GTVT sẽ đầu tư cảng Trần Đề. Trong cuộc trao đổi với Pháp luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Thể cho hay, trước đó, cảng này không hình thành được cảng nước sâu vì dự định xây dựng trên sông Tiền, sông Hậu khi luồng bị bồi lắng, tàu lớn không vào được. Hiện Bộ đang nghiên cứu tài liệu của Hà Lan và lên kế hoạch đầu tư cảng ở phía ngoài cửa biển.
“Theo tính toán, chúng ta làm cầu cảng từ bờ ra ngoài cửa biển khoảng 5-6 km có thể tiếp nhận được tàu 30.000 DWT, tương đương với cảng Cát Lái. Nếu kéo dài cầu cảng ra 10-15 km có thể đón tàu có tải trọng lớn, khoảng 80.000-90.000 DWT”, Bộ trưởng Thể cho biết.
Ở vùng Đông Nam bộ, Bộ GTVT sẽ cố gắng đầu tư cảng Cái Mép Hạ, kết nối giao thông để khai thác cảng Cái Mép - Thị Vải.
Trong lĩnh vực đường bộ, cần phải huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào các dự án vành đai 4 TP. Hà Nội, vành đai 3 TP.HCM, cao tốc khu vực Đông Nam bộ. Về hàng không, phải cố gắng hoàn thành giai đoạn 1 sân bay Long Thành, cùng với TP.Hà Nội báo cáo Chính phủ nâng cấp sân bay Nội Bài lên 100 triệu hành khách mỗi năm. Đồng thời, triển khai xây dựng và nâng cấp sân bay Côn Đảo, Quảng Trị, Điện Biên…
Trong lĩnh vực đường sắt, triển khai cải tạo, nâng cấp hệ thống đường sắt hiện hữu; báo cáo Quốc hội cho chủ trương đầu tư xây mới hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam…
Trao đổi về vấn đề nguồn vốn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết các dự án cảng biển sẽ lấy nguồn vốn chủ yếu từ doanh nghiệp.
“Bộ sẽ đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế để thu hút doanh nghiệp đầu tư nhằm tạo sự đột phá”, ông Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu ngành GTVT, giai đoạn trung hạn 2021-2025, Bộ GTVT được phân bổ 304.104 tỷ đồng. Hiện Bộ đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để báo cáo Quốc hội dành trên 113.000 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội cho ngành giao thông.
“Nếu Quốc hội chấp thuận, trong nhiệm kỳ này ngành giao thông được bố trí 420.000 tỷ đồng”, ông Thể thông tin.
Theo Bộ trưởng, ngành GTVT xác định đây là nguồn lực lớn nhưng cũng rất áp lực cho ngành giao thông vì số tiền giải ngân hằng năm trung bình khoảng 80.000 tỷ đồng, gấp đôi năm 2021.
Đặc biệt, số tiền từ Chương trình phục hồi kinh tế buộc phải giải ngân trong giai đoạn 2022-2023. Tuy nhiên, Bộ GTVT sẽ đưa ra một số giải pháp.
“Chẳng hạn, đối với nhà thầu không đảm bảo được tiến độ cam kết, bộ sẽ cảnh cáo, sau đó là cắt hợp đồng, cấm tham gia đấu thầu...”, Bộ trưởng thẳng thắn.
Đối với các ban quản lý dự án, từ giám đốc, phó giám đốc và các phòng có liên quan không hoàn thành nhiệm vụ chịu các hình thức như cách chức, xuống chức, điều chuyển công tác.
“Việc này vừa qua Bộ GTVT đã làm và tới đây sẽ làm mạnh hơn. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng biện pháp điều chuyển vốn, dự án. Đơn vị nào làm tốt được bổ sung vốn, dự án và ngược lại”, ông Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Tiếp tục bàn xung quanh vấn đề chỉ định thầu vì lo ngại ảnh hưởng tới chất lượng, tiến độ dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, ở Việt Nam đã có bài học từ dự án cải tạo và nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài nên tự tin là không ảnh hưởng gì hết.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu
© Ảnh : Văn Điệp - TTXVN
“Chúng ta chỉ định thầu nhưng đưa ra “hàng rào kỹ thuật” đó là hồ sơ yêu cầu về trình độ, năng lực, kinh nghiệm của các tư vấn. Tư vấn nào đáp ứng được sẽ đưa vào danh sách để lựa chọn và ngược lại... nên tôi khẳng định chỉ định tư vấn không thua đấu thầu”, Bộ trưởng cam kết.
Theo người đứng đầu Bộ GTVT, cá nhân ông cũng như ban lãnh đạo Bộ luôn nhắc nhở anh em từ bài học xương máu của dự án đường bộ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là làm việc gì cũng đặt chất lượng lên hàng đầu, không được đốt cháy giai đoạn trong xây dựng.
“Thời gian qua chúng tôi cũng mời Bộ Công an, Kiểm toán Nhà nước tham gia từ khâu lập dự án, đấu thầu đến triển khai thi công để tăng cường công tác giám sát”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lưu ý.