Giới chuyên gia đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần phong tỏa ngay tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, xử nghiêm đại gia Quyết bán chui cổ phiếu FLC, và buộc Chủ tịch Bamboo Airways mua lại ngay toàn bộ 74,8 triệu cổ phiếu đã bán. Tịch thu tiền chênh lệch.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, đã chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý vụ việc nghiêm trọng của Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết.
Đề nghị phong tỏa ngay tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin về lùm xùm bán chui hàng chục triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết, sáng nay 11/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có thông báo xem xét xử lý vi phạm của Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC kiêm Chủ tịch Bamboo Airways.
Đồng thời, loạt từ khóa tìm kiếm liên quan đến sàn chứng khoán Việt Nam, đại gia Trịnh Văn Quyết, cổ phiếu FLC, giá cổ phiếu họ FLC nhanh chóng lọt top trending của Google xu hướng tại Việt Nam.
Điều này là hoàn toàn có thể lý giải vì hành vi bán chui gần 75 triệu cổ phiếu FLC của đại gia FLC Trịnh Văn Quyết (niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM – HoSE) gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường chứng khoán trong nước, thiệt hại cho nhà đầu tư, tạo tiền lệ xấu.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), đề nghị cơ quan quản lý cần phong toả ngay tài khoản của ông Trịnh Văn Quyết, không để ông này thu lợi bất chính (nếu có).
Ông Hải thẳng thắn, văn bản sáng cùng ngày của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ dừng ở xem xét mà chưa có giải pháp cụ thể, tức thời để xử lý trường hợp này.
Vậy nên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), đề nghị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ngay lập tức phong toả tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết để tránh tình trạng ông Quyết rút tiền bán chứng khoán.
“Nếu có tiền chênh lệch thì phải tịch thu vào ngân sách nhà nước vì chuyện bán chui này vi phạm pháp luật, giao dịch không có hiệu lực, không ai được hưởng lợi”, ông Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh.
Vấn đề thứ hai, theo vị chuyên gia, đó chính là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần buộc ông Quyết phải mua lại số đã bán chui trong phiên giao dịch hôm qua 10/1.
“Trường hợp ông Quyết không chấp hành, không tự đặt mua toàn bộ số cổ phiếu này, công ty chứng khoán nơi ông Quyết mở tài khoản sẽ phải thực hiện lệnh mua”, chuyên gia lưu ý.
Liên quan đến đề xuất xử phạt Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, ông Hải cho rằng, hành vi ông Quyết gây ảnh hưởng nghiêm trọng, không chỉ gây thiệt hại với nhà đầu tư, cổ đông mà còn gây ảnh hưởng nghiệm trọng với cả thị trường chứng khoán Việt Nam.
“Toàn bộ số tiền chênh lệch mà ông Quyết có được sau khi giao dịch số lượng cổ phiếu nói trên sẽ được tịch thu để sung vào ngân sách nhà nước. Vì đây là số tiền thu lợi bất chính”, ông Hải bày tỏ.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính nhấn mạnh, nếu xem xét có dấu hiệu trục lợi thì phải xử lý nghiêm, thậm chí là hình sự theo luật định.
Theo ông Hải, trước mắt, Ủy ban Chứng khoán phải thực hiện những giải pháp xử lý khẩn cấp này để lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sau đó, cơ quan quản lý tính đến các bước xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí cả hình sự đối với ông Quyết vì hành vi bán chui cổ phiếu FLC
Được biết, đây không phải lần đầu tiên đại gia FLC “một tay che cả bầu trời”. Theo đó, hồi năm 2017, ông Trịnh Văn Quyết đã từng “đánh úp” nhà đầu tư khi thông báo mua vào 37 triệu cổ phiếu FLC nhưng sau đó lại bán ra 57 triệu cổ phiếu FLC khiến các nhà đầu tư nắm cổ phiếu FLC thiệt hại rất nặng.
Tuy vậy, sau đó, ông Quyết chỉ bị Ủy ban Chứng khoán xử phạt hành chính với số tiền chỉ 65 triệu đồng.
“Phải xử nghiêm thì mới không xảy ra những tình trạng tương tự như thế này nữa vì xử phạt vài trăm triệu vài tỷ đồng hay chục tỷ đồng thì tình trạng lãnh đạo mua bán cổ phiếu chui vẫn diễn ra”, vị lãnh đạo bức xúc.
Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính cho hay, VAFI sẽ đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính đề nghị xử phạt nặng hơn đối với ông Trịnh Văn Quyết.
“Hành động của ông Quyết khiến hàng trăm nhà đầu tư thua lỗ, gây bất bình và ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Hành vi này đe doạ sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam”, ông Hải nói và nhấn mạnh thêm rằng, niềm tin của nhà đầu tư với thị trường bị ảnh hưởng tiêu cực trong khi Chính phủ kỳ vọng đây là kênh thu hút vốn cho nền kinh tế đất nước.
Cùng đồng tình với quan điểm của Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Nguyễn Hoàng Hải, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS) cho rằng, cần phải phong toả tài khoản của các đối tượng mà giao dịch phải công bố thông tin đầy đủ.
Tuy nhiên, CEO của DAS nhấn mạnh, đây là câu chuyện dài vì cần có thời gian sửa luật…
Mặc dù vậy, ông Huỳnh Anh Tuấn đánh giá hành vi của ông Trịnh Văn Quyết là “thiếu chuyên nghiệp”, xem thường pháp luật, xem thường nhà đầu tư và không xưng tầm của lãnh đạo doanh nghiệp có tiếng là luật sư.
“Chính điều này làm hại chính các doanh nghiệp mà ông đang quản lý điều hành”, chuyên gia lưu ý.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói vụ ông Trịnh Văn Quyết
Liên quan đến vụ Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bán tháo cổ phiếu FLC, gây mất mát lớn cho thị trường chứng khoán Việt Nam, chiều nay 11/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có phản hồi.
Theo đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, lãnh đạo bộ đang chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử lý vụ việc ông Trịnh Văn Quyết bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo quy định.
Đồng chí Hồ Đức Phớc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài Chính trình bày tham luận
© Ảnh : Phương Hoa - TTXVN
Đáng chú ý, trong chiều 10/1, ngày mà Chủ tịch FLC bán chui gần 75 triệu cổ phiếu, sàn HoSE đã xảy ra sự cố kéo dài khoảng hai mươi phút khiến nhiều nhà đầu tư không thể thực hiện giao dịch, gây thiệt hại cho sàn giao dịch và các bên tham gia giao dịch.
Thông tin về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, dõ sự cố nghẽn mạch gây ra - hệ thống trả thông tin thị trường về cho các công ty chứng khoán.
“Đơn vị vận hành đã lập tức chuyển sang chạy hệ thống dự phòng”, ông Phớc nói.
Như Sputnik đề cập, sáng nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có thông báo khẩn về việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC giao dịch hàng chục triệu cổ phiếu nhưng không công bố thông tin của
Thông báo nêu rõ, chiều ngày 10/01/2022 vào lúc 17 giờ 45 phút, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận được Báo cáo số 31/SGDHCM-GS đề ngày 10/01/2022 của Sở Giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) về việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC, niêm yết tại HoSE) nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo khoản 1 Điều 33 Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định hiện đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, nếu theo quy định tại Nghị định 128 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, việc bán cổ phiếu không công bố thông tin sẽ bị phạt tiền từ 3% - 5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế nếu giao dịch có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên, nhưng mức phạt tối đa chỉ là 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.
Như vậy, đại gia Trịnh Văn Quyết nhiều khả năng bị xử phạt cao nhất 1,5 tỷ đồng và cấm giao dịch trong vòng 3-5 tháng.
Đại gia FLC Trịnh Văn Quyết xin lỗi
Liên quan đến vụ bán tháo gần 75 triệu cổ phiếu FLC, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đã có giải trình với Uỷ ban chứng khoán Nhà nước và lên tiếng xin lỗi.
Ông Quyết phân trần do đi công tác vào ngày 4/1/2021 nên giao cho bộ phận thư ký gửi thông báo đăng ký giao dịch bán 175 triệu cổ phiếu FLC từ ngày 10/1 đến ngày 17/1.
Tuy nhiên do “sơ suất” không kiểm tra lại nên khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gửi công văn vào tối ngày 10/1, ông Trịnh Văn Quyết mới biết không thực hiện đúng công bố thông tin theo quy định.
“Do đó, tôi mới chỉ đạo bộ phận thư ký làm lại công bố thông tin trong ngày 10/1. Thực sự để xảy ra việc này, tôi lấy làm tiếc và sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc không để xảy ra sự việc tương tự”, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết nói.
VN-Index giảm sâu, mọi chú ý dồn về cổ phiếu FLC
Không ngoài dự đoán của giới chuyên gia, trong phiên giao dịch hôm nay, điểm thú hút sự quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư là mã cổ phiếu FLC của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC sau pha chơi ‘tất tay’ không ai ngờ tới của đại gia Trịnh Văn Quyết.
FLC xô đổ kỷ lục thanh khoản của chính mình trên sàn chứng khoán Việt Nam. Theo đó, cổ phiếu FLC tiếp tục phá kỷ lục của phiên 10/1 với gần 155 triệu đơn vị khớp lệnh.
Mở cửa phiên 11/1, đồng loạt cổ phiếu họ FLC lao dốc. Theo ghi nhận tại nhiều thời điểm, các cổ phiếu này trắng bên mua trong khi lệnh bán rất lớn. Chốt phiên 11/1, dù thoát giá sàn, nhưng cổ phiếu FLC vẫn giảm mạnh 5,91% xuống 19.900 đồng. Các cổ phiếu khác “họ FLC” cũng đồng loạt giảm sàn, trắng bên mua.
Điển hình như mã ROS (Xây dựng FLC Faros) trắng bên mua, giảm sàn còn 13.900 đồng; HAI (Nông dược H.A.I) cũng trắng bên mua và rớt xuống giá sàn 9.210 đồng; AMD (Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone) giảm giá sàn 9.580 đồng, KLF (Đầu tư Thương mại và xuất nhập khẩu CFS) trắng bên mua, giảm sàn còn 9.500 đồng.
Chốt giao dịch ngày hôm nay, VN-Index thêm một phiên giảm sâu. Sàn HOSE có 122 mã tăng (21 mã tăng trần) và 346 mã giảm (15 mã giảm sàn), VN-Index giảm 11,40 điểm (-0,76%), xuống 1.492,31 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.251,4 triệu đơn vị, giá trị 35.994,3 tỷ đồng, giảm hơn 9% về khối lượng và 14% về giá trị so với phiên ngày 10/1.
HNX-Index giảm 1,28 điểm xuống 481,61 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 142,17 triệu đơn vị, tương ứng hơn 4.004,47 tỷ đồng. Toàn sàn có 79 mã tăng, 160 mã giảm và 49 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,24 điểm lên 114,45 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 105,93 triệu đơn vị, tương ứng gần 2.345,83 tỷ đồng. Toàn sàn có 324 mã tăng giá, 161 mã giảm giá và 68 mã đứng giá.
Thanh khoản thị trường hôm giảm so với phiên hôm qua, với tổng giá trị khớp lệnh đạt 42.294,6 tỷ đồng, giảm 18,4%. Riêng HoSE ghi nhận giá trị khớp lệnh giảm 16,3%, trong khi đó khối ngoại có động thái mua ròng trở lại khoảng 100 tỷ đồng trên sàn này.