Việt Nam sẽ trở thành trung tâm khởi nghiệp mới của châu Á

Việt Nam được nhận định sẽ trở thành trung tâm khởi nghiệp mới tiếp theo ở châu Á. Theo đó, đầu tư mạo hiểm lập mốc lịch sử 2,1 tỷ USD một năm, giúp quốc gia Đông Nam Á này đang trên đà trở thành trung tâm khởi nghiệp mới.
Sputnik
Chia sẻ với Bloomberg, nhà đồng sáng lập Ascend Vietnam Ventures là ông Bình Trần cho rằng hệ sinh thái startup của Việt Nam, dù còn non trẻ, nhưng sẽ trở thành trung tâm công nghệ tiếp theo của khu vực.

Việt Nam nổi lên là thành trung tâm khởi nghiệp mới của châu Á

Bloomberg đánh giá, hệ sinh thái startup (khởi nghiệp) của Việt Nam đang ổn định, đạt được độ chín nhất định và tăng trưởng mạnh những năm trở lại đây, góp phần đưa đất nước vươn lên thành một trong các trung tâm khởi nghiệp mới hàng đầu châu Á.
Trong năm 2021, đầu tư mạo hiểm cho các startup ở Việt Nam đạt 2,1 tỷ USD. Trước đó, con số này chỉ ở mức 48 triệu USD trong năm 2017.
Thông tin được ông Bình cung cấp trên chương trình “ASEAN Ahead” của Bloomberg Television.
Ứng dụng Nga startup thành công vào thị trường Việt Nam
Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư hàng đầu Silicon Valley, bao gồm Goodwater Capital LLC, Accel Partners LP và Altos Ventures Management Inc đã bắt đầu chú ý đến hệ sinh thái startup Việt Nam.
“Hệ sinh thái startup của Việt Nam những năm qua đã chứng kiến mức độ trưởng thành nhất định và xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ, qua đó, đưa đất nước trở thành một trung tâm khởi nghiệp quan trọng trong khu vực”, ông Bình cho biết.
Đáng chú ý, trước đó, theo báo cáo “Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021”, do nền tảng đổi mới sáng tạo BambuUP, thực hiện, dưới sự bảo trợ của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC) cũng nhận định, Việt Nam đang nổi lên là trung tâm phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) đổi mới sáng tạo ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Cùng với đó, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đến nay đã có 3 thế hệ starups. Thế hệ đầu tiên (giai đoạn 2000-2006) gồm các nhà sáng lập các công ty khởi nghiệp đã hoạt động khá thành công như VNG, Vatgia, NextTech, VCCorp, 24H, Yeah1. Thế hệ khởi nghiệp thứ hai (2007-2014), gồm các nhà sáng lập các công ty tên tuổi như Batdongsan, Tiki, Foody, Topica, Nhaccuatui… Thế hệ khởi nghiệp thứ ba (từ 2015 đến nay) tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu mới.
Ở thời điểm hiện nay, các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính tại Việt Nam hiện nay, đó là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Trong đó, thủ đô Hà Nội với lợi thế trung tâm chính trị, ngoại giao của cả nước, đã hội tụ nhiều công ty công nghệ lớn như FPT, VNG, VC Corp, ETC.
Công bố người chiến thắng giải quán quân Startup Việt 2019
Khu vực phía Nam – TP.HCM, với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, có môi trường khởi nghiệp thân thiện, hiện chiếm gần 50% số lượng các startups của cả nước. Thành phố lớn nhất cả nước này có lực lượng lao động trẻ có trình độ học vấn cao, tâm lý kinh doanh vững vàng, hội tụ nhiều công ty đa quốc gia, là thị trường tiêu thụ lớn.
Bên cạnh đó, chính quyền TP.HCM có nhiều chính sách hỗ trợ mạnh mẽ khởi nghiệp, đặt mục tiêu hỗ trợ 1.000 công ty khởi nghiệp trong 5 năm tới, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố.
Trong khi đó, Đà Nẵng đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở Miền Trung. Thực tế, tuy số lượng dân cư của Đà Nẵng thấp hơn Hà Nội và TP HCM, tuy nhiên, Đà Nẵng lại là một thành phố mới nổi cho các công ty khởi nghiệp với lợi thế phát triển công nghệ cao của Việt Nam.
Điểm mạnh của trung tâm kinh tế - chính trị của miền Trung này là chi phí thấp, vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng phát triển, nguồn nhân lực kỹ thuật mạnh mẽ, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ của chính quyền Đà Nẵng.

Nền kinh tế số lớn thứ 2 ở Đông Nam Á vào năm 2030

Một báo cáo của Google, Temasek Holdings Pte và Bain & Co trước đó dự đoán, Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế số lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Á vào năm 2030.
Ông Bình nhận định, thương mại điện tử, công nghệ tài chính, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thực phẩm và giải pháp doanh nghiệp là 5 lĩnh vực startup thu hút đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.
Được biết, ông Bình Trần là người đồng sáng lập, cũng là đối tác của quỹ 500 Startups Vietnam, hiện là 500 Global Vietnam. Cho đến nay, quỹ đã đầu tư vào khoảng 70 công ty hoạt động trong nhiều mảng khác nhau như thương mại điện tử, công nghệ tài chính và chăm sóc sức khoẻ.
Startup Việt vô địch thế giới giành thưởng 1 triệu USD
Ông Bình là cựu kỹ sư lập trình. Trước 500 Startups Việt Nam, ông có thời gian dài làm kinh doanh và là nhà đồng sáng lập của Klout - một công ty phân tích dữ liệu xã hội được hỗ trợ bởi các quỹ mạo hiểm cấp cao nhất ở Thung lũng Silicon. Klout được thành lập năm 2008 và được mua lại vào năm 2014.
Ascend Vietnam Ventures (AVV) là quỹ đầu tư mạo hiểm do Bình Trần và Eddie Thái lập ra hồi năm ngoái 2021. Theo ông Bình, quỹ dự kiến đầu tư từ 500.000 USD - 2 triệu USD vào 25 startup công nghệ tại Việt Nam trong 3 năm tới.
Các công ty đó chủ yếu sẽ làm việc trong các lĩnh vực gồm tài chính, giáo dục, y tế, năng suất lao động… Khoảng 1/3 các startup này sẽ nhận được khoản vốn đầu tư 4 triệu USD/công ty cho giai đoạn tiếp theo.
Eddie Thái, nhà đồng sáng lập AVV, có kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn chiến lược và tài chính cho các công ty và khách hàng trong nhiều mảng như công nghệ, truyền thông và viễn thông.

Việt Nam chú trọng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam coi phát triển nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục là một trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất của đất nước.
Việt Nam cũng hướng đến việc xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế. Trong đó, lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Chính quyền cũng có chiến lược phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
"Nhiều startup công nghệ Việt đang làm ngược"
Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn thu nhập từ khoản đầu tư, công nhận quyền tài sản đối với quyền sở hữu, thúc đẩy cá nhân và nhóm cá nhân khởi nghiệp sáng tạo, phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025...
Chính phủ cũng khuyến khích các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp xây dựng hệ sinh thái đổi mới hoàn chỉnh trên quy mô lớn để cho phép chuyển giao, phát triển và thương mại hóa công nghệ, đồng thời, thí điểm môi trường pháp lý khuyến khích hoạt động đổi mới; kết nối các công ty khởi nghiệp với nhiều kênh tài trợ khác nhau.
Nhà nước cũng cung cấp hỗ trợ tài chính trong hệ sinh thái khởi nghiệp, nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên đại học và thanh niên bằng cách đào tạo sớm về giáo dục khởi nghiệp, đào tạo kiến thức chuyên sâu về khởi sự kinh doanh cho doanh nhân, thanh niên, sinh viên khởi nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, ngành Khoa học và Công nghệ phải có cơ chế mạnh mẽ, tạo điểm nhấn trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo như là một bộ phận trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ không gian làm việc cho startup
Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ Khoa học và Công nghệ phải là nơi tập hợp, chủ động đề xuất rất cụ thể, làm việc với Bộ Tài chính về cơ chế tài chính cho doanh nghiệp, triển khai nhanh hơn nữa mô hình nghiên cứu khoa học trong các trường đại học theo hướng các trường là đầu mối nhận nhiệm vụ khoa học trực tiếp từ Bộ Khoa học và Công nghệ, quyết liệt quy hoạch lại toàn bộ các cơ sở nghiên cứu khoa học, bao gồm cả các viện nghiên cứu trong doanh nghiệp, trường đại học, đồng thời tính đến mạng lưới liên kết với các trung tâm nghiên cứu ở nước ngoài.
Đồng thời, thông qua quá trình triển khai thí điểm mô hình Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cần tháo gỡ các vướng mắc để củng cố mô hình mới trong quản trị khoa học và lan tỏa các kết quả nghiên cứu vào thực tế.
“Thống kê cho thấy, năm 2020, Việt Nam có gần 135.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đã có khoảng 3.000 công ty khởi nghiệp sáng tạo”, Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết.
Bộ trưởng Đạt kỳ vọng trong năm 2022, công ty khởi nghiệp sáng tạo sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ và tạo được điểm nhấn trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Cũng trong năm 2022, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế thí điểm phát triển loại hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học theo mô hình doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off), gắn kết hợp tác giữa trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

“Đưa Việt Nam trở thành trung tâm sáng tạo hấp dẫn”

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, trong bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang diễn ra rất sôi động và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận và đang ngày càng phát triển mạnh mẽ với hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá xếp thứ 3 trong nhóm ba hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á, đứng sau Indonesia và Singapore.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu
Báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á-Tiếng gầm thập kỷ 20: Thập kỷ kỹ thuật số Đông Nam Á” do Google, Temasek và Bain & Company công bố ngày 10/11/2021 cho thấy dòng vốn đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam tăng mạnh trong nửa đầu năm 2021, đạt mức cao kỷ lục, xấp xỉ 1,37 tỷ USD, tập trung ở các lĩnh vực thương mại điện tử, tài chính, sức khỏe và giáo dục.
“Do đó, cần tiếp tục thúc đẩy xây dựng mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, đây là nhiệm vụ quan trọng, nhằm đưa Việt Nam trở thành trung tâm sáng tạo hấp dẫn, “vườn ươm” của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong và ngoài nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng xác định, việc dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia với mục tiêu thúc đẩy tính đổi mới sáng tạo, tính mở và tính liên kết sẽ mang lại nhiều lợi ích, đồng thời tạo động lực phát triển nền kinh tế.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, Việt Nam sẽ không chỉ cần phát huy nội lực trong nước mà còn cần thúc đẩy kết nối các nguồn lực dồi dào từ đội ngũ chuyên gia, trí thức, doanh nhân, học giả ở nước ngoài cũng như sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế.
Theo thống kê sơ bộ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), Việt Nam hiện có khoảng 50 hội trí thức và mạng lưới trí thức người Việt đã thành lập tại các nước, hơn 500.000 chuyên gia, trí thức làm việc tại các viện nghiên cứu, trường đại học nước ngoài, ở hầu hết các ngành và lĩnh vực mũi nhọn. Rất nhiều nhà nghiên cứu trẻ, doanh nhân trẻ người Việt, các du học sinh tại nước ngoài cũng đã có bước đầu thành công ở các hệ sinh thái khởi nghiệp lớn của thế giới.
Chính những nguồn lực quan trọng, có giá trị quý báu này sẽ có thể hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong vấn đề mở rộng thị trường, hỗ trợ vốn, gọi vốn và đặc biệt là sự cộng hưởng nguồn trí tuệ toàn cầu.
Bên cạnh đó, ngoài đội ngũ trí thức, doanh nhân người Việt ở nước ngoài có thể hình thành mạng lưới chuyên gia cố vấn toàn cầu, hỗ trợ các startup Việt giải quyết các vấn đề khó khăn để khởi nghiệp thành công.
Do đó, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nêu rõ, toàn ngành trong năm 2022 tập trung triển khai Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030, trong đó chú trọng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh.
Thảo luận