Đây là thông tin mà các chuyên gia HSBC đưa ra trong báo cáo "Vietnam at a glance - Kết thúc có hậu cho một năm khó khăn” mới đây.
“Cú quay xe” đầy bất ngờ của Việt Nam
Việt Nam thay đổi chiến lược chống dịch từ “Zero COVID” sang “Thích ứng an toàn” là quyết định đúng đắn, giúp nối lại các đứt gãy trong quan hệ kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19.
“Khi các hoạt động kinh tế trở lại bình thường trong năm 2022, chúng tôi kỳ vọng áp lực về giá sẽ bắt đầu có tác động nhưng mức độ phải trong tầm kiểm soát. Trong bối cảnh lạm phát ít khả năng là một mối bận tâm lớn của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2022, tình hình thị trường bất động sản có thể thu hút nhiều sự quan tâm hơn” - Chuyên gia HSBC nhấn mạnh.
Đặc biệt, chuyên gia HSBC rất ấn tượng về kết quả GDP của Việt Nam trong quý 4/202 và ví đây là “cú quay xe” đầy bất ngờ.
Theo phân tích trong báo cáo, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 4/2021 tăng mạnh mẽ 5,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức dự báo tăng trưởng của thị trường (HSBC: 3,8%; Bloomberg: 3,9%). Nhờ vậy, tăng trưởng GDP cả năm đạt 2,6% trong 2021.
Con số này phản ánh một kết quả tích cực trong một năm quá nhiều thách thức dù đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 30 năm qua.
Xuất khẩu bứt phá mọi thách thức
Không ai ngờ rằng sau giai đoạn giãn cách khiến mọi hoạt động thương mại đình trệ trong quý 3/2021, xuất khẩu Việt Nam phục hồi mạnh mẽ một cách nhanh chóng, tăng gần 19% trong quý 4 so với cùng kỳ năm 2020.
Hai ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam là dệt may và da giày cũng lấy lại phong độ trước khi xuất hiện biến chủng Delta.
Theo phân tích của các chuyên gia, xuất khẩu Việt Nam tăng 19% nhờ xuất khẩu điện tử và máy móc trong cả năm 2021. Điều này cho thấy nhu cầu trên thế giới vẫn gia tăng và chuỗi cung ứng ổn định ở phía Bắc nơi hội tụ các tập đoàn công nghệ lớn. Chuyên gia HSBC nhấn mạnh. Chuyên gia HSBC kỳ vọng:
“Khép lại năm 2021, Việt Nam phục hồi vững vàng sau giai đoạn ‘chạm đáy’ tồi tệ nhất, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng vững vàng trên mọi mặt. Một mặt, sản xuất và xuất khẩu kỳ vọng sẽ tiếp tục vị thế dẫn đầu, một phần là nhờ những cam kết FDI ổn định. Mặt khác, nhu cầu trong nước nhiều khả năng sẽ phục hồi thêm khi các biện pháp hạn chế hiện tại dần được gỡ bỏ và thị trường lao động phục hồi. Sau hai năm tăng trưởng chậm lại, chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ tăng tốc tăng trưởng lên 6,5% trong năm 2022. Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu GDP năm 2022 tăng 6,5%-7%, tương đương với tốc độ tăng trưởng trước đại dịch”.
Nhằm bảo vệ thành quả phục hồi của nền kinh tế, các chuyên gia HSBC khuyến cáo dịch COVID-19 vẫn là rủi ro lớn đối với tăng trưởng của Việt Nam.
Bằng chứng của cảnh báo trên là số ca nhiễm mới mỗi ngày tại Việt Nam tăng cao trở lại sau khi “hạ nhiệt” vào tháng 11/2021. HSBC còn cho rằng, kết quả của “trận chiến” ứng phó với làn sóng COVID-19 thứ năm sẽ mang tính then chốt trong việc quyết định tốc độ phục hồi của nhu cầu trong nước và hoạt động đi lại quốc tế.
HSBC tin tưởng rằng, Việt Nam hiện triển khai rất tốt chương trình tiêm phủ vaccine COVID-19, giúp Chính phủ có thể linh hoạt giữa hai mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân và phục hồi kinh tế.