Xuất nhập khẩu lập kỷ lục, Việt Nam vào top 20 nền kinh tế dẫn đầu về thương mại quốc tế
© Ảnh : Trần Việt - TTXVNBộ Công Thương tổng kết hoạt động 2021 và triển khai nhiệm vụ 2022
© Ảnh : Trần Việt - TTXVN
Đăng ký
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng kỷ lục trong năm 2021 đã giúp đưa Việt Nam lọt vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có những chỉ đạo quan trọng cho ngành Công Thương để duy trì và phát huy hơn nữa những thành quả đạt được trong năm 2021.
Việt Nam vào top 20 nền kinh tế dẫn đầu về thương mại quốc tế
Sáng 9/1, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022.
Đồng chủ trì hội nghị từ điểm cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Cùng tham gia còn có các đồng chí lãnh đạo Bộ Công Thương.
Mặc dù gặp phải nhiều khó khăn do đợt bùng phát dịch thứ 4 mang lại, trong năm 2021, ngành Công Thương đã triển khai một cách tích cực, chủ động và sáng tạo các nhiệm vụ, giải pháp nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa.
Những nỗ lực đó đã gặt hái được những kết quả quan trọng, tích cực, góp phần cung ứng kịp thời hàng hóa thiết yếu, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.
Trong lĩnh vực công nghiệp, dù các biện pháp giãn cách phòng dịch ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nhưng giá trị tăng vẫn đạt mức 4,82%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Trong nội bộ ngành công nghiệp ghi nhận chuyển biến tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành. Theo đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vị trí chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào mức tăng GDP của Việt Nam.
Một điểm sáng trong năm qua là hoạt động xuất nhập khẩu, với tổng kim ngạch đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020, như Sputnik đã đề cập trong các bản tin kinh tế trước đó.
Thành công này đã đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế, với lượng xuất khẩu hàng hóa vượt bậc, ghi nhận mức tăng trưởng cao, lên đến gần 332,25 tỷ USD.
Ngành Công Thương cũng đã tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), tới đây là cả RCEP.
Thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, hàng hóa xuất khẩu ngày càng phong phú; chất lượng hàng hóa được đảm bảo, đáp ứng yêu cầu các thị trường lớn như EU, châu Mỹ, Nhật Bản, Australia…
Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng đã chỉ rõ những tồn tại hạn chế mà ngành cần giải quyết, khắc phục.
Lấy ví dụ, đại dịch Covid-19 đã tác động đến tốc độ tăng trưởng chung của sản xuất công nghiệp. Năng lực sản xuất công nghiệp còn yếu, nhất là trong các ngành có tính nền tảng, then chốt.
Bên cạnh đó, sự liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành và giữa các ngành còn hạn chế. Liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn chưa chắc chắn.
Thành công của ngành Công Thương năm 2021
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thừa nhận, năm 2021, ngành Công Thương chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, từ khâu sản xuất, lưu thông đến phân phối, bao gồm cả xuất nhập khẩu.
Theo đó, nhiều chuỗi sản xuất bị đứt gãy, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống bị đóng cửa; nhiều loại hình giao thông, cửa khẩu tạm dừng hoạt động, gây khó khăn bộn bề. Nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp phải dừng sản xuất, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị phải đóng cửa. Các tuyến giao thông, cảng biển, hàng không, đường sắt tạm dừng hoạt động.
“Nhưng có thể khẳng định, với sự cố gắng vượt bậc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, ngành Công Thương đã từng bước vượt qua thách thức và đã đạt được những kết quả quan trọng”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Năm 2021, ngành điện đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ cung ứng điện, bảo đảm an toàn, thông suốt, ổn định cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Sản lượng điện tiêu thụ đạt 255,37 tỷ kWh, tăng 3,34% so với cùng kỳ năm trước.
“Hạ tầng cung cấp điện được đầu tư khá đồng bộ, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng, tiêu thụ điện, nhiều công trình lớn được hoàn thành”, Phó Thủ tướng biểu dương.
Ngành điện đã hoàn thành đưa vào vận hành 7.317 MW điện, nâng tổng công suất đặt của hệ thống điện quốc gia đạt 77.982 MW, tăng 11% so với cùng kỳ. Trong đó, có 4.087 MW điện gió, góp phần từng bước chuyển đổi công nghệ năng lượng tái tạo theo tinh thần Thủ tướng cam kết tại COP26. Ngành điện đã không chỉ hoàn thành mục tiêu cung cấp điện mà còn dầu tư cơ sở vật chất, sẵn sàng phục vụ phục hồi kinh tế. Đi trước đón đầu để đầu tư năng lượng tai tạo mới nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường hiện nay.
Đối với ngành dầu khí, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đã làm tốt nhiệm vụ. Nhiều chỉ tiêu quan trọng vượt kế hoạch từ 1-3 tháng. Sản lượng khai thác dầu thô đạt 10,87 triệu tấn, vượt kế hoạch 1,15 triệu tấn; sản xuất xăng dầu đạt 6,37 triệu tấn, bằng 100% kế hoạch; sản xuất đạm đạt 1,69 triệu tấn, vượt kế hoạch 4,2%…
Tổng doanh thu năm 2021 đạt 618.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch 26%; nộp ngân sách nhà nước đạt 112.900 tỷ đồng, vượt kế hoạch 61%; lợi nhuận trước thuế đạt 41.900 tỷ đồng, vượt kế hoạch 145%…
Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp khác như than khoáng sản, hóa chất, phân bón, xi măng, công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất hàng tiêu dùng… đều có nhiều nỗ lực, cố gắng và đạt được kết quả quan trọng.
Một số ngành có tốc độ tăng trưởng khá cao như công nghiệp chế biến chế tạo tăng 6,37%, tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế, trong đó sản xuất máy nông nghiệp tăng 17,9%, thép cán tăng 33%, may mặc tăng 9,8%, da giày tăng 4,9% so với năm 2020.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các doanh nghiệp các ngành dầu khí, điện lực, than khoáng sản, xi măng, sắt thép trong nước đã tận dụng ưu điểm, lợi thế khép kín của chu trình công nghệ sản xuất, thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa duy trì sản xuất kinh doanh.
© Ảnh : Trần Việt - TTXVNBộ Công Thương tổng kết hoạt động 2021 và triển khai nhiệm vụ 2022
Bộ Công Thương tổng kết hoạt động 2021 và triển khai nhiệm vụ 2022
© Ảnh : Trần Việt - TTXVN
Ngoài ra, điểm đáng ghi nhận trong bối cảnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã chủ động đề xuất Chính phủ và trực tiếp triển khai nhiều giải pháp bảo đảm cung cầu, lưu thông, kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường như: hỗ trợ giảm giá điện, kiểm soát giá cả thực phẩm tại các chợ, trung tâm thương mại, triển khai các loại hình thương mại điện tử, mua hàng qua mạng, kiểm tra hàng hóa trực tuyến. Ngành Công Thương cũng thành lập Tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ việc điều hành, cung ứng hàng hóa tại các địa phương bị phong tỏa kiểm soát dịch bệnh như thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực ấy và cho rằng, nhờ đó mà cung cầu hàng hóa được bảo đảm, giá cả hàng hóa được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng năm 2021 chỉ tăng 1,84% so với 2020, thấp nhất trong 6 năm kể từ năm 2016 dù phải giãn cách xã hội.
Công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng kém chất lượng tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh và đổi mới phương thức quản lý, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Báo cáo cho thấy, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý 41.375 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách 430 tỷ đồng.
“Đặc biệt, nhiều vụ việc gian lận thương mại, buôn lậu lớn đã được chủ động phát hiện, điều tra, truy tố các đối tượng theo đúng quy định của pháp luật”, Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của ngành Công Thương.
Hạn chế tình trạng ùn ứ hàng tại cửa khẩu, cửa biển
Trong năm tới, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước năm 2022 tăng 6 - 6,5%, ngành Công Thương phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 7 -8 %; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt từ 6-8%.
Bên cạnh đó, nỗ lực duy trì cán cân thương mại ở trạng thái thặng dư. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu tăng khoảng 7-8% so với năm 2021; tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu tăng 7,88%; điện thương phẩm tăng 7,1 -9,1%.
Trong phần phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chúc mừng những ngành Công Thương đã gặt hái được kết quả tích cực trong một năm khó khăn vì dịch bệnh như 2021.
Cùng với đó, đồng chí Lê Văn Thành cũng lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm cho toàn ngành năm 2022 để hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia theo đúng tiến độ, chất lượng, trước mắt tập trung quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đề nghị ngành Công Thương có biện pháp giải quyết khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho các ngành công nghiệp, năng lượng, chế biến, chế tạo, hóa chất, phân bón, sản xuất hàng tiêu dùng…
“Một nhiệm vụ quan trọng cần hoàn thành là ngành điện và các đơn vị liên quan phải làm đúng tiến độ đầu tư xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm, bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng, không để thiếu điện cho sản xuất và sinh hoạt”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng lưu ý, cần bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, triển khai tốt hoạt động xúc tiến thương mại, kịp thời phản ứng với các vấn đề phát sinh trong sản xuất, lưu thông hàng hóa. Đặc biệt, cần có giải pháp bền vững, lâu dài cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Phó Thủ tướng yêu cầu đánh giá toàn diện các tác động để tận dụng tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do FTA.
“Đề nghị các cơ quan, đơn vị của ngành Công Thương và các địa phương đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa hàng hóa, đặc biệt là các thị trường tiềm năng, truyền thống”, ông Thành nói.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Công Thương phải có biện pháp tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động thông quan hàng hóa, không để xảy ra hiện tượng ùn ứ tại cảng biển, cửa khẩu. Phó Thủ tướng cũng lưu ý về tình trạng ùn tắc hàng tại các cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian qua.
“Phối hợp với các bộ, ngành địa phương để có giải pháp căn cơ, cụ thể, toàn diện để tăng tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo.
Bên cạnh đó, ngành Công thương cả nước cần tập trung phát triển thương mại nội địa, nhất là thương mại điện tử để tận dụng hiệu quả quá trình chuyển đổi số, từ đó tạo ra các đột phá về thể chế chính sách theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm minh các vi phạm; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái hàng giả, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, sau Hội nghị hôm nay, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ và các góp ý của các đại biểu để bổ sung, hoàn thiện Kế hoạch công tác của ngành trong năm mới.
Bộ trưởng nêu rõ, ngành Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra với nỗ lực cao nhất ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.