Mới đây, tại cuộc họp báo thường kỳ, Tư lệnh Lục quân Ấn Độ Manoj Mukund Naravane cho biết, Ấn Độ đã tăng cường lực lượng tại khu vực Ladakh giáp biên giới với Trung Quốc.
Tư lệnh Lục quân Ấn Độ Manoj Mukund Naravane
© AFP 2023 / Prakash Singh
"Nga có một cơ hội lịch sử để đóng vai trò trung gian, hòa giải để đạt được hoà bình và tình hình ổn định giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Nga có thể tạo ra một lộ trình mà từ đó cả ba quốc gia trên lục địa Á-Âu - Nga, Trung Quốc và Ấn Độ - đều có thể hưởng lợi", - chuyên gia Robinder Nath Sachdev, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Imagindia Institute, cho biết.
Theo chuyên gia Sachdev, không có quốc gia nào khác phù hợp hơn để giúp Ấn Độ và Trung Quốc tìm được sự cân bằng trong vấn đề này. Ông cho rằng, điều này phần lớn là nhờ vị trí địa chính trị của Nga “trong bối cảnh hiện nay khi có cuộc đối đầu với Hoa Kỳ”.
"Bằng cách giúp Trung Quốc và Ấn Độ giảm căng thẳng, Nga cũng sẽ cải thiện vị thế địa chính trị của chính mình", - ông Sandchev nói.
Tạo vùng đệm
Theo ý kiến cùa ông, Matxcơva "có thể thúc đẩy ý tưởng tạo vùng đệm tại các vùng lãnh thổ bị tranh chấp ở biên giới Ấn Độ -Trung Quốc để giảm căng thẳng".
Chuyên gia Swasti Rao từ Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Manohar Parrikar ở New Delhi, nhấn mạnh rằng, bây giờ là thời điểm thích hợp để tăng cường hợp tác từ cả phía Nga và Ấn Độ.
Theo quan điểm của ông, Ấn Độ - quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Matxcơva - có thể “lợi dụng tình hình và vị thế là đồng minh của Nga để gây sức ép lên Trung Quốc”.
Ấn Độ và Trung Quốc có một tranh chấp lãnh thổ lâu đời
Ấn Độ và Trung Quốc có lịch sử tranh chấp biên giới lâu đời về quyền sở hữu một phần lãnh thổ miền núi ở phía bắc Kashmir, cũng như gần 60.000 km vuông ở đông bắc bang Arunachal Pradesh. Đường kiểm soát thực tế (LAC) là đường ranh giới ngăn cách lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát với lãnh thổ do Trung Quốc kiểm soát trong khu vực Ladakh. Vào mùa thu năm 1962, tranh chấp này thậm chí còn leo thang thành một cuộc chiến tranh biên giới.
Căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở Ladakh đã leo thang trở lại vào tháng 5/2020 sau một cuộc đối đầu xảy ra giữa hàng trăm binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ở khu vực hồ Pangong. Sau đó New Delhi và Bắc Kinh đã tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực. Vào đầu tháng 2 năm 2020, đầu tiên là Bộ Quốc phòng Trung Quốc và sau đó là Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã thông báo về việc rút quân đội khỏi các vị trí tranh chấp trên bờ phía bắc và phía nam của hồ Pangong. Trong vài vòng đàm phán gần đây nhất ở Ladakh, các chỉ huy quân sự thảo luận về tiến trình rút quân khỏi các điểm xung đột còn lại, bao gồm cao nguyên Gogra, khu vực Hot Springs và Depsang.
Kết quả của cuộc đối đầu là quan hệ song phương rơi vào trạng thái nguội lạnh, cụ thể là Ấn Độ đã hủy bỏ một số hợp đồng mà các công ty Trung Quốc thắng thầu, cấm một số ứng dụng di động của Trung Quốc và hủy đơn đặt hàng mua một số mặt hàng của Trung Quốc.