Theo ý kiến luật sư, luật Việt Nam vẫn còn kẽ hở mà qua đó, một số doanh nghiệp có thể đăng ký thành lập với số vốn lớn dù không đủ năng lực tài chính.
Giải thế doanh nghiệp 500.000 tỷ
Ngày 31/12/2021, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu (Auto Investment Group) Nguyễn Vũ Quốc Anh đã ký quyết định giải thể công ty chỉ sau 6 tháng thành lập.
Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đã ghi nhận thông báo này sau đó một tuần.
Theo thông báo, nguyên nhân giải thể là do các cổ đông không thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua như đã kê khai trong hồ sơ đăng ký lần đầu.
Auto Investment Group được thành lập cuối tháng 5/2021. Công ty đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là lập trình máy vi tính.
CEO Nguyễn Vũ Quốc Anh từng nhiều lần livestream cho biết tham vọng trở thành đại diện Việt Nam cạnh tranh với các tập đoàn công nghệ của Mỹ, Trung, Ấn Độ, mang tiền về nước.
Công ty của ông Quốc Anh đăng ký số vốn điều lệ không tưởng lên đến 500.000 tỷ đồng, vượt xa quy mô vốn của các doanh nghiệp “sừng sỏ” khác như Vingroup, Hoà Phát hay Vietcombank.
Nếu góp đủ mức vốn này, CEO của Auto Investment Group sẽ sở hữu số tài sản thậm chí vượt xa tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Số tiền 500.000 tỷ tương đương với 6% GDP Việt Nam năm 2021 và cao hơn giá trị vốn hóa hiện tại của bất kỳ doanh nghiệp nào trên sàn chứng khoán.
Bởi tính bất thường trong số vốn đăng ký như trên mà Cục Quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) không ghi nhận vốn đăng ký của Auto Investment Group lẫn Công ty cổ phần Tập đoàn Kinh doanh Tự động Toàn Cầu (GAB Group) vào tổng vốn đăng ký kinh doanh mới năm 2021.
Được biết, GAB Group là pháp nhân mà 3 cổ đông của doanh nghiệp này góp vốn.
Trước đó vào đầu tháng 6/2021, ông Quốc Anh khẳng định không nhầm lẫn về số vốn khi đăng ký. Ông cho biết đã cân nhắc rất kỹ trước khi ra quyết định nên số vốn trên thậm chí còn ít.
Ông Quốc Anh cũng cho biết sẽ làm việc với một số ngân hàng như Vietcombank, Techcombank, OceanBank và các tập đoàn bất động sản Novaland, FLC, Hà Đô... để huy động vốn. Ông còn đề cập đến việc có nguồn tài chính từ các nhà đầu tư nước ngoài.
"Ngày xưa tôi toàn làm cho những tập đoàn lớn, xuất thân từ Central Group, Vingroup, SCI Group, K-Group nên quen biết nhiều. Tôi không thiếu vốn", ông Quốc Anh khẳng định.
Công ty của ông đăng ký địa chỉ trụ sở tại tầng 46, tòa nhà Bitexco Financial Tower. Tuy nhiên, vị CEO cho biết không có người làm việc tại đây. Công ty có khoảng 20 nhân sự "toàn siêu nhân, không phải người thường" và đều làm việc từ xa.
Ông Quốc Anh sinh năm 1986, là cổ đông lớn nhất khi đăng ký góp 499.998 tỷ đồng tương đương 99,996% vốn. Còn lại, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng và ông Lưu Hữu Thiện mỗi người đăng ký góp 1 tỷ đồng, tương đương 0,002% vốn điều lệ.
Cũng tương tự Auto Investment Group, công ty GAB Group với số vốn điều lệ 25.000 tỷ đồng cũng đã có thông báo giải thể.
Luật còn lỗ hổng
Theo luật sư Nguyễn Đăng Tư, quy định hiện nay của Luật Doanh nghiệp không yêu cầu các cổ đông khi đăng ký phải góp vốn ngay, cũng không bắt buộc phải chứng minh khả năng tài chính thực hiện việc góp vốn. Luật định này là nhằm khuyến khích quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Luật chỉ quy định các cổ đông phải góp đủ trong vòng 90 ngày. Theo điểm d, khoản 3, Điều 113 Luật Doanh nghiệp, trong thời hạn 30 ngày tiếp theo, nếu không góp đủ thì doanh nghiệp phải đăng ký giảm vốn điều lệ bằng với số vốn đã thanh toán.
Trong 60 ngày tiếp theo, nếu không góp đủ vốn, doanh nghiệp phải làm thủ tục hủy đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp, cá nhân, pháp nhân không thực hiện theo quy định sẽ bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng.
Lợi dụng kẽ hở này, nhiều doanh nghiệp đã đăng ký vốn điều lệ lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng dù không đủ khả năng tài chính.
Để chứng minh việc góp vốn, cổ đông là tổ chức phải chuyển khoản ngân hàng để góp. Trong khi đó, cổ đông cá nhân không bắt buộc qua tài khoản ngân hàng mà có thể góp bằng tiền mặt hoặc tài sản. Vì vậy, công ty chỉ phải lập chứng nhận góp vốn bằng tiền mặt và đưa vào sổ sách kế toán.