Tổng cục Hải quan vừa kết luận, Công ty Việt Á của Phan Quốc Việt đã nhập nguyên liệu kit test Covid-19 từ Trung Quốc rồi phù phép thành “Đề tài khoa học cấp quốc gia” của Việt Nam để moi tiền ngân sách 20 tỷ và bán lại cho chính Nhà nước gần 4.000 tỷ.
Hô biến hàng Trung Quốc thành “made in Vietnam”
Ngày 20/1, Tổng cục Hải quan Việt Nam, Bộ Tài chính, vừa thông tin về số liệu nhập khẩu của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) liên quan vụ kit xét nghiệm Covid-19.
Theo Tổng cục Hải quan, Phan Quốc Việt là giám đốc điều hành Công ty Việt Á (có 5 chi nhánh) và đứng tên Giám đốc trên 11 công ty.
Trong số này chỉ có Công ty Việt Á hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng máy móc, thiết bị dụng cụ y tế, nhập khẩu chất thử thí nghiệm dùng trong thủy sản, mồi phản ứng PCR, phụ kiện dùng trong phòng thí nghiệm.
Cũng theo cơ quan Hải quan của Việt Nam, các mặt hàng nhập khẩu chính của Công ty Việt Á trong 5 năm (từ 2017-2021) gồm các bộ thành phẩm que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên virus SARS-CoV-2” và “nguyên liệu hóa chất, chất thử, phụ kiện, dụng cụ, máy móc dùng trong phòng thí nghiệm, nguyên liệu sản xuất sinh phẩm chuẩn đoán xét nghiệm”.
Số liệu nhập khẩu của Công ty Việt Á liên quan vụ kit test Covid-19 cho thấy, chỉ trong vòng 4 tháng, Việt Á đã nhập khẩu 3 triệu kit test, theo Hải quan Việt Nam.
Riêng đối với bộ thành phẩm que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên virus SARS-CoV-2, từ tháng 9 đến tháng 12/2021, Công ty nhập khẩu sản phẩm chủng loại gồm Novel Coronavirus 2019-nCoV Antigen Test (Colloidal Gold), mới 100% từ Trung Quốc (Made in China) với số lượng 3 triệu test, giá khai báo 0,955 USD/test (khoảng hơn 21.600 đồng/test), tổng trị giá là 64,68 tỷ đồng.
Nhóm thứ hai, nguyên liệu hóa chất, chất thử, phụ kiện, dụng cụ, máy móc dùng trong phòng thí nghiệm, nguyên liệu sản xuất sinh phẩm chuẩn đoán xét nghiệm, Tổng cục Hải quan cũng xác định, Việt Á đã nhập từ nhiều nước khác nhau.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, trong 5 năm qua (từ 2017-2021), Công ty Việt Á có tổng kim ngạch nhập khẩu 286 tỷ đồng.
Trong đó, que test nhanh thành phẩm, hóa chất, chất thử, chất chuẩn dùng trong phòng thí nghiệm là 162 tỷ đồng (gồm 64,68 tỷ đồng que thử thành phẩm, 74 tỷ đồng hóa chất, chất thử, chất chuẩn dùng trong phòng thí nghiệm và 23 tỷ đồng dụng cụ dùng trong phòng thí nghiệm) và 123 tỷ đồng máy móc, thiết bị các loại phục vụ việc xét nghiệm, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
Như Sputnik đã thông tin, Công ty CP Công nghệ Việt Á, doanh nghiệp được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành kit test xét nghiệm Covid-19 ‘made in Vietnam’ đầu tiên, niềm tự hào của Việt Nam, hóa ra lại là đơn vị “làm ăn lừa dối”, gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế, khoa học & công nghệ, mất niềm tin của người dân.
Phan Quốc Việt đã thừa nhận đã bắt tay thông đồng với đối tác nâng khống giá kit test lên đến 45%, số tiền Việt Á thu về trong vụ này là trên 500 tỷ đồng, số tiền hoa hồng mà Việt Á chi cho các “đối tác” (thực tế chủ yếu là quan chức y tế các tỉnh, lãnh đạo CDC địa phương…) là gần 800 tỷ đồng.
Việt Á và cú lừa hoàn hảo về niềm tự hào “made in Vietnam”
Ở đây, cần nhấn mạnh rằng, Công ty Việt Á không bán kit test nhanh mà kit test PCR.
Kit test nhanh Covid-19 theo cơ quan Hải quan báo cáo là que thử thành phẩm, một trong những nguyên liệu trong bộ kit test PCR, dùng để lấy mẫu bệnh phẩm rồi đưa về máy PCR phân tích cho ra kết quả chính xác hơn kit test nhanh thông thường.
Do đó mới có việc Việt Á mới nhập tới 74 tỷ đồng hóa chất, chất thử, chất chuẩn dùng trong phòng thí nghiệm và 23 tỷ đồng dụng cụ dùng trong phòng thí nghiệm và 123 tỷ đồng máy móc, thiết bị các loại phục vụ việc xét nghiệm, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Điều này có nghĩa là, với các que thủ thành phẩm cùng các hóa chất, chất thử nêu trên mới hình thành nên bộ kít test PCR hoàn chỉnh. Như vậy, tổng chi của Việt Á là 286 tỷ đồng, bao gồm cả máy móc test PCR.
Theo lời khai của nhân viên Công ty Việt Á, kít test PCR của Việt Á có 5 loại hóa chất khác nhau trộn lại theo công thức.
Cho đến khi Công an tới khám xét, nhà máy sản xuất chính của Công ty Việt Á lại chỉ là nơi phối trộn nguyên liệu, không sản xuất nguyên liệu gì để xứng đáng được gọi là “made in Vietnam”.
Căn cứ vào thông tin số liệu nhập khẩu mà Tổng cục Hải quan công bố bên trên cùng thực tế hiện trường “trộn hóa chất theo công thức” ở trụ sở của Việt Á, có cơ sở đặt nghi vấn rằng, toàn bộ nguyên liệu (trừ bao bì) mà Công ty Việt Á dùng làm kit test Covid 19 “made in Vietnam” đầu tiên là nhập từ Trung Quốc và nhiều nước khác nhau trên thế giới.
Tuy nhiên, như đã thông tin trước đó, tại cuộc họp báo do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hồi tháng 3/2020, cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ của Việt Nam lại công bố kit test Công ty Việt Á là một nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp quốc gia với tên công trình đầy đủ là “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)”, mã số ĐTĐL.CN.29/20.
Cũng theo số liệu mà Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, tổng kinh phí chi từ ngân sách Nhà nước cho nhiệm vụ này là 18,98 tỷ đồng, không có thêm nguồn tiền ngoài.
Tham gia nhiệm vụ nghiên cứu có 17 thành viên, trong đó chỉ có 4 người thuộc Công ty Việt Á (chính yếu là Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á), 13 cán bộ, nhà nghiên cứu khác thuộc Học viện Quân y.
Tiếp đó, khi được Bộ Y tế “bật đèn xanh” - ngày 3/3/2020, Hội đồng khoa học công nghệ cấp quốc gia đã thông qua và kiến nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng bộ kit real-time RT-PCR do Học viện Quân y và Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á phối hợp nghiên cứu, sản xuất.
Sau đó, 25/4/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ còn cho hay, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã công nhận bộ kit test Covid-19 của Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Học viện Quân y và công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất. Và như đã biết, sự thật kit Việt Á không được WHO chấp thuận, Bộ KH&CN cũng lên tiếng nhận “sai sót”.
Làm thành phẩm “made in Vietnam”, Công ty Việt Á bán lại kit test cho Nhà nước (các CDC và bệnh viện) moi tiếp gần 4.000 tỷ đồng ngân sách (tính tới thời điểm Phan Quốc Việt bị bắt).
Như vậy, việc Công ty Việt Á nhập nguyên liệu từ Trung Quốc rồi biến thành đề tài khoa học cấp quốc gia của Việt Nam, chiếm được gần 20 tỷ ngân sách, rồi lại bán cho chính Nhà nước được gần 4.000 tỷ đồng, đây quả là một cú lừa hoàn hảo, ngoạn mục, được tổ chức bài bản, có hệ thống, và chắc chắn, một mình Việt Á không thể làm gì được.
Hiện tại, Tổng cục Hải quan cho biết đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh, điều tra 7 công ty có liên quan đến Công ty Việt Á.
Các đơn vị này gồm Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Kỹ thuật - Technimex, Công ty cổ phần Vật tư khoa học Biomedic, Công ty cổ phần Kỹ thuật và sinh học ứng dụng Việt Nam, Công ty TNHH thiết bị khoa học Lan Oanh, Công ty TNHH Thương mại Việt Hoàng Long, Công ty TNHH Thiết bị khoa học sinh hóa Vina, Công ty cổ phần công nghệ TBR.
Bộ Công an hiện cũng đang rất tích cực mở rộng điều tra, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các yêu cầu của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng đối với vụ án nhằm ngăn chặn và loại bỏ “biến thể Việt Á” trong tương lai.
Tại Cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày 20/1, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vụ vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Công ty Việt Á và một số cơ quan, địa phương được lưu ý là “án điểm”, cần nhanh chóng xử lý.
“Ai liên quan đến Việt Á đều bị xử lý”
Trao đổi với báo chí về thông tin xử lý, sự phối hợp giữa các cơ quan trong vụ Công ty Việt Á, đồng chí Trần Quốc Cường, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương khẳng định, những ai liên quan đến Công ty Việt Á, đến Phan Quốc Việt đều bị xem xét xử lý, “bất kể đó là ai”.
Theo ông Trần Quốc Cường, trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý, thời gian vừa qua, công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan rất tốt, đặt nhiệm vụ trong năm 2022 phải phối hợp tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa.
Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học chia sẻ với Tiền Phong cho biết, ban đầu, có ý kiến cho rằng, đất nước đang dịch bệnh diễn biến phức tạp như thế có chống tham nhũng không, đặc biệt liên quan đến các sai phạm trong y tế, lực lượng này đang chống dịch, có thực hiện chống tham nhũng trong y tế không. Đối với câu hỏi này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, mọi thứ phải rạch ròi, chống dịch và chống tham nhũng tiêu cực là hai việc hoàn toàn khác nhau, không vì dịch bệnh mà “chùng xuống, chững lại, ngưng làm”.
Từ các vụ việc gây chấn động dư luận thời gian qua trong lĩnh vực y tế, từ CDC Hà Nội, Bệnh viện Mắt TP.HCM, CDC Hải Dương, Nghệ An, nhiều tỉnh, đến Việt Á, BV Bạch Mai, Viện Tim Hà Nội… kinh tế, đầu tư, gian lận, buôn lậu, có ý kiến đặt ra rằng, vì sao Việt Nam (nhất là dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) chống tham nhũng mạnh như thế mà vẫn còn hiện tượng này, không có xu hướng giảm, đâu đó vẫn còn những “con sâu làm rầu nồi canh”.
Theo Phó Ban Nội chính Nguyễn Thái Học, dù hoạt động phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả tốt song Ban Chỉ đạo nhìn nhận tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, thủ đoạn tinh vi, đồng thời, sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong một số vụ án, vụ việc chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu.
“Nói tham nhũng vẫn nghiêm trọng vì qua những vụ án, vụ việc thấy tài sản thất thoát rất lớn, thiệt hại rất lớn. Nếu như trước đây, vụ án xảy ra tại Tổng công ty Mobifone gây thất thoát 7-8 nghìn tỷ là rất lớn rồi thì các vụ án gần đây, số tiền thất thoát, thiệt hại còn lớn hơn nhiều lần”, ông Học nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Học cũng như nhiều thành viên trong Ban Chỉ đạo đều có chung quan điểm rằng, công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực của Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng là nhờ vai trò chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Tổng Bí thư là linh hồn, là chỗ dựa vững chắc cho công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ gặp nhiều áp lực, khó khăn, mọi người nhìn vào Tổng Bí thư để quyết tâm thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ”, ông Học khẳng định.
Riêng đối với vụ Việt Á, các cơ quan chức năng hàng đầu của Việt Nam đều khẳng định “sẽ làm đến cùng”.
Liên quan vụ án này, cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố 19 bị can về các tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "đưa hối lộ, nhận hối lộ" và "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Đặc biệt, theo Trung tướng Tô Ân Xô, C03 đã kê biên 28 bất động sản, phong tỏa tài khoản hơn 320 tỷ đồng, 100.000 USD và tạm giữ số tiền hơn 4,8 tỷ đồng do một số cá nhân có liên quan tự nguyện giao nộp.
Ngày 19/1, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế và một số đơn vị sự nghiệp thuộc bộ này.