Bệnh nhân được ghép thận (người nhận) có nhóm máu A và người hiến thận có nhóm máu B. Ca ghép thận khác nhóm máu được thực hiện tại nhiều nước. Nhưng ở Việt Nam đây là lần đầu tiên, vì vậy công tác nghiên cứu và chuẩn bị được lên kế hoạch kỹ lưỡng từ nhiều năm.
Mở ra cơ hội mới cho người suy thận
Theo thông tin của lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy TP. HCM cho biết, người được ghép thận là ông Văn Biết, 55 tuổi và người hiến thận là bà Hạnh, 52 tuổi, vợ ông Biết.
Ca phẫu thuật diễn ra vào ngày 29/12/2021. Tới nay, sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục khỏe mạnh và tiếp tục được y bác sĩ theo dõi. Chia sẻ với VnExpress, TS. BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, bày tỏ:
“Thành công bước đầu này là tín hiệu rất mừng, mở ra nhiều cơ hội cho bệnh nhân ghép thận, trong bối cảnh số bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối đang chờ đợi ghép thận rất nhiều”.
Tuy nhiên, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết thêm. kỹ thuật ghép thận tại Việt Nam hiện phát triển mạnh nhưng vẫn còn trở ngại rất lớn là thiếu hụt nguồn tạng ghép.
Hành trình của ca bệnh ‘hóc búa’
Theo thông tin hồ sơ bệnh án, ông Biết bị suy thận giai đoạn cuối, chạy thận nhân tạo từ tháng 12/2020. Chi phí cho mỗi lần chạy thận là khoảng 10 triệu đồng. Sau khi chạy thận, sức khỏe ông Biết rất yếu, không thể lao động được.
Người thân trong gia đình ông Biết, cụ thể là anh trai ruột của bệnh nhân, đã có ý hiến thận cho em mình vì cùng nhóm máu. Nhưng sau khi xét nghiệm, anh trai ông Biết lại không đủ điều kiện hiến.
Bà Hạnh, vợ ông Biết, bày tỏ mong muốn được hiến thận cho chồng, nhưng bà mang nhóm máu B trong khi ông Biết nhóm máu A.
Rất may mắn khi mong muốn được hiến thận khác nhóm máu của bà Hạnh cũng trùng hợp với trăn trở của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy từ nhiều năm nay. PGS.TS.BS Thái Minh Sâm, Trưởng Khoa Ngoại Tiết Niệu, chia sẻ:
“Mỗi năm bệnh viện có khoảng 300 bệnh nhân đăng ký ghép thận nhưng chỉ tiến hành ghép được khoảng 100 trường hợp vì nhiều lý do như sức khỏe không đảm bảo, miễn dịch không tốt, không cùng nhóm máu”.
Kỹ thuật ghép thận nào được áp dụng?
Ghép thận vốn không phải dễ, nhưng ghép thận cho người khác nhóm máu dường như là điều “không tưởng”.
Nhưng không có gì có thể ngăn cản được quyết tâm và nỗ lực của y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy. Bằng phương pháp ngăn chặn tạo ra kháng thể trong máu nhằm tránh thải ghép, bệnh nhân phải lọc huyết tương. Các y bác sĩ đã thực hiện cắt lách và hiện chỉ dùng thuốc Rituximab.
“Ca ghép tạng không tương thích nhóm máu nếu không xử lý trước thì bệnh nhân sẽ sốc phản vệ, tử vong ngay. Do đó ca ghép đòi hỏi sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng” - Bác sĩ Sâm cho biết.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa Thận Nhân tạo, mục tiêu của việc lọc huyết tương là lấy kháng thể ra khỏi cơ thể bệnh nhân, lấy được càng nhiều thì ca ghép thận càng thành công.
“May mắn trường hợp này bệnh nhân có nồng độ kháng thể thấp nên chỉ cần lọc ba lần” - Bác sĩ Tuấn nói.
Ngoài ra, quá trình truyền máu đối với trường hợp ghép thận không cùng nhóm máu cũng phải rất cẩn trọng và được các bác sĩ chuẩn bị kỹ càng. Đội ngũ y bác sĩ cũng tính toán chuẩn bị các chế phẩm máu, dự phòng các tình huống chảy máu kéo dài.
Điều kỳ diệu đã đến với bệnh nhân Văn Biết khi bệnh nhân có nước tiểu ngay trên bàn mổ. Siêu âm thận ghép ngay sau mổ thấy tưới máu tốt, nước tiểu tăng dần, chức năng thận hồi phục tốt.
“Tôi khỏe hơn rất nhiều, không còn phải đi chạy thận. Vợ cũng hồi phục rất tốt, sức khỏe gần như bình thường sau ca mổ" - Ông Biết chia sẻ với báo chí ngày 21/1.
Chi phí cho ca mổ sau khi được bảo hiểm y tế chi trả là khoảng 100 triệu đồng. Thông thường, ca ghép thận không cùng nhóm máu sẽ gấp 3 lần chi phí nếu không có bảo hiểm y tế.