Trao giải VinFuture: Ông Phạm Nhật Vượng đã đúng khi mời NSND Đặng Thái Sơn và John Legend

Ngoài chủ nhân giải thưởng VinFuture Grand Prize dành cho 3 nhà khoa học nghiên cứu công nghệ vaccine mRNA, sự xuất hiện của thiên tài piano Việt Nam NSND Đặng Thái Sơn và huyền thoại âm nhạc Mỹ John Legend cũng là tâm điểm tại lễ trao giải VinFuture.
Sputnik
Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, thiên tài piano, người từng xuất sắc đoạt giải Chopin, nhấn mạnh, giải thưởng VinFuture ra đời đóng một vai trò quan trọng trọng việc thay đổi nhận thức cũng như thay đổi tầm vóc vị thế con người Việt Nam, vị thế đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong khi đó, sự hiện diện của John Legend, một huyền thoại âm nhạc nước Mỹ, người từng giành đến 10 giải Grammy là một trong 16 nghệ sĩ tại Hollywood thuộc nhóm EGOT đoạt cả bốn giải Emmy, Grammy, Oscar và Tony, với những ca khúc mang ý nghĩa sắc thái đặc biệt (You deserve it all, All of me, Imagine), nêu bật ước mơ về một thế giới lý tưởng hơn, hạnh phúc hơn và Việt Nam cũng đang góp tên mình vào hành trình vì một tương lai tốt đẹp hơn ấy.

VinFuture nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ khoa học công nghệ thế giới

Sputnik Việt Nam đã thông tin về kết quả lễ trao giải VinFuture, do Quỹ VinFuture quản lý.
Như đã biết, VinFuture là giải thưởng khoa học và công nghệ toàn cầu, do Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng và vợ - nữ doanh nhân Phạm Thu Hương sáng lập và tài trợ với sứ mệnh “tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người bằng việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ - khoa học vị nhân sinh”.
VinFuture
Lễ trao giải thưởng VinFuture có sự hội tụ của hàng loạt tên tuổi kiệt xuất của giới khoa học thế giới, đồng thời, công bố vinh danh những sáng kiến, phát minh, có đóng góp, tác động to lớn đến hàng triệu người, được kỳ vọng sẽ đưa Việt Nam trở thành tâm điểm của chú ý mới của giới khoa học toàn cầu, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đến Việt Nam.
Chủ nhân giải thưởng chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 3 triệu USD (gấp 3 lần Nobel Prize) đã được đích thân Thủ tướng Phạm Minh Chính trao cho ba nhà khoa học là TS. Katalin Kariko (người được coi là “mẹ đẻ” của công nghệ mRNA), TS. Drew Weissman (Đại học Pennsylvania) và Pieter Rutter Cullis (Giám đốc Viện Khoa học Sự sống tại Đại học British Columbia (UBC), những nhà nghiên cứu đứng sau thành công của vaccine mRNA Covid-19 cho cả nhân loại.
Pieter Cullis, Drew Weissman và Katalin Kariko
Hội đồng giải thưởng VinFuture cũng đã ghi nhận công trình nghiên cứu nền tảng với hai công trình lớn là lõi mRNA biến đổi và vỏ bọc nano lipid hiệu quả ổn định và tăng hoạt tính của mRNA.
Hiện tại, các công ty dược phẩm như Pfizer-BioNTech, Moderna đã sản xuất các loại vaccine Covid-19 hữu hiệu trong thời gian kỷ lục nhờ chính công nghệ này. Tập đoàn Vingroup của Việt Nam cũng đã hợp tác với Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Mỹ) nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vaccine mRNA ngừa Covid-19.
Ngoài Grand Prize, còn có 3 giải Đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 USD dành cho các nhà khoa học nghiên cứu trong các lĩnh vực mới, nhà khoa học nữ và nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển.
Giải mã sức hút của Giải thưởng khoa học VinFuture
Ở hạng mục Giải Đặc biệt dành cho “Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới” GS. Omar Yaghi (Mỹ) với công trình tiên phong khám phá ra vật liệu khung cơ-kim (MOFs) được vinh danh.
Giải Đặc biệt thứ 2 dành cho “Nhà khoa học nữ” đã được trao cho Giáo sư Zhenan Bao (Mỹ gốc Trung Quốc) với công trình nghiên cứu các vật liệu điện tử hữu cơ có đặc tính của da người.
Giải Đặc biệt dành cho “Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển” đã thuộc về vợ chồng hai nhà khoa học đến từ Nam Phi, Giáo sư Salim Abdool Karim và Giáo sư Quarraisha Abdool Karim, với công trình nghiên cứu giúp ngăn nguy cơ lây nhiễm HIV và giảm gánh nặng bệnh AIDS.
Giải thưởng VinFuture còn mang ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam - không chỉ góp phần nâng tầm vị thế đất nước trên bản đồ khoa học và công nghệ toàn cầu, mà còn là cầu nối cộng đồng khoa học trong nước với các nhà khoa học và công nghệ hàng đầu thế giới, tạo động lực cho việc phát triển của khoa học công nghệ cao trong nước, thực hiện thành công các mục tiêu, chiến lược quốc gia.

Lễ trao giải VinFuture và sự xuất hiện đặc biệt của 2 nghệ sĩ lớn tầm thế giới

Ngoài tâm điểm chủ nhân của các giải thưởng, những chia sẻ tâm huyết tràn đầy niềm tin của Thủ tướng Phạm Minh Chính, lần xuất hiện hiếm hoi của vợ chồng tỷ phú Phạm Nhật Vượng – Phạm Thu Hương, người dân Việt Nam còn rất đón chờ phần trình diễn của hai nghệ sĩ Đặng Thái Sơn và John Legend.
Trong khi NSND Đặng Thái Sơn là niềm tự hào của Việt Nam, người có thể khiến cả dân tộc có thể tự hào, kiêu hãnh trong làng dương cầm thế giới, thì John Legend là nghệ sĩ sở hữu 10 giải Grammy, 1 giải Quả Cầu Vàng & 1 giải Oscar. Sự xuất hiện của họ trên sân khẩu VinFuture không chỉ thu hút sự chú ý của người dân trong nước mà còn của cả cộng đồng quốc tế. Có thể khẳng định, cá nhân tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Vingroup cũng như Quỹ VinFuture đã đúng khi mời hai nghệ sĩ lớn, có tiếng vang tầm thế giới đến trình diễn tại lễ trao giải của VinFuture.
Lễ trao giải VinFuture, John Legend đến Việt Nam, tỷ phú Phạm Nhật Vượng “chơi lớn”
John Legend (sinh 28/12/1978), là một ca sĩ, nhạc sĩ và diễn viên người Mỹ. Trong sự nghiệp của mình, anh là một trong số 16 người (và là người da đen đầu tiên) giành được cả 4 giải thưởng danh giá nhất của nền công nghiệp giải trí Hoa Kỳ, bao gồm các giải Emmy, Grammy, Oscar và Tony (gọi chung là EGOT).
John Legend sở hữu hàng loạt album thành công rực rỡ như Get Lifted (2004), Once Again (2006), Evolver (2008), Love in the Future (2013), Darkness and Light (2016) và Bigger Love (2020).
John Legend
Các đĩa đơn solo của anh cũng đạt thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng, trong đó có đĩa đơn "All of Me" đã đạt được vị trí số 1 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100. Năm 2015, John Legend đoạt giải Oscar cho Ca khúc trong phim xuất sắc nhất với ca khúc Glory trong phim Selma.
Tính đến nay, nam nghệ sĩ 43 tuổi đã giành được 12 giải Grammy. Năm 2017, anh nhận giải Tony cho vai trò đồng sản xuất vở kịch "Jitney".
Cuối năm 2019, tạp chí People bình chọn John Legend là Người đàn ông quyến rũ nhất năm. Anh cũng từng thagws giải Quả cầu vàng và giải thưởng Starlight Award đặc biệt từ Đại sảnh danh vọng Sáng tác (Songwriters Hall of Fame).
John Legend là 1 trong 4 vị huấn luyện viên quyền lực của The Voice Mỹ, cùng với những cái tên nổi tiếng khác như Adam Levine, Blake Shelton và Kelly Clarkson. Ngay trong mùa đầu tiên, đội của anh đã có thí sinh lên ngôi quán quân.
Những thành công của John Legend không tự nhiên đến. Anh đã trải qua rất nhiều năm tháng khó khăn, vất vả để cuối cùng bước chân đến con đường vinh quang. Trước đó, John là một nhân viên văn phòng và đã chật vật xoay sở, vừa ổn định cuộc sống vừa trau dồi năng lực sáng tác và biểu diễn.
Sau khi kiếm được một công việc ổn định tại một tập đoàn lớn, John Legend đã đặt mục tiêu trở thành một nghệ sĩ thực thụ, có thể sống được bằng âm nhạc và thỏa mãn đam mê với âm nhạc.
Sau khi hết giờ làm việc, anh là bắt tay vào sáng tác và đi biểu diễn tại các sân khấu nhỏ ở New York và Philadelphia. Chàng thanh niên trẻ còn thường xuyên gửi các sản phẩm âm nhạc của mình đến khắp các hãng thu âm, nhưng phần lớn chỉ nhận được cái lắc đầu.
Sự nghiệp âm nhạc của John đạt được bước ngoặt quan trọng khi anh hợp tác với nhà sản xuất âm nhạc, rapper nổi tiếng Kanye West. Kể từ album Get Lifted (2004) đầu tay, John đã có cho mình giải Oscar rồi giải Tony chỉ sau 10 năm từ lần hợp tác định mệnh. Trong vòng chưa đầy 15 năm, anh sưu tập đủ 4 giải EGOT.
"Trong cuộc sống, nếu ta sống có đam mê, ta có thể đi rất xa. Có đam mê khiến chúng ta trở thành một nhà đầu tư tài ba cho chính tương lai sự nghiệp của mình, trở thành một nhà lãnh đạo giỏi chiến lược đối với những đường đi nước bước của chính mình. Sống có đam mê, chúng ta trở thành con người tốt đẹp, thiện lương hơn, trở thành người bạn tốt hơn, người bạn đời lý tưởng hơn", John chia sẻ.
Tại lễ trao giải VinFuture, John Legend trình diễn 3 ca khúc “You deserve It all”, “All of me” và “Imagine”. Cả 3 ca khúc này đều có ý nghĩa truyền cảm hứng đúng như tinh thân của giải thưởng VinFuture. Kết thúc buổi diễn, nam ca sĩ ngưỡi Mỹ đã trân trọng nói "cảm ơn" bằng tiếng Việt.
John Legend cũng đã đi trải nghiệm cà phê trứng tại Việt Nam, chia sẻ những khoảnh khắc đẹp ở Hà Nội và nhiều ấn tượng khó quên về đất nước hòa bình, thân thiện, luôn hướng về những mục tiêu phát triển mạnh mẽ, bền vững, góp phần vì một thế giới tốt đẹp hơn.

NSND Đặng Thái Sơn, niềm tự hào của Việt Nam

Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn (sinh ngày 2/7/1958 tại Hà Nội) là nghệ sĩ dương cầm người Canada gốc Việt vô cùng nổi tiếng. Ông được mệnh danh là “người được Chopin chọn” và trở thành niềm tự hào của Việt Nam.
Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovsky, nổi danh sau khi đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin lần thứ X (tháng 10 năm 1980) ở Warsaw (Ba Lan). Đó là lần đầu tiên một nghệ sĩ dương cầm châu Á đoạt giải nhất tại cuộc thi này.
Tập đoàn Vingroup công bố Giải thưởng toàn cầu VinFuture
Được biết, Đặng Thái Sơn sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, cha là nhà thơ, nhạc sĩ Đặng Đình Hưng, mẹ là nghệ sĩ piano Thái Thị Liên. Từ bé, ông Sơn đã được mẹ dạy học đàn dương cầm.
Theo chia sẻ của nghệ sĩ ĐặngThái Sơn, dù không có nhiều thời gian gắn bó với cha, nhưng con người, cách sống và quá trình hoạt động nghệ thuật của ông đều chịu ảnh hưởng từ người cha tài năng. Tư duy nghệ thuật, cách sống, tư tưởng của thần đồng piano Đặng Thái Sơn đều có bóng dáng của nhạc sĩ Đặng Đình Hưng.
Năm 1974, Đặng Thái Sơn được nhạc sĩ dương cầm Isaac Katz khám phá tài năng. Đến năm 1976, Đặng Thái Sơn được nhận vào học tại Nhạc viện Quốc gia Tchaikovsky ở Moskva, dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ dương cầm Vladimir Aleksandrovic Natanson và Dmitry Alexandrovitch Bashkirov.
Tại cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin lần thứ X (1980), Đặng Thái Sơn là một trong 3 thí sinh tới từ Nhạc viện Tchaikovsky. Cuộc thi này đã trở nên nổi tiếng trong lịch sử cuộc thi piano Chopin do đây lần đầu tiên một người châu Á đã đoạt giải nhất.
Sau khi đoạt giải, Đặng Thái Sơn quay lại Moskva học tiếp và tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovky năm 1983. Sau khi tốt nghiệp, ông nhận lời mời sang giảng dạy tại Nhạc viện Kunitachi tại Tokyo (Nhật Bản). Hiện ông sống tại Montreal Canada, giảng dạy tại Đại học Montreal, thường tham gia các hoạt động âm nhạc tại Nga, Việt Nam.
Năm 1984, Đặng Thái Sơn là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Khi đó, ông mới 26 tuổi, cũng là nghệ sĩ nhân dân trẻ nhất khi được trao tặng danh hiệu này từ trước đến nay của Việt Nam.
Vào năm 1999, Đặng Thái Sơn là nghệ sĩ piano duy nhất không phải là người Ba Lan được mời đến dự buổi hòa nhạc nhân kỷ niệm 150 năm ngày mất của Frédéric Chopin. Đặng Thái Sơn cũng chính là người gốc Á đầu tiên được chọn vào ban giám khảo Concours Chopin năm 2005.
Đối với giới âm nhạc quốc tế, những bài trình diễn của ông thường là những bản nhạc độc tấu dương cầm của Frédéric Chopin, hay là của những nhạc sĩ trường phái lãng mạn và ấn tượng, cũng như những bản nhạc hòa tấu dương cầm của hầu như tất cả những nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới như Beethoven, Schumann, Grieg, Mozart, Rachmaninov.
Kể từ khi đoạt giải Chopin, ông đã trình diễn hầu như ở tất cả các phòng hòa nhạc nổi tiếng như Lincoln Center (New York), Jordan Hall (Boston), Barbican Centre (Luân Đôn), Salle Pleyel (Paris), Herkulessaal (München), Musikverein (Wien), Concertgebouw (Amsterdam), Opera House Sydney (Sydney) và Suntory Hall (Tokyo).
Ông đã tham gia các dàn nhạc lớn như Orchestre Symphonique de Montréal, BBC Philharmonic, Praha Symphony Orchestra, Moskva Philharmonic Orchestra cũng như Virtuosi of Moscow, Wiener KammerOrchester, Orkiestra Filharmonii Narodowej w Warszawie và Sydney Symphony và đã thu âm tại Deutsche Grammophon, Melodia, Polskie Nagrania, CBS Sony và các hãng thu nhạc nổi tiếng khác.
Đặng Thái Sơn không chỉ là thiên tài piano, mà còn là một nhà giáo dục rất thành công. Được biết, Trong cuộc thi Concours Chopin 2015, có một nửa số giải thưởng (3/6 giải) thuộc về 3 người học trò của ông.
Trào lưu nhiều người cho con đổ xô đi học piano với nghệ sĩ Đặng Thái Sơn nhưng nghệ sĩ dương cầm lớn của Việt Nam khẳng định, những cột mộc quá lớn như cuộc thi năm 2015 thì” đời người cũng chỉ có 1 lần chứ sao có nhiều được” bởi cần hiểu rõ khái niệm “thành công và thanh nhân”.
Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn từng bộc bạch trong lần trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, muốn theo học ông để thành người, thành tài thì được, nhưng muốn giật giải lại là chuyện khác. Giải là số phận, còn học làm người, thành tài thì mình có thể làm được.
“Tôi không nghĩ giải thưởng phản ánh được hết tài năng của mỗi người, nó còn nhiều yếu tố may rủi”, NSND Đặng Thái Sơn chia sẻ.

Dòng máu Việt Nam luôn trong tôi

Trao đổi với báo chí về lý do đặc biệt trở lại Việt Nam biểu diễn lần này, NSND Đặng Thái Sơn đã dùng đến cụm phải “lội ba quãng đồng” để miêu tả chặng đường từ Canada về Hà Nội, dự lễ trao giải VinFuture.
Nhấn mạnh lễ trao giải VinFuture là sự kiện cực kỳ lớn, sự kiện mang tính “lịch sử”, NSND Đặng Thái Sơn cho rằng, nếu chỉ vì diễn phần nhỏ trong một chương trình mà phải “lội ba quãng đồng” từ Canada về chắc chưa bao giờ ông làm.
“Nhưng tôi nhìn thấy giá trị của VinFuture. Khi Vingroup có đặt vấn đề, lúc đầu rất khó vì tôi có lịch trình trùng tại bên Nhật Bản. Nhưng phút chót, tôi đã quyết định về biểu diễn, nó giống như duyên số”, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn nói với VTV.
Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn cũng nêu quan điểm, VinFuture ra đời đóng một vai trò quan trọng trọng việc thay đổi nhận thức cũng như thay đổi tầm vóc vị thế con người Việt Nam, vị thế đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.
Đánh giá thêm về VinFuture, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn nêu bật ý nghĩa của Giải thưởng cho nhà khoa học nữ, Giải thưởng cho các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển.
“Đây là điều khiến cho VinFuture có ý nghĩa rộng hơn nhiều, mang tính chất xã hội và phần nào nhân đạo”, Đặng Thái Sơn nói.
Nghệ sĩ dương cầm cũng nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh công nghệ đang là câu chuyện sống còn, không phải chỉ của một quốc gia mà là của loài người, thì VinFuture cũng giúp đánh dấu cột mốc mới với Vingroup.
“Nếu trước kia, tập đoàn với vai trò là một người đi nhận giải, nay thiết lập nên giải thưởng. Văn hoá có thể làm cho cuộc sống phong phú hơn. Còn công nghệ giúp cho cuộc sống chất lượng hơn và đi theo kịp thời đại”, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn cho hay và khẳng định, công nghệ như là đầu tàu kéo cả đoàn tàu đi lên.
Nghệ sĩ dương cầm cũng chia sẻ, dòng máu Việt luôn giúp ông vượt qua hết được những chặng đường khó khăn của lần trình diễn khi tham gia cuộc thi Chopin tại Ba Lan năm 1980.
NSND Đặng Thái Sơn
“Tôi đi một cách đơn thương độc mã, gặp rất nhiều khó khăn. Song khi bước lên sân khấu, dòng máu Việt Nam mang cho mình một sức mạnh ngầm nằm ở bên trong. Tất cả những hồi hộp run rẩy đều đi qua hết, làm cho mình rất là vững tin. Cái đó chẳng ai dạy và cũng chẳng ai nói trước, tự dung nó phát ra như vậy”, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn chia sẻ.
NSND Đặng Thái Sơn cho rằng, chất Việt ngấm trong dòng máu mình. Mình không thể nói ra và không có gì chứng minh, cũng không phải vì mang quốc tịch này, quốc tịch kia làm cho mình Việt hơn. Có rất nhiều bạn bè của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, họ có thể là người quốc tịch này, sống ở đâu nhưng mà họ đều “rất Việt”.
“Nó là điều ngấm trong máu”, thiên tài piano Đặng Thái Sơn khẳng định.
Trong buổi lễ trao giải VinFuture, NSND Đặng Thái Sơn đã thể hiện hai bản “Dạ khúc số hai”, “Trống cơm”, soạn cho piano với đôi bàn tay lướt trên những phím dương cầm, tài hoa, điêu luyện, với dòng máu “lạc hồng” vẫn sục sôi bên trong một con người Việt Nam huyền thoại, được cả thế giới vinh danh.
Thảo luận