Dalai Lama, Martin Luther King và điều đặc biệt về thiền sư Thích Nhất Hạnh

Thiền sư Thích Nhất Hạnh được coi là vị Phật sống của truyền thống Phật giáo dấn thân. Sự ra đi của Thầy để lại nhiều tiếc thương cho không những với các bạn bè và môn đồ, mà còn cả với những chính khách cùng các lãnh đạo tôn giáo từ khắp nơi trên thế giới.
Sputnik
Trong cuộc vận động chấm dứt chiến tranh Việt Nam của thế kỷ trước, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có một tình bạn tri kỷ tri âm, cùng chung lý tưởng với Mục sư Martin Luther King, nhà nhân quyền vĩ đại trong lịch sử nước Mỹ.

Nhiều chính khách quốc tế gửi lời chia buồn

Nhiều chính trị gia, nhà ngoại giao cũng như lãnh đạo tôn giáo trên khắp thế giới đã đăng tải hoặc gửi thư chia buồn trước thông tin Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch.

"Người dẫn dắt Phật học và nhà hoạt động hòa bình nổi tiếng thế giới Thích Nhất Hạnh đã viên tịch. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất. Thích Nhất Hạnh được xem như “Phật sống”, được tôn quý và có nhiều sức ảnh hưởng", Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in viết trên Twitter ngày 22/1.

Ông chủ Nhà Xanh nhấn mạnh, Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong số các lãnh đạo tinh thần của nhiều người trên thế giới mà ông vô cùng kính trọng. Ở Thiền sư, ông nhìn thấy được tình yêu thương nhân loại trong từng hành động của Ngài. Thầy đã thực hiện cuộc hành trình dài đi khắp thế giới để kêu gọi phản chiến, ủng hộ hòa bình và quyền con người.
Ông Moon Jae-in cũng nhắc lại hai chuyến thăm Hàn Quốc của Thiền sư Nhất Hạnh, đồng thời ca ngợi những bài thuyết giảng của Thầy đã giúp nhân loại hiểu hơn về giáo lý đạo Phật, chánh niệm và lòng nhân ái.
"Tôi mong Ngài được an nghỉ", Tổng thống Moon Jae-in viết.
Trong sáng 22/1, Đại biện lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam Marie Damour đã thay mặt phái đoàn ngoại giao Mỹ gửi lời chia buồn sâu sắc trước tin Thiền sư Nhất Hạnh viên tịch.
Bà Damour ca ngợi những hoạt động không mệt mỏi vì hòa bình của Thiền sư trong 60 năm qua, đồng thời cho biết nhiều quan chức cấp cao Mỹ đã có cơ hội gặp Thiền sư và đều rất ấn tượng trước nhân cách cao đẹp của ông.
Bà Damour khẳng định, thế giới sẽ mãi nhớ đến Thiền sư Thích Nhất Hạnh như một trong những lãnh đạo tôn giáo nổi bật và có sức ảnh hưởng nhất.
"Những lời giảng của ông, đặc biệt là về việc đưa chánh niệm vào cuộc sống hàng ngày, đã làm phong phú thêm cuộc sống của rất nhiều người Mỹ", Đại biện lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam Marie Damour bày tỏ.
Viết trên Twitter, Đại diện Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam Caitlin Wiesen khẳng định "sự thông tuệ và lời giảng của thiền sư về hòa bình và chánh niệm sẽ được lưu giữ mãi".
Bà Wiesen cũng nhấn mạnh, phát biểu của thiền sư Thích Nhất Hạnh năm 2015 ở Hội nghị Biến đổi Khí hậu Liên Hợp Quốc sẽ mãi còn nguyên giá trị với tất cả mọi người trên thế giới.
Tương tự, Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie cũng gửi lời chia buồn trên Twitter.
"Xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến sự ra đi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhà sư Phật giáo nổi tiếng, người với những bài thuyết giảng trong nhiều năm có ảnh hưởng trên toàn thế giới", bà Mudie viết.
Chiều 22/1, đại biểu Quốc hội Ấn Độ, Bí thư Đoàn Thanh niên đảng Quốc Đại Rahul Gandhi cũng đăng lời chia buồn trước tin Thiền sư Nhất Hạnh viên tịch. Theo ông Gandhi, những lời dạy của Thầy về hòa bình, lòng biết ơn và tinh thần phi bạo lực sẽ mãi là chân lý vĩnh hằng.
Từ Ấn Độ, Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh đạo Phật giáo hàng đầu thế giới”, đã gửi thư chia buồn trước sự ra đi của Thiền sư Nhất Hạnh.
Trong thư, Đức Đạt Lai Lạt Ma nhắc đến những cống hiến của Thiền sư Nhất Hạnh trong phong trào phản đối chiến tranh tại Việt Nam, sự ủng hộ của thiền sư dành cho Mục sư Martin Luther King, cũng như nỗ lực đưa chánh niệm và lòng từ bi vào công cuộc xây dựng hòa bình cho nhân loại.
"Tôi tin rằng cách tốt nhất để tưởng nhớ Ngài chính là tiếp tục nỗ lực của Ngài mang lại hòa bình cho thế giới", Đức Đạt Lai Lạt Ma bày tỏ.

Tình bạn đẹp với Martin Luther King

Dù chỉ quen nhau vài năm trước khi Martin Luther King bị ám sát, Thiền sư Nhất Hạnh và nhà hoạt động nhân quyền vĩ đại người Mỹ đã có một tình bạn gắn bó, tri kỷ nhờ có chung tầm nhìn và quan điểm về chiến tranh và hòa bình.
Ngày 31/5/1966, Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Mục sư Martin Luther King có cuộc gặp gỡ lần đầu do sự sắp xếp của Hội Thân hữu Hòa giải tại Mỹ.
Sau khi trao đổi riêng về cuộc chiến đang diễn ra tại Việt Nam, cả hai tổ chức họp báo chung tại Khách sạn Sheraton-Chicago.
Trong cuộc phỏng vấn với Oprah Winfrey năm 2009, Thiền sư Nhất Hạnh cho biết cuộc thảo luận năm đó đề cập đến hòa bình, tự do và cộng đồng. Và cả ông lẫn King đều nhất trí rằng không thể tiến xa nếu không xây dựng được một cộng đồng.
Những bức ảnh chụp Thầy Nhất Hạnh và Mục sư King tại sự kiện là bằng chứng cho một tình bạn đẹp và tình đoàn kết giữa hai người có cùng lý tưởng đấu tranh vì hòa bình.
Tiễn biệt Thiền sư Thích Nhất Hạnh về với “Đường xưa mây trắng”
Trong tuyên bố chung, cả hai tin rằng sự hy sinh của các Phật tử, cũng như những nhà hoạt động dân quyền, không phải để “gây tổn hại cho những kẻ đàn áp, mà chỉ muốn thay đổi chính sách”.
“Kẻ thù của những người đấu tranh cho tự do và dân chủ không phải con người, mà là sự phân biệt đối xử, chuyên quyền, tham lam, hận thù và bạo lực, những điều nằm trong trái tim con người. Đó mới là kẻ thù thực sự, không phải bản thân con người", theo tuyên bố chung được trích dẫn trong một cuốn sách của tác giả người Mỹ Marc Andrus.
Việc đưa ra một tuyên bố chung ngay trong lần gặp đầu tiên là bước khởi đầu phi thường cho mối quan hệ giữa hai nhà hoạt động lớn của thế kỷ XX.
Tác giả Andrus cho rằng, hai người có chung tầm nhìn về một tương lai mà tất cả có thể sống hòa bình với nhau, nơi mỗi cá thể trong cộng đồng đều được kết nối với xung quanh.
Tháng 5/1967, Thiền sư Nhất Hạnh và mục sư King cùng tham gia một hội nghị tại Geneva, Thụy Sĩ, do Hội đồng Các giáo hội Thế giới tổ chức. Tại đó, King đã "lên án gay gắt" cuộc chiến tranh mà Mỹ đang gây ra tại Việt Nam.
Kể về sự kiện đó, Thiền sư Nhất Hạnh cho biết ông được sắp xếp ở tầng 4, còn mục sư Mỹ ở tầng 11 và đã mời ông ăn sáng. Tuy nhiên, vì phải trả lời phỏng vấn báo chí nên Thiền sư đến muộn.
"Ngài ấy đã giữ ấm bữa sáng và chờ đợi tôi. Tôi cất lời chào: 'Ngài King, Ngài King!', rồi ngài ấy cũng chào lại tương tự", Thiền sư Nhất Hạnh nhớ lại.
Sư Ông trở về
Tại cuộc gặp đó, cả hai đã tiếp tục trao đổi về hòa bình, tự do và cộng đồng, cũng như những biện pháp mà Hoa Kỳ có thể thực hiện để chấm dứt cuộc chiến tranh đang diễn ra tại Việt Nam.
Tuy nhiên, cả hai không ngờ rằng, cuộc gặp gỡ thân tình ấy cũng là lần cuối cùng hai người gặp nhau.
"Tôi đã nói với ngài ấy: 'Martin, ngài biết không, ở Việt Nam họ gọi ngài là bồ tát đang cố gắng thức tỉnh những chúng sinh khác, giúp họ hướng tới thương yêu và thấu hiểu hơn'. Tôi mừng vì mình có cơ hội nói với ngài ấy điều này, bởi chỉ vài tháng sau ngài ấy bị ám sát ở Memphis", Thiền sư Nhất Hạnh từng chia sẻ.
Martin Luther King bị ám sát vào chiều tối ngày 4/4/1968, khi đang đứng trên ban công nhà nghỉ Lorraine ở thành phố Memphis, bang Tennessee. Ông bị bắn vào hàm. Sau cuộc phẫu thuật, Bệnh viện St. Joseph tuyên bố King từ trần lúc 7 giờ 5 phút tối cùng ngày.
Buổi sáng hôm sau, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã biên một bức thư gửi tới Raphael Gould, một lãnh đạo của Hội Thân hữu Hòa giải và là một người bạn chung của ông với Luther King. Trong thư, ông cho biết nỗi mất mát lớn tưởng chừng “không thể chịu đựng”.
"Đêm qua tôi không ngủ được. Họ đã giết Martin Luther King. Họ đã giết chúng ta. Tôi e là gốc rễ của bạo lực đã ăn quá sâu vào trái tim, tâm trí và cách cư xử của xã hội này. Họ giết ngài ấy và cũng dập tắt luôn hy vọng của tôi", Thầy Nhất Hạnh viết trong thư.
Thiền sư Nhất Hạnh cho biết, ông nhận được tin dữ khi đang ở New York. Ông đã thề sẽ tiếp tục nỗ lực của King xây dựng nên một Cộng đồng Yêu thương. Và ông cho rằng bản thân vẫn luôn cảm nhận được sự ủng hộ từ vị mục sư đáng kính.
Hòa thượng Thích Trí Quảng được suy tôn Quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Thảo luận