Thượng tọa Thích Chỉnh Tuệ, trụ trì chùa Thiện Mỹ ở Nam Định nói với Sputnik về việc Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về chùa Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, thành phố Huế) an dưỡng.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh năm 1926 tại Thừa — Thiên Huế, là nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội và là nhà sư nổi tiếng của Phật giáo thế giới. Theo đánh giá của các hãng tin nước ngoài, Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở thành nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma nhờ những hoạt động không ngừng nghỉ và tư tưởng của mình. Giám tự Tổ đình Từ Hiếu, Sư thầy Thích Từ Đạo cho biết, thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về chùa Từ Hiếu an dưỡng đến khi viên tịch. Chùa Từ Hiếu là nơi Thiền sư đã từng ở lúc mới xuất gia đi tu tại chùa. Chiều 28/10 Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã về đến chùa Từ Hiếu trong sự chào đón của tăng ni, phật tử quê nhà.
Với tăng ni phật tử xứ Huế cũng như Việt Nam, sự trở về của thiền sư Thích Nhất Hạnh là một phước lớn.
"Khi được biết Thiền sư về Huế, về tĩnh dưỡng ở chùa Từ Hiếu, nơi cội nguồn, chúng tôi và phật tử rất vui mừng, cho rằng đó là phúc đức lớn cho người dân Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam", Đại đức Thích Từ Hoà, đệ tử của cố Hoà thượng Thích Chí Mậu (nguyên trụ trì chùa Từ Hiếu, Sư Đệ của Sư Ông Thích Nhất Hạnh) chia sẻ với Sputnik.
Còn chị Hoàng Thị Kim Phương, một phật tử người Huế, đang sinh sống xa quê, tâm sự với Sputnik:
"Hôm vợ chồng em ra Huế có việc, nói sẽ đi chùa Trúc Lâm, Từ Hiếu và Bảo Quốc. Hôm đó trời mưa, lên xe, em nói đi chùa Từ Hiếu trước. Vô chùa mà cứ nói ước gì con được bái Sư Ông một lần. Khi vô tới chánh điện chùa chuẩn bị đánh lể Phật thì nghe Thầy ở Chùa nói Sư Ông đang đi dạo. Vậy là vợ chồng em được đi dạo cùng đoàn của Sư Ông một vòng quanh chùa. Lần đầu thấy Sư Ông chúng em rất hồi hộp.
Với em, điều mà Sư Ông quay về Tổ đình Từ Hiếu làm em không ngạc nhiên gì lắm. Thực tình thì em nghĩ, một người bình thường hay sư thầy thì khi về già thì ai cũng muốn về cố hương, về cội nguồn của mình, huống chi là Sư Ông! Tuy nhiên, là một người có sức ảnh hưởng thứ hai trong Phật giáo hiện nay, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma, thì việc Sư Ông quay về Tổ Đình là một phước hạnh cho đại chúng và là niềm vui lớn. Với Tổ đình Từ Hiếu, các chùa ở Huế và cả Việt Nam. Chính vì Sư Ông trở về nên vợ chồng em mới được gặp Sư ông hôm đó. Đó là một duyên lớn".
Còn chị Thanh Loan, một phật tử ở Huế nói với Sputnik: "Thầy Thích Nhất Hạnh tôi tôn kính như Phật. Tôi rất mừng là Thầy đã trở về với đất nước, với quê hương".
"Đó là một quyết định không dễ đối với một người đã 92 tuổi. Nhưng với địa vị một Thiền Sư nổi tiếng thế giới như Sư Ông thì đó là một quyết định vô cùng sáng suốt và đúng đắn, vì chùa Từ Hiếu là Tổ đình nơi Sư Ông xuất gia và tuy rằng Sư Ông đã đầu tư thời gian, sức lực nhưng hiện vẫn chưa ổn định như ý Sư Ông. Chùa Từ Hiếu vẫn chưa trở thành một chiếc nôi, một Trung tâm tu học cho Phật giáo xứ Huế. Tôi cho rằng, sự trở về của Sư Ông, sự có mặt trực tiếp của Sư Ông sẽ là một đóng góp đích thực và hiệu quả vào việc tổ chức xây dựng Tổ đình Từ Hiếu nhanh chóng trở thành một Trung tâm Phật giáo cho xứ Huế nói riêng và cho cả nước nói chung, có khả năng mở rộng ra cả thế giới, — Thượng tọa Thích Chỉnh Tuệ, trụ trì chùa Thiện Mỹ ở Nam Định, Chủ tịch Trung tâm Mỹ thuật Phật giáo Việt Nam, phát biểu với Sputnik.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã căn dặn:
"Thầy không muốn sau này quý vị xây cho Thầy một ngôi tháp ở Tổ Đình. Xây tháp như thế sẽ không có ý nghĩa gì nếu ngày hôm nay quý vị không nối tiếp được những gì Thầy đang trao truyền. Thầy rất không thích chuyện lấy một mớ tro từ hình hài của Thầy rồi bỏ vào trong một cái hũ, rồi đặt vào trong tháp. Thầy không phải là cái nắm tro đó. Không có lý Thầy chỉ là cái nắm tro ấy hay sao?!
Đừng phí thì giờ nghĩ đến chuyện tìm đất xây tháp cho Thầy. Đó không phải là điều Thầy nghĩ tới. Nếu có một tảng đá có sẵn thì để vào trong hốc đá bản thảo của một cuốn sách của Thầy như cuốn Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức thì tảng đá đó có Thầy nhiều hơn là một cái tháp trong đó có một nắm tro. Đem tro mà rải hết ra ngoài để nuôi cây nuôi cỏ, cho cỏ cho cây lớn lên. Đừng có ngăn ngừa sự tiếp nối của nắm tro ấy".
Hy vọng rằng sự trở về của Thiền Sư sẽ tạo thêm động lực, sẽ tạo thêm sức mạnh để cho những tư tưởng của Thiền sư được nuôi dưỡng, được nhân rộng, được tiếp tục, những tư tưởng mãnh liệt, sâu sắc, hướng đến cái thiện và yên bình trong tâm hồn.
MỘT SỐ CUỐN SÁCH HAY NHẤT CỦA THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH:
1. Hướng Đi Của Đạo Bụt Cho Hòa Bình Và Sinh Môi
2. Hạnh Phúc Cầm Tay
3. Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời
4. Nói Với Tuổi Hai Mươi
5. Chỉ Nam Thiền Tập Dành Cho Người Trẻ
6. Đạo Phật Của Tuổi Trẻ
7. Tay Thầy Trong Tay Con
8. Thiền Sư Khương Tăng Hội
VỀ CHÙA TỪ HIẾU
Chùa Từ Hiếu hay còn gọi là Tổ đình Từ Hiếu là tên một ngôi chùa ở phường Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Chùa là một trong những ngôi cổ tự lớn và là một danh lam văn hoá và lịch sử của cố đô Huế.
Năm 1843, Hoà thượng Nhất Ðịnh đã đến đây khai sơn, dựng "Thảo Am An Dưỡng" để tịnh tu và nuôi dưỡng mẹ già. Câu chuyện hiếu thảo của Hòa thượng Nhất Định vang đến tai vua Tự Đức vốn là vị vua rất hiếu thảo với mẹ, vua rất cảm phục trước tấm lòng của sư Nhất Định nên ban cho "Sắc tứ Từ Hiếu tự". Chùa được mang tên Từ Hiếu từ đó. "Từ" có nghĩa là đức lớn của Phật. "Hiếu" là đầu hạnh của Phật.
Cùng với sự đóng góp của Phật tử, vua Tự Đức ban cấp nhiều kinh phí, chùa còn được các vị quan trong cung triều Nguyễn mà nhất là các vị thái giám cúng dường tiền bạc để lo việc thờ tự sau này. Năm 1848, Hoà thượng Cương Kỷ bắt đầu xây dựng chùa quy mô hơn và rồi từ đó Từ Hiếu trở thành một ngôi chùa lớn ở Huế.