Những chi tiết - trong tài liệu của Sputnik.
Thiếu xưởng đóng sửa chữa tàu
Phát biểu trong hội nghị thường niên của Hiệp hội Hải quân mặt nước (SNA), Đô đốc Caudle đã nói thẳng ra rằng, nếu Hoa Kỳ tham gia vào một cuộc xung đột vũ trang với một đối thủ gần hoặc ngang sức, Hải quân sẽ bị thiệt hại nặng. Và sẽ không có gì để lấp đầy những khoảng trống, vì các nhà máy đóng tàu không có đủ năng lực để sửa chữa một số tàu chiến lớn cùng một lúc. Theo vị đô đốc, tình huống xấu nhất là với các tàu sân bay và tàu ngầm.
Đô đốc Caudle nhấn mạnh: “Chúng tôi không có đủ xưởng đóng tàu và ụ khô. Và những xưởng hiện có đang chạy hết công suất. Và không có dự trữ cho những việc bất trắc. Vì vậy, vẫn chưa rõ liệu chúng tôi có thể duy trì trong biên chế chiếc tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut đã va vào núi ngầm dưới biển và bị hư hỏng ở Biển Đông vào tháng 10 năm ngoái. Chiếc tàu này vẫn đang chờ sửa chữa và chưa rõ khi nào các công việc sẽ bắt đầu. Đây là một vấn đề lớn, và nó có thể dẫn đến tình trạng dễ bị tổn thương trong thời chiến".
Trong giai đoạn 2015-2019, Hải quân Mỹ đã chi 2,8 tỷ USD để cải tạo nâng cấp các nhà máy đóng tàu, để tăng năng suất và hiệu quả của chúng. Tuy nhiên, theo một báo cáo của chính phủ, trong những năm qua, bốn nhà máy đóng tàu Hải quân Mỹ không thực hiện đúng thời hạn 75% công việc bảo dưỡng tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân. Ở các công ty tư nhân tình hình tốt hơn, nhưng họ chủ yếu đóng tàu cỡ vừa và nhỏ.
Các xưởng đóng tàu rất cũ. Ví dụ, xưởng đóng tàu hải quân ở Boston đã hơn 200 năm tuổi. Tất nhiên, trang thiết bị ở đó đã nhiều lần được thay thế, nhưng cơ sở hạ tầng không còn đáp ứng được yêu cầu hiện đại.
Theo Đô đốc Caudle, trước hết cần phải tăng kinh phí cho các nhà máy đóng tàu trọng yếu của Hải quân Mỹ gồm Portsmouth, Puget Sound và Trân Châu Cảng. Ngoài ra, cần phải tập trung vào việc đào tạo nhân viên.
Vấn đề mang tính hệ thống
Hạm đội Mỹ từ lâu có những vấn đề liên quan đến tình trạng kỹ thuật. Vào mùa thu năm 2020, một ủy ban đặc biệt của Hải quân đã trình với Quốc hội Mỹ báo cáo về nhiều vấn đề với tàu nổi. Trong mấy thập kỷ qua, hiệu quả chiến đấu của các tàu nổi đã giảm sút, nhiều tàu chiến đã đến tuổi "nghỉ hưu". Đồng thời, chi phí để duy trì một hạm đội già cỗi ngày càng tăng, tạo ra một vấn đề nghiêm trọng ngay cả đối với ngân sách quân sự khổng lồ của Hoa Kỳ.
Vấn đề lớn nhất liên quan đến động cơ thường xuyên hỏng hóc, và thủy thủ đoàn phải sửa chữa ở ngoài khơi. Trong 5 năm qua, hiệu suất động cơ đã giảm 20% trên hơn 30 con tàu. Trên thực tế, Hải quân Hoa Kỳ đã ngừng nhận các tàu cao tốc lớp Freedom vì chúng không đáng tin cậy, thường xuyên bị hỏng máy trong các chuyến ra biển. Các khiếm khuyết được coi là một vấn đề mang tính hệ thống, và năm 2021, Hải quân Mỹ chính thức cho loại biên các tàu lớp Freedom.
Hải quân Mỹ cũng nhận ra “lỗ hỏng” của hệ thống kiểm soát và thông tin chiến đấu Aegis, trong số những thứ khác, chịu trách nhiệm về phòng không. Các tàu khu trục lớp Arleigh Burke và các tàu tuần dương lớp Ticonderoga được trang bị hệ thống này. Tuy nhiên, hệ thống thường xuyên gặp sự cố. Theo kết luận của ủy ban, nếu điều kiện lý tưởng của thiết bị bằng một, thì chỉ số sẵn sàng chiến đấu trung bình của Aegis không vượt quá 0,75.
Một vấn đề riêng là các thiết bị cất cánh và hạ cánh của máy bay trực thăng trên tàu. Khả năng phục vụ của chúng đã giảm từ 0,77 xuống 0,68, và các hỏng hóc nhiều lần dẫn đến tai nạn. Ví dụ, vào tháng 10 năm 2019, một trực thăng MH-60 Seahawk của Hải quân Mỹ đã gặp sự cố khi cất cánh từ tàu sân bay USS Ronald Reagan. May mắn thay, không có thương vong. Nguyên nhân của vụ tai nạn là do lỗi trong hệ thống điện tử trên tàu đã cung cấp dữ liệu hạ cánh không chính xác cho phi công.
Cắt thành phế liệu
Kết quả là trong năm 2022, Hải quân Hoa Kỳ sẽ loại biên hơn hai chục tàu chiến. Danh sách đã được đích thân Chủ nhiệm Tác chiến của Hải quân Mỹ, Đô đốc Michael Gilday phê duyệt. Ngoài ba chiến hạm lớp Freedom, trong danh sách này còn có “người bạn cùng lớp” của chúng - USS Coronado là tàu tác chiến cận bờ lớp Independence. Vào tháng 8 năm 2016, chiếc tàu này buộc phải trở lại từ trung tâm Thái Bình Dương về Hawaii vì những vấn đề với động cơ. Kể từ đó, USS Coronado hầu như không ra biển. Loay hoay với những "căn bệnh thời thơ ấu" của chiếc tàu này đã được coi là quá đắt.
Các tàu tuần dương mang tên lửa lớp Ticonderoga sẽ còn khó khăn hơn. Theo kế hoạch, trong số 22 tuần dương hạm lớp Ticonderoga còn hoạt động, 7 chiếc sẽ bị loại biên. Đó là các tàu San Jacinto, Lake Champlain, Monterey, Hue City, Anzio, Vella Gulf và Port Royal. Chúng đã gần đạt đến giới hạn tuổi thọ 35 năm, giá bảo dưỡng, bảo trì mỗi năm tiêu tốn hơn 1,3 tỷ USD. Và để hiện đại hóa chỉ riêng hai tàu Hue City và Anzio sẽ cần thêm một tỷ rưỡi nữa.
Năm tàu tuần tra lớp Cyclone - Tempest, Typhoon, Squall, Firebolt và Whirlwind - đã được đưa vào hoạt động từ những năm 1990 và cũng khá lỗi thời. Chúng sẽ bị cắt làm sắt vụn hoặc sẽ được bán ra nước ngoài. Năm chiếc tàu sẽ vẫn thuộc biên chế Hải quân, nhưng, chúng không trẻ hơn nhiều và sẽ bị loại biên trong tương lai gần.
Chiếc tàu lớn nhất sẽ bị loại biên trong năm 2022 là tàu bến đổ bộ Whidbey Island có lượng choán nước 16.000 tấn, con tàu dẫn đầu trong dự án cùng tên. Tuổi đời của nó lên đến 36 năm. Hài trình dài gần đây nhất là vào tháng 7 năm 2016: chiếc tàu đã tham gia cuộc tập trận hải quân quốc tế Sea Breeze ở Biển Đen.