Sáng 25/1 (tức 23 tháng Chạp âm lịch), không khí tại chợ cá Yên Sở thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội lại nhộn nhịp, tấp nập "người mua kẻ bán", rực rỡ sắc đỏ vàng khắp chợ.
COVID-19 khiến nguồn cung khan hiếm
Hàng năm cứ vào ngày này, người dân và các tiểu thương lại tới khu chợ Yên Sở để mua cá chép vàng, đỏ phục vụ cho lễ cúng ông Công ông Táo. Cá ở đây chủ yếu có nguồn gốc từ các tỉnh như Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên...
Hà Nội: Nhộn nhịp khu chợ buôn bán cá trong ngày ông Công, ông Táo
© Ảnh : Minh Quyết - TTXVN
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên báo Lao động, giá cá chép đỏ năm nay đắt gấp nhiều lần so với năm ngoái, nhưng vẫn "cháy hàng" vì không đủ số lượng để cung cấp cho nhu cầu của thị trường.
“Năm nay do ảnh hưởng có dịch COVID-19, nên số lượng cá không nhiều. Chính vì vậy giá cá chép đỏ đắt đỏ, nhưng vẫn không có để mua”, một tiểu thương chia sẻ với PLO.vn.
Tiểu thương này cũng cho biết, giá cá tăng lên rất nhanh. Sáng 24/1, giá cá dao động từ 200 – 220 nghìn đồng/kg, nhưng buổi chiều tăng lên thêm 100 nghìn đồng/kg.
“So với thời điểm này năm ngoái, giá cá chép đỏ chỉ từ 60-80 nghìn đồng/kg, nhưng năm nay giá cá chép đỏ đã tăng lên nhiều lần”, tiểu thương này cho biết thêm.
Hà Nội: Nhộn nhịp khu chợ buôn bán cá trong ngày ông Công, ông Táo
© Ảnh : Minh Quyết - TTXVN
Có thâm niên bán cá tại chợ Yên Sở nhiều năm, bà Vũ Thị Minh chia sẻ với phóng viên TTXVN, lượng người mua và lượng cá chép năm nay ít hơn so với những năm trước.
"Hôm nay tôi lấy bán 800kg cá chép. Mọi năm, ngày này tôi bán được cả tấn. Tại chợ đầu mối này xe chở cá chép đỏ từ các tỉnh đổ về nghìn nghịt, cả chép đỏ rực cả khu thế nhưng năm nay ít hơn. Một phần lượng người mua giảm do dịch bệnh Covid-19. Năm nay số lượng ít nên giá cá chép đỏ vẫn cao 220-350.000 đồng/kg", bà Minh cho hay.
Được biết, cá chép ở đây chỉ bán theo cân, chủ yếu phục vụ dân buôn mua về bán lẻ tại các chợ dân sinh.
Khung giờ đẹp cúng ông Công ông Táo
Cúng ông Công, ông Táo là phong tục đẹp của người Việt Nam, nhưng cúng vào khung giờ nào để may mắn cả năm 2022 thì có lẽ không phải ai cũng biết.
Hà Nội: Nhộn nhịp khu chợ buôn bán cá trong ngày ông Công, ông Táo
© Ảnh : Minh Quyết - TTXVN
Trao đổi với báo Lao Động, Tiến sĩ nghiên cứu văn hoá Nguyễn Ánh Hồng cho biết:
“Thời gian đẹp nhất là cúng đúng ngày 23 tháng Chạp và cúng trước 12h trưa. Bởi theo quan niệm dân gian đây là giờ Chính Ngọ, là thời khắc linh thiêng chuyển giao của một ngày và là thời điểm thích hợp để Táo quân kịp thời lên thiên đình báo cáo Ngọc Hoàng".
Đốt vàng mã trên khu phố cổ Hà Nội
© Sputnik / Taras Ivanov
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng, giờ Thìn (7h-9h) ngày 23 tháng Chạp là giờ Tốc hỷ, là khung giờ đẹp để cúng Táo quân.
Nếu tiến hành cúng ông Công ông Táo vào những khung giờ này, hứa hẹn năm mới gặp nhiều niềm vui, may mắn, xuất hành thuận lợi, dễ dàng hóa giải những xui xẻo, bệnh tật có thể gặp phải cho mọi thành viên trong nhà.