Cúng ông Công ông Táo năm 2022 như thế nào cho đúng?

CC0 / falco / bàn thờ
bàn thờ - Sputnik Việt Nam, 1920, 23.01.2022
Đăng ký
Cúng ông Công ông Táo là hoạt động không thể thiếu của mọi gia đình người Việt mỗi độ xuân về. Người xưa quan niệm, tiễn ông Táo về trời thể hiện ước muốn một năm mới được tràn đầy may mắn, bình an và phúc lộc.
Tùy theo mỗi vùng, mỗi địa phương mà phong tục, thời gian và nghi lễ cúng ông Công ông Táo có thể có chút dị biệt, tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm của gia chủ.

Nơi đặt ban thờ cúng ông Công ông Táo

Thông thường, các gia đình bắt đầu sửa soạn mâm cỗ cúng ông Công ông Táo trong khoảng từ 20 đến 23 tháng Chạp. Dân gian cho rằng, đây là ngày ông Táo trở về Thiên đình để bẩm báo với Ngọc Hoàng Thượng Đế mọi sự việc trong gia đình suốt một năm qua.
Theo sách "Phong tục thờ cúng của người Việt" của tác giả Song Mai - Quỳnh Trang, bàn thờ Táo quân ngày có thể được đặt ở những vị trí khác nhau, tuỳ theo phong tục từng địa phương. Có nơi đặt cạnh bàn thờ tổ tiên, có nơi đặt trong bếp, cũng có nhà đặt bàn thờ ông Táo ở vách giữa phía sau nhà.
Tết 2021  - Sputnik Việt Nam, 1920, 08.02.2021
Tết Việt Nam và Tết Trung Quốc: Nước nào bắt chước nước nào?
Lễ cúng Táo quân cần được thực hiện một cách chu đáo, kính cẩn và thành tâm. Thông thường, cỗ cúng là cỗ mặn. Lễ hoá vàng được tiến hành sau khi cúng, đồng thời hoá luôn cả mâm mũ năm trước.
Các gia đình cúng ông Công ông Táo tuỳ theo tập tục, tín ngưỡng, truyền thống ở địa phương nào, phong tục tập quán như thế nào, áp dụng như thế là tốt và đúng nhất.
Tùy theo mỗi địa phương, vùng miền mà nghi thức, thời gian và địa điểm cúng của mỗi gia đình có thể khác nhau chút ít. Điều này có thể tùy nghi chứ không nhất thiết thế nào là tốt, miễn chỉ cần thành tâm là được.
Thường ở những gia đình miền Nam có bàn thờ ông Công ông Táo thì có thể cúng luôn tại đó. Đối với gia đình miền Bắc không có bàn thờ ông Công ông Táo, có thể cúng ở bàn thờ giữa nhà, cũng có thể cúng ngoài trời.
Tóm lại, dù cúng ở đâu thì lễ cúng ông Công ông Táo cũng nên được thực hiện ở nơi trang trọng, sạch sẽ và trang nghiêm nhất trong nhà.
“Sau khi cúng ông Công ông Táo xong, gia chủ mới tiến hành dọn dẹp nhà cửa, ban thờ, tảo mộ… Lúc này, gia chủ nên xông, rửa nhà bằng khói thơm. Tuy nhiên, khi xông nhà cần chú ý xông từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Ngược lại, nếu rửa nhà thì rửa từ ngoài vào trong”, nhà nghiên cứu Lý học Đông phương Nguyễn Vũ Tuấn Anh chia sẻ.
Các vũ công hóa trang thành sư tử biểu diễn trong lễ kỷ niệm Tết Nguyên đán sắp tới ở Bangkok - Sputnik Việt Nam, 1920, 23.01.2022
Multimedia
Hổ và Sư tử khắp mọi nơi: Châu Á chuẩn bị đón Tết Nguyên đán

Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo

Các loại lễ vật cúng Táo quân phổ biến là xôi, cơm canh, rượu nước, vàng mã, cau trầu, thịt gà, thịt lợn và hoa quả...
Đặc biệt, theo sách "Việt Nam phong tục" của Phan Kế Bính, cần “mua hai mũ ông, một mũ bà để thờ và mua con cá chép để làm ngựa cho Táo quân lên chầu trời”.
Những năm 1990 trở về trước, ở miền Bắc, nhiều gia đình bất kể lễ vật nhiều hay ít, luôn cố gắng có một đĩa bánh kẹo (bánh mật, kẹo mạch nha, kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo kéo...) hoặc một bát mật mía.
Trước đây, tại miền Bắc, nhiều gia đình thường cúng thêm một đĩa bánh kẹo (mạch nha, kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo kéo...) hoặc một bát mật mía do quan niệm Táo quân về chầu Ngọc hoàng cần "ngọt giọng" để bẩm báo những điều tốt đẹp về gia đình mình.
Ngoài ra, người dân ở một số khu vực Bắc Trung bộ như Thọ Xuân, Cẩm Thủy (Thanh Hóa), có lệ kiêng dùng canh để cúng Táo quân, vì ba ông Táo được đắp bằng đất sét, cúng canh sợ làm Táo quân bị "thũng" chân.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, phong tục cúng Táo quân tại Việt Nam về cơ bản thống nhất, chỉ có một vài yếu tố dị biệt xuất phát từ sự tích ông Táo, thuộc phạm trù văn hóa dân gian.

Văn khấn lễ cúng Táo quân

Bày lễ, thắp hương xong khấn như sau:
Kính lạy ngài bản gia Đông Trù tư mệnh Táo phủ thần quân!
Kính lạy các ngài bản gia thần linh, thần hoàng bản thổ, ngũ phương ngũ lộ long mạch tài thần, ngũ phương ngũ thổ phúc đức chính thần, bản gia chấp sự chư tôn thần!
Tiến chủ con là: (tên ông bà cha mẹ, con cháu...) đồng gia đẳng.
Hoạt động tuyên truyền “Thả cá, không thả túi nilon” - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.02.2021
Thả cá, không thả túi - Tết Ông Táo xanh, sạch, văn minh
Hôm nay là ngày ngài Đông Trù tư mệnh Táo phủ thần quân về trời phụng mệnh Ngọc đế. Tiến chủ chúng con thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, xiêm hài áo mũ, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, dâng hiến tôn thần, đốt nén tâm hương dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời:
Ngài Đông Trù tư mệnh Táo phủ thần quân giáng lâm trước án, thụ hưởng lễ vật.
Kính mời các ngài bản gia thần linh, thần hoàng bản thổ, ngũ phương ngũ lộ long mạch tài thần, ngũ phương ngũ thổ phúc đức chính thần, bản gia chấp sự chư tôn thần đồng tọa, thụ hưởng lễ vật.
Tuân theo lệ cũ, ngài Đông Trù tư mệnh Táo phủ thần quân là chủ Ngũ Tự. Cúi xin ngài soi xét lòng trần, gia ban phúc lộc. Trong năm gia đình chúng con có những sai phạm, lỗi lầm gì xin tôn thần gia ân châm chước (đến đây gia chủ có thể bộc bạch những điều tốt – xấu của gia đình, nhận lỗi, sám hối, hứa sửa đổi). Ngài về trời chầu Ngọc đế, tấu xin Ngọc đế gia ân ban phước, phù hộ toàn gia chúng con trai gái trẻ già được an ninh khang thái!
Chúng con xin giải bày tấm lòng thành thực. Cúi xin các vị thần minh chứng giám!
Cẩn cáo, thượng hưởng!

Những kiêng kỵ cần chú ý khi cúng ông Công ông Táo

Trước và trong khi thực hiện nghi lễ cúng ông Công ông Táo, gia chủ cần chú ý một số vấn đề mà dân gian quan niệm là nên kiêng kỵ.
Theo đó, về thời gian, tuyệt đối tránh cúng vào đúng ngày rằm tháng Chạp. Thời gian cúng sớm nhất nên bắt đầu từ ngày 20 tháng Chạp cho đến trước 23 giờ ngày 23 tháng Chạp.
Trươc khi cúng ông Táo, không được bao sái, rút chân nhang hay dọn dẹp không gian thờ cúng và bàn thờ. Việc bao sái và rút tỉa chân nhang chỉ nên được thực hiện xong khi lễ cúng hoàn tất.
Để thể hiện sự kính cẩn, thành tâm, người thực hiện nghi lễ cúng ông Công ông Táo phải giữ thân tâm thanh sạch.
Người dân làng Thuỷ Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ thu hoạch cá chép đỏ để bán vào dịp 23 tháng Chạp. - Sputnik Việt Nam, 1920, 16.01.2020
Cúng ông Công, ông Táo thế nào cho đúng?
Người làm lễ cúng không được ăn cá chép, thịt và tiết canh ba ba, thịt rùa, thịt rắn, thịt chó, thịt mèo, rượu rắn, rượu cao hổ cốt... Cũng không nên ăn những đồ có mùi hôi tanh như tỏi, hành, mắm tôm, mắm tép...
Dân gian cũng cho rằng, gia chủ nên kiêng sinh hoạt vợ chồng trước hôm cúng ông Công ông Táo.
Khi hành lễ cúng phải ăn mặc sạch sẽ, gọn gàng, kín đáo, không mặc quần đùi, áo ba lỗ hoặc hở hang. Khi khấn lễ, phải giữ tâm hoan hỉ, nét mặt nghiêm trang thành kính.
Nếu có thả cá chép, không thả cá bừa bãi ra những nguồn nước ô nhiễm làm cá bị chết, lại gây ô nhiễm môi trường mà nên chọn nơi nước sạch để cá có thể sống được dễ dàng.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала