Ngoài ra, Samsung có mức lợi nhuận tương đương 20% GDP Việt Nam. Trong khi đó, Vinhomes (Vingroup), Hòa Phát và loạt tập đoàn kinh tế tư nhân và Nhà nước khác Việt Nam báo lãi tỷ đô năm 2021 bất chấp dịch bệnh Covid-19.
Các doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam “lãi tưng bừng”
Không thể phủ nhận, năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn với kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của nhiều tập đoàn – cả tư nhân lẫn Nhà nước chính là những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam 2021.
Như Sputnik đã thông tin, báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) cho thấy, năm qua, bất chấp dịch Covid-19, doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam vẫn “lãi tưng bừng”.
Đồng thời, tổng doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước năm rồi đạt 99% kế hoạch - gần 822.000 tỷ đồng, bằng 108% so với năm 2020, tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 34.179 tỷ đồng, vượt 70% kế hoạch và tổng nộp ngân sách ước vượt 27% kế hoạch (62.443 tỷ đồng, bằng 99% năm 2020).
Có 13/19 doanh nghiệp hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu, 14/19 doanh nghiệp hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế, 14/19 doanh nghiệp hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách; 5 doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao so với kế hoạch và so với năm 2020, có 4 doanh nghiệp nộp ngân sách cao so với kế hoạch và so với năm 2020.
Theo CMSC, có một số tập đoàn, tổng công ty đã có nhiều nỗ lực, đạt lợi nhuận vượt trội so với những năm trước, điển hình như Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.726 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 2.160 tỷ đồng); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 40.698 tỷ đồng, vượt 138% kế hoạch năm và tăng 105% so với cùng kỳ); Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 2.869 tỷ đồng, vượt 204% so với kế hoạch năm và tăng 474% so với cùng kỳ).
Chỉ có 5 doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm là Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam – các đơn vị thuộc lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh nhận định, kết quả kinh doanh của khối các công ty Nhà nước “vô cùng tích cực” và đây là nền tảng, động lực phát triển của Uỷ ban cùng các doanh nghiệp trong năm mới 2022 này.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh nêu trên báo Chính phủ Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã biến nguy thành cơ, phát triển tốt hơn trong giai đoạn dịch bệnh 2020-2021.
Cá nhân Chủ tịch CMSC rất ấn tượng với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC). Theo ông Anh, từ một doanh nghiệp nhà nước luôn nằm trong tốp đầu về thua lỗ, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản, VIMC đã quyết liệt triển khai cơ cấu lại toàn diện, nắm bắt thời cơ phục hồi thị trường vận tải quốc tế để bứt phá mạnh mẽ để “đổi màu” bức tranh tài chính.
Kết thúc năm 2021, VIMC báo lãi hơn 4000 tỷ, gấp 5,5 lần kế hoạch. Đáng chú ý, lần đầu tiên sau nhiều năm thua lỗ kéo dài, toàn khối vận tải biển của tổng công ty đã ghi nhận lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng.
Tiếp đó có thể kể đến Tập đoàn Công nghiệp hoá chất Việt Nam, do ảnh hưởng của một số dự án yếu kém, nên gặp nhiều vướng mắc.
“Nhưng năm qua, một số dự án, nhà máy sản xuất phân bón đã hoạt động hết công suất và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, thị trường, nền kinh tế, thậm chí kể cả thị trường quốc tế. Lần đầu tiên, sản xuất kinh doanh đã có lãi sau rất nhiều năm gặp khó khăn”, lãnh đạo CMSC khẳng định.
Bên cạnh đó, năm 2021 cũng là năm mà nhiều dự án trọng điểm đã được khởi công, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam như: Nhà máy Thủy Điện Hòa Bình mở rộng, Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I, giai đoạn 1 Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, tuy tổng giá trị sản lượng giảm 1% (đạt 99%) do nhu cầu thị trường thấp đi, nhưng chỉ tiêu về lợi nhuận và nộp ngân sách thì rất cao.
“Những thành quả trên là nền tảng và động lực để Uỷ ban cùng các doanh nghiệp sẽ tiếp tục thích ứng linh hoạt, nỗ lực tăng trưởng bứt phá trong năm mới 2022”, Chủ tịch CMSC nêu rõ.
PVN vượt lợi nhuận của Viettel
Theo số liệu mà Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) công bố, tổng doanh thu của nhóm công ty mẹ của 19 tập đoàn và tổng công ty nhà nước đạt hơn 816.000 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2020.
Riêng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam - PVN) hưởng lợi rất lớn khi các hoạt động chính như khai thác dầu, sản xuất phân bón đều tăng trưởng rất tích cực trong năm 2021.
Như Sputnik Việt nam đã thông tin trước đó, sản lượng khai thác dầu hoàn thành kế hoạch cả năm trước 39 ngày và đạt 10,97 triệu tấn, vượt 1,25 triệu tấn (13%) kế hoạch năm, khai thác dầu ở nước ngoài hoàn thành kế hoạch cả năm trước 28 ngày, với sản lượng cả năm đạt 1,87 triệu tấn, vượt 140.000 tấn so với kế hoạch. Các chỉ tiêu sản xuất phần lớn đều vượt kế hoạch 14 (phân bón) - 42 ngày (sản lượng khai thác dầu), dẫn đến các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2-3 tháng và tăng trưởng cao so với năm 2020.
Năm 2021, PVN ghi nhận tổng doanh thu 620.200 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2020, vượt kế hoạch cả năm trước tận 2 tháng. Mức lãi trước thuế 45.000 tỷ đồng, vượt 2,6 lần kế hoạch năm và tăng 2,2 lần so với năm 2020.
Ngoài ra, năm 2021, PVN thực hiện tiết giảm chi phí đạt 3.012,2 tỷ đồng, vượt 10,4% kế hoạch tiết giảm năm 2021. Năm 2021, Petrovietnam cũng đã dành hơn 1.000 tỷ đồng (mức kỷ lục) thực hiện hoạt động an sinh xã hội.
Theo CMSC và PVN, lợi nhuận cao đột biến trong năm 2021 nhờ giá dầu diễn biến tích cực (cụ thể là diễn biến giá dầu thực tế tăng 40-50% so với kịch bản giá dầu mà PVN xây dựng hồi đầu năm) đã giúp PVN trở thành doanh nghiệp nhà nước có lãi cao nhất toàn khối. Đồng thời, hiện phần vốn nhà nước tại PVN thuộc quản lý của CMSC.
Về phần Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), cũng như Sputnik đề cập trước đó, đơn vị vẫn tăng trưởng mạnh năm 2021 dù lợi nhuận có thấp hơn PVN đôi chút. Hiện phần vốn Nhà nước tại Viettel thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Viettel có quy mô doanh thu đạt khoảng 274.000 tỷ đồng, tăng trưởng 3,3% so với năm 2020. Lợi nhuận trước thuế theo đó đạt 40.100 tỷ đồng, tăng trưởng 2% so với năm liền trước và bị PVN vượt qua. Giá trị nộp ngân sách gần 32.000 tỷ đồng năm 2021 vừa qua.
Đồng thời, Viettel tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu lĩnh vực viễn thông, là nhà cung cấp phủ sóng 5G lớn nhất trong nước và mở rộng hoạt động tại nhiều khu vực trên thế giới.
Đáng chú ý, theo báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất từ Viettel Global, ở hầu hết các thị trường quan trọng của Viettel, doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 4 tạo nên kết quả kinh doanh ấn tượng. Trong số các điểm sáng nổi bật nhất có Natcom tại Haiti tăng 50%, Movitel tại Mozambique tăng 38%, Star Telecom tại Lào tăng 25%, Mytel tại Myanmar tăng 23%, Halotel tại Tanzania tăng 13%. Lũy kế cả năm 2021, Viettel Global đạt 19.289 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước.
Các ông lớn ngân hàng báo lãi kỷ lục
Khối các ngân hàng quốc doanh Việt Nam cũng ghi nhận những dấu hiệu tăng trưởng tích cực. Theo đó, Vietcombank tiếp tục lọt vào danh sách lãi tỷ USD với lợi nhuận trước thuế 27.376 tỷ, cao hơn 19% so với năm liền trước (tương đương mức tăng ròng hơn 4.300 tỷ đồng), tiếp tục là quán quân ngành ngân hàng.
Đồng thời, tính riêng khối ngân hàng, Vietcombank vẫn là đơn vị có lợi nhuận trước thuế hợp nhất cao nhất hệ thống. Đơn vị này có lãi hợp nhất lớn thứ 3 trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Nếu xét về ngân hàng mẹ thì Vietcombank đạt 26.456 tỷ, đứng sau VPBank (hơn 38.000 tỷ) do VPBank ghi nhận khoản thu đột biến từ bán vốn FE Credit.
Đặc biệt, tổng thu nhập hoạt động năm qua của Vietcombank đạt gần 56.900 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước. Hầu hết các mảng kinh doanh đều có tăng trưởng khả quan.
Bên cạnh đó, thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng tăng 17% và lãi dịch vụ, lãi ngoại hối đều tăng trưởng ở mức vừa phải 12%. Hoạt động thu hồi nợ ghi nhận mức tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động của Vietcombank tăng 10%, đồng thời chi phí dự phòng rủi ro tiếp tục tăng 18% so với năm ngoái.
Chốt ngày 31/12/2021, Vietcombank có tổng tài sản đạt hơn 1,13 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 14,4% lên 960.750 tỷ đồng.
Khối các ngân hàng tư nhân năm qua của Việt Nam cũng vươn lên hết sức mạnh mẽ. Đặc biệt là Techcombank.
Ngân Hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam của tỷ phú Hồ Hùng Anh ghi nhận 37.100 tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động, tăng 35% so với năm liền trước. Nguồn thu chủ yếu đến thu nhập từ hoạt động cho vay khi đóng hơn 26.700 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ.
Techcombank cũng có báo cáo cho biết, ngân hàng đã thu về khoản lợi nhuận trước thuế cao kỷ lục khoảng 23.238 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD. So với năm 2020, mức lãi trước thuế này đã tăng 47% chứng tỏ Techcombank vẫn ăn nên làm ra bất chấp đại dịch.
Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Techcombank ước đạt 568.800 tỷ đồng, mở rộng thêm 29% so với thời điểm đầu năm. Trong đó tổng dư nợ tín dụng của khách hàng đạt 388.300 tỷ, tăng trên 22% và tương đương hạn mức được Ngân hàng Nhà nước cấp.
VPBank cũng có cuộc bứt phá ngoạn mục. Như đã nêu ở trên, ngân hàng mẹ ghi nhận tổng thu nhập cao gấp 2,5 lần so với năm trước lên tới 51.870 tỷ đồng, tương đương quy mô thu nhập của ngân hàng mẹ nhóm quốc doanh như Vietcombank chưa kể nguồn thu tăng vọt trên 20.000 tỷ đồng đến từ thương vụ bán vốn FE Credit.
Các lĩnh vực kinh doanh của VPBank đều tăng trưởng khả quan nên đã giúp ngân hàng mẹ thu về khoản lợi nhuận trước thuế cao kỷ lục 37.963 tỷ đồng trong năm 2021. Đây là mức lợi nhuận cao nhất tính riêng tại nhóm ngân hàng mẹ. Đồng thời, tổng tài sản hợp nhất của VPBank đạt trên 547.600 tỷ đồng, tăng gần 31% so với thời điểm đầu năm.
Hai chỉ tiêu tài chính quan trọng hàng đầu là tiền gửi khách hàng và cho vay khách hàng đạt lần lượt 241.800 tỷ và 355.300 tỷ đồng, cao hơn 3,6% và 22,2% so với cuối năm 2020.
Samsung, Vinhomes, Hòa Phát bứt phá ngoạn mục
Ở khối các doanh nghiệp FDI, Samsung vẫn là doanh nghiệp tỷ đô lợi nhuận cao hàng đầu ở Việt Nam.
Samsung Việt Nam nắm vị thế rất lớn với doanh thu năm 2021 đạt 74,2 tỷ USD, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ năm 2020 và tương đương 20% GDP của Việt Nam như Sputnik đề cập trước đó.
Hiện ở Việt Nam, Samsung đang vận hành tất cả 6 nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM, một trung tâm R&D và một pháp nhân bán hàng. Tổ hợp này đã có lợi nhuận năm 2020 vào khoảng 4 tỷ USD (chưa công bố năm 2021), cao nhất trong các khối doanh nghiệp FDI.
Ngoài Samsung thì khối FDI còn chứng kiến sự bứt phá của Honda Việt Nam lãi trên 1 tỷ USD cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2021 hay C.P. Group (của Thái Lan) năm 2020 cũng đã tiệm cận mức tỷ đô.
Những năm gần đây, kinh tế tư nhân của Việt Nam cũng vươn lên mạnh mẽ. Theo đó, báo cáo tài chính mới nhất của Vingroup cho thấy, dù tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng lần đầu tiên báo lỗ quý 4/2021 (Vingroup ghi nhận 34.458 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2020), tuy nhiên, Vinhomes vẫn là điểm sáng đáng kinh ngạc.
Theo đó, Vinhomes mới đây công bố báo cáo kinh doanh năm 2021 cho thấy doanh thu thuần hợp nhất tăng trưởng 19% lên mức gần 85.100 tỷ đồng, chủ yếu nhờ tăng nguồn thu từ chuyển nhượng bất động sản ở Việt Nam.
Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế của công ty con thuộc Vingroup này đạt 48.469 tỷ đồng và lãi ròng 39.017 tỷ đồng (trên dưới 1,7 tỷ USD), tăng tương ứng 33% và 43% so với năm 2020. Cần lưu ý, đây là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Vingroup. Con số này cũng là mức cao nhất trong số các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán và kể cả khối doanh nghiệp trong nước.
Trong năm vừa qua, tổng tài sản của Vinhomes tăng lên 230.000 tỷ đồng (6,5 tỷ USD), gần 7% so với thời điểm đầu năm. Đồng thời, tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản Vinhomes đạt 230.417 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đạt 131.699 tỷ đồng, tăng 7% và 47% so với thời điểm đầu năm.
Thêm một tập đoàn tư nhân hàng đầu nữa của Việt Nam được nhắc tên năm rồi chính là Hòa Phát của “vua thép” Trần Đình Long.
HPG mới thông báo mức báo lãi trước thuế kỷ lục 37.057 tỷ đồng (1,6 tỷ USD), tăng 141% so với năm trước đó và trở thành công ty có lợi nhuận cao thứ hai sàn chứng khoán.
Năm 2021. Hòa Phát cung cấp cho thị trường tổng cộng 8,8 triệu tấn thép bao gồm phôi, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), ống thép và tôn mạ, tăng 35% so với cùng kỳ.
Vị thế của tập đoàn thép lớn nhất cả nước giúp Hòa Phát ghi nhận doanh thu lên mức kỷ lục trong hoạt động đạt 150.800 tỷ đồng (gần 51 tỷ USD). Đây cũng là nguồn thu lớn thứ hai trên sàn chứng khoán, chỉ xếp sau Petrolimex (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam).
Năm 2022, Việt Nam chính thức thông qua gói phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ đồng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng đẩy mạnh nhiều định hướng, giải pháp giúp quản lý các tập đoàn Nhà nước, đất nước mở cửa cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ từ khối đơn vị tư nhân, thay đổi thể chế, cơ chế, dự kiến, kinh tế Việt Nam sẽ còn ghi nhận nhiều thành công và điểm sáng tích cực, trong đó, lợi nhuận của các tập đoàn hàng đầu tiếp tục được duy trì và tăng cao hơn nữa.