Lọc dầu Dung Quất nhập lượng lớn dầu thô từ mỏ Bạch Hổ ngay mùng Một Tết

Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã nhập chuyến dầu thô khối lượng 113.000 m3 từ mỏ Bạch Hổ (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho nhà máy Lọc dầu Dung Quất ngay ngày mùng Một Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Sputnik
Hàng chục chuyên gia, kỹ sư đón tàu chở dầu thô cập bến từ phao SPM. Đây là chuyến tàu chở dầu thô đầu tiên “xông đất” vịnh Việt Thanh, khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) đầu xuân năm mới 2022.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ đạo lực lượng Quản lý Thị trường mạnh tay xử lý nghiêm, tước giấy phép kinh doanh xăng dầu nếu phát hiện các đơn vị kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu găm hàng, tạo khan hiếm hàng dịp Tết Nguyên đán khi Lọc dầu Nghi Sơn phải cắt giảm công suất vì khó khăn tài chính.

Lọc dầu Dung Quất nhập 113.000 m3 dầu thô ngay mùng Một Tết Nguyên đán

Theo thông tin từ Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), chuyến nhập dầu thô đầu năm Nhâm Dần 2022 đến nhà máy Lọc dầu Dung Quất, khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi đã được thực hiện thành công.
“Gazprom Neft” tạm dừng trong vấn đề tham gia cơ sở lọc dầu Dung Quất
Theo BSR, sáng ngày mùng Một Tết Nhâm Dần 2022 (tức ngày 01/02/2022), Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn đã nhập chuyến dầu thô cho nhà máy Lọc dầu Dung Quất tại phao rót dầu không bến một điểm neo (SPM).
“Đây là chuyến nhập dầu thô đầu tiên của năm Nhâm Dần 2022”, Lọc dầu Bình Sơn nhấn mạnh và cho biết, hơn 113.000 mét khối dầu thô đã được đưa về nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Theo lãnh đạo Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, hơn 113 nghìn m3 dầu thô từ mỏ Bạch Hổ (huộc bồn trũng Cửu Long, Bà Rịa – Vũng Tàu, đơn vị khai thác là Liên doanh Dầu khí Việt- Nga Vietsovpetro) đã được tàu chở dầu Apollo của Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí PVTrans cập phao SPM từ 7h30’ sáng.
Mỏ Bạch Hổ
Toàn bộ trữ lượng này sau đó được nhập dầu theo đường ống để bơm dầu cho nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong thời gian khoảng 24h.

Quy trình hoạt động của nhà máy Lọc dầu Dung Quất như thế nào?

Theo quy trình hoạt động của nhà máy Lọc dầu Dung Quất, dầu thô được nhập vào nhà máy lọc dầu để chế biến thông qua hệ thống phao rót dầu một điểm neo (SPM) có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải từ 80.000 đến 150.000 tấn (sau khi nâng cấp, mở rộng 300.000 tấn) và đường ống dẫn dầu từ phao đến khu bể chứa dầu thô dài khoảng 4,2km.
Dầu thô sẽ được bơm vào khu bể chứa dầu thô gồm 08 bể có dung tích bằng nhau mỗi bể là 65.000m3. Sau đó dầu thô tiếp tục được bơm vào tháp chưng cấp khí quyển có Công suất 140 ngàn thùng một ngày để tách thành các phân đoạn như: Gas, Naptha, Kerosen, Gas oil nặng và nhẹ và cặn khí quyển.
Việt Nam đánh giá nhà máy lọc dầu Dung Quất đang được “Gazprom Neft” quan tâm trị giá 2,7 tỷ dollar
Khí Gas được đưa đến phân xưởng chế biến Gas và thu hồi Propylene để cho ra khí hóa lỏng và Propylene đưa qua nhà máy Polypropylene để chế biến hạt nhựa Naptha được đưa đến các phân xưởng công nghệ để nâng cao chỉ số octan phối trộn xăng.
Trong khi đó, Kerosen được đưa đến phân xưởng xử lý kerosen để cho ra nhiên liệu phản lực Jet A1 và dầu hỏa, còn gas oil nặng và nhẹ được đưa đến các phân đoạn xử lý cho ra dầu diesel.
Cặn khí quyển được đưa đến phân xưởng xử lý để cho ra các sản phẩm: xăng, diesel, dầu nhiên liệu.
Được biết, toàn bộ các phân xưởng công nghệ và phụ trợ của Nhà máy được điều hành tại Nhà điều khiển trung tâm thông qua hệ thống điều khiển phân tán DCS hiện đại có chức năng điều khiển, giám sát, ghi nhận, lưu trữ và hiển thị dữ liệu về quá trình vận hành của nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Để phục vụ cho các phân xưởng công nghệ hoạt động, Lọc dầu Dung Quất hiện có 10 phân xưởng phụ trợ như nhà máy điện, các phân xưởng cung cấp khí nén và khí điều khiển, hóa chất, nước làm mát, nước cứu hỏa và nước sinh hoạt, khí nhiên liệu, dầu nhiên liệu, phân xưởng xử lý nước thải...
Các sản phẩm từ khu vực công nghệ được đưa đến chứa tại khu bể chứa trung gian, tại đây các sản phẩm được kiểm tra chất lượng và phối trộn với tỉ lệ hợp lý trước khi đưa ra khu bể chứa sản phẩm bằng đường ống dài khoảng 7 km.
PVN và Quân chủng Hải quân quyết giữ chủ quyền Việt Nam
Các sản phẩm của nhà máy được chứa trong 22 bể chứa thành phẩm và xuất bán bằng đường bộ và cảng xuất bằng đường biển để xuất bán tất cả các sản phẩm của Nhà máy.
Cảng xuất sản phẩm bằng đường biển đặt trong vịnh Dung Quất cách Khu bể chứa sản phẩm khoảng 3 km. Cảng xuất sản phẩm bằng đường biển xuất các sản phẩm qua 6 bến xuất cho tàu có trọng tải từ 1.000 đến 30.000 tấn.
Công suất chế biến của Lọc dầu Dung Quất là 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, tương đương 148.000 thùng/ngày. Sau khi hoàn thành nâng cấp mở rộng đạt 8,5 triệu tấn dầu thô/năm, tương đương 192.000 thùng/ngày.
Nguyên liệu ở giai đoạn 1, Lọc dầu Dung Quất chế biến 100% dầu thô Bạch Hổ - Việt Nam (hoặc dầu thô tương đương). Giai đoạn 2 sẽ thực hiện chế biến dầu chua.

Bảo đảm sự vận hành liên tục cho Lọc dầu Dung Quất

Sau 24 giờ thao tác kỹ thuật trên biển, sáng nay ngày 2/2 (tức mùng Hai Tết Nhâm Dần), các chuyên gia, kỹ sư của BSR đã hoàn tất việc bơm 113.000 m3 dầu thô từ phao SPM vào bồn, bể chứa nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Trưởng ban Quản lý Cảng biển Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, các cán bộ, nhân viên – chuyên gia kỹ sư được phân công phối hợp công việc nhịp nhàng. Do đặc thù công việc nên họ đón Giao thừa ngay tại cảng nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
“Chuyến nhập dầu thô đầu năm mới có tổng cộng 18 anh em trực. Công tác nhập dầu đã được chuẩn bị từ 3 ngày trước để phân công phối hợp công việc, hạn chế rủi ro một cách kỹ lưỡng nhất”, Trưởng ban Quản lý Cảng biển nhà máy Lọc dầu Dung Quất cho hay.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, một số cán bộ kỹ sư, chuyên gia đã trực ở đây từ ngày hôm trước và đón giao thừa chào năm mới tại cảng của NMLD Dung Quất.
PVN lý giải vì sao nhà máy lọc dầu Nghi Sơn thua lỗ
“Ban Quản lý Cảng biển xác định đây là công việc quan trọng của các cán bộ nhân viên, giúp đảm bảo sự vận hành liên tục cho nhà máy Lọc dầu Dung Quất, công trình trọng điểm dầu khí quốc gia”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo đại diện BSR, điều kiện thời tiết đầu xuân thuận lợi nên chuyến nhập dầu thô đầu tiên đến vịnh Việt Thanh, khu kinh tế Dung Quất - về nhà máy Lọc dầu Dung Quất được thực hiện nhanh chóng, không gặp bất cứ khó khăn gì.
“Chuyến nhập dầu thô đầu năm mới Nhâm Dần đã được diễn ra trong thời tiết mát mẻ, thuận lợi, góp phần vào sự thành công trong quá trình nhập dầu và vận hành nhà máy (Dung Quất) ổn định, an toàn, liên tục”, BSR nêu rõ.

Lọc dầu Dung Quất lãi kỷ lục

Hồi đầu tháng 1/2022, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, chủ đầu tư nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã có báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh năm 2021 với mức lãi kỷ lục.
Theo đó, năm qua, nhà máy Dung Quất đạt sản lượng sản xuất đạt 6,5 triệu tấn, doanh thu ghi nhận 100.694 tỷ đồng, tăng gần 74% so với năm 2020.
Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ước đạt 6.026 tỷ đồng, cao nhất kể từ sau cổ phần hóa và cải thiện nhiều so với mức lỗ 2.812 tỷ đồng năm ngoái. Đơn vị đã nộp ngân sách nhà nước đạt 10.933 tỷ đồng và đóng góp khoảng 46% ngân sách cho tỉnh Quảng Ngãi.
Việt Nam bơm tiền cho nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn
Trong dịp Tết Nguyên đán này, được biết, có khoảng 600 chuyên gia, kỹ sư, công nhân của nhà máy luân phiên trực hai ca tại công trường.
Đồng thời, sau khi nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa lâm vào tình trạng khó khăn, Lọc dầu Dung Quất đã tăng công suất vận hành lên 103% nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước.
Trong hai ngày 4/2 và 5/2 tới đây, tức mùng 5 và 6 Tết Nguyên đán, Lọc dầu Dung Quất sẽ tiếp tục nhập thêm hai chuyến dầu thô trữ lượng khoảng 180.000 tấn về xử lý.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất
Theo chia sẻ của anh Phạm Viết Tường, Trưởng ca Tàu dầu - Ban Quản lý Cảng biển BSR), đây là năm thứ 4 anh trực Tết tại cảng nhà máy Lọc dầu Dung Quất và đón giao thừa chào năm mới tại đây.
Anh Tường cũng như hàng trăm cán bộ, nhân viên đang thay phiên nhau trực Tết ở nhà máy luôn tâm niệm rằng, BSR là ngôi nhà thứ 2 nên dù không được cùng gia đình để đón giao thừa, họ vẫn cảm thấy ấm áp với sự quan tâm của lãnh đạo Công ty, lãnh đạo Ban.
“Đặc biệt là các anh em cùng ca trực luôn động viên nhau để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần vào sự thành công chung của nhà máy Lọc dầu Dung Quất”, anh Phạm Viết Tường bày tỏ.

Chống găm hàng xăng dầu sau khi Nghi Sơn cắt giảm công suất

Như Sputnik đã thông tin, Bộ Công Thương, PVN và các cơ quan ban ngành của Việt Nam đã tìm nhiều giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn đọng liên quan đến nhà máy lọc dầu lớn nhất cả nước – Lọc dầu Nghi Sơn, Tĩnh Gia, Thanh Hóa.
Theo cập nhật từ Bộ Công Thương, thời gian gần đây trước diễn biến thông tin về việc Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn - Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất dẫn đến việc giảm nguồn cung xăng dầu tại thị trường trong nước, trên thị trường xuất hiện tình trạng một số đơn vị kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu găm hàng, tạo khan hiếm hàng.
Trước bối cảnh đó, Bộ Công Thương nhanh chóng áp dụng nhiều biện pháp cấp thiết, đảm bảo nguồn cung xăng dầu và tránh tác động đến người dân.
“Để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo.
Chuyện gì đang xảy ra ở Nghi Sơn - nhà máy lọc dầu lớn nhất của Việt Nam?
Theo đó, lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu theo các loại hình trên địa bàn để kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.
“Tiến hành xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định đồng thời giám sát chặt chẽ các cửa hàng xăng dầu đã bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu”, lãnh đạo Bộ Công Thương biện pháp xử lý mạnh tay.
Đồng thời, kịp thời kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép theo quy định cũng như thực hiện giám sát chặt chẽ các đơn vị đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu, không để tình trạng đầu cơ, găm hàng xăng dầu ngày Tết xảy ra.
Thảo luận