PVN lý giải vì sao nhà máy lọc dầu Nghi Sơn thua lỗ
© Dịch vụ báo chí của Tòa thị chính Moskva
/ Đăng ký
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã lên tiếng phản hồi về việc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Tĩnh Gia, Thanh Hóa hết tiền, cạn vốn, cắt giảm công suất sản xuất và có nguy cơ phải đóng cửa, ngừng hoạt động.
Theo PVN hay Petrovietnam, Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (tức NSRP) “phải chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm nhập khẩu dầu thô và vận hành nhà máy”.
Tổng Công ty dầu Việt Nam (PVOIL) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết sẽ tăng nhập khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu nếu nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ngừng hoạt động ngày 13/2 tới đây.
Thông báo chính thức của PVN về tình hình nhà máy lọc dầu Nghi Sơn
Ngày 26/1, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN – Petrovietnam) đã ra thông cáo chính thức liên quan đến tình hình hoạt động đáng báo động của nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam - Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa.
Theo đó, như Sputnik đã thông tin đến bạn đọc trước đó, Nghi Sơn - nhà máy lọc hóa dầu lớn nhất Việt Nam (gần gấp đôi công suất nhà máy lọc dầu Dung Quất), đối mặt với khó khăn tài chính, thiếu vốn, cạn kiệt tiền và đối mặt nguy cơ phải dừng hoạt động, đóng cửa ngay trong tháng sau nếu không có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Nhà máy hóa dầu chiếm đến 35 tổng nguồn cung xăng dầu ra thị trường Việt Nam liên tục ở trong tình trạng ‘ế, lỗ’, gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình hoạt động, và vào tuần trước đã phải ngừng nhập dầu thô từ Kuwait do thiếu vốn trầm trọng và ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 gây ra tình trạng khủng hoảng.
Trước bối cảnh này, phía PVN làm rõ một số thông tin được dư luận và truyền thông phản ánh về tình trạng hoạt động của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn hay Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP).
PVN nhắc lại việc dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã chính thức đi vào vận hành thương mại từ ngày 14/11/2018 và đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của Chủ đầu tư.
“Đến nay, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang hoạt động tương đối ổn định, sản xuất và xuất bán các sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường”, PVN cho biết.
Như Sputnik đề cập, Việt Nam hiện đang sở hữu hai nhà máy lọc dầu đảm bảo sản xuất phần lớn nhu cầu nhiên liệu, tiêu dùng xăng dầu trong nước.
Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn có công suất chế biến 200.000 thùng dầu thô Kuwait mỗi ngày. Ngoài Nghi Sơn, nhà máy lọc dầu hàng đầu khác của Việt Nam là Dung Quất có thể xử lý đến 148.000 thùng dầu thô/ngày.
PVN nhắc về sự tham gia của mình trong dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn cho biết, Công ty TNHH Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn (NSRP) (liên danh), được thành lập vào tháng 4/2008 do bốn thành viên góp vốn.
Các bên góp vốn ở Nghi Sơn gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (tức PVN hay Petrovietnam), công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPE), Công ty Idemisui Kosan Nhật Bản (IKC) và công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI), trong đó tỷ lệ góp vốn sở hữu của PVN là 25,1%.
Cũng theo thông cáo chính thức của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVN với vai trò nước chủ nhà, đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo các cam kết.
“Petrovietnam còn liên tục có nhiều văn bản, ý kiến đóng góp nhằm thúc đẩy tiến độ dự án (nhà máy lọc dầu Nghi Sơn), cải thiện công tác quản lý quản trị nhằm tăng hiệu quả hoạt động của NSRP”, PVN khẳng định.
Vì sao lọc dầu Nghi Sơn sản xuất kinh doanh thua lỗ?
Trong thông cáo phát ngày 26/1/2022, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nêu ra hàng loạt lý do vì sao nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chưa đem lại hiệu quả kinh tế như mong đợi.
Trước đó, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn từng được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, những gì đang xảy ra hiện nay cho thấy một thực tế “phũ phàng” khác.
Theo lý giải của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, do dự án nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn được đưa vào vận hành thương mại trong bối cảnh toàn thế giới có xu thế dịch chuyển nguồn năng lượng mạnh mẽ.
Điển hình như xu hướng chuyển dịch từ điện than sang năng lượng tái tạo, thay thế động cơ đốt trong bằng động cơ điện nên nhu cầu xăng dầu giảm. Ngoài ra, thị trường biến động bất lợi, biên lợi nhuận chế biến của ngành lọc dầu giảm mạnh.
Bên cạnh đó, tác động của dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng lớn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn thời gian qua.
“Bên cạnh đó, công tác quản trị của Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn do phía nước ngoài điều hành còn nhiều bất cập cũng đã góp phần vào các khó khăn về tài chính hiện nay của NSRP”, PVN thẳng thắn.
Do đó, theo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, việc tái cấu trúc tổng thể nhà máy lọc dầu Nghi Sơn là “nhu cầu cần thiết và cấp bách”.
“Petrovietnam đang trong giai đoạn đàm phán với các bên góp vốn nước ngoài về nội dung tái cấu trúc tổng thể NSRP”, PVN nêu.
PVN “đang nỗ lực đàm phán” vụ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam dẫn lại thông tin rằng, trong thời gian gần đây, có tin về việc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn phải hủy nhập 2 tàu dầu thô trong tháng 01/2022.
Cùng với đó, Lọc dầu Nghi Sơn phải đối diện với nguy cơ dừng hoạt động vào ngày 13/02/2022 do khó khăn nghiêm trọng về tài chính bắt nguồn từ việc PVN chưa phê duyệt gia hạn thỏa thuận (RPA) và thanh toán sớm (EP) Hợp đồng FPOA.
Tuy nhiên, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khẳng định, thực chất theo Điều lệ Công ty, Ban điều hành nhà máy lọc dầu Nghi Sơn “phải chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh”, bao gồm công tác nhập dầu thô và công suất vận hành Nhà máy…
PVN đánh giá, việc Lọc dầu Nghi Sơn tự ý hủy nhập 2 chuyến tàu dầu thô dẫn đến nguy cơ dừng hoạt động Nhà máy là hoàn toàn thuộc phạm vi trách nhiệm của Ban điều hành Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn.
“Không liên quan tới việc phê duyệt gia hạn RPA và EP (của Petrovietnam – PV)”, PVN nêu rõ.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng khẳng định, các vấn đề về RPA và EP là các nội dung nằm trong phương án tái cấu trúc tổng thể NSRP và đang trong quá trình đàm phán.
“Petrovietnam đang nỗ lực đàm phán, thuyết phục và thống nhất với các bên góp vốn nước ngoài về giải pháp tái cấu trúc tổng thể NSRP nhằm duy trì hoạt động an toàn, hiệu quả Công ty cũng như đảm bảo quyền lợi của PVN và phía Việt Nam”, thông cáo của Tập đoàn Dầu khí khẳng định.
Petrolimex và PVOIL sẽ tăng nhập khẩu xăng dầu
Hai ông lớn xăng dầu trên thị trường Việt Nam là Petrolimex và PVOIL khẳng định sẽ tăng nhập khẩu xăng dầu nếu Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn phải đóng cửa, ngừng hoạt động vào tháng 2 tới.
Cụ thể, khẳng định với báo chí, đại diện hai doanh nghiệp nắm giữ thị phần xăng dầu lớn nhất Việt Nam là Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOIL) đang khẩn trương có các phương án, giải pháp tìm cách bù vào sản lượng thiếu hụt sản phẩm xăng dầu nếu lọc dầu Nghi Sơn phải ngừng hoạt động theo thông báo vào ngày 13/2/2022.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), doanh nghiệp đang chiếm khoảng 50% thị phần trong nước, cho biết, biết nguồn xăng dầu đến từ hai nhà máy lọc dầu trong nước chiếm tỷ trọng khoảng 60% trong cơ cấu nguồn cung xăng dầu của Petrolimex ở thời điểm hiện tại.
© Ảnh : Trần Việt - TTXVNMua bán xăng, dầu tại cửa hàng kinh doanh xăng dầu của Petrolimex
Mua bán xăng, dầu tại cửa hàng kinh doanh xăng dầu của Petrolimex
© Ảnh : Trần Việt - TTXVN
Đại diện Petrolimex nêu, theo hợp đồng đã ký cho năm 2022, Petrolimex tiếp nhận mỗi tháng khoảng 235.000 - 265.000 m3 xăng dầu/tháng từ Nhà máy Nghi Sơn thông qua doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm của Lọc dầu Nghi Sơn là PVNDB.
Vậy nên, Petrolimex khẳng định, bên cạnh việc yêu cầu PVNDB có nghĩa vụ mua bổ sung nguồn hàng thay thế theo quy định của Nghị định 95/2021/NĐ-CP nếu cung ứng thiếu so với hợp đồng, Petrolimex sẽ khẩn trương làm việc với các đối tác nước ngoài để nhập khẩu xăng dầu, bù đắp sản lượng xăng dầu thiếu hụt.
“Trong trường hợp cần thiết, Petrolimex cũng sẽ sử dụng lượng xăng dầu dự trữ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của thị trường”, phía Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam khẳng định.
Trong khi đó, về phần mình, Tổng Công ty dầu Việt Nam (PVOIL), đơn vị cũng xác nhận sẽ có phương án ứng phó trong trường hợp Lọc dầu Nghi Sơn phải đóng cửa. Theo Chủ tịch PVOIL Cao Hoài Dương chia sẻ với TTXVN cho biết, trong trường hợp Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn ngừng hoạt động, PVOIL sẽ tăng cường nhập khẩu từ các đối tác nước ngoài uy tín với mức giá hợp lý nhất để bù vào phần sản lượng thiếu hụt.
Theo ông Dương, trong điều kiện bình thường, PVOIL sẽ nhập khoảng 30% sản lượng xăng dầu từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, khoảng 45% từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và phần còn lại là nhập khẩu từ các đối tác nước ngoài.
Ngoài phương án nhập, theo quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP, ông Dương nhấn mạnh, PVOIL luôn đảm bảo tỷ lệ dự trữ xăng dầu là 20 ngày cung ứng.
“Vì vậy, với thị phần trong nước chiếm khoảng 18%, PVOIL luôn đảm bảo đủ lượng xăng dầu đáp ứng nhu cầu thị trường trước, trong và sau Tết nguyên đán Nhâm Dần”, lãnh đạo PVOIL nêu.
Bộ Công Thương nói gì về vụ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn?
Với vốn đầu tư 9 tỷ USD, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn nằm trong Khu kinh tế mở Nghi Sơn huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Sản phẩm chủ yếu là khí hoá lỏng LPG, xăng, diesel, dầu hoả/nhiên liệu máy bay…
Hôm 19/1/2022, Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn đã công văn số 126/NSRP- HPR gửi Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá thông báo sẽ phải ngừng hoạt động hoàn toàn vào ngày 13/2/2022 “nếu tình hình tài chính không được cải thiện”.
“NSRP đang phải đối mặt với khó khăn nghiêm trọng về tài chính do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chưa phê duyệt gia hạn Thỏa thuận hỗ trợ tài chính thanh toán tiền dầu thô (RPA) và Hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhiên liệu (FPOA) giữa PVN và NSRP”, theo văn bản của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Về vấn đề này, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã làm việc với Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) và có văn bản gửi các sở công thương, một số doanh nghiệp, thương nhân phân phối xăng dầu trong nước.
“Bộ cũng đã yêu cầu NSRP báo cáo về kế hoạch nhập khẩu nguyên liệu, kế hoạch sản xuất như đã đăng ký”, ông Đông nói.
Cùng với đó, theo đại diện Bộ Công Thương, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cũng phải báo cáo tiến độ, kế hoạch và tiến độ giao hàng các hợp đồng đã ký với các thương nhân đầu mối xăng dầu, để không xảy ra chuyện ngừng sản xuất mà không thực hiện hợp đồng, ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu trong nước.
“Doanh nghiệp đang chịu áp lực về tài chính, nhưng họ cần tính toán cân đối chi phí giữa được và mất khi dừng sản xuất và tiếp tục vận hành. Đơn vị này đang chiếm 35% tổng nguồn cung xăng dầu trong nước”, Vụ trưởng Trần Duy Đông cho hay.
Về phần các thương nhân đầu mối xăng dầu khác, Bộ Công Thương đã yêu cầu có kế hoạch nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung, duy trì xăng dầu trong hệ thống để bán hàng liên tục, phục vụ sản xuất, tiêu dùng.
Trước các lo ngại thiếu nguồn cung xăng dầu hay không trong thời gian tới, Vụ Thị trường trong nước nhấn mạnh, Bộ Công Thương có trách nhiệm trong việc đảm bảo nguồn cung thị trường trong nước. Bộ Công Thương cũng sẽ có chỉ đạo để doanh nghiệp thực hiện nghiêm vấn đề này.
“Việc đột ngột cắt đơn hàng của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn là không đúng thông lệ quốc tế. Hiện các bên đã đàm phán chốt để đưa hàng về kịp thời”, ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Như tuyên bố mà các bên đưa ra, có thể thấy, việc “cứu” Lọc dầu Nghi Sơn ra khỏi tình trạng khủng hoảng không phải chuyện đơn giản, có thể làm trong một sớm, một chiều. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng trong nước, đầu mối là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia PVN, Bộ Công Thương cũng như các doanh nghiệp chiếm thị phần xăng dầu lớn nhất tại Việt Nam đều nỗ lực giải quyết vấn đề xung quanh nguy cơ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn bị đóng cửa.
Tất cả đang cố gắng để đảm bảo trong bất kỳ tình huống nào cũng sẽ đáp ứng nhu cầu của người dân, khách hàng với các phương án mua trong nước hay nhập khẩu theo tỷ lệ thị trường nắm giữ, tránh gây ra tình trạng khủng hoảng, khan hàng hay đẩy giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào, giá cả hàng hóa lên cao.