Trong ngày vía Thần Tài đầu năm, các gia đình thường đi mua vàng để tích trữ cũng như để cầu cho một năm nhiều tài lộc. Tuy nhiên, theo chuyên gia văn hóa, phong tục này hiện tồn tại chủ yếu ở các đô thị chứ không mấy phổ biến ở nông thôn.
Sự tích ngày vía Thần Tài
Ngày vía Thần Tài thể hiện mong ước của người dân muốn “lấy vía” của vị Thần tài để phù hộ cho gia đình có một năm làm ăn sung túc, may mắn.
Năm nay, ngày vía Thần Tài nhằm mùng 10 tháng Giêng âm lịch, tức ngày 10 tháng 2 năm 2022.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Thạc sĩ văn hoá và giáo dục, nghệ nhân dân gian Văn hoá tâm linh Việt Nam cho biết, nguồn gốc của vị thần tài lộc này có nhiều phiên bản khác nhau. Trong đó, nổi tiếng nhất là sự tích ngày vía Thần Tài mùng 10 tháng giêng âm lịch.
Theo đó, trong một lần uống rượu say, Thần Tài trên Thiên đình xảy chân ngã xuống trần gian và va đầu vào đá nên nằm mê man bất tỉnh. Sáng ra, mọi người thấy một người ăn mặc như diễn tuồng thì lấy làm lạ và tưởng ngài bị điên.
Quần áo của ông cũng bị kẻ xấu lột sạch và đem đi bán. Thần Tài tỉnh dậy không có quần áo trên người và do bị va đầu nên không nhớ mình là ai. Ông phải lang thang đi xin ăn khắp nơi.
May thay, ông gặp được một gia đình chủ quán chuyên bán gà quay, heo quay tốt bụng cho ăn. Trước đó, quán không có khách nhưng từ khi ông ăn xin đến thì bỗng dưng đông khách.
Sau một thời gian làm ăn phát đạt, thấy ông ăn xin chỉ ăn mà không làm gì, người lại dơ bẩn nên chủ quán lại đuổi ông đi. Từ đó quán bỗng vắng vẻ trở lại.
Thấy vậy, quán đối diện lại mời ông ăn xin về ăn. Cũng như lần trước, mọi người lại ùn ùn kéo đến ăn quán này rất đông.
Mọi người thấy vậy nên ai cũng ra sức mời cho bằng được Thần Tài đến hàng quán của mình ăn để được may mắn, từ đó có câu "Thần Tài gõ cửa".
Người dân thấy Thần Tài không có quần áo mặc nên đưa ông đi mua lại quần áo. Đến khi tìm được cửa hàng nơi quần áo ông bị bán, sau khi mặc lại cân đai áo mão thì Thần Tài bỗng nhớ lại mọi chuyện trước kia và bay về trời.
Mọi người thấy vậy liền lập bàn thờ, tôn thờ hóa thân Thần Tài là một người lang thang ăn xin quần áo rách rưới.
Ngày Thần Tài bay về trời chính là ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch. Từ đó, cứ đến ngày này là mọi người lại tổ chức lễ vía Thần Tài.
Phong tục ngày vía Thần Tài
Ông Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo, trường ĐH KHXH&NV (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết người Việt thờ Thần Tài nhằm cầu mong tài lộc cho gia đình, cũng nhưng mong ước có cuộc sống sung túc, giàu có, thịnh vượng.
Ở miền Nam bộ, Thần tài được thờ chung với ông Địa, đặt ở dưới đất trong nhà nhìn ra cửa chính. Tượng Thần Tài được khắc họa là một ông già ngồi trên ngai vàng, tóc trắng râu dài, mặc áo gấm thắt đai ngọc, một tay cầm gậy, một tay cầm những thỏi vàng.
Dân gian quan niệm, vào ngày vía Thần Tài nếu đi mua vàng thì sẽ nhận được tài lộc, thu hút nhiều sự may mắn trong suốt cả năm.
Vì thế, cứ vào mùng 10 tháng Giêng âm lịch là nhiều người lại đổ xô đi mua vàng, vừa để tích trữ, vừa để cầu tài lộc cho năm mới.
Tại TP.HCM, ở một số tiệm vàng lớn, người dân còn phải xếp hàng chờ tới lượt mới mua được miếng vàng như ý.
Tuy vậy, theo ông Lộc, thói quen mua vàng ngày vía Thần Tài chủ yếu có ở những nơi đô thị, thành phố lớn chứ chưa phổ biến ở nông thôn.
"Ở vùng nông thôn, việc mua vàng trong ngày vía Thần tài chưa phổ biến. Trong đời sống hằng ngày, người Việt cũng thói quen tích trữ vàng trong gia đình như của để dành nên đi mua vàng ngày vía Thần tài, vừa là để dành của cải, vừa để lấy lộc, lấy hên đầu năm", ông Lộc cho biết.
Ngoài ra, trong ngày này, nhiều người còn đi mua các đồ phong thủy để trưng bày trong nhà hoặc biếu tặng như đá phong thuỷ, cóc ngậm tiền,…
Nhiều người thắc mắc mua vàng cầu may vào ngày vía Thần Tài sau có nên bán hay không?
© Ảnh : vietnamnet
Những điều kiêng kỵ cần lưu ý vào ngày vía Thần Tài
Trước hết, để thể hiện sự tôn kính, cần lưu ý không đặt ban thờ Thần Tài ở gần những nơi không sạch sẽ như nhà vệ sinh, nhà tắm, nhà bếp hay nơi phơi đồ… Cũng không nên đặt ban thờ Thần Tài ở lối đi lại.
Nên kiêng đặt ban thờ Thần Tài nhìn ra hướng Ngũ Quỷ là hướng Đông Bắc, hướng Tây Nam.
Dân gian còn cho rằng không nên dùng bóng đèn điện hay đèn nháy để thay cho nến hay đèn dầu do đèn điện có thể sinh ra những trường khí không tốt.
Khi cúng vía Thần Tài, gia chủ nên mặc quần áo nghiêm túc, chỉnh tề. Cần tránh các trang phục xuề xòa, luộm thuộm.
Vào ngày vía Thần Tài, nên hạn chế không gây gổ, cãi vã, đánh nhau, không được nói bậy, chửi tục.
Trong ngày vía, cần tránh đem lộc cúng vía Thần Tài cho người ngoài sau khi thắp hương cúng lễ. Dân gian quan niệm, nếu mang lộc trong ngày vía Thần Tài đem chia cho người ngoài thì sẽ bị “tán lộc”, khiến cho tiền tài của cải dễ bị thất thoát trong năm mới.
Để giữ tài lộc cho gia đình, sau khi cúng lễ xong người ta còn cất đi muối gạo trên ban thờ, còn nước thì hắt từ ngoài vào trong mình, với mong muốn lộc tài chỉ đi vào chứ không đi ra.
Về đồ cúng Thần Tài, gia chủ nên sử dụng hoa quả tươi, có nụ, có hương thơm, không sử dụng hoa quả giả. Đồ cúng trên ban thờ phải được lau dọn thường xuyên trong năm chứ không phải đến ngày cúng mới đem ra lau.
Tại một số địa phương, người dân còn mua cá lóc nướng hay thịt quay để cúng Thần Tài. Ở Nam bộ, có nhà còn cúng thêm đĩa tam sên (gồm 1 miếng thịt heo luộc, trứng luộc và tôm luộc).