Kiêng kỵ ngày Tết ở Việt Nam và tuổi nào hợp xông đất năm Nhâm Dần 2022?
© Ảnh : Thanh Tùng - TTXVNHình tượng Hổ tượng trưng cho năm Nhâm Dần được trang trí tại khu vực hồ Hoàn Kiếm
© Ảnh : Thanh Tùng - TTXVN
Đăng ký
Longread
Những điều kiêng kỵ ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cần biết để tránh gặp xui xẻo, vận đen, cầu điều may lành, hạnh phúc “vạn sự như ý” trong tín ngưỡng văn hóa dân gian người Việt. Nên làm gì và không nên làm gì vào những ngày Tết?
Chuyên gia văn hóa, phong thủy, tử vi huyền học cũng gợi ý một số tuổi hợp để xông đất đầu năm Nhâm Dần 2022. Trong khi đó, các chuyên gia y tế và dinh dưỡng lưu ý người dân kiêng ăn gì, không nên ăn uống những loại thực phẩm nào vào dịp nghỉ Tết để tránh hại đến sức khỏe.
Kiêng kỵ trong năm mới: Tết không nên làm gì?
Dù chưa được kiểm chứng nhưng nhiều người Việt vẫn giữ niềm tin về những điều kiêng kỵ ngày Tết như: kiêng quét nhà, kiêng cho lửa, kiêng làm vỡ đồ... để tránh gặp những điều không may trong năm mới.
Theo các chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân tộc, dù vẫn biết những tập tục đó có đôi chỗ phi lý nhưng phần lớn người dân vẫn quan niệm "đầu xuôi đuôi lọt" và "có thờ có thiêng, có kiêng có lành".
Những tập tục này đều đã có từ lâu đời, được truyền tai nhau qua bao nhiêu thế hệ. Tết Nguyên Đán là những ngày đầu tiên của năm mới, vậy nên người ta cho rằng nếu đầu năm làm những điều tốt đẹp thì cả năm sẽ gặp may mắn, suôn sẻ, thuận lợi.
Dưới đây là những điều kiêng kỵ nên tránh trong dịp Tết Nguyên đán ở Việt Nam:
Đầu tiên phải kể đến tục kiêng quét nhà, đổ rác trong ngày Tết. Người ta cho rằng, nếu quét nhà ngày đầu năm thì cũng ví như quét đi luôn mọi điều may mắn, tài lộc ra khỏi cửa. Do đó, việc dọn dẹp, tổng vệ sinh nhà cửa thường được làm từ trước đó cho đến ngày cuối cùng của năm Âm lịch.
© Depositphotos.com / Lev DolgachovQuét nhà
Quét nhà
© Depositphotos.com / Lev Dolgachov
Khi sang đến 3 ngày Tết, nếu cần quét dọn thì người ta thường dồn rác vào một góc nhà, để đến hôm hóa vàng, cúng hết Tết thì mới đổ số rác này.
Thậm chí, một số gia đình ở miền Nam sau khi tổng vệ sinh ngày 30 Tết sẽ cất hết chổi để tránh quét nhà hoặc tránh mất chổi, vì họ cho rằng đầu năm mất chổi thì trong năm sẽ mất của cải.
Kiêng cho nước, lửa. Ở Việt Nam, quan niệm dân gian cho rằng lửa mang lại may mắn đầu năm nên chỉ đi xin chứ không cho. Nước cũng được ví như tài lộc nên cũng cần kiêng cho nước 3 ngày đầu năm vì sợ hao tiền tài, mất lộc. Cũng vì vậy mà nhiều người Việt vẫn theo phong tục đến đình, chùa để xin “lộc” với hy vọng cả năm gặp được nhiều may mắn.
Tiếp đó là quan niệm kỵ tang ma. Trong ngày Tết, những người đang chịu tang thường kiêng đi chúc Tết các gia đình khác. Người ta quan niệm, người đang có tang đi chúc Tết sẽ mang lại điều không may cho người khác, nên thường nhà nào có tang chỉ ở nhà đón khách đến chúc Tết.
Trường hợp có người mất vào ngày giáp Tết, các gia đình thường cố gắng lo hậu sự hoàn tất ngay trong năm cũ, tránh kéo dài qua ngày đầu năm. Có những gia đình mà người thân mất vào ngày mồng 1 Tết thì hoãn đến mồng 2 mới phát tang.
Tiếp đó là kiêng cho vay mượn tiền bạc đầu năm. Dân gian cho rằng ngày đầu năm mà cho mượn tiền hoặc đi trả nợ thì cũng tựa như dâng tài lộc của cả năm vào tay người khác nên rất kiêng cữ chuyện vay mượn tiền bạc ngày đầu năm.
© AFP 2023 / Hoang Dinh NamTiền đồng Việt Nam
Tiền đồng Việt Nam
© AFP 2023 / Hoang Dinh Nam
Ngày Tết, người ta còn phải chú ý kiêng làm vỡ đồ đạc, chén bát, ly tách bởi họ cho đây điềm xui, báo hiệu sự rạn nứt, bất hòa trong năm mới. Chuyện ly chén bể gần như luôn được cho là điều không may trong suốt cả năm, không riêng ngày Tết.
Trong những ngày đầu năm mới, người ta còn kiêng nói to, cãi nhau ồn ào lớn tiếng. Đây là dịp để cả gia đình sum họp, quây quần bên nhau nên rất cần bầu không khí đầm ấm, hạnh phúc. Do vậy, dù có thế nào thì mấy ngày Tết cũng phải vui vẻ, hồ hởi và thân mật với mọi người.
© Depositphotos.com / ImtmphotoNgười đàn ông và người phụ nữ đang cãi nhau
Người đàn ông và người phụ nữ đang cãi nhau
© Depositphotos.com / Imtmphoto
Không thiếu gạo. Trong phong thuỷ, những vật dùng để chứa, đựng đều mang vận may và có ý nghĩa tốt lành nên không được để trống rỗng hay gần hết vào những ngày Tết. Do đó, rất nhiều các bà nội trợ Việt Nam trước đêm giao thừa thường đổ đầy hũ gạo để tránh những điều xui xẻo và mong muốn gia đình có một năm no đủ, kinh tế dồi dào.
Về trang phục, người xưa cũng tránh mặc quần áo màu trắng hoặc đen bởi quan niệm đây là màu của tang ma. Ngày Tết phải tươi vui, náo nhiệt nên nhiều người hay chọn mặc đồ có màu rực rỡ như màu đỏ, màu xanh, hồng.
Dù vậy, cuộc sống hiện đại ngày nay hướng tới sự giản, cũng như gu thẩm mỹ đã có nhiều thay đổi nên thời gian gần đây nhiều người vẫn chọn màu trắng và màu đen là hai màu vừa lịch sự, vừa không kén người mặc.
Bên cạnh đó, còn một số điều kiêng kỵ khác như kiêng xuất hành vào ngày mồng 5, kiêng từ chối ăn uống khi đi chúc Tết, kiêng khóc lóc, buồn rầu…
Những món ăn nào không nên ăn dịp Tết?
Ngoài ra, người Việt còn kiêng một số món ăn vào dịp Tết như thịt chó, thịt vịt, chuối, trứng vịt lộn. Người ta cho rằng những món ăn này gắn với những điều không may nên thậm chí còn kiêng ăn chúng vào những ngày đầu tháng âm lịch trong năm.
Người Việt kiêng ăn thịt chó vì theo quan niệm dân gian thịt chó có tác dụng giải đen nên chỉ được ưa chuộng vào cuối tháng. Đồng thời, người Việt đầu năm thường kiêng kỵ món này để tránh xui xẻo, đen đủi.
Cũng như thịt chó, người Việt (chủ yếu là người dân miền Bắc và miền Trung) thì đều kiêng ăn vào ngày đầu tháng. Lý do là vì loài gia cầm này mang ý nghĩa “tan đàn, xẻ nghé” nên cũng giống như thịt chó món này chỉ “đắt hàng” vào cuối tháng để giải hạn.
Về kiêng ăn chuối, trong miền nam, do phát âm từ "chuối" hơi giống "chúi" mang ý "chúi nhủi", ý chỉ sự thất bại, đi xuống hoặc “trượt vỏ chuối” nên người ta kiêng kỵ.
Trong khi đó, nếu người miền Bắc kiêng ăn trứng vịt lộn đầu tháng thì nhiều người miền Nam lại cho đây là món “giải xui”.
Nhiều người Việt cũng kiêng ăn mực. Cụ thể, trong quan niệm của nhiều người, mực tuy là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng nhưng nó còn mang ý nghĩa cho sự đen đủi. Nếu sử dụng loại hải sản này chế biến các món ăn cho ngày đầu năm thì cả tháng, cả năm đó sẽ gặp vận xui. Ngoài ra, những người đi xa, chuẩn bị thi cử, mở hàng, khai trương cũng thường kiêng kỵ ăn mực.
Kiêng ăn tôm. Người miền Nam đa số sẽ không ăn tôm vào bữa cơm đầu năm, đầu tháng. Tôm vốn có đầu to, di chuyển giật lùi nên họ cho rằng ăn tôm vào thời điểm này sẽ chỉ lùi chứ không tiến. Mọi công việc bị đình trệ, không thể phát triển. Bên cạnh đó, đầu tôm chứa chất bẩn nên dân quan niệm ăn vào sẽ khó giữ đầu óc thông suốt.
© Depositphotos.com / Xalanx Cơm tôm sốt
Cơm tôm sốt
© Depositphotos.com / Xalanx
Kiêng ăn cá mè. Theo quan niệm của một số người, bản chất cá mè trong dân gian được đánh giá thấp hèn và có câu ca dao “Cá mè một lứa” để ám chỉ việc này.
Đồng thời, ăn cá mè năm mới sẽ khiến bạn làm việc gì cũng không được tín nhiệm và rất đen đủi. Thêm nữa, cá mè còn rất tanh và nhiều xương nên ăn vào cả năm sẽ không được thơm tho, mọi chuyện dễ bị khúc mắc, khó giải quyết.
Kiêng sầu riêng. Do cái tên “sầu riêng” nên người Việt cũng tránh ăn sầu riêng để mong không phải buồn rầu, phiền não, lẻ loi, không mấy tốt đẹp cho không khí ngày Tết cổ truyền.
Không ăn mắm tôm. Do mắm tôm vốn nặng mùi nên sẽ mang lại xui xẻo cho người ăn. Đồng thời, vào dịp đầu tháng và đầu năm, nhiều người dân đặc biệt là người miền Bắc kiêng ăn loại mắm này.
Đáng chú ý, nếu ai đó đi lễ đình, chùa, đền, miếu… hay những nơi thiêng liêng họ cũng tránh xa vì sợ ô tạp, hôi hám ảnh hưởng đến thần linh.
Ở góc nhìn khoa học, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, cần tránh các thức ăn nhiều đường, độc hại như nước ngọt có gas, mứt kẹo, ô mai.
Ông Hưng cho biết, trên bàn mời khách của các gia đình ngày Tết đều có bánh mứt, nước ngọt, kẹo. Tuy nhiên, thực tế, những sản phẩm trên nếu rõ nguồn gốc ràng, đảm bảo an toàn và ăn điều độ thì không gây hại.
“Những đồ ăn chứa nhiều đường này chỉ an toàn nếu chúng ta sử dụng với lượng vừa đủ. Các đường đơn đều qua gan chuyển hóa, nếu ăn quá nhiều với hàm lượng lớn không kịp chuyển hóa hết, nó sẽ dự trữ ở gan”, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng nói.
Chuyên gia lưu ý, gan không chỉ chuyển hóa mỗi đường mà còn nhiều loại thực phẩm khác. Do vậy khi các chất dự trữ trong gan quá nhiều sẽ gây áp lực, ảnh hưởng đến chức năng gan. Ngay cả những loại hoa quả ngọt ăn nhiều cũng không tốt cho gan.
Ngoài ra, theo các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng, Tết nên hạn chế tinh bột, chất béo, bệnh nhân cũng nên thay nước ngọt có gas bằng các loại nước ép từ rau, củ, giàu vitamin, ít đường.
Bên cạnh đó, nên ăn vừa phải các loại thực phẩm giàu đạm, tránh các nhóm thịt đỏ hư thịt bò, thịt chó, các loại thịt chế biến như thịt xông khói, xúc xích, gia cầm có da, cá rán kỹ. Cần chế độ dinh dưỡng phù hợp, và tập thể dục hàng ngày.
Vì sao phải xông đất đầu năm?
Bên cạnh những kiêng kỵ cần tránh, một phong tục rất thú vị ngày Tết là tục chọn người xông đất đầu năm.
Nhiều người quan niệm, nếu người đến xông đất “hợp tuổi” thì năm mới sẽ thuận lợi, ăn nên làm ra. Ngược lại, nếu lỡ người đến xông đấy không hợp tuổi, bản mệnh với gia chủ thì năm mới dễ gặp điều không như ý.
Từ đó, người xông đất đôi khi được cho là người mở cánh cửa mang tới may mắn, tài lộc suốt một năm cho cả gia đình.
Vậy xông đất là gì? Người xông đất chính là người đầu tiên đến nhà vào ngày đầu năm mới của mỗi gia đình. Thời gian xông đất là sau đêm giao thừa, khi năm mới bắt đầu.
Để chọn được người xông đất, người ta phải xem người đến xông có hợp với gia chủ về ngũ hành, thiên can, địa chi hay không. Bên cạnh đó, 3 yếu tố này của năm cũng phải tương sinh với người được chọn. Phải tránh những người khắc tuổi với gia chủ hoặc xung khắc với năm Âm lịch mới.
Một quan niệm nữa là người xông đất phải tốt vía, tính tình vui vẻ, khỏe mạnh, sự nghiệp hanh thông. Do vậy, những người đang có tang tuyệt đối nên tránh đến nhà người khác vào những ngày đầu năm. Nếu cả hai vợ chồng cùng xông nhà thì chồng nên là người bước vào trước.
“Ngoài việc chọn tuổi hợp với mình, gia chủ nên chọn người tử tế, đàng hoàng, nhân cách tốt, có trí tuệ, hiền hậu nhân từ. Chọn được người như thế, gia chủ sẽ đầy đủ phúc, lộc. Ngoài ra, người được mời xông đất, khai trương kiêng cữ mặc áo màu đen, trắng”, chuyên gia Nguyễn Vũ Tuấn Anh cho biết.
Khi đã chọn được người xông đất, gia chủ sẽ mời họ đến nhà vào ngày đầu năm. Khi đến xông nhà, người xông đất sẽ mang theo bao lì xì để gửi tặng gia chủ cùng những lời chúc tốt đẹp nhất.
Về phần mình, gia chủ phải nồng nhiệt đón tiếp người đến xông đất và lì xì lại để chúc cho cả hai cùng may mắn trong năm mới đến.
Tuổi nào phù hợp xông đất năm Nhâm Dần 2022?
Theo các nhà nghiên cứu phong thủy, năm Nhâm Dần 2022 có 3 tuổi rất đẹp để xông nhà là Giáp Tuất (1994), Đinh Mão (1987), Canh Ngọ (1990).
“Có nhiều cách tính tuổi xông đất. Tuy nhiên, cách thông thường nhất là tìm người tam hợp hay lục hợp với mình. Hoặc, gia chủ cũng có thể tìm người cùng niên mệnh với mình”, Ths. Nguyễn Mạnh Linh, Viện phó Viện Phong thủy Thế giới cho hay.
Theo chuyên gia, lục hợp gồm: Tý - Sửu, Dần - Hợi, Mão - Tuất, Thìn - Dậu, Tỵ - Thân, Ngọ - Mùi. Tam hợp gồm: Thân – Tý – Thìn; Tỵ – Dậu – Sửu; Dần - Ngọ - Tuất; Hợi – Mão – Mùi.
Tham khảo công thức trên, gia chủ dễ dàng biết được người xông đất, xông nhà phù hợp cho mình trong năm mới. Ví dụ, nếu gia chủ tuổi Tý, theo lục hợp thì có thể chọn người mang tuổi Sửa, còn theo tam hợp thì chọn người mang tuổi Thân hoặc Thìn.
Về việc chọn người xông đất theo mệnh, cần chọn người có mệnh hợp với chủ nhà.
Gia chủ thuộc mệnh Kim nên chọn người xông đất thuộc mệnh Thủy, Thổ hoặc Kim.
Gia chủ thuộc mệnh Mộc nên chọn người xông đất thuộc mệnh Thủy, Mộc hoặc Hỏa.
Gia chủ thuộc mệnh Thủy nên chọn người xông đất thuộc mệnh Kim, Thủy hoặc Mộc.
Gia chủ thuộc mệnh Hỏa nên chọn người xông đất thuộc mệnh Thổ, Hỏa hoặc Mộc.
Gia chủ thuộc mệnh Thổ nên chọn người xông đất thuộc mệnh Kim, Hỏa hoặc Thổ.
Chuyên gia phong thủy Phạm Cương cũng cho biết, một số tuổi xông đất xông nhà tốt trong dịp năm mới Nhâm Dần như, người sinh năm 1945 (Ất Dậu), 1947 (Đinh Hợi - Rất tốt), 1954 (Giáp Ngọ - Rất tốt), 1955 (Ất Mùi), 1957 (Đinh Dậu), 1958 (Mậu Tuất), 1966 (Bính Ngọ), 1967 (Đinh Mùi), 1975 (Ất Mão), 1978 (Mậu Ngọ), 1982 (Nhâm Tuất), 1985 (Ất Sửu), 1987 (Đinh Mão), 1994 (Giáp Tuất - Rất tốt), 1997 (Đinh Sửu), 2002 (Nhâm Ngọ), 2005 (Ất Dậu).
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Điều quan trọng nhất mỗi dịp Tết đến xuân về vẫn là hạnh phúc trong vạn gia, hòa thuận ở mọi nhà, người người vui tươi, đầm ấm, yêu thương, hòa chung vào không khi tưng bừng vui xuân - Năm mới, thắng lợi mới của đất nước.