Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam phủ nhận tin sĩ quan GGHB Việt Nam hy sinh và cho biết đang phối hợp với Cục Tuyên huấn làm rõ vụ tung tin và ai đã tung tin giả này lên mạng xã hội tối qua 8/2.
Lan truyền tin đồn thêm 1 sĩ quan GGHB Việt Nam hy sinh
Tối ngày 8/2, trên mạng xã hội TikTok lan truyền đoạn video chứa thông tin một chiến sĩ, sĩ quan GGHB Việt Nam hy sinh ở Uganda.
Ngay sau đó, thông tin về vụ việc thêm một quân nhân Việt Nam hy sinh ở Uganda cũng xuất hiện trên nhiều diễn đàn quân sự và một số Fanpage về quân đội trên mạng xã hội Facebook.
Theo video và những thông tin thảo luận trên mạng, ngoài Trung tá Đỗ Anh đã hy sinh khi làm nhiệm vụ nhân đạo ở Phái bộ LHQ ở Cộng hòa Trung Phi, ‘Việt Nam còn vừa có thêm 1 quân nhân hy sinh ở Uganda’.
Cụ thể, ngày qua, tài khoản TikTok tên Đ.M.T (tuan.swat.phia.nam) sử dụng hình ảnh một sĩ quan Việt Nam trong bộ quân phục màu xanh, chia sẻ clip với chú thích rằng:
“Đồng chí Nguyễn Văn Thái sinh năm 1996, Đại đội phó Đại đội 2, Trợ lý Phái bộ GGHB LHQ, hy sinh lúc 3h55' tại Uganda. Xin chia buồn cùng gia đình đồng chí".
Thông tin này đặc biệt gây chú ý vì được coi là “nhạy cảm” do liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, quân sự và nhiều người tỏ ra băn khoăn về độ chính xác của video cũng như những dữ liệu được lan truyền trên TikTok, Facebook.
Sau khi clip ban đầu bị gỡ bỏ, tài khoản Đ.M.T đã đăng thêm 1 clip khác với chú thích rằng:
“Tiễn anh về với Phật anh đã chút hơi thở cuối cùng vào lúc 3h55 ngày 8/2/2022”.
Bài đăng của tài khoản Đ.M.T thu về hơn 9.300 lượt thả tim và hàng trăm lượt bình luận.
Phần lớn các bình luận đều bày tỏ chia buồn vì Việt Nam mất thêm 1 chiến sĩ tham gia sứ mệnh GGHB LHQ, chia buồn với gia đình, bạn bè, người thân của nam quân nhân được cho có tên Nguyễn Văn Thái. Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng, các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, báo đài quốc gia vẫn chưa đăng tải thông tin gì xác nhận về việc trên, nghi ngờ tính xác thực của thông tin.
Đáng chú ý, trong phần bình luận dưới video, cũng như nội dung thảo luận trên các diễn đàn quân sự ở một số Fanpage trên Facebook tối qua cho thấy, quân nhân Nguyễn Văn Thái hy sinh trong khi đi tuần và nguyên nhân hy sinh là do giẫm trúng mìn được phe đối lập cài sẵn.
Cục Gìn giữ hòa bình điều tra vụ tung tin giả
Sáng nay 9/2, đại diện Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã lên tiếng bác bỏ thông tin rằng có thêm một sĩ quan GGHB Việt Nam hy sinh ở Phái bộ LHQ tại Uganda.
Cục Gìn giữ hòa bình phủ nhận thông tin mà tài khoản TikTok tên Đ.M.T (tuan.swat.phia.nam) đăng tải.
Phía Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết, người dùng mạng xã hội có thể nhận diện tin giả này qua một số chi tiết vô lý.
Điển hình như Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam ở nước ngoài không có chức danh nào là “Đại đội trưởng” hay “Đại đội phó”.
Ngoài ra, trong số các sĩ quan GGHB Việt Nam cũng không có quân nhân nào sinh năm 1996 công tác ở Phái bộ LHQ ở Uganda.
“Thông tin đăng tải là giả”, đại diện Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam nhấn mạnh.
Phía Cục Gìn giữ hòa bình đã phối hợp với Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng cùng các cơ quan chức năng để xác minh và xử lý người tung tin giả về việc một chiến sĩ GGHB Việt Nam hy sinh khi tham gia làm nhiệm vụ ở Phái bộ LHQ.
“Lực lượng không có đồng chí nào tên là Nguyễn Văn Thái, thông tin được đăng tải là giả. Hiện chúng tôi đang xác minh làm rõ đối tượng tung tin giả lên mạng xã hội”, đại diện Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam khẳng định với VOV.
Trước đó, Trung tá Đỗ Anh, chiến sĩ mũ nồi xanh đầu tiên của Việt Nam đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ nhân đạo tại Phái bộ LHQ ở Cộng hòa Trung Phi.
Theo thông tin chính thức từ Bộ Quốc phòng Việt Nam, đồng chí Đỗ Anh đã hy sinh vào hồi 6 giờ ngày 6/1/2022 (giờ địa phương, tức 10 giờ ngày 6/1/2022, giờ Việt Nam) nhằm ngày 4 tháng 12 năm Tân Sửu tại Bệnh viện dã chiến cấp 3 của Liên Hợp Quốc ở Nakasero, Kampala, Uganda.
Đến ngày 8//1/2022, Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA) đã phối hợp với Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức trực tuyến Lễ truy điệu Liệt sĩ, Trung tá Đỗ Anh.
Ngày 15/1, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã tổ chức lễ đón thi hài của Liệt sĩ, Trung tá Đỗ Anh từ phía LHQ.
Ngày 19/1, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam tổ chức Lễ viếng, Lễ truy điệu, Lễ an táng đồng chí Liệt sĩ, Trung tá Đỗ Anh theo nghi thức của Bộ Quốc phòng.
Trung tá Đỗ Anh cũng được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 41 công nhận là “Liệt sĩ” và cấp Bằng Tổ quốc ghi công, được Bộ Quốc phòng truy thăng quân hàm từ Thiếu tá lên cấp hàm Trung tá.
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam khẳng định, tại Phái bộ Liên Hợp Quốc ở Cộng hòa Trung Phi nơi Trung tá Đỗ Anh làm nhiệm vụ có rất nhiều khó khăn, trong đó phải kể đến khó khăn về khí hậu, thời tiết, dịch bệnh tràn lan. Ở đó không còn chiến sự nữa, bởi đã có các thỏa ước hòa bình giữa các phe phái. Tuy nhiên, sự thù hận và xung đột nhỏ lẻ, kể cả xung đột vũ trang vẫn còn.
“Trung tá Đỗ Anh hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ mang tính nhân đạo của Liên Hợp Quốc chứ không phải hoạt động tác chiến”, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng nhấn mạnh.
Theo tướng Phụng, Trung tá Đỗ Anh là một cán bộ xuất sắc, được huấn luyện, đào tạo rất cơ bản và đã có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Phái bộ LHQ ở Cộng hòa Trung Phi. Sự hy sinh của đồng chí Đỗ Anh là một tổn thất rất to lớn, là đóng góp to lớn của đất nước Việt Nam đối với mục tiêu lớn của Liên Hiệp Quốc.
Tất cả để nhằm duy trì nền hòa bình, ổn định hòa bình ở các nước châu Phi sau những xung đột, sau những quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh truyền thống cũng như khắc phục hậu quả của các xung đột phi truyền thống, theo Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam.
Vi phạm luật an ninh mạng?
Vụ tung tin giả về việc có quân nhân Việt Nam hy sinh ở Uganda như hành vi nêu trên được cho là đã vi phạm luật an ninh mạng.
Theo đó, ở Việt Nam, luật an ninh mạng 2018 nghiêm cấm hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Đặc biệt, điều 9 Luật an ninh mạng quy định, người nào có hành vi vi phạm quy định của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”, luật an ninh mạng nêu rõ.
Người có hành vi tung tin giả gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” với mức phạt tù lên đến 3 năm.