Người Việt tiêu thụ 43 tấn vàng và “tảng băng chìm” buôn lậu vàng ở Việt Nam

Hội đồng Vàng thế giới (WGC) vừa qua công bố thông tin đáng chú ý, người Việt được cho là đã tiêu thụ đến 43 tấn vàng trong năm 2021.
Sputnik
Cũng chính bởi lượng tiêu thụ vàng lớn, buôn vàng siêu lợi nhuận, nên trong nhiều năm qua, tình trạng buôn lậu vàng ở Việt Nam (nhất là xuyên biên giới qua Lào, Campuchia) diễn biến phức tạp với nhiều hình thức tinh vi, nhưng vẫn chỉ như “tảng băng chìm”.

WGC: Người Việt tiêu thụ đến 43 tấn vàng năm 2021

Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng mới nhất của Hội đồng vàng thế giới (WGC) vừa công bố cho thấy, sức mua vàng của người Việt Nam rất lớn, nhu cầu dự trữ vàng vẫn rất ổn định.
Theo WGC, nhu cầu về trang sức ở Việt Nam ghi nhận đạt 12 tấn trong năm 2021, cao hơn 11% so với con số 11 tấn trong năm 2020.
Vàng miếng Thần Tài, nhẫn Kim Tiền, tượng hổ... vẫn là những sản phẩm vàng "đắt khách" trong ngày Vía Thần Tài
Tuy nhiên, nhu cầu vàng trong quý IV giảm còn 2 tấn, thấp hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái do thị trường bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19.
Đầu tư bán lẻ trong quý IV tại Việt Nam giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 6 tấn.
Tuy các biện pháp chống dịch, giãn cách xã hội đã bớt căng thẳng vào tháng 10, nhưng những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch đã khiến người tiêu dùng thận trọng trong việc mua sắm tài sản giá trị cao, trong đó có vàng.
Trong năm 2021, nhu cầu về vàng miếng và vàng xu ở Việt Nam đạt 31 tấn, tăng nhẹ so với 29 tấn được mua trong năm 2020.
“Nhu cầu gia tăng một phần do lo ngại về lạm phát, lãi suất tiết kiệm giảm và tiền Việt Nam đồng yếu đi”, WGC nhận định.
Đầu tư ở Việt Nam: Có tiền nên gửi ngân hàng, mua vàng hay bất động sản?
Bình luận về xu hướng này, ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) tại WGC cho biết, dù nhiều người tiêu dùng Việt Nam tỏ ra thận trọng khi mua hàng hóa giá trị cao do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch, doanh số bán hàng tăng mạnh vào tháng 11 nhờ các chiến dịch khuyến mại và mùa cưới ở quốc gia này.
Các cột mốc quan trọng về văn hóa, cùng với sự phục hồi niềm tin của người tiêu dùng đã khiến nhu cầu tiêu dùng vàng cả năm của Việt Nam tăng lên đáng kể, theo đại diện WGC.

Thị trường vàng thế giới nhiều biến động

Trên toàn cầu, theo báo cáo của WGC, nhu cầu đối với vàng đạt 1.147 tấn trong quý 4 năm 2021, mức cao nhất theo quý kể từ quý 2 năm 2019 và tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhu cầu vàng miếng và vàng xu trên toàn cầu đạt 1.180 tấn, tăng 31% lên mức cao nhất trong 8 năm, khi các nhà đầu tư bán lẻ đều tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh lạm phát gia tăng và bất ổn kinh tế đang diễn ra do đại dịch.
Hội đồng Vàng thế giới cũng ghi nhận sự dịch chuyển 173 tấn vàng ra khỏi các quỹ hoán đổi danh mục ETF được hỗ trợ bằng vàng trong năm 2021 khi một số nhà đầu tư chiến thuật hơn đã giảm phòng ngừa rủi ro vào đầu năm trong bối cảnh vaccine COVID-19 được triển khai, trong khi lãi suất tăng khiến việc nắm giữ vàng trở nên đắt đỏ hơn.
Mặc dù vậy, lượng vàng rút ròng này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số 2.200 tấn ETF vàng đã tích lũy trong 5 năm trước đó, cho thấy các nhà đầu tư vẫn tiếp tục chú trọng việc đưa vàng vào danh mục đầu tư của mình.
Giá vàng tăng đột ngột, đồng USD giảm mạnh tại Việt Nam trong ngày giáp Tết
Hội đồng Vàng thế giới lưu ý, trong 12 năm liên tiếp, các ngân hàng Trung ương (Ngân hàng Nhà nước) đã mua ròng vàng khiến lượng vàng nắm giữ tăng thêm 463 tấn, cao hơn 82% so với năm 2020.
Nhiều ngân hàng trung ương các nước từ các thị trường mới nổi và phát triển đã bổ sung vàng vào kho dự trữ, nâng tổng số vàng toàn cầu lên mức gần cao nhất trong 30 năm.
Bà Louise Street, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của Hội đồng Vàng Thế giới cho hay, cách các ngân hàng trung ương đối phó với mức lạm phát cao liên tục sẽ là yếu tố quan trọng tác động tới nhu cầu của các tổ chức và hoạt động bán lẻ trong năm 2022.
Bên cạnh đó, tiềm lực hiện tại của thị trường trang sức có thể bị cản trở nếu các biến thể Covid mới hạn chế người tiêu dùng tiếp cận mua vàng hoặc tiếp tục phát triển nếu nền kinh tế phục hồi tích cực hơn.

Vì sao buôn lậu vàng ở Việt Nam còn phức tạp?

Có thể thấy, sức mua vàng, nhu cầu mua vàng của Việt Nam rất lớn, không chỉ trong dịp vía Thần tài mà xuyên suốt cả năm như một trong các kênh đầu tư truyền thống của người dân.
Theo cơ quan chức năng, tình trạng buôn lậu vàng từ nước ngoài về Việt Nam đã tồn tại dai dẳng suốt nhiều năm qua do mức chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.
Vừa qua, Ban chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh cho hay, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh Tây Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can các đối tượng Nguyễn Hoàng Hiếu, Trần Quốc Tuấn và Trần Kim Ngọc để điều tra về hành vi buôn lậu.
Giá vàng 'quay đầu' trước ngày Thần Tài là điềm tốt hay xấu?
Chiều ngày 20/1, lực lượng công an Tây Ninh đã kiểm tra xe ô tô do Đào Mạnh Cường điều khiển chở Trần Thị Ánh Loan di chuyển qua địa phận huyện Bến Cầu.
Phát hiện dấu hiệu khả nghi, qua khám xét, lực lượng Công an phát hiện trên xe có một túi xách chứa 25 kg vàng thỏi, 2 kg vàng nữ trang, 84 miếng vàng 9999 và 1,2 tỷ đồng tiền mặt.
Cùng thời điểm, Công an cũng kiểm tra ô tô do Trần Châu Chánh Trực điều khiển, phát hiện 29 kg vàng thỏi. Tại thời điểm kiểm tra, các đối tượng không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ số vàng đang vận chuyển.
Qua quá trình mở rộng điều tra, Công an Tây Ninh đã tiến hành bắt khẩn cấp các đối tượng là Tuấn, Hiếu và Ngọc trong đường dây buôn lậu vàng.
Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận đã móc nối với người ở Campuchia mua vàng với số lượng lớn, sau đó thuê người vận chuyển đến khu vực biên giới để các đối tượng mang tiền đến đổi vàng, đem về TP.HCM tiêu thụ.
Công an Tây Ninh cũng làm rõ rằng, toàn bộ số vàng trên là của đối tượng Hiếu (là chủ tiệm vàng tại xã Long Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, đang trên đường vận chuyển vàng giao cho đối tượng Ngọc (chủ tiệm vàng ở huyện Hóc Môn, TP.HCM) thì bị lực lượng chức năng phát hiện, can thiệp, bắt giữ.
Một vụ bắt vàng buôn lậu số lượng lớn cũng được thực hiện trong tháng 1/2022 tại An Giang.
Theo đó, lực lượng Công an An Giang dưới sự chỉ đạo của Đại tá Đinh Văn Nơi đã bắt quả tang và tạm giữ hình sự các đối tượng Nguyễn Thanh Bình (trú tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang), Trang Kiến Cường (trú tại TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) khi cả hai đang có hành vi mua bán vàng nhập lậu từ nước ngoài (Campuchia) hôm 11/1/2022.
Tại hiện trường, lực lượng công an thu giữ tang vật gồm 3 thỏi kim loại màu vàng (trọng lượng 3kg, nghi vấn vàng 9999 nhập lậu từ Campuchia), gần 170.000 USD và 700 triệu đồng.
Giá vàng Ngày vía Thần Tài 2022 liệu có 'phi mã'?
Thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp tiệm vàng Phước Quang (TP Long Xuyên) cùng hai địa điểm liên quan các đối tượng Bình và Cường, công an thu giữ khoảng 15 kg vàng nữ trang, hơn 2,1 triệu USD, một số ngoại tệ khác và 25 tỷ đồng.
Về vấn đề này, phía Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện lớn hơn rất nhiều và ngày càng nới rộng. Trong khi đó, việc nhập lậu vàng được thực hiện khá dễ dàng vì kích thước nhỏ gọn, trị giá cao.
Theo Hiệp hội, 1kg vàng chỉ tương đương với 1 chiếc điện thoại di động, nên các đối tượng rất dễ cất giấu trong cốp xe, người hay đồ vật quanh mình. Buôn lậu vàng còn được coi là siêu lợi nhuận, nhất là khi giá vàng Việt Nam chênh lệch so với giá vàng thế giới nên các đối tượng càng liều lĩnh.
Cũng theo Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, hiện chế tài xử lý đối với hành vi buôn lậu vàng cũng ở mức rất nhẹ so với khoản tiền lời có thể kiếm được nếu vận chuyển trót lọt.
Cần lưu ý rằng, thực tế, số vàng lậu bị bắt giữ chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong “tảng băng chìm” của hoạt động buôn lậu vàng thời gian qua. Dù cơ quan chức năng đã nỗ lực phá các đường dây buôn lậu vàng, nhất là ở vùng biên giới Tây Nam, nhưng đây mới chỉ là phần ngọn, phần nổi của tảng băng chìm.
“Nguyên nhân của tình trạng này chính là việc giá vàng trong nước vẫn chênh lệch cao hơn rất nhiều so với giá thế giới”, VGTA lưu ý.

Kiến nghị cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu

Các chuyên gia cũng lưu ý, ở Việt Nam, vàng là loại tài sản đang được Nhà nước quản lý chặt chẽ và ổn định giá.
Chỉ có Ngân hàng Nhà nước được phép xuất nhập khẩu vàng nên nhu cầu về đầu cơ vàng của Việt Nam là tương đối thấp.
Tuy nhiên, với tâm lý tích trữ, trong thời điểm nhiều rủi ro biến động như hiện nay, vàng vẫn được nhiều người Việt Nam dùng làm tài sản cất giữ, điều này đẩy cầu tăng cao dẫn đến nguồn cung không chính thức ngày càng phát triển.
Giá vàng tiếp tục tăng cao, vượt mức 60 triệu đồng/lượng
Hệ lụy của việc buôn lậu vàng, ngoài thất thu thuế, gây vàng hóa, còn có tác động trực tiếp tới giá ngoại tệ, trực tiếp là đồng USD. Do đó, nhiều chuyên gia đã đề nghị nên cho phép doanh nghiệp được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu về làm nữ trang và có các biện pháp thu hẹp mức chênh lệch giá với thế giới.
Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam cũng đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cho sản xuất thêm một lượng vàng miếng để cung ứng ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu, tránh xảy ra hiện tượng sốt vàng khi giá vàng quốc tế tăng mạnh trở lại.
Bên cạnh đó, VGTA cũng đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ cung ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thảo luận