Theo Bộ GTVT, chỉ định thầu khi làm cao tốc Bắc – Nam mang lại một số lợi ích, điển hình nhất là cơ chế thông thoáng này cho phép rút ngắn công tác chuẩn bị đầu tư triển khai 12 dự án xây lắp thành phần ít nhất 3 tháng.
Chỉ định thầu xây lắp cao tốc Bắc – Nam
Theo thông báo của Chính phủ, Nghị quyết số 18/NQ-CP do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký là nhằm triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Như Sputnik thông tin, Việt Nam trước đó đã quyết định thực hiện “đại dự án” cao tốc Bắc – Nam, vốn được ví như “trục xương sống” của mạng lưới giao thông quốc gia này theo hình thức đầu tư công, 100% vốn thực hiện lấy từ ngân sách Nhà nước thay vì chọn hình thức BOT.
Quốc hội đồng ý chi 146.990 tỷ đồng để làm 729km cao tốc Bắc – Nam phía Đông chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công, giai đoạn 2021 – 2025, gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau.
Việt Nam kỳ vọng có thể sớm đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm.
Cũng với đại dự án này, Việt Nam mong từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, tạo sức lan tỏa cao để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh.
Nghị quyết mà Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký nêu rõ, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư chia thành 12 dự án thành phần “vận hành độc lập” theo hình thức đầu tư công, đi qua địa bàn 12 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại buổi làm việc
© Ảnh : Công Phong - TTXVN
Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ trở lên theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 44/2022/QH15 thì được thực hiện như trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất trồng lúa quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai.
Nghị quyết cũng nêu Bộ Giao thông vận tải thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần.
“Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công. Việc lập, thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện theo từng dự án thành phần”, Nghị quyết 18 khẳng định.
Đáng chú ý, theo văn bản Nghị quyết mà Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và người có thẩm quyền được áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn liên quan đến dự án cao tốc Bắc - Nam, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với gói thầu xây lắp các dự án thành phần, kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng) và các gói thầu quan trọng khác nếu thấy cần thiết về tư vấn liên quan đến dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Tuy nhiên, quyết định chỉ định thầu của Thủ tướng – theo như Nghị quyết 18 này của Chính phủ là dựa trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và kết quả thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cơ chế đặc thù làm cao tốc Bắc - Nam
Đối với cao tốc Bắc – Nam, theo Nghị quyết Chính phủ vừa ban hành, Việt Nam cho phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án.
Cụ thể, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phải xong trước 30/6 năm nay. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải rà soát, tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương theo từng giai đoạn (tùy thuộc mức độ phức tạp về kỹ thuật của từng đoạn tuyến), cơ bản hoàn thành trước ngày 30/6/2022 để địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
UBND các tỉnh, thành phố đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý 2 năm 2023.
Hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng sẽ được cập nhật đảm bảo phù hợp dự án đầu tư được duyệt. Chính phủ yêu cầu các địa phương khẩn trương tổ chức rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đảm bảo đủ cơ sở, căn cứ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; thực hiện các công việc khác có liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng.
Trên cơ sở hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng, các địa phương xác định sơ bộ nhu cầu tái định cư, rà soát quỹ đất, quỹ nhà tái định cư. Các địa phương phối hợp với Bộ GTVT xác định vị trí, diện tích các bãi đổ chất thải rắn xây dựng đáp ứng nhu cầu của dự án cao tốc Bắc – Nam, thực hiện các công việc liên quan như đánh giá tác động môi trường, giải phóng mặt bằng các bãi đổ chất thải rắn xây dựng (nếu có) đảm bảo tiến độ thi công.
Thủ tướng cũng cho phép một số cơ chế đặc thù cũng như triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện. Đối với việc khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án được áp dụng các cơ chế tại Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021, Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ và các cơ chế đặc thù.
Cụ thể, các mỏ cát, sỏi lòng sông đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác chỉ nhằm mục đích phục vụ cho dự án (không tăng trữ lượng đã cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường (báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường) hoặc giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân khai thác phải thiết lập hệ thống và thực hiện quan trắc, giám sát tác động xói lở lòng, bờ sông theo quy định; chịu mọi trách nhiệm trong việc đảm bảo các yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong khai thác, không làm thay đổi dòng chảy, không gây sạt lở lòng, bờ, bãi sông.
Sau khi đã khai thác cung cấp đủ khối lượng cho Dự án, dừng việc nâng công suất, tiếp tục khai thác theo công suất quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ cho phép nâng công suất khai thác sau khi tổ chức, cá nhân khai thác đã ký văn bản cam kết cung cấp vật liệu cho nhà thầu thi công Dự án. Nội dung giấy phép khai thác (điều chỉnh) phải xác định đơn vị sử dụng khoáng sản là nhà thầu thi công dự án.
“Nghiêm cấm việc nâng giá, ép giá, nếu có vi phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật”, Chính phủ khẳng định.
Đối với các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án nhưng chưa cấp Giấy phép khai thác, trước khi khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15, nhà thầu thi công phải lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có mỏ khoáng sản; thực hiện đánh giá tác động môi trường và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.
Sau khi đã khai thác khoáng sản đủ khối lượng cung cấp cho dự án, nhà thầu có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường, bàn giao mỏ khoáng sản và đất đai để địa phương quản lý theo quy định pháp luật về khoáng sản, pháp luật khác liên quan.
Vận hành cao tốc Bắc – Nam từ 2026
Theo Nghị quyết Chính phủ mới ban hành, Việt Nam mong muốn đảm bảo tiến độ cơ bản hoàn thành Dự án năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026
Bộ Giao thông vận tải thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của người quyết định đầu tư theo các quy định hiện hành trong tổ chức thực hiện các dự án thành phần, đảm bảo tiến độ cơ bản hoàn thành dự án năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, quyết định phê duyệt 12 dự án thành phần, hoàn thành trước ngày 30/6/2022, thực hiện các công việc tiếp theo đảm bảo khởi công trước ngày 31/12/2022, đồng thời, triển khai thi công đồng loạt trước ngày 31/3/2023.
Nghị quyết của Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành liên quan, UBND cấp tỉnh trong việc triển khai thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Đối với dự án này, Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sớm thỏa thuận các nội dung và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các khu vực liên quan đến đất quốc phòng đảm bảo tiến độ và khẩn trương thực hiện công tác rà, phá bom, mìn, vật nổ đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công xây dựng.
Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các Tập đoàn, Tổng công ty (EVN, VNPT, Viettel, …) khẩn trương di dời công trình hạ tầng kỹ thuật do mình quản lý đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công xây dựng.
Việt Nam cũng yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho từng gói thầu/dự án thành phần phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, nâng giá.
Tại sao phải chỉ định thầu?
Nói về việc chỉ định thầu làm 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, đại diện Bộ GTVT cho hay, được sự cho phép của Chính phủ, việc chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn và gói thầu xây lắp sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí liên quan, tăng tính hiệu quả của dự án.
“Khi được cấp có thẩm quyền cho phép chỉ định thầu thì sẽ rút ngắn thời gian thực hiện dự án được khoảng 3 tháng”, đại diện Bộ GTVT khẳng định.
Theo phân tích của Bộ này, đối với gói thầu tư vấn, nếu áp dụng đấu thầu rộng rãi thường sẽ mất khoảng 58-60 ngày làm việc trong khi đó áp dụng chỉ định thầu chỉ mất tối đa 30 ngày cho tất cả các công đoạn như chấp thuận danh sách nhà thầu, thẩm định hồ sơ đề xuất, mở thầu, thẩm định kết quả chỉ định thầu…
Tương tự, đối với gói thầu xây lắp, đấu thầu rộng rãi trong nước sẽ qua 19 công đoạn với thời gian 76-80 ngày làm việc còn chỉ định thầu chỉ qua 11 công đoạn và 41 ngày làm việc.
Như vậy, sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quá trình triển khai các công tác lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn, xây lắp theo từng giai đoạn để triển khai thực hiện các công việc tiếp theo.
Bộ GTVT nêu rõ, việc triển khai các gói thầu chính là “đường găng” quan trọng trong việc thực hiện dự án.
Trong đó bao gồm gói thầu tư vấn khảo sát, lập dự án đầu tư; gói thầu tư vấn khảo sát, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật (đối với thiết kế 3 bước) hoặc tư vấn khảo sát, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công (đối với thiết kế 2 bước), gói thầu xây lắp.
Do đó, theo quan điểm của Bộ, Chính phủ đã tạo cơ chế thông thoáng cho phép chỉ định thầu, công tác chuẩn bị đầu tư triển khai dự án cao tốc Bắc – Nam sẽ được đẩy nhanh hơn ít nhất là 3 tháng.