Bộ trưởng Thể: Không thể làm ẩu cao tốc Bắc – Nam, đã có bài học ‘xương máu’
© Ảnh : Huy Hùng - TTXVNTranh thủ thời tiết thuận lợi các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công
© Ảnh : Huy Hùng - TTXVN
Đăng ký
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể nói về cao tốc Bắc – Nam, khẳng định, không đơn vị nào dám làm ẩu, sẽ mất ăn mất ngủ vì sau 10-15 năm vẫn phải chịu trách nhiệm.
Rút kinh nghiệm bài học xương máu là cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi cùng một số dự án khác, “dứt khoát chất lượng phải hàng đầu”, không hoàn thành nhiệm vụ sẽ cách chức, xuống chức, chuyển công tác. Bộ trưởng Thể cũng nêu rõ, cán bộ cả đời phấn đấu nhưng chỉ một hai sự cố là mất hết, nên không ai dám đánh đổi.
Vì sao phải dùng tiền ngân sách làm cao tốc Bắc – Nam?
Trao đổi với báo chí trong nước ngày 14/1/2022, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thông tin sâu hơn về việc Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư 12 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông dài 729 km, giai đoạn 2021 – 2025.
© Ảnh : Văn Điệp - TTXVNBộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu
© Ảnh : Văn Điệp - TTXVN
Lý giải vì sao phải làm cao tốc Bắc – Nam bằng ngân sách Nhà nước, ông Thể cho biết, dùng ngân sách sẽ đảm bảo tiến độ hơn là thực hiện theo phương thức đối tác công – tư PPP.
Ông đánh giá, Quốc hội quyết làm 12 dự án cao tốc theo hình thức đầu tư công vì đang trong giai đoạn phục hồi kinh tế, cần phải tăng kết cấu hạ tầng, thúc đẩy những ngành kinh tế khác của đất nước.
Bộ trưởng Thể nêu rõ, Chính phủ dồn vốn vào cao tốc Bắc Nam là trục xương sống của cả nước, quyết tâm hoàn thành vào năm 2025. Sau đó bán quyền thu phí, nếu thành công thì 15 năm nhà nước sẽ thu hồi được tiền bỏ ra đầu tư.
“Tóm lại chúng ta cần đầu tư công để vào năm 2025 có con đường đột phá, góp phần phát triển kinh tế”, Bộ trưởng Bộ GTVT bày tỏ.
Trước đó, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội sẽ tăng 113.000 tỷ đồng cho lĩnh vực giao thông, Quốc hội cũng xác định sẽ bố trí cho ngành giao thông 304.000 tỷ đồng. Như vậy trong nhiệm kỳ này ngành giao thông được bố trí khoảng 420.000 tỷ đồng (như Sputnik đã đề cập trước đó).
“Như vậy, mỗi năm chúng tôi phải giải ngân trung bình 80.000 tỷ. Áp lực đối với Bộ Giao thông Vận tải sắp tới là rất lớn”, Bộ trưởng Thể thừa nhận.
Theo Tư lệnh ngành GTVT, Bộ và Chính phủ cũng đã trình lên Quốc hội một số cơ chế, như chỉ định thầu tư vấn để rút ngắn thủ tục đầu tư các dự án khoảng 3-4 tháng. Cố gắng đầu năm 2023, Việt Nam có thể khởi công một số đoạn cao tốc và dành 3 năm xây dựng, hoàn thành dự án.
Theo kế hoạch, đến năm 2030 cả nước có 5.000 km cao tốc, đến năm 2025 có 3.000, hiện nay mới có 1.163 km và 963 km đang triển khai. Ngoài đầu tư công, Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất huy động nguồn lực khác để phát triển cao tốc còn lại như vành đai 4 Hà Nội, vảnh đai 3 TP. HCM, miền Đông Nam Bộ để đạt kế hoạch đề ra.
Gần 147.000 tỷ đồng làm cao tốc Bắc - Nam
Như Sputnik đã thông tin, chiều 11/1/2022, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết chính thức thông qua Nghị quyết về chấp thuận đầu tư dự án Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Theo Nghị quyết, đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau. Tổng chiều dài khoảng 729 km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công.
Về nhu cầu sử dụng đất và phương án giải phóng mặt bằng, Nghị quyết cho biết, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 5.481 ha, trong đó đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 1.532 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110 ha, đất rừng sản xuất khoảng 1.436 ha. Giải phóng mặt bằng các dự án thành phần theo quy mô 6 làn xe; riêng đối với các dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe.
Tổng mức đầu tư của dự án là 146.990 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện là chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026. Trong tờ trình dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông theo quy hoạch dài 2.063 km, đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa đầu tư.
Cũng theo tờ trình của Chính phủ, giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư 729 km trên các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập (27 km còn lại gồm: đoạn Hòa Liên - Túy Loan triển khai theo dự án riêng và cầu Cần Thơ 2 đầu tư sau 2025). Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có quy mô 6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn quy mô 8 - 10 làn xe, đoạn Cần Thơ - Cà Mau quy mô 4 làn xe.
Thời gian chuẩn bị dự án là năm 2021 – 2022, giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022 – 2023, khởi công năm 2023, áp dụng các công nghệ mới, giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm đáp ứng yêu cầu cơ bản hoàn thành năm 2025.
“Vất vả muôn trùng”
Bàn về thách thức, áp lực khi thực hiện 12 dự án cao tốc Bắc – Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận định, vấn đề lớn nhất nằm ở vốn.
Tuy nhiên, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư công toàn bộ thì khó khăn lớn nhất đã được giải quyết. Tiếp đó, chính là vấn đề về nguồn vật liệu.
“Rút kinh nghiệm 11 dự án cao tốc giai đoạn một (2016-2020) bị thiếu nguồn nguyên vật liệu, chúng tôi đang tổng điều tra mỏ đất, mỏ cát trên địa bàn các dự án đi qua”, ông Thể cho hay.
Theo đó, những mỏ đã có trong quy hoạch thì xúc tiến mở ngay để khi nhà thầu có nhu cầu thì có đất. Với những chỗ thiếu đất, sẽ phải khảo sát bổ sung. Vị Tư lệnh ngành giao thông lưu ý, Đồng bằng Sông Cửu Long đang rất hiếm đất, nên ngành sẽ điều tra cả những chỗ chưa thể hình thành mỏ. Chính phủ sẽ cho phép các nhà thầu tự khai thác vật liệu chỉ phải đóng thuế tài nguyên môi trường, không như hiện nay là mua đất của các đơn vị khai thác với giá cao.
Khó khăn tiếp theo nằm ở công tác giải phóng mặt bằng. Cũng rút kinh nghiệm giai đoạn một sau 2 năm mới giải phóng được 654 km, Bộ đặt kế hoạch đến cuối 2023 cơ bản có mặt bằng sạch.
“Sắp tới Chính phủ họp với các địa phương để thúc đẩy công tác này, chúng tôi tin rằng giải phóng mặt bằng cơ bản được giải quyết”, Bộ trưởng GTVT nói.
Còn một thách thức nữa, theo Bộ trưởng Thể nêu với VnExpress, đó là nền đất yếu, nghiêm trọng nhất là đoạn từ Cần Thơ xuống Cà Mau. Ngành đã rà soát, có thể gia cố cọc cát tại một số vị trí với thời gian một năm. Phương án khác là đất gia cố xi măng thì giảm còn 7-8 tháng, còn vị trí đất yếu đặc biệt thì dùng bê tông bản. Giải pháp kỹ thuật xử lý nền đất yếu là khó khăn song vẫn nằm trong khả năng của Bộ GTVT.
Cuối cùng chính là nỗi lo về chất lượng nhà thầu. Bộ sẽ đưa vào hồ sơ yêu cầu nhà thầu phải có năng lực mạnh, không để các nhà thầu yếu kém tham gia làm cao tốc Bắc – Nam.
“Khó khăn rất nhiều, giai đoạn 1 (2017-2020) vất vả muôn trùng song chúng tôi nỗ lực đạt được nhiều thành tích. Cái quý nhất của Bộ Giao thông Vận tải hiện nay là cán bộ có tư duy thay đổi, không còn trì trệ, trông chờ”, Bộ trưởng Thể nêu rõ.
“Cán bộ cả đời phấn đấu, không ai dám đánh đổi”
Theo Bộ trưởng Thể, ngành GTVT đã chủ động gắn trách nhiệm người đứng đầu và có các chế tài rõ ràng, các đơn vị sẽ bị thu hồi vốn, cắt vốn, điều chuyển cán bộ nếu để trì trệ kéo dài, thậm chí thay đổi nhân sự, từ thủ trưởng xuống làm phó đơn vị khác, để bộ máy làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn.
Giải đáp băn khoăn liệu làm nhanh, bứt tốc, thì chất lượng cao tốc Bắc – Nam có đảm bảo hay không, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ, chất lượng phải hàng đầu.
Ngành đã có “bài học xương máu” là cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và một số dự án.
“Làm gì thì làm, dứt khoát chất lượng phải hàng đầu, hoàn toàn không xuề xòa. Nhìn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là bài học, lần nào họp tôi đều nêu dự án này, bởi dự án này từ đơn vị dự án, nhà thầu, tư vấn giám sát đều bị truy tố”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lưu ý.
Bộ GTVT quyết tăng cường cán bộ cho Cục Quản lý xây dựng, thanh tra, đánh giá chất lượng, tiến độ, chấn chỉnh các đơn vị từ ban đầu. Theo ông Thể, Bộ tuyển chọn “anh em có năng lực ở các cục, tổng cục, ban dự án khác”.
Đồng thời, đối với từng dự án sẽ thuê chuyên gia có kinh nghiệm, như cầu Mỹ Thuận 2 đã có nhiều chuyên gia nước ngoài làm việc.
“Chúng tôi cho phép các ban thuê nhân lực trong và ngoài nước để giải quyết bài toán nhân lực chất lượng cao”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lưu ý.
Ở trong nước, ngành cũng đang huy động nhiều nhà thầu lớn và uy tín tham gia các dự án trọng điểm. Theo đó, hiện có nhiều tập đoàn lớn như Sungroup, Vingroup đã có kinh nghiệm làm các dự án, Bộ có thể xem xét giao họ tham gia thầu một số dự án.
Tuy nhiên, trước hết cần xử lý đất yếu, nằm trong giai đoạn nào, giải pháp như thế nào, yêu cầu địa phương giao mặt bằng đoạn trước đó để tiến hành gia cố.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho biết, hiện Bộ Công an có 3 đơn vị bám sát với Bộ GTVT từ khâu lập dự án, đấu thầu đến thi công để đảm bảo chất lượng. Kiểm toán Nhà nước cũng đồng hành với Bộ GTVT từng giai đoạn giống như Bộ Công an, tăng cường khâu giám sát.
“Tôi khẳng định không có đơn vị nào dám làm ẩu, vì làm ẩu là không ngủ được. Sau 10-15 năm vẫn phải chịu trách nhiệm, do đó làm sao mà dám, chỉ sơ suất là không biết”, ông Thể nhấn mạnh.
Hiện tại, theo người đứng đầu Bộ GTVT, Ban dự án, nhà thầu, tư vấn đều đã được họp quán triệt phải làm nghiêm túc. Chất lượng từng lớp phải đảm bảo quy trình, hiện nay công tác giám sát gồm nhiều đơn vị, đồng thời cũng giao cho Ban Quản lý dự án và tư vấn trách nhiệm nặng nề để giám sát chặt chẽ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải là dù cho năm 2025 không hoàn thành nhiệm vụ, thì cũng phải chịu trách nhiệm với Đảng, Nhà nước chứ không đánh đổi bằng chất lượng để làm ẩu.
“Toàn bộ cán bộ làm việc đảm bảo đúng quy trình quy phạm. Các cán bộ cả đời phấn đấu, có một hai sự cố là mất hết nên không ai dám đánh đổi”, Bộ trưởng nói và khẳng định “tất cả đều quyết tâm làm tốt nhất”.