Trước đó, tại phiên sơ thẩm, Viện Kiểm sát giữ quan điểm truy tố, luận tội đối với ông Tất Thành Cang, cho rằng, hành vi phạm tội của cựu Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM “có tính chất quyết định”, quyền lực vào thời điểm đó của ông Cang đặc biệt lớn khi TP.HCM đang trống vị trí Bí thư Thành ủy (sau khi ông Đinh La Thăng đã được điều ra Ban Kinh tế Trung ương).
Do đó, khi xưa, quyền lực trong tay Tất Thành Cang có lẽ chỉ dưới ông Đinh La Thăng đôi chút.
Lý do ông Tất Thành Cang kêu oan
Liên quan đến một trong các đại án của Việt Nam hiện nay – vụ sai phạm ở Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO), ngoài ông Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, còn 10 bị cáo khác đều đồng loạt kháng cáo.
Như Sputnik đã thông tin, theo nội dung bản án sơ thẩm, SADECO là công ty con của Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), với tỉ lệ góp vốn của IPC là 74,8%. Cũng như vụ án Sagri của em trai cựu Bí thư Lê Thanh Hải, vụ án SADECO có liên quan đến loạt cựu lãnh đạo cơ quan nhà nước tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 26/3/2015, IPC bán đấu giá vốn góp tại SADECO. Công ty Eximland là nhà đầu tư mua trúng đấu giá hơn 5,2 triệu cổ phần (chiếm 30,8% vốn điều lệ của SADECO), với giá 26.100 đồng/cổ phần.
Đến tháng 9 năm 2016, Công ty Nguyễn Kim mua lại toàn bộ cổ phần của Eximland tại SADECO với giá 55.000 đồng/cổ phần. Vốn điều lệ của SADECO tại thời điểm tháng 10/2016 là 170 tỷ đồng (tương ứng với 17 triệu cổ phần), trong đó vốn của IPC chiếm 44%, vốn của Thành ủy TP.HCM chiếm 16,7%, nhóm Nguyễn Kim chiếm 30,8% và các cổ đông khác chiếm 8,5%.
Theo quy định, khi tăng vốn và chuyển nhượng quyền mua cổ phần của IPC, vốn Văn phòng Thành ủy tại SADECO thì phải đấu giá. Tuy nhiên, các cá nhân liên quan tại Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, IPC và SADECO đồng ý bán 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần không thông qua thẩm định giá và đấu giá, gây thất thoát 669 tỷ đồng cho nhóm cổ đông Nhà nước.
Đồng thời, bị cáo Tất Thành Cang với vai trò Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, là người đứng đầu được giao quản lý tài sản của Đảng bộ thành phố, phụ trách Văn phòng Thành ủy, đã bút phê “đồng ý” vào tờ trình số 1148 của Văn phòng Thành ủy với giá phát hành cổ phần được xác định cụ thể là 40.000 đồng/cổ phần cho 1 cổ đông chiến lược mà không thông qua đấu giá công khai, không do tổ chức có chức năng về thẩm định giá thẩm định.
Từ bút phê “đồng ý” của ông Tất Thành Cang, các bị cáo khác đã biểu quyết đồng ý bán 9 triệu cổ phần.
Ngày 8/1/2022, TAND TP.HCM đã tuyên phạt ông Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM) 10 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Bị can Tề Trí Dũng (nguyên Tổng Giám đốc, thành viên HĐTV Công ty IPC, chủ tịch HĐQT Công ty SADECO) 20 năm tù về 2 tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tội tham ô tài sản.
Các bị cáo khác nhận từ án treo đến 16 năm tù về các tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; tham ô tài sản.
Sau bản án sơ thẩm, ông Tất Thành Cang kháng cáo các nội dung trong bản án sơ thẩm liên quan đến bản thân, đồng thời cựu Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang cho rằng hình phạt như án sơ thẩm 10 năm tù là “quá nặng”.
Ông Cang cũng nêu nhiều tình tiết liên quan đến vai trò của bị cáo này trong bản án sơ thẩm là chưa đúng.
Không đồng tình với phán quyết của TAND TP.HCM, bị cáo Cang đề nghị cơ quan xét xử phúc thẩm xem xét lại toàn bộ nội dung bị cáo bị tòa sơ thẩm quy kết – cựu Phó Bí thư Thành ủy này không đồng tình với cáo buộc vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí khi chấp thuận cho SADECO bán rẻ 9 triệu cổ phần.
Xin xét lại vụ án
Cùng với ông Tất Thành Cang, các bị cáo Tề Trí Dũng, Hồ Thị Thanh Phúc (nguyên tổng giám đốc Công ty SADECO), Phạm Văn Thông (nguyên phó chánh Văn phòng Thành ủy), Huỳnh Phước Long (nguyên trưởng phòng quản lý đầu tư kinh doanh vốn của Văn phòng Thành ủy), Trần Công Thiện (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận), Trần Đăng Linh (nguyên phó tổng giám đốc Công ty IPC), Vũ Xuân Đức (nguyên phó tổng giám đốc Công ty IPC), Đỗ Công Hiệp (nguyên kế toán trưởng Công ty SADECO) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Là chủ mưu cầm đầu vụ án, bị cáo Tề Trí Dũng cũng cho rằng mức án tù 20 năm là nặng và xin giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Tề Trí Dũng nghe tuyên đọc bản án
© Ảnh : Thành Chung - TTXVN
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Văn Minh (nguyên chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Xây dựng Tân Thuận) làm đơn kháng cáo xin xét xử lại vụ án, xem xét lại tội danh và mức án (hình phạt) đối với bị cáo này.
Bị cáo Nguyễn Trường Bảo Khánh (nguyên thành viên HĐTV Công ty IPC) xin giảm nhẹ hình phạt và xin Tòa phúc thẩm cho được hưởng án treo.
Phía bị hại là Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm buộc các bị cáo Tề Trí Dũng, Hồ Thị Thanh Phúc và các đồng phạm bồi thường số tiền 2,8 tỷ đồng, hủy bỏ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 13 ngày 7/12/2017 của Công ty SADECO (đăng ký tăng vốn điều lệ từ 170 tỷ đồng lên 260 tỷ đồng).
Cùng với đó, SADECO yêu cầu Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM thực hiện thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn với số vốn điều lệ đăng ký là 170 tỷ đồng.
Hành vi của các bị cáo trong vụ án này khiến SADECO thất thoát trên 1.103 tỷ đồng. Nhà nước thiệt hại khoảng 669,6 tỷ đồng, gồm vốn thuộc sở hữu UBND TP. HCM hơn 485 tỷ đồng, vốn Thành ủy TP HCM hơn 184 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đánh giá, bị cáo Tất Thành Cang chịu trách nhiệm hàng đầu trong vụ án này.
Bên cạnh sai phạm phát hành 9 triệu cổ phần trái luật, TAND TP HCM còn cáo buộc tội danh “Tham ô tài sản” đối với bị cáo Tề Trí Dũng cùng những bị cáo là cấp dưới thời điểm vụ án xảy ra.
Dũng đã chỉ đạo Hồ Thị Thanh Phúc và cấp dưới tổ chức chi tiền của SADECO cho nhiều cá nhân đi du lịch nước ngoài mang danh “tham quan khảo sát”, gây thất thoát hơn 2,1 tỷ đồng. Bị cáo Tề Trí Dũng thực hiện thủ đoạn duyệt chi nhiều khoản tiền trái luật định, chiếm hưởng hơn 4,6 tỷ đồng. Bị cáo Tề Trí Dũng giữ vai trò chính và trực tiếp thực hiện hành vi tham ô tài sản.
Ông Tất Thành Cang từng nắm quyền lực đặc biệt lớn
Lật lại vụ án này, cần nhắc lại rằng, người dân TP.HCM có lẽ không lạ lẫm gì với cách cựu Phó Bí thư Thành ủy Tất Thành Cang một thời “làm mưa làm gió”.
Tại phiên tòa ngày 6/1/2022, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giữ quyền công tố tại tòa đã phát biểu đối đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư, trong đó đáng chú ý là đối đáp lại nội dung luật sư cho rằng bị cáo tất Thành Cang “vô tội”, “không có tội”.
Đại diện VKS còn đề nghị tuyên ông Cang từ 12-14 năm tù, nhưng cuối cùng mức án mà “hạt giống đỏ nhưng chưa chín” này phải nhận chỉ là 10 năm tù.
Theo đại diện VKS, sau khi bị cáo Tất Thành Cang ký bút phê "Đồng ý" vào tờ trình 1148 chấp thuận chủ trương phát hành 9 triệu cổ phần SADECO với giá 40.000/cổ phần cho cổ đông chiến lược, Văn phòng Thành ủy đã ban hành thông báo 495 cụ thể hóa tờ trình 1148 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực. Việc chuyển nhượng cho SADECO cũng được hoàn thành.
Đại diện VKS cho rằng, quan điểm truy tố bị cáo, luận tội đối với bị cáo Tất Thành Cang chính là hành vi có tính chất quyết định - là bút phê “Đồng ý” vào tờ trình mà Lãnh đạo Văn phòng Thành ủy xin ý kiến. Tiếp đó, khi ông Cang nói Tề Trí Dũng khai không đúng sự thật, nhưng theo VKS, nếu nếu không có sự đồng ý của đại diện chủ sở hữu, chắc chắn bị cáo Tề Trí Dũng không thể tự mình quyết định và thực hiện được việc chuyển nhượng cổ phần tại Công ty SADECO cho Công ty Nguyễn Kim.
VKS nhấn mạnh thời điểm xảy ra hành vi phạm tội, bị cáo Tất Thành Cang đang có vai trò pháp lý đặc biệt, có quyền lực rất lớn, vì đó là lúc giao thời khi Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chưa có Bí thư (do ông Đinh La Thăng đã được Bộ Chính trị điều động làm Phó ban Kinh tế Trung ương, còn ông Nguyễn Thiện Nhân chưa về TP.HCM).
Thành ủy lúc này do Phó bí thư Thường trực Tất Thành Cang điều hành. Thậm chí, có nhiều người dân ở TP.HCM khi xưa còn nói, quyền lực trong tay ông Tất Thành Cang có lẽ chỉ kém ông Đinh La Thăng khi vị cựu Ủy viên Bộ Chính trị này còn đang lãnh đạo ở TP.HCM.
“Như vậy có thể thấy mặc dù là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nhưng thực tế bị cáo Tất Thành Cang đảm nhiệm vai trò của Thường trực Thành ủy”, theo đại diện VKS.
Thời điểm bị cáo bút phê đồng ý để Văn phòng Thành ủy truyền đạt ý kiến là vào ngày 16/5/2017. Lời khai của bị cáo Tề Trí Dũng là phù hợp với quá trình, diễn biến của hành vi phạm tội.
Đồng thời, VKS chỉ rõ ông Tất Thành Cang là người định hướng việc lựa chọn Công ty Nguyễn Kim, để bị cáo Tề Trí Dũng cùng các bị cáo khác trong vụ án thực hiện chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim. Ông Cang có vai trò xuyên suốt.
“Với địa vị pháp lý của mình, bị cáo là người có vai trò dẫn dắt và quyết định sự việc phạm tội”, VKS kết luận, do đó, đề nghị HĐXX có hình phạt tương xứng, đúng người đúng tội, mang tính răn đe.
Trong vụ án này, TAND TP HCM đánh giá các bị cáo có hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát tài sản nhà nước nên mức án ở tòa sơ thẩm là đúng người, đúng tội.