Thu phí không dừng: Đừng để “Quýt làm, cam chịu”!

HÀ NỘI (Sputnik) - Sau 5 năm chậm trễ triển khai đồng bộ thu phí tự động không dừng, hiện trong quá trình vận hành và đi vào khai thác, hệ thống ETC cho thấy rõ sự bất cập khi phát sinh nhiều lỗi “dở khóc dở cười”, gây bức xúc cho các tài xế.
Sputnik

Lỗi của nhà cung cấp, lái xe gánh hậu quả

Hiện cả nước đã có 113 trạm thu phí vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC). Đây được coi là tiền đề quan trọng góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm chi phí, thời gian cho chủ phương tiện. Tuy nhiên, sau 5 năm chậm trễ triển khai đồng bộ thu phí tự động không dừng, Bộ Giao thông vận tải cũng thừa nhận, hiện trong quá trình vận hành hệ thống ETC vẫn còn một số lỗi, bất cập gây bức xúc cho chủ phương tiện như: xe qua trạm phải trả tiền mặt trong khi tài khoản giao thông vẫn trừ tiền, nhiều xe chưa đủ điều kiện vẫn đi vào cửa dành riêng cho xe thực hiện ETC,...
Cụ thể, mới đây nhất 328 xe ô tô dán thẻ ePass do VDTC cung cấp không qua được làn thu phí tự động sử dụng hạ tầng của VETC trên hai tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Hà Nội - Hải Phòng. Đây là sự cố chưa có tiền lệ do lỗi liên thông giữa hệ thống của VETC và Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) khiến phương tiện ùn ứ. Mặc dù, nguyên nhân và giải pháp khắc phục bằng văn bản đã có. Song thực tế cho thấy, những lợi ích mục tiêu thì chưa thấy đâu, chỉ thấy hậu quả nhãn tiền là mất thêm tiền, mất thời gian gây bức xúc cho các tài xế. Đáng lo ngại, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là tuyến cao tốc được Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam lựa chọn để thí điểm tổ chức thu phí tự động không dừng (ETC) hoàn toàn từ 5/5 tới đây.
Cục CSGT, Bộ Công an: Phạt các trạm thu phí để xảy ra ùn tắc
Các chuyên gia giao thông cho rằng, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chủ xe không dùng ETC: Làn thu phí thủ công tại các trạm BOT vẫn còn quá nhiều, thu phí không dừng vẫn thiếu tính năng liên kết giữa các bên liên quan như ngân hàng, nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ ETC và chủ xe. Bày tỏ quan điểm với Sputnik về những tồn tại trong thực hiện thu phí điện tử không dừng, TS. Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT cho rằng:

“Sau một thời gian dài, nhiều trạm vẫn tiếp tục triển khai thu phí song song (cả thu phí thủ công và thu phí tự động). Như vậy, sẽ không khuyến khích người dân thực hiện thu phí tự động không dừng. Những khó khăn có thể khắc phục được bằng cách giải thích, thuyết phục và thậm chí xử phạt phương tiện cố tình đi vào làn thu phí tự động. Đặc biệt, sau khi lắp đặt thu phí không dừng, vẫn phải có cơ quan kiểm tra, giám sát xem phần mềm, máy móc hoạt động có đúng không? Bộ GTVT phải thực hiện theo đúng chủ trương của Nhà nước, càng sớm càng tốt, càng nhanh càng tốt, phải có ý thức trách nhiệm với người dân, với đồng tiền của nhân dân.”

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đoạn qua xã Tân Phú (thị xã Cai Lậy) trong sáng 6/2 (mồng 6 Tết).
Để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ETC, GS TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường ĐH GTVT chia sẻ:

“Trước tiên, các nhà cung cấp dịch vụ phải chứng minh dịch vụ của mình bảo đảm thuận tiện, lợi ích cho người sử dụng; những lỗi bất cập trong vận hành hệ thống cần khẩn trương khắc phục triệt để. Suy cho cùng, việc người dân dán thẻ nhưng không sử dụng được dịch vụ thì lỗi vẫn thuộc về các nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ. Thế nhưng, người dân vẫn là người phải chịu thiệt.”

Chậm triển khai dịch vụ ETC: Ai sẽ chịu trách nhiệm?

Ngoài việc góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm chi phí, thời gian cho chủ phương tiện, thu phí tự động không dừng không chỉ giúp minh bạch trong việc thu phí, hạn chế gian lận mà còn giảm chi phí nhân lực, thời gian thu phí tại các trạm BOT. Theo đánh giá của Viện Chiến lược Giao thông vận tải nếu thực hiện thu phí tự động không dừng thay cho thu phí thủ công, mỗi năm có thể tiết kiệm tới 3 nghìn 400 tỷ đồng. Câu hỏi được dư luận đặt ra là vì sao thu phí tự động không dừng có lợi ích cho cả nhà nước, doanh nghiệp và lái xe mà vẫn chậm trễ triển khai? Và ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này?
Theo chỉ đạo của Chính phủ, mục tiêu tối thiểu 90% phương tiện được dán thẻ để sử dụng dịch vụ thu phí ETC vào tháng 6/2022. Mới đây, Bộ GTVT cũng thẳng thắn thừa nhận, mục tiêu hoàn thành 90% phương tiện dán thẻ vào tháng 6 tới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rất khó khả thi.
Phải chăng vì lợi ích nhóm, đã có những dấu hiệu thiếu minh bạch tìm mọi cách chậm triển khai? Dù Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt khi tuyên bố cho dừng những trạm thu phí không triển khai làn thu phí tự động, các trạm thu phí vẫn duy trì phương án thu phí thủ công bằng tiền mặt.
Bộ GTVT chỉ đạo gỡ khó vốn bảo trì 9 dự án BOT tạm dừng thu phí
Trước vấn đề này, trao đổi với Sputnik TS. Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT nhìn nhận:

“Để đẩy nhanh tiến độ thu phí tự động không dừng, Bộ Giao thông Vận tải phải nhìn thấy rõ trách nhiệm của mình, quyết tâm hành động quyết liệt, dứt khoát, khẩn trương làm rõ nguyên nhân vì sao các trạm BOT chưa thực hiện thu phí không dừng, làm rõ việc chần chừ, trì hoãn có xuất phát từ lý do lợi ích nhóm, lợi ích kinh tế hay không. Từ đó có biện pháp xử lý thích hợp, tránh để lại hậu quả lâu dài cho chính ngành Giao thông Vận tải và toàn xã hội.”

Rõ ràng, nếu có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Bộ Giao thông Vận tải, chắc chắn doanh nghiệp sẽ không thể để tồn tại tình trạng này.
Dự kiến từ 5/5/2022 sẽ triển khai thí điểm dán thẻ cho các chủ phương tiện tại đầu vào các trạm thu phí trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Tổng cục Đường bộ sẽ tổ chức tuyên truyền trong thời gian 4 tháng (từ 1/1- 30/4/2022) và thời gian triển khai thí điểm.
Thảo luận