Tuy nhiên, Mười Tường phủ nhận nhiều tội danh và liên tục kêu oan liên quan đến việc rửa tiền, vận chuyển trái phép 200.000 USD qua biên giới, buôn lậu 51kg vàng và buôn lậu đường cát.
Xét xử “trùm buôn lậu” Mười Tường
Ngày 16/2, TAND tỉnh An Giang đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường, 53 tuổi, trú ấp Phước Thọ, xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang) cùng các đồng phạm về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh (hàng đầu, thứ 2 phải qua) cùng đồng phạm tại phiên tòa sơ thẩm
© Ảnh : Công Mạo - TTXVN
Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh An Giang cáo buộc, khoảng 9h20 ngày 24/6/2019, trong lúc đang tuần tra vành đai biên giới ở rạch Chắc Ri (thuộc khóm Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc, An Giang), lực lượng Bộ đội biên phòng An Giang phát hiện 4 người đi trên vỏ lãi từ hướng Campuchia về Việt Nam có biểu hiện nghi vấn nên ra tín hiệu yêu cầu dừng lại để kiểm tra.
Ngay lập tức, các đối tượng quay đầu cập vào bờ, bỏ lại phương tiện và chạy về phía Campuchia. Một người trong số đó ném lại 1 túi ni lông có 470.000 USD bên trong.
Cơ quan chức năng sau đó đã lập biên bản tạm giữ tang vật và phương tiện để xử lý.
Đến ngày 6/7 và 9/7/2021, Phạm Thanh Sang (40 tuổi) và Hồ Tuấn Linh (41 tuổi, cùng ngụ xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang) lần lượt đến cơ quan công an trình diện.
Tiếp đến, các bị can Nguyễn Văn Lê (38 tuổi), Nguyễn Văn Minh (31 tuổi, cùng ngụ xã Đa Phước, H.An Phú, An Giang) là 2 đối tượng bị bắt trong vụ vận chuyển trái phép 51 kg vàng 9999 từ Campuchia vào Việt Nam hôm 30/10/2020 tại phường Vĩnh Ngươn, TP.Châu Đốc đã tự thú, xác nhận có liên quan đến vụ vận chuyển trái phép 470.000 USD nêu trên.
Cơ quan công an sau đó đã khởi tố bị can đối với Sang, Linh, Lê, Minh và Hạnh để điều tra theo quy định.
Sau khi giám định, ngân hàng xác nhận 4.700 tờ tiền mệnh giá 100 USD tang vật trong vụ việc trên là tiền thật, trị giá tương đương hơn 10,98 tỉ đồng.
Làm việc với cơ quan chức năng, các bị cáo cho biết, năm 2018, Sang, Lê và Minh làm thuê cho Mười Tường, còn Linh làm thuê cho chị của Mười Tường.
“Bà trùm” này thường thuê các bị cáo trên vận chuyển tiền, hàng hóa từ từ Campuchia về Việt Nam với số tiền 3 - 4 triệu đồng.
Vào 9h sáng 24/6/2019, Mười Tường chỉ đạo Sang, Minh, Linh và Lê sang Campuchia gặp hai người Campuchia là Cốp và Tuot để nhận ngoại tệ (USD) về Việt Nam thì bị phát hiện.
Tuy Mười Tường không thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng lời khai của Sang, Linh, Lê, Linh và nhiều người có liên quan khác đã đủ căn cứ cho thấy Mười Tường là người đã chỉ đạo các bị cáo trên vận chuyển trái phép 470.000 USD về Việt Nam.
Bị cáo Mười Tường kêu oan
Tại phiên tòa ngày 16/2, bị cáo Mười Tường được đưa đến tòa từ sớm để chờ các đồng phạm khác được đưa đến.
Từng là một “bà trùm” điều hành đường dây buôn lậu lớn trên tuyến biên giới An Giang, Mười Tường giờ lại tỏ ra yếu ớt và thường xuyên lộ vẻ mệt mỏi.
Sau khi nghe được khoảng 2/3 cáo trạng từ viện kiểm sát, nữ bị cáo than mỏi chân, xin chủ tọa cho phép ngồi và được chấp thuận. Nghe xong cáo trạng, Mười Tường phủ nhận việc gọi điện chỉ đạo Phạm Thanh Sang vận chuyển tiền.
“Các bị cáo khác được hưởng tình tiết giảm nhẹ, còn bị cáo không được hưởng tình tiết giảm nhẹ là oan ức cho bị cáo”, Mười Tường kêu oan.
Trái với Mười Tường, cả 4 bị cáo Sang, Linh, Lê và Minh đều tỏ ra ăn năn, hối hận, xin giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Sang khai nhận, từ giữa năm 2018, bị cáo làm thuê cho bà Hạnh với công việc ban đầu là lái xe lương 3 triệu/tháng.
Đến tháng 11 năm 2018, Sang bắt đầu vận chuyển hàng hóa cho bà Hạnh, mỗi tháng 5 - 6 lần, từ Campuchia về Việt Nam. Các lần vận chuyển này đều có sự tham gia của các bị cáo Linh, Lê và Minh.
Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định Mười Tường là đối tượng đã chỉ đạo cho đàn em dưới quyền thực hiện vụ việc. Đến ngày 6/7/2021, sau thời gian lẩn trốn tại Campuchia, Mười Tường bị bắt theo lệnh truy nã đặc biệt của Công an tỉnh An Giang.
Nữ bị cáo này đã bị khởi tố tổng cộng 6 tội danh gồm: tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, buôn lậu đường cát (năm 2018), buôn lậu 51 kg vàng (năm 2020), vận chuyển trái phép 470.000 USD qua biên giới (năm 2019), vận chuyển trái phép 200.000 USD qua biên giới (năm 2020) và tội rửa tiền (năm 2021).
Buôn lậu không đếm được số lượng
Tại tòa Sang khai vào ngày 24/6/2019, Sang nhận điện thoại của Mười Tường thì lấy xe máy chạy lên kho hàng Hạnh Phát để cùng 3 người khác đi nhận hàng. Mỗi lần vận chuyển hàng từ biên giới về đều là một nhóm 4 người.
“Đến kho hàng, cả nhóm lấy vỏ lãi chạy qua biên giới Campuchia để nhận túi nilon màu đen, rồi cho vào khoang. Phương tiện đến địa phận Châu Đốc thì bị lực lượng Biên phòng chốt chặn nên quay vỏ lãi tấp vào bờ, bỏ chạy”, đối tượng cho biết.
Sang còn nói thêm, Linh ôm bọc tiền nhưng một đoạn thì quăng bỏ hàng hoá. Sau đó cả nhóm tập họp lại kho hàng, điện thoại thông báo cho Hạnh biết. Hạnh kêu về nhà tắm, nghỉ ngơi.
“Mỗi tuần thì nhóm đi nhận hàng 2 lần, không được kiểm đếm số lượng”, Sang khai.
Chủ tọa nêu chất vấn: “Bị cáo có mở kiểm tra, đọc các ký hiệu để mang đi giao cho từng người?”
Sang cúi đầu thừa nhận là đúng.
Trong khi đó bị cáo Linh khai nhận làm công cho Xuyến từ cuối năm 2019, với mức lương 4,7 triệu đồng/tháng.
Sau khi nhận được điện thoại từ Sang thì cùng các đối tượng khác lên vỏ lãi đi qua biên giới nhận hàng. Việc nhận hàng đã thực hiện nhiều lần.
“Lúc ghé vào bờ có người quăng túi nilon nên sẵn tay mang theo, bất ngờ bị vấp ngã nên bỏ lại. Bị cáo chỉ nhiệm vụ ngồi mũi vỏ lãi, chứ không tham gia các hoạt động khác”, Linh phủ nhận.
HĐXX cho rằng bị cáo Linh đang chối bỏ hành vi vi phạm của mình.
Còn bị cáo Lê cũng khai hàng nhận từ biên giới về có khi nhẹ, khi nặng. Những lần đi nhận hàng đều theo lệnh của Sang. Việc nhận hàng đều đi ban ngày. Trong vụ buôn lậu 51kg vàng thì được phân công nhiệm vụ canh đường. Trong vụ vận chuyển USD thì được phân công nhiệm vụ hộ tống.
Minh cũng cho rằng nhiệm vụ chính là điều khiển vỏ lãi đi nhận hàng, với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Sau khi bị bắt giữ hàng thì về giữ kho. Minh khẳng định mình không dính líu với số hàng bị Công an An Giang bắt.
HĐXH hỏi bị cáo Minh rằng, ngoài lương thì bị cáo còn nhận mỗi tháng 1,5 triệu đồng/tháng là tiền công vận chuyển tiền tệ đúng không? Minh trả lời là đúng.
Tuy nhiên, bị cáo không trả lời được vì sao không biết đó là tiền mà khi phát hiện lực chức năng lại bỏ chạy.
HĐXX đề nghị các bị cáo phải khai báo thành khẩn, chứ không thể khai gian dối mà xin giảm nhẹ hình phạt hay hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Chiều 16/2, HĐXX sẽ tuyên án đối với Nguyễn Thị Kim Hạnh và đồng phạm.