Kỷ lục của Samsung Việt Nam và sự bùng nổ ngành công nghiệp điện tử

Samsung Việt Nam vừa lập kỷ lục doanh thu trong năm 2021, chấm dứt chuỗi 2 năm liên tiếp tăng trưởng âm. Trong đó, Samsung Thái Nguyên tiếp tục là nhà máy mang lại doanh thu cao nhất cho ông lớn Hàn Quốc.
Sputnik
Dù hình thành chưa lâu, ngành điện tử và linh kiện ở Việt Nam đã cho thấy sự phát triển rất mạnh, đưa Việt Nam vào nhóm các nước xuất khẩu hàng điện tử hàng đầu thế giới.
Việc các đối tác nước ngoài tiếp tục rót vốn, mở rộng hoạt động kinh doanh sản xuất ở Việt Nam sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử, từ đó thu hút thêm các nhà đầu tư mới trong năm 2022.
Việt Nam không đóng cửa doanh nghiệp nữa

Samsung Việt Nam lập đỉnh doanh thu

Vừa qua, Samsung Electronics đã công bố báo cáo chi tiết về kết quả hoạt động kinh doanh. Trong năm 2021, tập đoàn này đạt doanh thu 244,4 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2020. Tính chung lợi nhuận cả năm 2021 đạt 34,88 tỷ USD, tăng 51%.
Trong đó, 4 công ty của Samsung ở Việt Nam (Samsung Bắc Ninh, Samsung Thái Nguyên, Samsung Display và Samsung HCMC CE Complex) có tổng doanh thu 71,71 tỷ USD, tăng 15%. Kỷ lục này vượt qua mốc đỉnh cao năm 2018 và chấm dứt chuỗi 2 năm liên tiếp tăng trưởng âm.
Tổng lợi nhuận 4 công ty ở Việt Nam mang lại là 4,55 tỷ USD, tăng trở lại sau 3 năm tăng trưởng âm. Tuy vậy, con số này vẫn còn thấp hơn so với năm 2018 và kém khá xa năm 2017.
Đặc biệt, trong năm 2021, Samsung Bắc Ninh bất ngờ tụt xuống vị trí thứ 3 về doanh thu (18,9 tỷ USD), thấp hơn cả Samsung Display Vietnam (19,0 tỷ USD). Nhà máy có đóng góp doanh thu cao nhất là Samsung Thái Nguyên với 28,1 tỷ USD. Riêng Samsung HCMC CE Complex duy trì đà tăng trưởng ổn định với 5,7 tỷ USD doanh thu.
Dù có sự sụt giảm về thứ bậc doanh thu, Samsung Bắc Ninh vẫn đứng thứ 2 về lợi nhuận, đạt 1,27 tỷ USD. Trong khi đó, Samsung Thái Nguyên lãi 2,01 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 2018.
Hiện ông lớn Hàn Quốc có 8 nhà máy sản xuất, kinh doanh và nghiên cứu ở Việt Nam, chủ yếu ở 3 địa phương là Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM. Vừa qua, Samsung đã được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư để rót thêm 920 triệu USD vào Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (SEMV).
SEMV là công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp các bảng mạch điện tử kết nối mật độ cao (FPCB, Main board, FCBGA…) và các linh kiện, phụ tùng (camera module, thấu kính, actuator, bộ nắn điện, touch sensor module, linear motor, WPT...) cho các loại thiết bị viễn thông, thiết bị di động công nghệ cao và các loại sản phẩm điện - điện tử khác.
Samsung lên tiếng về việc rời một phần dây chuyền sản xuất smartphone khỏi Việt Nam

Ngành điện tử và linh kiện điện tử phát triển mạnh

Theo ghi nhận của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là ngành điện tử và linh kiện.
Ngành này đã có bước phát triển rất mạnh mẽ trong giai đoạn 2016-2020 với hàng loạt dự án đầu tư nước ngoài. Nhiều tập đoàn lớn như Samsung, LG đã triển khai xây dựng các cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao quy mô lớn ở Việt Nam.
Samsung đã bắt đầu hoạt động tại Việt Nam năm 2008, đầu tiên là Nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh, sau đó mở thêm một nhà máy sản xuất lớn nữa ở Thái Nguyên (SEVT).
2 nhà máy này đóng góp rất nhiều vào doanh thu cũng như lợi nhuận của Samsung và ngân sách địa phương, đồng thời cũng là 2 nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên thế giới. Tập đoàn này cũng đang xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội.
Cô gái làm việc tại nhà máy Samsung ở Việt Nam
Trong khi đó, tập đoàn LG đã đầu tư hoạt động ở Việt Nam từ năm 1995, hiện sở hữu 3 nhà máy sản xuất các mặt hàng chính của thương hiệu này, bao gồm LG Electronics Vietnam Hai Phong chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử; LG Innotek Vietnam Hai Phong chuyên sản xuất và bán các linh kiện điện tử và LG Display Vietnam Hai Phong chuyên sản xuất màn hình LCD và OLED.
Intel Products Việt Nam được phía Mỹ đầu tư từ năm 2006, đi vào hoạt động năm 2010, là khoản đầu tư công nghệ cao lớn nhất của Mỹ vào Việt Nam với hơn 1 tỷ USD. Intel Products Việt Nam hiện là cơ sở sản xuất lắp ráp và kiểm định lớn nhất thế giới của Intel. Với danh tiếng của mình, Intel cũng giúp thu hút đầu tư lớn từ nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao. Đầu năm 2021, tập đoàn này đã tăng vốn thêm 475 triệu USD.
Một cái tên nổi tiếng khác là Foxconn Technology Group đến từ Đài Loan. Tại Việt Nam, tập đoàn này là đối tác cung ứng, sản xuất linh kiện chính của Apple, bao gồm các thiết bị liên quan đến máy tính, hàng điện tử, công nghệ thông tin. Foxconn cũng tham gia gia công, sản xuất các sản phẩm như AirPods, Apple Watch, iPad, Macbook.
Công ty TNHH Canon Việt Nam (thuộc Canon - Nhật Bản) hoạt động tại Việt Nam từ năm 2001 và hiện có 3 nhà máy sản xuất chính là Nhà máy Thăng Long (Hà Nội) chuyên sản xuất các loại máy in phun, máy quét ảnh; Nhà máy Quế Võ (Bắc Ninh) chuyên sản xuất các loại máy in laser và Nhà máy Tiên Sơn (Bắc Ninh) chuyên sản xuất các loại máy in phun.
Dù hình thành chưa lâu, có thể thấy ngành điện tử và linh kiện ở Việt Nam đã có sự phát triển rất mạnh, đưa Việt Nam vào nhóm các nước xuất khẩu hàng điện tử chủ chốt của thế giới. Việc các đối tác nước ngoài tiếp tục rót vốn, mở rộng hoạt động kinh doanh sản xuất ở Việt Nam sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử, từ đó thu hút thêm các nhà đầu tư mới trong năm 2022.
Việt Nam sẽ là nước gỡ nút thắt chuỗi cung ứng toàn cầu 2022
Thảo luận