Các chuyên gia lý giải “vì sao ở Việt Nam thời bình vẫn chết nhiều”, trong đó, ngày càng nhiều người bị ung thư, những loại ung thư phổ biến nhất cũng như phương pháp phòng ngừa ung thư cần biết.
Ung thư ở Việt Nam ngày càng nhiều
Như đã biết, ung thư là một thuật ngữ chung chỉ nhóm các bệnh gây ra khi các tế bào bất thường phân chia nhanh chóng, xâm lấn và lan sang các mô, cơ quan khác của cơ thể.
Nguyên nhân gây ra ung thư là gì? Theo các chuyên gia, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ung thư là các biến đổi hay đột biến tại các DNA bên trong tế bào. Những đột biến gen này có thể được di truyền bẩm sinh, tuy nhiên, chúng cũng có thể xuất hiện trong quá trình sinh sống do tác động của môi trường.
Một số nguyên nhân khác gây ung thư đã được WHO thống kê như phơi nhiễm bức xạ, hóa chất gây ung thư, phơi nhiễm ánh nắng mặt trời, hút thuốc, sử dụng quá nhiều rượu bia, chất kích thích, một số loại virus như HPV hay lối sống thiếu lành mành, ít hoạt động thể chất, tiêu thụ nhiều đồ ăn, thức uống độc hại.
Thông tin đáng chú ý được nêu mới đây tại Hội nghị Khoa học phòng chống ung thư thường niên lần thứ 9 ở Việt Nam cho thấy, theo số liệu mới nhất từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) 2020, tỷ lệ mắc ung thư mới của Việt Nam đã tăng lên 9 bậc xếp thứ 90/185 quốc gia.
Cơ quan chức năng ghi nhận, Việt Nam phát hiện từ 165.000 ca mới vào năm 2018 đã tăng lên 182.000 ca mới vào năm 2020. Đáng chú ý hơn, tỷ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc xếp 50/185 sau 2 năm.
Theo công bố tại Hội nghị hàng đầu của các chuyên gia trong lĩnh vực phòng chống ung thư tại Việt Nam, hiện cả nước có khoảng hơn 350.000 bệnh nhân đang sống với bệnh ung thư. Đây là con số chính thức, nhưng cũng chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, vì như đã thông tin, ở Việt Nam, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, tỷ lệ phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn khi nguy cơ tử vong cao là rất lớn. Có chuyên gia đã phải đặt vấn đề, vì sao thời bình Việt Nam vẫn chết nhiều, ngoài tai nạn giao thông, thiên tai, hậu quả bom mìn, tử vong vì các bệnh không lây nhiễm trong đó có ung thư, đặc biệt gây lo ngại.
Một điểm đáng lưu tâm là, nguy cơ mắc ung thư, theo nghiên cứu trên thế giới, có xu hướng tăng theo độ tuổi, tuy nhiên, mức độ trẻ hóa của bệnh ung thư ngày nay cũng gây lo ngại. Các chuyên gia cũng dự đoán trong những năm tới, các loại ung thư sẽ có sự thay đổi.
Cùng với đó, theo các chuyên gia y tế, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều bệnh nhân ung thư rơi vào tình trạng nặng hơn do các biện pháp phòng chống dịch như giãn cách xã hội, phong tỏa, sụt giảm về kinh tế cũng như thực tế không nhận được sự hỗ trợ y tế kịp thời.
Dịch Covid-19 và ung thư
Tại Hội nghị về ung thư vừa qua, báo cáo từ Bệnh viện Trung ương Huế cho thấy, số liệu thống kê chi ra số lượt bệnh nhân ung thư vào điều trị tại Trung tâm Ung Bướu tăng qua từng năm, mức tăng từ 30-45%.
Các loại ung thư thường gặp nhất là ung thư phổi, gan, đại trực tràng, vú, dạ dày, các ung thư vùng đầu- cổ.
GS.TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế lưu ý, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến quá trình phát hiện và điều trị các bệnh nhân về ung thư.
Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho thấy, năm qua, ước tính đã có khoảng 20 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, đã có 10 triệu người đã tử vong. Dự báo những con số này sẽ tiếp tục gia tăng trong những thập niên tới.
Thế giới lần đầu tiên phải vượt qua một ngưỡng mới nghiêm trọng hơn đối với căn bệnh quái ác này.
Cùng với đó, đại dịch COVID-19 lại càng tác động xấu hơn đối với việc chăm sóc bệnh nhân ung thư. Khảo sát của WHO ở nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, 77,5% bệnh nhân ung thư bị gián đoạn hoặc chậm trễ điều trị trong thời gian dịch bệnh.
Việc gián đoạn này trải dài từ giai đoạn chẩn đoán, điều trị đến tái khám và ảnh hưởng đến tất cả các phương pháp điều trị như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng.
BS. Nguyễn Triệu Vũ, trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Thủ Đức, TP.HCM cho hay, ở Việt Nam, dù chưa có thống kê chính thức nhưng có thể thấy khi dịch bùng phát tình trạng bệnh nhân ngại đi khám bệnh, một số bệnh viện lớn bị phong tỏa do dịch bệnh, các thuốc đặc trị nhất là các thuốc nhập khẩu đôi khi bị thiếu hụt, hàng loạt cơ sở kinh doanh ngừng hoạt động, đều tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến khả năng điều trị và tuân thủ của bệnh nhân.
BS. Đỗ Văn Liêm, trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cũng lưu ý về tình trạng sau các đợt giãn cách xã hội, tỷ lệ các bệnh nhân ung thư đi khám tăng, tỷ lệ trong tình trạng nặng cũng tăng, nhiều trường hợp bệnh nhân ở cả hai bệnh viện như Thủ Đức hay Ung bướu TP.HCM đã có khối u phát triển xâm lấn sang nhiều cơ quan nội tạng khác, gây khó khăn cho quá trình điều trị.
Trước đó, tại một hội nghị khoa học chuyên đề về phòng chống dịch bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam, GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã chia sẻ những thông tin hết sức đáng lưu ý.
“Việt Nam đang phải giải quyết gánh nặng bệnh tật kép. Trong khi các bệnh truyền nhiễm như COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp thì nước ta cũng phải đối mặt với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm chủ yếu là các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh hô hấp mạn tính, là những bệnh đang gây gánh nặng bệnh tật và tử vong hàng đầu”, GS. TS Phan Trọng Lân nói.
Kết quả Điều tra yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2021 cũng cho thấy tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn cao, chiếm 41%; có gần 30% nam giới trưởng thành uống rượu, bia ở mức nguy hại; hơn một nửa người trưởng thành ăn thiếu rau và trái cây và người dân ăn muối nhiều gần gấp hai lần so với khuyến nghị; khoảng 1/5 dân số thiếu hoạt động thể lực và tỷ lệ thừa cân béo phì chiếm gần 20% dân số trưởng thành.
Ông Lân lưu ý, cùng với kiểm soát dịch bệnh thì phòng, chống bệnh không lây nhiễm đang là một ưu tiên trong chính sách y tế của Việt Nam, trong đó nghiên cứu khoa học đóng vai trò quan trọng.
GS Phan Trọng Lân lưu ý rằng, nghiên cứu khoa học về bệnh không lây nhiễm trong bối cảnh dịch Covid-19 cho thấy, những người tử vong do SARS-COV-2 đều có bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư….
Ngược lại, bệnh dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội, từ đó làm thay đổi các hành vi, lối sống của người dân, nhất là các hành vi nguy cơ bệnh không lây nhiễm.
GS Lân dẫn chứng điển hình như chế độ ăn uống không lành mạnh, ăn đồ ăn nhanh, chế biến sẵn, lười vận động thể lực, lạm dụng đồ uống có cồn, hút thuốc, thừa cân béo phì và bên cạnh đó là nguy cơ gia tăng các rối loạn sức khỏe tâm thần.
5 loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam
Báo cáo của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) thống kê, có 5 loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam trong năm 2020.
Cụ thể, ung thư gan chiếm tỷ lệ cao nhất (14,5%), tiếp đến là ung thư phổi (14,4%), ung thư vú (11,8%), ung thư dạ dày (9,8%) và ung thư đại trực tràng (9%). Bên cạnh đó, ung thư vùng đầu – cổ cũng đang tăng lên.
Nhiều nghiên cứu thống kê cũng chỉ ra một số các yếu tố tác động đến việc gia tăng bệnh nhân ung thư ở Việt Nam.
Cụ thể, Việt Nam đang trong thời kỳ già hóa dân số, tuổi càng cao thời gian tiếp xúc với các yếu tố càng dài làm tăng tỷ lệ mắc ung thư.
Tiếp đó, dân số tăng dẫn đến số người mắc và tử vong do ung thư tăng, rượu, bia, thuốc lá, ăn uống không hợp lý.
Ngoài ra, nhận thức của người dân đã tốt hơn trong việc tầm soát và phát hiện sớm bệnh ung thư cũng dẫn đến việc phát hiện nhiều hơn các trường hợp mắc bệnh.
TS Trần Tuấn Thành, từ đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ bệnh nhân mắc viêm gan B cao.
Nghiên cứu cho thấy, ước tính những năm gần đây Việt Nam có 12 - 16% dân số nhiễm HBV (virus gây viêm gan B), tỷ lệ nhiễm ở Hà Nội và TP.HCM khoảng 10 - 14%, một số vùng nông thôn có tỷ lệ nhiễm cao lên đến 18 - 20%.
Báo cáo cũng cho thấy, dự đoán đến năm 2025, Việt Nam có 60.000 bệnh nhân bị xơ gan, 25.000 bệnh nhân ung thư gan và 40.000 trường hợp tử vong.
Trong khi đó, TS Phạm Hùng Vân, Chủ tịch Hội Vi sinh lâm sàng TP.HCM thông tin, sở dĩ ung thư gan chiếm tỷ lệ cao do yếu tố di truyền từ thế hệ những năm 1960 trở về trước, lúc này tỷ lệ người Việt Nam mắc bệnh về gan rất cao và đến nay các thế hệ sau đã lớn tuổi nhiều người phát triển thành ung thư gan.
“Trong vài chục năm nữa, tỷ lệ người mắc bệnh gan sẽ giảm”, chuyên gia dự báo.
Chủ tịch Hội Vi sinh lâm sàng TP.HCM nhấn mạnh, rong những năm tới ung thư gan sẽ giảm do người dân đã có nhận thức và tiêm ngừa vaccine phòng ngừa HBV đầy đủ, viêm gan C đã có thuốc điều trị hẳn.
“Ung thư phổi, ung thư vú là nhóm có nguy cơ tăng cao do vấn đề về vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường, rượu, bia, thuốc lá...”, TS. Vân lưu ý.
Chuyên gia nêu cách phòng tránh bệnh ung thư
Theo Bác sĩ chuyên khoa cấp 1 Nguyễn Xuân Kiên, khoa Xạ Trị - Xạ phẫu, Viện Ung thư, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trước hết, cần hiểu biết được các yếu tố nguy cơ của ung thư.
Từ đó, theo chuyên gia, phải tự biết điều chỉnh và thực hiện lối sống lành mạnh, khoa học, làm giảm nguy cơ ung thư cho cơ thể.
Theo BS. Kiên chia sẻ trên Dân Trí, có một số phương cách tốt nhất để dự phòng ung thư. Trước nhất là bỏ thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc. Thứ hai, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng.
Theo đó, cần hạn chế sử dụng các loại thịt chế biến sẵn. Có thể cân nhắc áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải, tập trung vào thực phẩm nguồn gốc thực vật, protein nạc, chất béo có lợi cho cơ thể. Đồng thời, không uống rượu bia hoặc tiết chế việc uống rượu bia. Dẫn khuyến cáo tại Hoa Kỳ đối với phụ nữ ở mọi lứa tuổi và nam giới trên 65 tuổi, ông Kiên lưu ý, nên duy trì một khẩu phần rượu mỗi ngày và tối đa hai khẩu phần rượu mỗi ngày đối với nam giới <65 tuổi. Một khẩu phần rượu tương đương với một lon bia 5% (350 ml) hoặc một ly rượu vang 12% (150 ml) hoặc một ly rượu mạnh 40% (44 ml).
Thứ ba, phải giữ được cân nặng hợp lý và hoạt động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày. Thứ tư, che chắn bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời - che chắn bằng quần áo, kính râm, mũ, và thoa kem chống nắng thường xuyên. Đồng thời, chú ý tránh ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Đây là lúc tia nắng mặt trời ở mức mạnh nhất.
Thứ năm, nên tiêm vaccine phòng virus có thể dẫn đến ung thư, chẳng hạn virus viêm gan B, virus gây u nhú ở người HPV.
Bác sĩ cũng khuyến nghị không thực hiện các hành động có tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư - thực hành tình dục an toàn, không sử dụng chung bơm kim tiêm, chỉ xăm hình ở các cơ sở có uy tín và an toàn.
Kế tiếp, thứ bảy, nên thường xuyên khám định kỳ để có thể phát hiện sớm các loại ung thư, làm tăng cơ hội chữa khỏi cho người bệnh.
Đối với vấn đề tầm soát sức khỏe, Tuổi Trẻ dẫn ý kiến của TS. Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết, đến nay ngành y tế Việt Nam vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc tầm soát sức khỏe hoặc khuyến cáo rõ ràng về độ tuổi, giai đoạn tầm soát.
Chi phí để tầm soát sức khỏe định kỳ phần lớn tại các cơ sở y tế tối thiểu là 1 triệu đồng, mức chi phí khoảng 2 - 3 triệu đồng là người dân có thể tầm soát phát hiện sớm những loại bệnh cơ bản. Sau đó tùy theo kết quả khám tầm soát và điều kiện mà người bệnh sẽ được tầm soát theo yêu cầu khám kỹ hơn để tìm ra các bệnh lý, điều trị kịp thời.
Ông Việt nhấn mạnh, có nhiều đơn vị hiện nay lạm dụng kiểm tra sức khỏe định kỳ, tư vấn để bệnh nhân làm các dịch vụ kỹ thuật không cần thiết, vượt quá khả năng kinh tế của người đến khám.
“Nhiều bệnh nhân bị "vẽ" bệnh dẫn đến tiền mất tật mang, do đó người dân cần chú ý đến việc lựa chọn các cơ sở uy tín đề tầm soát”, chuyên gia lưu ý.
BS. Đỗ Văn Liêm, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cũng cho biết, đối với người có sức khỏe bình thường, nếu không có gì bất thường nên đi khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần.
“Để hạn chế được căn bệnh ung thư, chúng ta phải xây dựng và duy trì một lối sống lành mạnh không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, các thực phẩm hun khói, duy trì cân nặng hợp lý, ăn nhiều rau quả xanh, xây dựng thói quen khám sức khỏe tầm soát định kỳ nhằm phát hiện sớm và có biện pháp điều trị kịp thời”, chuyên gia khuyến nghị phương thức phòng tránh bệnh ung thư.