Ông lưu ý rằng cũng giống như các biến thể khác của SARS-CoV-2, Omicron có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến mạch máu.
"Mắc bệnh coronavirus dạng nhẹ, thường do Omicron gây ra, không có nghĩa là mọi việc sẽ dễ dàng, suôn sẻ và qua đi mà không có bất kỳ biến chứng nào. Cũng giống như bất kỳ biến thể nào khác của virus SARS-CoV-2, Omicron gây ra những thay đổi khá nghiêm trọng ở thành mạch máu phía trong“, - ông Bolibok nói.
Theo ông, sau khi khỏi bệnh coronavirus dạng nhẹ có thể xuất hiện những rối loạn nghiêm trọng trong hệ thống đông máu. Khả năng này trước hết đe dọa những người cao tuổi, bác sĩ nói thêm.
"Sau khi hết sốt cũng như chấm dứt các triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus có thể xuất hiện một số biến chứng. Nên nhớ rằng coronavirus đe dọa hình thành huyết khối. Người càng lớn tuổi càng có nhiều khả năng hình thành huyết khối do máu đông. Bởi vì cùng với tuổi tác khả năng đông máu cũng tăng, tình trạng động mạch và tĩnh mạch không tốt lắm, và rồi coronavirus lại chồng chất thêm lên đó", - nhà miễn dịch học giải thích.
Các dấu hiệu cho thấy có thể hình thành huyết khối
“Nên chú ý đến các triệu chứng như đau đột ngột ở tay hoặc chân, tình trạng các cơ bị chuột rút, thường ở chân nhiều hơn, phù chân, xuất hiện vết rạn tĩnh mạch”, - bác sĩ nói.
Ông Bolibok cho rằng triệu chứng báo hiệu thuyên tắc phổi có thể là hiện tượng ho đột ngột xuất hiện sau khi khỏi bệnh COVID-19.
Những biến đổi về tuần hoàn máu sau khi nhiễm chủng coronavirus Delta thường dẫn đến suy giảm thị lực, sau khi nhiễm Omicron biến chứng như vậy cũng khá phổ biến, chuyên gia nói tiếp.
“Huyết khối võng mạc xuất hiện. Bệnh nhân thường kêu đau mắt, nhìn không rõ, xuất hiện các đốm mờ. Triệu chứng này rất điển hình đối với chủng Delta, nhưng nó cũng xảy ra khá thường xuyên với biến thể Omicron”, - bác sĩ Bolibok giải thích.
Ông cảnh báo ngay cả những bệnh nhân nhiễm Omicron không có triệu chứng cũng không chắc chắn tránh được những hậu quả nói trên.