Những giải pháp mà Chính phủ ban hành trong thời gian qua đã giúp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó làm giảm thiểu thiệt hại sau thời gian dài khó khăn do Covid-19.
Việc Samsung hay các đối tác của Apple như Foxconn, Luxshare, Pegatron đã chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư cho thấy vị thế mắt xích đặc biệt của quốc gia này.
Nền kinh tế hình chữ K lấy xuất khẩu làm chỗ dựa chính
Như Sputnik nhấn mạnh, Việt Nam được đánh giá là “mắt xích” quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và vẫn là điểm đến ưa thích của giới đầu tư nước ngoài, những tập đoàn đa quốc gia trong làn sóng tái định cư dây chuyền sản xuất nhờ chính trị ổn định, nền kinh tế vững chắc và môi trường đầu tư thuận lợi.
Trong báo cáo “Vietnam Outlook 2022: Economic prospects in the wake of Covid-19”, PwC cho rằng, dù bị ảnh hưởng mạnh bợt đợt dịch Covid-19 kéo dài, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GDP 2,58% năm 2021.
Bên cạnh đó, kể từ khi Covid-19 xuất hiện cho đến nay, cũng không có nhiều nước duy trì được 2 năm liên tiếp tăng trưởng dương như Việt Nam. Đây có thể được coi là kỳ tích.
Tuy vậy, theo PwC, tốc độ tăng trưởng GDP không nói lên được hết tác động thực tế mà Covid-19 mang lại. Quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam có hình chữ K, khi mà các ngành khác nhau bị tác động theo những cách không giống nhau.
Cụ thể, trong khi các ngành dựa vào xuất khẩu cho thấy khả năng phục hồi đáng kể thì du lịch, khách sạn, dịch vụ ăn uống bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề.
Đại dịch đã làm lộ rõ một thực tế rằng Việt Nam sở hữu nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, ít phụ thuộc vào du lịch hay khách sạn.
Trong khi các nước láng giềng có ngành du lịch phát triển mạnh như Thái Lan (tăng trưởng GDP -6% năm 2020), Philippines (-9,6%) hay Campuchia (-3,1%) bị ảnh hưởng mạnh, thì Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng dương.
Theo PwC, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mới nhất có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 sẽ giúp tăng cường quan hệ thương mại với các thị trường toàn cầu, qua đó đưa Việt Nam dần trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh của khu vực.
Yếu tố nào khiến Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn?
Việt Nam vẫn là điểm đến của nhiều chuỗi cung ứng và sản xuất, do sở hữu nền kinh tế vững chắc và môi trường đầu tư thuận lợi.
Cho đến 20/12/2021, Việt Nam đã ghi nhận 31,15 tỷ USD tổng vốn mua mới, điều chỉnh và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Ở đây cần nhấn mạnh rằng, một trong những lý do chính giúp Việt Nam thành “bên thắng cuộc” trong cuộc chiến tái định vị chuỗi cung ứng chính là năng lực xây dựng hệ sinh thái sản xuất rất mạnh.
Theo PwC, Việt Nam có năng lực xây dựng hệ sinh thái sản xuất mạnh mẽ, bao gồm mạng lưới các nhà cung cấp hỗ trợ các nhà sản xuất lớn trong nước, cũng như việc cơ sở hạ tầng điện, đường bộ và giao thông của quốc gia liên tục được cải thiện trong thời gian qua.
Trước đây, Việt Nam nổi tiếng với lĩnh vực sản xuất hàng dệt may. Tuy nhiên, những năm gần đây, Việt Nam dần trở thành một trung tâm sản xuất điện tử hàng đầu Đông Nam Á. Việc Samsung chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất toàn cầu với trên 50% sản lượng smartphones cung ứng cho thế giới “made in Vietnam” cho thấy niềm tin ấy.
Một loạt dự án của các nhà đầu tư Hoa Kỳ trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử và điện tử tiêu dùng đã đổ vào Việt Nam như dự án Fuyu Precision của Foxconn ở Bắc Giang (2020), dự án Goertek Vina 2 của Goertek ở Bắc Ninh hoặc các dự án Luxshare ở Nghệ An và Bắc Giang (2019), Wistron ở Hà Nam (2020)…Các đối tác của Apple đặc biệt đặt niềm tin ở Việt Nam.
Foxconn
© Depositphotos.com / MichaelVi
Ngoài ra, Việt Nam cũng ghi nhận nhiều dự án FDI khác rót vốn trong năm 2020 và 2021, nhưng có một số dự án bị trì hoãn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo PwC, xu hướng này sẽ vẫn diễn ra trong vài năm tới, bao gồm cả việc chuyển hướng đầu tư khỏi các thị trường khác, cũng như gia tăng đầu tư trong mảng sản xuất nước ngoài.
Trong năm nay, các nhà quan sát cho rằng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ còn nhanh hơn nữa, một phần nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao đã giúp các hoạt động kinh tế dần khôi phục từ cuối năm 2021.
Tăng thu hút vốn FDI
Như Sputnik đã đưa tin trước đó, số liệu do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2022, một số dự án FDI đã ghi nhận sự tăng vốn mạnh sau khi điều chỉnh.
Cụ thể, dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (Singapore) có vốn đầu tư tăng thêm gần 941 triệu USD. Một dự án khác là Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Hàn Quốc) tại Thái Nguyên cũng được rót thêm 920 triệu USD.
Bên cạnh đó, dự án nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Hồng Kông) cũng tăng thêm gần 306 triệu USD vốn đầu tư tại Bắc Ninh.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, có 142 lượt dự án được điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 23,5% về số lượt dự án và tăng gấp hơn 2,2 lần về số vốn so với cùng kỳ.
Có 400 lượt đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài, giảm 10,1% so với cùng kỳ, nhưng giá trị vốn góp lại đạt 769,6 triệu USD, tăng 41,7% so với cùng kỳ.
Trong hai tháng đầu năm 2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 17 trong 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, dẫn đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư đạt trên 3,13 tỷ USD, chiếm gần 63% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đứng thứ hai là ngành kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư hơn 1,5 tỷ USD, chiếm hơn 30%. Xếp tiếp theo là các ngành chuyên môn khoa học công nghệ (109,6 triệu USD), sản xuất phân phối điện (gần 60 triệu USD)...
Có 51 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2022. Trong đó, dẫn đầu là Singapore với trên 1,7 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 34,2%.
Xếp thứ hai là Hàn Quốc với trên 1,4 tỷ USD, chiếm 28,2% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng tiếp theo với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 538 triệu USD, chiếm 15,3%. Lần lượt theo sau là Hong Kong, Nhật Bản, Thái Lan,…
Các dự án FDI đến nay đã phủ sóng trên khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI vẫn là TP.HCM với trên 52,8 tỷ USD (chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư). Xếp tiếp theo lần lượt là Bình Dương (gần 37,8 tỷ USD, chiếm 9% tổng vốn đầu tư) và Hà Nội (gần 37,6 tỷ USD, chiếm gần 9% tổng vốn đầu tư).
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành và triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhằm giảm thiểu thiệt hại sau thời gian dài khó khăn do Covid-19, từ đó duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài gặt hái nhiều thành quả tích cực.