Trước đó, người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố chặn hoạt động của một số phương tiện truyền thông Nga tại EU, đối tượng áp đặt lệnh cấm sẽ bao gồm RT, Sputnik và các công ty con của họ.
Trong những năm gần đây, phương Tây liên tục chỉ trích Nga và Trung Quốc về việc hạn chế quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì sự cởi mở trong các phương tiện truyền thông. Hệ thống an ninh Internet của Trung Quốc luôn là mục tiêu chỉ trích của các chuyên gia và chính trị gia theo chủ nghĩa tự do. Họ quả quyết rằng, chúng tôi, các nền dân chủ tự do, thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin tự do, không bị kiểm soát. Và bất kỳ sự kiểm duyệt nào trên Internet đều không thể chấp nhận được. Họ cũng nói lên những lời chỉ trích mạnh mẽ chống lại phân khúc không gian mạng của Nga. Các luật được thông qua ở Nga, bao gồm cả luật được gọi là luật "internet có chủ quyền", đã bị chỉ trích bởi vì luật này hạn chế các quyền cơ bản của công dân trong việc truy cập thông tin không bị cản trở. Ý nghĩa chính của tất cả các lập luận chống lại việc mở rộng chủ quyền của nhà nước đối với không gian thông tin là do Internet được sinh ra như một môi trường tự do, không bị kiểm soát. Vì vậy, nó phải vẫn như vậy.
Tuy nhiên, lôgic của các nền dân chủ phương Tây rất giống một khẩu hiệu của những người Bolshevik sau Cách mạng Tháng Mười: bất cứ ai không ủng hộ chúng tôi là kẻ chống lại chúng tôi. Tất cả các hệ thống "giá trị tự do", các nguyên tắc tự do của không gian thông tin hoạt động một cách phiến diện: nhằm đảm bảo hoạt động trơn tru của các nguồn tin và phương tiện truyền thông của phương Tây. Tuy nhiên, các vấn đề nảy sinh khi nói về việc áp dụng nguyên tắc này đối với tất cả các bên để tạo ra điều kiện bình đẳng cho tất cả.
Một ví dụ điển hình là cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016
Các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ ở Washington không thể giải thích thất bại của họ trong cuộc bầu cử theo bất kỳ cách nào khác ngoài âm mưu của Nga. Sau đó, áp lực đối với giới truyền thông Nga đã tăng lên, Mỹ bắt đầu áp dụng "Luật đăng ký điệp viên nước ngòai" (FARA). Các phương tiện truyền thông của Nga và Trung Quốc có các kênh chương trình nước ngoài đều phải tuân theo luật này. Với tư cách là một đặc vụ nước ngoài, kênh RT của Nga buộc phải đăng ký tại Mỹ. Đài truyền hình quốc tế Trung Quốc CGTN cũng phải làm như vậy. Sau đó, các mạng xã hội toàn cầu ban đầu định vị mình là trung lập về mặt chính trị đã tích cực tham gia vào sáng kiến của các chính trị gia phương Tây. Facebook bắt đầu dán nhãn đặc biệt lên các tài khoản của các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc và Nga, báo cáo rằng, các cơ quan truyền thông này bị chính quyền kiểm soát. Twitter thậm chí còn đi xa hơn - họ bắt đầu xóa tài khoản của các tác nhân nước ngoài có thể gây tác động xấu, chủ yếu là người Trung Quốc và Nga.
Điều đáng chú ý là khi phương Tây tập thể phải đối mặt với phản ứng trước các hành động của mình, các sự kiện ngay lập tức bắt đầu được diễn giải theo cách hoàn toàn khác. Khi Nga phản ứng trước những hành động của Hoa Kỳ và đưa một số phương tiện truyền thông được tài trợ bởi chính quyền Hoa Kỳ vào danh sách “đại diện của nước ngoài”, Nhà Trắng bắt đầu khiển trách Liên bang Nga về việc kiểm duyệt và vi phạm quyền của công dân tự do truy cập đến nguồn tin. Hoá ra, hệ thống các giá trị tự do hoạt động một cách phiến diện và có chọn lọc.
Bây giờ, khi Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina, Ủy ban châu Âu chính thức tuyên bố cần phải cấm truyền thông Nga tại EU.
“Russia Today và Sputnik thuộc sở hữu nhà nước, cũng như các công ty con của họ, sẽ không thể tung tin dối trá nữa… Họ sẽ không thể tạo ra sự chia rẽ trong Liên minh của chúng ta”, - Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố.
Nói cách khác, theo bà Ursula von der Leyen, chỉ có một sự thật duy nhất được phân phối độc quyền bởi các phương tiện truyền thông do EU kiểm soát, và Brussels sẽ không cho phép người châu Âu nhận thông tin từ các nguồn khác để có được một cái nhìn thay thế về các sự kiện hiện tại.
Mất cân đối giữa nguồn lực của các phương tiện truyền thông của Nga và phương Tây
Trong khi đó, các phương tiện truyền thông Nga đang cố gắng đưa ra sự thật, có rất nhiều nhà báo làm việc tại chỗ, và có rất ít đại diện của các phương tiện truyền thông phương Tây trong khu vực, vì thế thông tin của họ không phù hợp với thực tế, vì vậy phương Tây hạn chế việc tiếp cận các phương tiện truyền thông Nga để loại bỏ sự mất cân bằng, - chuyên gia Wu Fei, giáo sư tại Đại học Báo chí và Truyền thông xã hội Tế Nam, nói với Sputnik:
“Nguyên nhân chính là sự mất cân đối giữa nguồn lực của các phương tiện truyền thông của Nga và phương Tây nhằm đưa tin về vấn đề này. Về vấn đề Ukraina, các phương tiện truyền thông Nga đang cố gắng đưa ra một bức tranh thực tế, phản ánh hiện thực khách quan. Rất nhiều phóng viên Nga tác nghiệp tại hiện trường. Các phương tiện truyền thông phương Tây, ngược lại, có rất ít phóng viên ở đó. Đương nhiên, điều này dẫn đến thực tế là các báo cáo của truyền thông phương Tây không tương ứng nhiều với thực tế. Và khán giả lại có nhu cầu lớn về thông tin này. Các phương tiện truyền thông Nga có nguồn tài nguyên lớn nên cường độ luồng dữ liệu từ các phương tiện truyền thông Nga cao hơn nhiều so với các phương tiện truyền thông phương Tây”.
Những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu ban đầu đã đứng ngoài chính trị và đã được tạo ra như một nền tảng trung lập để nhận một số dịch vụ kỹ thuật số nhất định hoặc làm nền tảng để giao tiếp và thể hiện bản thân. Nhưng hiện nay các tập đoàn này đang tích cực tham gia vào việc hình thành các câu chuyện và thậm chí có lập trường chính trị rõ rệt. Trong cuộc hỗn loạn ở Hồng Kông vào năm 2019, Twitter đã đình chỉ khoảng 200.000 tài khoản hoạt động từ các địa chỉ IP của Trung Quốc đại lục. Những người dùng này chủ yếu bày tỏ sự ủng hộ đối với các nhà chức trách CHND Trung Hoa và chỉ trích phong trào đối lập ở Hồng Kông. Khi đó, Facebook cũng bắt đầu xóa các tài khoản được cho là giả mạo của người dùng đăng nội dung liên quan đến các cuộc biểu tình ở Hồng Kông. Facebook gọi những tài khoản này có liên kết với chính phủ Trung Quốc. Sau đó, Google đã vào cuộc, đóng cửa 210 kênh YouTube. Google đã nói thẳng ra rằng, họ ủng hộ các đồng nghiệp BigTech khác đang tích cực chống lại "hoạt động gây ảnh hưởng" được cho là do chính quyền Trung Quốc khởi xướng.
Các biện pháp tương tự đang được áp đặt lên các phương tiện truyền thông Nga
Ngoài Meta, công ty mẹ của Facebook, Youtube cũng thông báo rằng, các kênh RT và Sputnik đang bị chặn trên khắp châu Âu. Do đó, những gã khổng lồ công nghệ đã trở thành những tác nhân trong quá trình chính trị. Núp bóng bảo vệ các giá trị tự do và độc lập, họ thúc đẩy lợi ích kinh tế hoặc chính trị của một số nhóm nhất định. Tuy nhiên, nhiệm vụ chính của báo chí và các phương tiện truyền thông là truyền tải thông tin khách quan nhất, không mang màu sắc tư tưởng, hoạt động bằng sự thật chứ không phải bằng suy đoán, tạo cơ hội để bày tỏ những ý kiến khác nhau. Điều này cũng ngụ ý đến nguyên tắc tự do ngôn luận, một nguyên tắc mà các chính trị gia phương Tây luôn nhiệt tình bảo vệ nhưng rất dễ từ bỏ nó khi lợi ích cá nhân của họ không phù hợp với nguyên tắc này.