Như Sputnik đã đưa tin, không chỉ chiếm thị phần lớn trong ngành thép ở cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu, Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) của tỷ phú Trần Đình Long còn dẫn đầu thị trường cung cấp nguồn thịt bò Úc với thị phần 50%. Bên cạnh đó, Tập đoàn Hòa Phát còn đầu tư mạnh vào lĩnh vực bất động sản.
Tỷ phú Trần Đình Long bứt phá như thế nào?
“Ông Trùm” Trần Đình Long "phất” lên từ khi HPG bước chân vào lĩnh vực thép xây dựng năm 200. Kể từ đó, HPG lớn mạnh và liên tục ghi nhận sản lượng, thị phần thép tăng mạnh.
Trong tháng 1/2022, sản lượng thép xây dựng bán tăng gấp đôi so với cùng kỳ, trên 380 nghìn tấn. Bên cạnh đó, xuất khẩu thép cũng tăng gấp 3 lần.
Thị phần thép xây dựng Hòa Phát tại Việt Nam tăng gần 6% trong vòng một năm lên 36,3%. Trong khi thép xuất khẩu chiếm 50% toàn ngành.
Tuy cổ phiếu HPG giảm giá nhiều so với đỉnh cao lịch sử ghi nhận hồi cuối 2021, tỷ phú Trần Đình Long lọt top 1.000. Trong khoảng 1 tháng qua, HPG hồi phục khá mạnh từ mức 40.000 đồng/cp lên mức 47.000 đồng/cp như hiện tại. Hồi tháng 11/2021, HPG ở mức 58.000 đồng/cp.
Ngoài ra, Tập đoàn Hòa Phát cũng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Hòa Phát Dung Quất 2, với tổng mức đầu tư lên đến 85.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2024.
Ông Trần Đình Long vào danh sách những tỷ phú giàu nhất hành tinh của Forbes kể từ 2018 và cuối 2020 vượt qua CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo trở thành người giàu thứ hai trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong khi đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng nằm trong top 500 người giàu nhất hành tinh với tài sản 6,1 tỷ USD.
Thép vẫn là 1 trong 3 ‘át chủ bài’ của tỷ phú Long
Như đã đề cập ở trên, việc Tập đoàn Hòa Phát trúng thầu đầu tư Dự án Hòa phát Dung Quất 2 thì ông Trùm ngành thép có thể tiếp tục tăng sản lượng thép và xuất khẩu trong vài năm tới đây.
Chính biến động chính trị thế giới mà điển hình là Nga, quốc gia xuất khẩu thép lớn nhất thế giới, đang chịu các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ và EU thì việc xuất khẩu thép của hai nước vào EU sẽ tụt giảm. Qua đó tạo ra sự thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất thép của các nước khác trên thế giới.
Theo VNDirect, Việt Nam có thể trở thành công xưởng sản xuất thép mới của thế giới với cơ hội tăng trưởng xuất khẩu rất thép lớn, trong bối cảnh Trung Quốc giảm sản lượng với nhiều chính sách gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành thép nước này.
Theo phân tích của giới chuyên gia, căng thẳng tại Ukraina lại là điều kiện thuận lợi để cổ phiếu ngành thép tăng giá. Thấy rõ trong thời gian gần đây, các cổ phiếu như Thép Nam Kim (NKG), Thép Tiến Lên (TLH), Tôn Hoa Sen (HSG), Thép SMC... đồng loạt tăng trần.
Hiện ngành thép Việt Nam đang sở hữu những điều kiện kinh doanh thuận lợi, bao gồm nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn tại Việt Nam, tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam còn thấp và việc tiêu thụ thép bình quân đầu người của Việt Nam vẫn đang thấp hơn mức trung bình của châu Á.
Với các phân tích trên thì việc các doanh nghiệp thép được hưởng lợi có thể dự đoán được.
Trong báo cáo gần đây của Knight Frank, số lượng người siêu giàu của Việt Nam đang gia tăng mạnh và sẽ tiếp tục bứt phá. Số người có tài sản trên 30 triệu USD (khoảng 680 tỷ đồng) ở Việt Nam sẽ vượt mốc 1.500 vào 2026.