Việt Nam có thể thành công xưởng sản xuất thép mới của thế giới thay thế Trung Quốc?
14:44 01.03.2022 (Đã cập nhật: 15:48 01.03.2022)
© Ảnh : Quốc Khánh - TTXVNHoạt động sản xuất phôi thép tại Công ty TNHH Khoảng sản Luyện kim Việt - Trung
© Ảnh : Quốc Khánh - TTXVN
Đăng ký
VNDIRECT (VND), Chứng khoán Bản Việt (VCSC) của bà Nguyễn Thanh Phượng đang khá lạc quan về tăng trưởng ngành thép Việt Nam trong bối cảnh thị trường thế giới nhiều bất ổn do biến động chính trị, xung đột như hiện nay.
Đặc biệt, VNDIRECT còn cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành công xưởng sản xuất thép mới của thế giới thay thế Trung Quốc.
Trong một diễn biến liên quan, “vua thép” Việt Nam – tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát (HPG) đã vào top 1000 người giàu nhất thế giới, vượt qua vị trí xếp hạng phía trên của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, bám đuổi ngôi vị số một người giàu nhất Việt Nam – Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng.
Công xưởng thép mới của thế giới thay thế Trung Quốc
Báo cáo mới nhất của Khối phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VND) dự báo về cơ hội hiếm có của ngành thép Việt Nam.
Theo VNDIRECT trong báo cáo ngành thép hồi trung tuần tháng 2 cho thấy, Việt Nam đang đứng trước thời cơ có thể trở thành công xưởng sản xuất thép mới của thế giới, thay thế vị thế dẫn đầu của Trung Quốc, quốc gia sản xuất đến 45% sản lượng thép thô toàn cầu năm 2021 vừa qua.
Sputnik Việt Nam tin rằng, với các điều kiện “thiên thời – địa lợi – nhân hòa”, nhiều khả năng, ngành thép Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng đột phá và khẳng định vị thế của mình trên thị trường thép toàn cầu.
Theo công bố của VNDIRECT, dù có sự sụt giảm đáng kể so với mức đỉnh thiết lập hồi quý 3/2021, ngành thép Việt Nam vẫn đang trong xu hướng tăng trưởng, đặc biệt đứng trước cơ hội lớn từ xuất khẩu ra thế giới.
Phân tích của VNDIRECT dựa trên nhiều cơ sở, trong đó quan trọng nhất là việc Trung Quốc hiện đang thực hiện hàng loạt chính sách gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành thép đất nước tỷ dân.
Trong đó, Trung Quốc đã loại bỏ hoàn toàn thuế VAT 13% đối với 146 sản phẩm thép từ tháng 5/2021, giảm thuế nhập khẩu thép thô, gang và thép phế xuống 0% từ tháng 5/2021. Chính quyền Bắc Kinh còn áp dụng lệnh cấm nhập khẩu than từ Australia khiến các nhà máy thép Trung Quốc khó tiếp cận được nguồn nguyên liệu giá rẻ.
Đồng thời, cũng là điểm nhấn cần lưu ý, Trung Quốc đang theo đuổi mục tiêu giảm 65% lượng khí thải CO2 trên mỗi đơn vị GDP so với mức của năm 2005, trọng tâm sẽ buộc giảm sản lượng các ngành sản xuất công nghiệp nặng, trong đó có thép, theo những cam kết với quốc tế.
Cùng với đó, VNDIRECT cũng đánh giá xu hướng các nước phát triển (Mỹ, EU, Nhật Bản) ngày càng chiếm tỷ trọng thấp trong tổng sản lượng thép sản xuất.
Ở chiều ngược lại, VND cho rằng xu hướng sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi các nước đang phát triển có nhu cầu xây dựng lớn, khuyến khích các nhà sản xuất trong nước tham gia.
“Sau một thời gian phát triển công nghiệp nặng, các nước phát triển sẽ tập trung vào sản xuất xanh, nhằm bảo vệ môi trường khiến chi phí sản xuất của họ tăng lên”, VNDIRECT nhấn mạnh xu hướng.
Chi phí nhân công cũng là yếu tố quan trọng. Theo VNDIRECT, giá nhân công cũng cao hơn so với các nước đang phát triển. Hệ quả là sức cạnh tranh của ngành thép ở các nước phát triển ngày càng giảm.
Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), thực tế tương tự đang xảy ra tại Trung Quốc, khi thu nhập bình quân của công nhân nước này đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 2000.
“Do đó, VNDIRECT cho rằng điều này sẽ mở ra cơ hội phát triển cho ngành thép của các nước đang phát triển với giá nhân công thấp, trong đó có Việt Nam”, báo cáo lưu ý.
Giành “miếng bánh” thị phần ngành thép
Báo cáo mới công bố của VNDIRECT cũng ghi nhận, các nhà sản xuất thép Việt Nam tăng mạnh xuất khẩu trong năm qua, hầu hết xuất phát từ nhu cầu mạnh mẽ từ các thị trường xuất khẩu chủ chốt như Trung Quốc (đối với thép dài), EU và các nước Bắc Mỹ (đối với thép dẹt).
Trong thời gian sắp tới, VND đánh giá, nguồn cung xuất khẩu có khả năng thiếu hụt do những diễn biến liên quan đến Trung Quốc và lợi thế chi phí nhân công giá rẻ sẽ tạo cơ hội rất tốt cho các nhà sản xuất thép Việt Nam nâng cao vị thế của mình trên thị trường toàn cầu.
“Với triển vọng nhu cầu thép nội địa lớn và khả năng tranh giành "miếng bánh" thị phần từ thép Trung Quốc, chúng tôi cho rằng các cổ phiếu thép xứng đáng là các khoản đầu tư dài hạn tiềm năng”, báo cáo nhấn mạnh.
Tính đến ngày 28/1/2022, trung bình giá cổ phiếu các công ty thép đã giảm mạnh 33,1% so với ngày 1/11/2021, thấp hơn đáng kể hiệu suất của VN-Index (+2,8%) trong cùng thời kỳ phản ảnh lo ngại của nhà đầu tư về sự suy giảm của tăng trưởng lợi nhuận ròng và giá bán thép thấp hơn. Theo đó, định giá P/E của các cổ phiếu thép đang ở vùng thấp nhất 4 năm.
Theo VND, dù đã hồi phục đáng kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, định giá các cổ phiếu thép hiện vẫn đang ở mức khá an toàn. Thêm vào đó, nếu xét trong bối cảnh hiện tại, ngành thép Việt Nam đang có điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn chu kỳ trước đó.
Báo cáo hôm 18/2 của VNDIRECT về ngành thép tham chiếu Fitch Solutions dự báo trung bình giá thép toàn cầu sẽ giảm từ 950 USD/tấn của năm 2021 xuống 750 USD/tấn trong năm 2022 và 535 USD/tấn trong giai đoạn 2023-2025 do nhu cầu thép cho ngành xây dựng Trung Quốc suy yếu khi các dự án xây dựng hạ tầng giảm dần. Do đó, các doanh nghiệp thép của Việt Nam đang ở vị thế khác so với chu kỳ trước.
Vì sao ngành thép Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh?
Theo VNDIRECT, thứ nhất, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn tại Việt Nam. Điển hình, theo Bộ GTVT, Chính phủ đang đặt mục tiêu cả nước sẽ sở hữu 3.000 km cao tốc đến cuối năm 2025 (từ mức 1.163 km cao tốc hiện nay). Trong kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, số vốn ước tính cũng tăng thêm 43,5% so với giai đoạn 5 năm trước đó. Ngoài ra, trong năm 2022, chi tiêu công vào phát triển cơ sở hạ tầng sẽ được đẩy mạnh thời gian tới và sự nóng lên của thị trường bất động sản nhà ở sẽ giúp sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Việt Nam tăng 10-15% so với cùng kỳ. Với tôn mạ, sản lượng tiêu thụ tôn mạ của Việt Nam được kỳ vọng tăng nhẹ 5% trong năm 2022.
Thứ hai, tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam còn thấp. Tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam đã tăng nhanh chóng kể từ năm 1990 và đạt 37% vào năm 2020, nhưng vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Theo dự báo của Liên hợp quốc, dân số thành thị của Việt Nam sẽ vượt qua dân số nông thôn vào năm 2050.
“Sự dịch chuyển dân cư ra thành thị sẽ kéo theo nhu cầu xây dựng nhà ở gia tăng, kích thích nhu cầu sử dụng thép trong xây dựng dân dụng”, báo cáo lưu ý.
Thứ ba, tiêu thụ thép bình quân đầu người của Việt Nam vẫn đang thấp hơn mức trung bình của châu Á. Theo số liệu của Hiệp hội thép Thế giới (WSA), tiêu thụ thép bình quân đầu người của Việt Nam là 283 kg, cao hơn mức trung bình thế giới là 245kg, nhưng thấp hơn mức trung bình châu Á là 316 kg. Mặt khác, tăng trưởng kép tiêu thụ thép bình quân đầu người của Việt Nam cũng đặt tốc độ ấn tượng 7.3% trong giai đoạn 2009-19, gấp lần lượt 4 lần so với tốc độ trung bình của thế giới.
Do đó, trong năm 2022, nhu cầu thép của các thị trường xuất khẩu kỳ vọng tiếp tục được duy trì ở mức cao. VNDIRECT nhấn mạnh rằng, nhu cầu thép thế giới đã tăng đáng kể từ quý 1/2021 khi hàng loạt quốc gia đã phê duyệt và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng.
“Xu hướng này sẽ tiếp tục tiếp diễn tối thiểu đến hết nửa đầu năm 2022, qua đó kích thích các nhà sản xuất thép Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu”, VND khẳng định.
Diễn biến thị trường thép năm 2022 theo xu hướng nào?
Trên thực tế, thị trường thép Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022.
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cũng nhận định năm 2022 sẽ là một năm nhiều triển vọng với ngành thép khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu xây dựng hồi phục mạnh trở lại sẽ khiến mức tiêu thụ thép trong nước tăng.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) của bà Nguyễn Thanh Phượng tin rằng hoạt động xây dựng ở Việt Nam sẽ tăng trưởng bền vững trong dài hạn nhờ được thúc đẩy bởi xu hướng đô thị hóa đang diễn ra trên toàn quốc.
Do đó, nhu cầu vật liệu xây dựng của Việt Nam (bao gồm cả thép) vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng.
“Do Việt Nam đang trên đà mở cửa kinh tế, việc giải ngân sẽ tăng nhanh trong suốt năm 2022 và trở thành động lực chính cho nhu cầu vật liệu xây dựng vào năm 2022”, Chứng khoán Bản Việt lưu ý.
Thực tế, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá các nguyên, nhiên liệu sản xuất thép tăng trở lại ở mức cao khiến giá thép tăng cao. Các chuyên gia cũng cho rằng, cùng với giá nguyên liệu tăng, việc các dự án đầu tư công, bất động sản được đẩy tiến độ xây dựng, giá thép có thể tiếp tục duy trì đà tăng mạnh.
Cùng với đó, Hiệp hội Thép Việt Nam đánh giá cao Nghị quyết 01/NQ-CP được ban hành ngày 9/1/2022 với các giải pháp phát triển, phục hồi kinh tế xã hội, trong đó, 3 trọng tâm để duy trì đà tăng trưởng, khai thác các động lực tăng trưởng mới được Chính phủ xác định trong năm 2022 gồm: khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng.
“Doanh nghiệp thép được hưởng lợi từ cả 3 động lực trọng tâm trên”, VSA khẳng định.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT và các cơ quan, địa phương liên quan đẩy nhanh hơn nữa tiến độ chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư dự án xây dựng đư ờng bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025; tập trung đôn đốc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công xây dựng Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Đây đều là những động lực tăng trưởng ngành thép Việt Nam.
Báo cáo từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, trong tháng 1/2022, tình hình sản xuất thép xây dựng đạt kết quả tốt so với tháng trước và cùng kỳ 2021. Cụ thể, sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 1/2022 đạt hơn 1,12 triệu tấn, tăng 11,19% so với tháng 12/2021 và ngang mức cùng kỳ 2021. Tiêu thụ đạt hơn 1,05 triệu tấn, tăng 1,55% so với tháng trước đó và tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu thép trong tháng 1 đạt gần 232.000 tấn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.
Ngay từ đầu năm mới và kể cả trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn duy trì hoạt động xuất khẩu thép với sản lượng lớn qua các cảng biển. Điển hình như Sputnik đã thông tin, trong tháng 2/2022, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất đã ký hợp đồng xuất khẩu lô thép cuộn cán nóng (HRC) đầu tiên tới Italy với khối lượng 35.000 tấn.
Theo VSA, hiện có rất nhiều khách hàng nước ngoài muốn đặt mua HRC được sản xuất tại Việt Nam nhưng doanh nghiệp trong nước chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của thị trường do năng lực sản xuất mặt hàng này còn hạn chế.
Cùng với nhu cầu tăng cao về xây dựng, đầu tư, VSA dự báo, thị trường thép trong nước tăng trưởng 15-20% trong năm 2022.
Nhiều doanh nghiệp thép của Việt Nam vẫn đang tiếp tục tăng tích trữ hàng tồn kho ngành thép. Báo cáo tài chính doanh nghiệp cho hay, chốt tại thời điểm 31/12/2021, Tập đoàn Hòa Phát của “vua thép” Trần Đình Long là doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho nhiều nhất với 42.134 tỷ đồng, tăng thêm 60% so với hồi đầu năm.
Ngay sau đó là tập đoàn Hoa Sen với 12.349 tỷ đồng, cao gấp 2 lần so với đầu năm. NKG, TVN, TLH đều ghi nhận lượng hàng tồn kho tăng mạnh với những kỳ vọng vào tăng trưởng ngành thép năm 2022.
“Vua thép” Trần Đình Long vào top 1.000 người giàu nhất thế giới
Báo cáo thời gian thực – cập nhật realtime ngày 1/3 của Forbes cho thấy, “vua thép” Trần Đình Long của Việt Nam đã lần đầu tiên vào top 1000 người giàu nhất thế giới.
Khối tài sản của tỷ phú thép Việt đã tăng thêm 99 triệu USD (mức tăng 3,24%). Ông chủ thép Hòa Phát đang sở hữu tài sản hơn 3,2 tỷ USD theo The real-time billionaires list của Forbes.
Việt Nam có 6 tỷ phú USD. Ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch HĐQT Vingroup) vẫn đang là người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản 6,2 tỷ USD và đứng thứ 445 trong danh sách toàn cầu.
Ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT Thép Hòa Phát) đứng thứ hai Việt Nam với tài sản 3,2 tỷ USD và đứng thứ 999.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, lãnh đạo VietJet Air là người giàu thứ ba theo danh sách, với tài sản 2,9 tỷ USD và đứng thứ 1116 toàn cầu.
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank xếp thứ 4 với 2,5 tỷ USD, đứng thứ 1265 người giàu nhất thế giới.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan, có 2,1 tỷ USD, đứng thứ 1519, thứ 5 trong danh sách.
Ông Trần Bá Dương (Chủ tịch HĐQT Thaco) và gia đình đứng thứ sáu, với 1,6 tỷ USD, đứng thứ 1904 toàn cầu. Cần nhấn mạnh, xếp hạng real-time sẽ thay đổi theo thời gian.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tỷ phú Trần Đình Long vượt qua vị trí của nữ tỷ phú tự thân Nguyễn Thị Phương Thảo, vào top 1000 người giàu nhất thế giới kể từ khi chính thức được Forbes công bố trong danh sách những tỷ phú USD hàng đầu của Việt Nam.